Các yếu tố nguy cơ gây nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Văn Quảng - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Theo Mehl AL, Thomson V. The Colorado newborn hearing screening project, 1992-1999: on the threshold of effective population-based universal newborn hearing screening. Pediatrics. 2002 Jan;109(1):E7. 1-3 trẻ nghe kém /1000 trẻ chào đời. Nghe kém, giảm thính lực ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gây ảnh hưởng tới quá trình học nói, giao tiếp bằng ngôn ngữ của trẻ. Nhiều trường hợp nghe kém nặng, điếc,... có thể bị câm, ảnh hưởng rất lớn tới tương lai.

1. Nghe kém là gì?

Về giải phẫu, tai gồm có 3 phần chính là tai ngoài , tai giữa và tai trong. Về sinh lý nghe, âm thanh sẽ đi vào tai ngoài, qua tai giữa, tai trong, qua dây thần kinh ốc tai tới thân não, lên vỏ não và được giải mã. Từ đó, con người sẽ hiểu được đó là âm thanh gì, có ý nghĩa gì.

Nghe kém ở trẻ là tình trạng sức nghe của trẻ bị giảm so với bình thường. Trẻ không nghe được tiếng nói thầm hoặc các âm thanh rất nhỏ. Với trẻ em, ngưỡng nghe bình thường trên thính lực đơn âm là ≤15dB. Nếu ngưỡng nghe lớn hơn 15dB được gọi là nghe kém.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 5% dân số, tương đương 430 triệu người trên thế giới bị nghe kém. Trong đó, có 32 triệu trẻ em dưới 15 tuổi có sức nghe kém - hiện tượng giảm một phần hoặc toàn bộ khả năng cảm nhận âm thanh.

Nghe kém được phân chia thành nhiều mức độ khác nhau, từ nhẹ tới trung bình nhẹ, trung bình nặng, nặng và điếc. Nghe kém có thể do bẩm sinh, do tai biến sản khoa trong khi sinh hoặc do mắc phải các nguyên nhân khác sau khi sinh.

Trẻ nghe kém
Nghe kém được phân loại thành 5 mức độ: nhẹ, trung bình nhẹ, trung bình nặng, nặng và điếc

2. Yếu tố nguy cơ nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây nghe kém ở trẻ em, cụ thể là:

2.1 Nguyên nhân bẩm sinh

  • Di truyền: Là nguyên nhân hàng đầu gây nghe kém ở trẻ sơ sinh. Có khoảng 50% các trường hợp nghe kém bẩm sinh là do di truyền. Một số nghiên cứu cho thấy, các gia đình có bố hoặc mẹ bị nghe kém thì con của họ cũng có nguy cơ nghe kém cao hơn so với những đứa trẻ có bố, mẹ khỏe mạnh khác;
  • Thời kỳ mang thai của người mẹ
    • Nếu người mẹ bị một số bệnh nhiễm trùng như Rubella, herpes hoặc giang mai trong thời kỳ mang thai thì trẻ có thể bị nghe kém hoặc điếc;
    • Bà mẹ mang thai sử dụng một số loại thuốc gây ngộ độc như thuốc điều trị sốt rét, thuốc lợi tiểu, nhóm aminoglycosides, cytotoxic cũng có thể gây nghe kém cho thai nhi sau khi trẻ ra đời;
    • Nhiễm trùng ối trước khi sinh;
    • Có một số dị tật khác ở tim, mắt, vành tai, ống tai, đường chân tóc thấp, không có nhân trung,...

2.2 Nguyên nhân tai biến sản khoa trong khi sinh

  • Sinh non, cân nặng sơ sinh thấp: Nếu trẻ sinh non, có cân nặng lúc sinh thấp (dưới 1500g) thì có nguy cơ gặp vấn đề về suy giảm thính lực cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Bên cạnh đó, trẻ có cân nặng thấp thường đi kèm với các yếu tố nguy cơ khác như vàng da tăng bilirubin tự do, suy hô hấp cần thở máy, nhiễm trùng huyết, xuất huyết trong não thất,... nên càng tăng nguy cơ nghe kém ở trẻ sơ sinh;
  • Trẻ bị vàng da sau sinh: Tình trạng tăng bilirubin tự do có thể gây tổn thương nhân thần kinh thính giác thân não, có thể phá hủy dây thần kinh thính giác và tế bào hạch ốc tai. Vàng da nặng ở trẻ sơ sinh có thể gây tổn thương thần kinh nghe, dẫn tới nghe kém ở trẻ;
Trẻ sơ sinh bị vàng da
Vàng da sau sinh cũng là một trong số những nguyên nhân gây tình trạng nghe kém ở trẻ
  • Thiếu oxy khi sinh: Tình trạng thiếu oxy ở trẻ cũng có liên quan chặt chẽ với nguy cơ suy giảm thính lực. Cụ thể, khi có đủ oxy và tưới máu bình thường thì chức năng của ốc tai sẽ được đảm bảo. Ở những trẻ sơ sinh bị thiếu oxy hoặc bị ngạt, các tế bào hạch ốc tai sẽ bị ảnh hưởng. Với trẻ bị thiếu oxy nặng, ốc tai có thể bị tổn thương nặng, gây ảnh hưởng tới thính lực của trẻ.

2.3 Nguyên nhân mắc phải sau khi sinh

  • Nhiễm khuẩn:
    • Viêm tai mạn tính: Các xương con nằm trong tai giữa có nhiệm vụ dẫn truyền, tăng năng lượng sóng âm từ tai ngoài vào tai trong. Với trẻ bị viêm tai giữa, dịch hoặc mủ bị ứ đọng trong hòm nhĩ sẽ làm cản trở sự rung động của chuỗi xương con, khiến năng lượng sóng âm bị hao hụt, dẫn tới sức nghe bị giảm. Tình trạng này được gọi là nghe kém dẫn truyền, thường ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Đây là nguyên nhân quan trọng gây nghe kém và điếc ở trẻ em;
    • Viêm màng não: Có khoảng 10% trẻ em sau khi mắc viêm màng não có di chứng nghe kém ở các mức độ khác nhau. Về cơ chế gây bệnh, khi trẻ bị viêm màng não, não và màng não sẽ bị phù, làm giảm oxy tới các tế bào thần kinh, gây tổn thương không hồi phục cho các tế bào thần kinh. Trẻ bị viêm màng não mủ có nguy cơ bị điếc cao, có thể bị điếc chỉ sau một vài ngày mắc bệnh;
  • Chấn thương: Các chấn thương vùng đầu và tai là một trong những yếu tố nguy cơ nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chấn thương có thể gây nghe kém tạm thời hoặc nghe kém vĩnh viễn. Về cơ chế gây bệnh, các chấn thương vùng đầu làm tổn thương não, màng não, thủng màng nhĩ, ảnh hưởng tới cấu trúc của tai trong, dẫn tới nghe kém;
  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc kháng sinh (đặc biệt là gentamicin và tobramycin) có thể gây ảnh hưởng tới bộ phận ốc tai và tiền đình. Chúng gây chết tế bào lông, làm gián đoạn sự dẫn truyền các tín hiện điện của các synap thần kinh hoặc phá hủy các tế bào thần kinh và tế bào ốc tai, gây nghe kém ở trẻ;
  • Tiếng ồn: Tiếng ồn có cường độ trên 115dB có thể gây nghe kém, điếc ở trẻ em dù chỉ tiếp xúc 1 lần trong 3 - 15 phút. Những âm thanh có cường độ trên 100dB cũng có thể gây hại tới thính lực của trẻ nếu tiếp xúc trong thời gian dài;
  • Yếu tố nguy cơ khác: Độ tuổi, mắc bệnh quai bị, sởi, nút ráy tai, có dị vật rơi vào tai, bị u xơ thần kinh, động kinh,...
Thuốc
Một số loại thuốc kháng sinh như Gentamicin và Tobramycin có thể gây tình trạng nghe kém ở trẻ

3. Phương pháp sàng lọc nghe kém

Trẻ bị suy giảm thính lực nếu không được phát hiện và can thiệp sớm trước khi trẻ được 2 tuổi thì sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như trẻ bình thường. Điều này sẽ gây khó khăn cho trẻ trong giao tiếp, học tập, gây ảnh hưởng tới tâm lý của bé. Vì vậy, sàng lọc nghe kém sớm đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Sàng lọc thính giác cho trẻ sơ sinh nên thực hiện trong vòng 1 tháng sau khi sinh, chẩn đoán xác định trong vòng 3 tháng sau sinh và thực hiện can thiệp nếu trẻ bị nghe kém trong vòng 6 tháng sau sinh. Trong trường hợp không đảm bảo các mốc thời gian nêu trên thì cần thực hiện sớm nhất khi có thể.

Có thể phát hiện nghe kém ở trẻ bằng cách:

  • Quan sát, thấy trẻ không phản ứng với các âm thanh, đặc biệt là các âm thanh lớn; không hóng chuyện, chậm nói hoặc không nói được;
  • Đo âm ốc tai kết hợp đo điện thính giác thân não.

Lưu ý: Cần thực hiện sàng lọc ít nhất 2 - 3 lần bằng các phương pháp khác nhau để xác định chẩn đoán. Đồng thời, cần chẩn đoán phân biệt nghe kém với các vấn đề khác như: trẻ mải chơi, không để ý tới âm thanh, nói ngọng do các nguyên nhân khác, rối loạn hành vi (tăng động, kém tập trung, tự kỷ hoặc chậm phát triển trí tuệ).

4. Biện pháp phòng ngừa nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Có thể phòng ngừa nghe kém được trong một số trường hợp. Các biện pháp như sau:

  • Phụ nữ mang thai cần được chăm sóc kỹ về chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi, tránh suy dinh dưỡng bào thai;
  • Bà bầu cần tiêm phòng theo các chương trình tiêm chủng đặc biệt với các bệnh có thể gây nghe kém bẩm sinh ở trẻ;
  • Theo dõi và đăng ký sinh ở các cơ sở y tế có chuyên môn cao, đề phòng các tai biến sản khoa;
  • Phòng tránh nhiễm trùng sau sinh như viêm phổi, viêm màng não, viêm não,...;
  • Phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh lý viêm nhiễm tai mũi họng;
  • Phát hiện, điều trị sớm các trường hợp vàng da sơ sinh bệnh lý;
  • Phòng chống nghe kém do tác dụng phụ của thuốc, chấn thương, tiếng ồn,...

5. Điều trị nghe kém ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

trẻ đi khám
Nếu nghi ngờ trẻ nghe kém cần đưa trẻ đi sàng lọc khiếm thính ngay

Nghe kém do các bệnh lý tai giữa và tai ngoài có thể được điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị thành công còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, cơ địa của trẻ, mức độ nghe kém,...

Trẻ mắc bệnh lý tai trong hoặc bệnh lý tai giữa có thể sử dụng các thiết bị hỗ trợ phục hồi chức năng nghe như máy trợ thính, điện cực ốc tai. Hiệu quả của các thiết bị hỗ trợ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nguyên nhân gây nghe kém, mức độ nghe kém, thời điểm can thiệp, chất lượng thiết bị, thời gian đeo máy, môi trường nghe, sự hỗ trợ của gia đình, sự phối hợp của trẻ,...

Nếu được phát hiện nghe kém, mất thính lực muộn, trẻ có thể gặp khó khăn trong phát âm, phát triển ngôn ngữ và nhận thức so với trẻ khỏe mạnh bình thường, thậm chí phải gánh chịu những khuyết tật vĩnh viễn như câm, điếc. Vì vậy, cần cho bé tham gia khám sàng lọc khiếm thính sớm, khi nghi ngờ trẻ bị nghe kém phải đi khám chuyên sâu để can thiệp điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

25.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan