Chăm sóc bà mẹ có HIV ngay khi vừa sinh con

Mang thai là một hành trình đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng vô cùng hạnh phúc. Với những bà mẹ chẳng may bị nhiễm HIV, hành trình ấy lại càng khó khăn hơn gấp vạn lần với biết bao nỗi lo từ sức khỏe cho đến tương lai của bé.

1. Thai phụ bị nhiễm HIV có nguy cơ phải đối mặt với điều gì?

  • Đối với sức khỏe người mẹ:

Người mẹ mang thai khi bị nhiễm HIV có nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Ngoài ra, thai phụ cũng dễ gặp phải các biến chứng thai kỳ như chuyển dạ trước ngày dự sinh, tăng huyết áp, đái tháo đường,...

  • Đối với sức khỏe của bé:

Người mẹ bị nhiễm HIV có thể lây nhiễm virus HIV sang cho con. Bên cạnh đó, các bệnh nhiễm trùng mà người mẹ mắc phải cũng có thể truyền sang cho em bé và đe dọa đến tính mạng của trẻ. Không những vậy, tất cả các chức năng trên cơ thể của bé đều có thể bị ảnh hưởng.

2. Phụ nữ mang thai nên làm gì khi bị phát hiện nhiễm HIV?

  • Khi nghi ngờ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai, tất cả thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt (trong 3 tháng đầu). Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, thai phụ có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
  • Trường hợp bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV muốn mang thai thì cần đảm bảo sức khỏe tốt trước khi mang thai.
  • Nếu phụ nữ mang thai khi bị nhiễm HIV và chưa được điều trị bằng ARV, nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm phù hợp để điều trị dự phòng nhằm ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV sang cho con.
  • Nếu bạn đang được điều trị ARV cho phụ nữ mang thai, bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để trao đổi về các loại thuốc có thể uống trong thời kỳ mang thai. Tùy thuộc thời điểm xác định HIV dương tính vào giai đoạn nào của thai kỳ, các bác sĩ sẽ có chỉ định dự phòng phù hợp và việc dùng thuốc điều trị ARV sẽ được thực hiện theo phác đồ riêng.
  • Khi chuyển dạ, cần hạn chế tối thiểu các chấn thương cho thai phụ và cho trẻ: đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối khi đỡ đẻ, không được rạch màng ối sớm, hạn chế can thiệp gây chảy máu đường sinh dục trong thời gian khi sinh, tránh các thủ thuật can thiệp dễ gây tổn thương da cho thai nhi,...
  • Sau khi sinh, hãy nuôi trẻ bằng sữa ngoài thay thế sữa mẹ để tránh nguy cơ lây nhiễm HIV từ sữa mẹ.
  • Đảm bảo trẻ được xét nghiệm chẩn đoán sớm HIV khi được 4 - 6 tuần tuổi.
  • Nếu bé được chẩn đoán mắc HIV, cả mẹ và bé đều nên dùng thuốc điều trị HIV theo chỉ định.
HIV mang thai
Phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV

3. Chăm sóc bà mẹ có HIV ngay khi vừa sinh con

  • Bác sĩ và ý tá đề phòng chảy máu gây nhiễm khuẩn cho sản phụ nhiễm HIV và đề phòng lây truyền HIV cho ekip đỡ đẻ và cộng đồng.
  • Nếu trước đó đang điều trị ARV cho phụ nữ mang thai thì sau khi sinh nên tiếp tục điều trị. Nếu chưa điều trị thì bắt đầu phác đồ điều trị.
  • Tư vấn, chuyển đến cơ sở hoặc trung tâm chăm sóc, điều trị HIV. Đồng thời, hỗ trợ điều trị tốt.
  • Tư vấn cho sản phụ cách thức nuôi con an toàn, đề phòng lây truyền HIV sang cho con.

Bên cạnh đó, những bà mẹ mang thai bị nhiễm HIV ngay khi vừa sinh con, việc chăm sóc tương tự như những ca sản khoa khác. Cụ thể:

  • Sau sinh, người mẹ phải ăn nhiều bữa, ăn nhiều thức ăn giàu năng lượng, ăn uống cân bằng đủ chất để chống lại bệnh tật... Bên cạnh đó sau khi sinh con người mẹ cần chú ý giữ vệ sinh răng miệng để phòng ngừa bệnh răng, miệng.
  • Vận động sớm có thể thúc đẩy sự hồi phục của cơ thể, giúp khí huyết lưu thông, có lợi cho việc co bóp và trở về vị trí cũ của tử cung, đưa máu đẻ thoát ra ngoài, từ đó giảm khả năng nhiễm khuẩn và nhiễm trùng cơ hội (đặc điểm phổ biến nhất ở bệnh HIV).
  • Vài ngày sau sinh, thai phụ có cảm giác toàn thân dấp dính do mồ hôi, cảm thấy bứt rứt khó chịu, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh, lúc này hãy tắm nhanh, nhưng chỉ nên tắm đứng không nên tắm bồn.
  • Móng tay mọc dài có thể chứa nhiều cáu bẩn, vi khuẩn. Khi chăm sóc con có thể vô ý làm xước da bé gây nhiễm khuẩn da và đặc biệt là virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ. Vì vậy người mẹ và người chăm sóc em bé cần phải thường xuyên cắt móng tay và giữ vệ sinh sạch sẽ cho đôi tay.
  • Thông gió trong phòng thực sự quan trọng và cần thiết. Cần giữ không khí trong lành trong phòng, giảm thiểu sự sinh sôi nảy nở của vi khuẩn.
Nhiễm trùng huyết ở bà mẹ sau sinh: Nhiễm khuẩn sản khoa nguy hiểm
Bà mẹ có HIV ngay sau khi sinh con cần được chăm sóc đặc biệt

4. Lưu ý dành cho người chăm sóc sản phụ nhiễm HIV

Trong quá trình chăm sóc sản phụ nhiễm HIV, bác sĩ và người nhà bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:

  • Để sản phụ dùng riêng một số đồ dùng cá nhân như: khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, dụng cụ nạo lưỡi, bấm móng tay, kim tiêm...
  • Mang găng tay cao su khi chăm sóc vết thương hở cho sản phụ, tránh tiếp xúc trực tiếp vì có khả năng cao lây nhiễm HIV.
  • Các dụng cụ như khăn, quần áo... đã dính máu của sản phụ nhiễm HIV cần phải được ngâm nước Javen (0,1 – 0,5%) trong 30 phút trước khi giặt lại bằng xà phòng.
  • Khi bị dính máu hoặc dịch tiết của sản phụ bị HIV, người chăm sóc cần rửa tay bằng xà bông ngay và sát trùng lại bằng cồn. Sau khi xử lý, người thân của sản phụ có nhiễm HIV nên liên lạc với trung tâm y tế chuyên khoa để được hướng dẫn biện pháp phòng lây nhiễm.
  • Với các loại rác có máu, dịch tiết như giấy vệ sinh, bông, kim tiêm, băng gạc... cần cho vào 2 lần túi nilông, buộc lại trước khi bỏ vào thùng rác. Bên cạnh đó, người thân của thai phụ nhiễm HIV cũng nên làm việc với nhân viên vệ sinh, người thu gom rác để họ phân loại những loại rác y tế này với rác thường, tránh nguy cơ lây nhiễm HIV cho cộng đồng.
  • Ngoài ra, người chăm sóc sản phụ nhiễm HIV cần giữ cho tâm lý của bệnh nhân luôn ổn định vì những chấn động tâm lý có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan