Chảy máu mũi do dị dạng mạch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Huy - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Chảy máu mũi do dị dạng mạch là trường hợp ít gặp và khó xử trí nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.

1. Nguyên nhân chảy máu mũi do dị dạng mạch

Chảy máu mũi do dị dạng mạch nguyên nhân là do có dị dạng một mạch máu ở sâu trong hốc mũi. Khi những mạch máu này bị vỡ ra sẽ gây chảy máu mũi.

Dị dạng mạch máu mũi là sự phát triển bất bình thường cấu trúc hình thể của các mạch máu mũi có từ lúc phát triển phôi thai, xuất hiện từ khi sinh ra và không bao giờ tự mất đi.

Có 3 mức độ chảy máu mũi: Nhẹ, vừa và nặng. Cách xử trí khác hẳn nhau tùy thuộc vào mức độ.

Phôi thai
Dị dạng mạch máu mũi có từ lúc phát triển phôi thai và không bao giờ tự mất đi.

2. Chẩn đoán chảy máu mũi do dị dạng mạch

Cần xác định rõ với bệnh nhân chảy máu mũi từ bao giờ. Số lượng máu chảy trong 15 phút. Có tiền căn chảy máu răng, bầm da, ban xuất huyết.

Số lượng chảy máu mũi trong 15 phút:

  • Chảy máu mũi nhẹ (điểm mạch): 5ml.
  • Chảy máu mũi vừa (chảy từ trên xuống): 50ml.
  • Chảy máu mũi nặng (chảy ra phía sau): 300ml.

Các đề nghị xét nghiệm:

  • Công thức máu, xét nghiệm hematocrit máu (HCT), xét nghiệm tiểu cầu, thời gian chảy máu, thời gian máu đông.
  • Nhóm máu khi cần truyền máu.
  • Thời gian thromboplastin từng phần hoạt hóa (TCK: Thời gian cephalin kaolin), thời gian prothrombin (PT: Thời gian Quick), định lượng yếu tố VII, VIII, IX, X.
  • X-quang mũi xoang, sọ nghiêng (nếu nghi ngờ có nguyên nhân của vùng mũi họng).
  • Nội soi mũi khi chảy máu mũi tái phát nhiều lần hoặc chảy máu lượng nhiều.
Nội soi tai mũi họng
Nội soi mũi giúp chẩn đoán chảy máu mũi do dị dạng mạch

3. Điều trị chảy máu mũi do dị dạng mạch

Nguyên tắc điều trị đầu tiên là phải cầm máu cho bệnh nhân tiếp đến là điều trị nguyên nhân chảy máu mũi.

3.1 Cầm máu

Chảy máu mũi nhẹ: Ngồi đầu cúi về trước, dùng ngón trỏ và ngón cái bóp hai cánh mũi trong vòng 10 - 15 phút. Dùng bông hoặc bấc nhét vào tiền đình mũi nơi chảy máu. Có thể đốt điện lưỡng cực.

Chảy máu mũi vừa: Nhét mũi trước.

  • Dùng bấc hay merocel nhét vào hốc mũi đang chảy máu theo hệ thống đèn xếp từ trên xuống dưới, và từ trong ra ngoài.
  • Kiểm tra lại sau khi nhét bấc. Nếu không hết chảy máu có thể nhét mũi sau.

Chảy máu mũi nặng: Nhét mũi sau.

  • Dùng bông cầu tấn ở vùng vòm, sau đó nhét mũi trước như kỹ thuật trên. Cột hai dây của bông cầu vào một cái phao ở cửa mũi trước. Một sợi dây ở họng được dán băng keo ở má. Sợi này dùng để rút bông cầu sau này.
  • Kiểm tra kỹ sau nhét mũi sau. Sau 24 giờ, nếu không hết chảy máu phải thắt động mạch hàm trong hoặc động mạch cảnh ngoài. Có thể dùng bao cao su đặc biệt loại có eo ở giữa. Đưa vào mũi một phần ở vòm, eo ở cửa mũi sau và phần kia chiếm hốc mũi. Bơm phồng lên.

Cầm máu bằng phương tiện nội soi (nếu có phương tiện): Khi thất bại với các phương pháp trên:

  • Gây mê.
  • Nội soi tìm nơi chảy máu.
  • Đốt điện cầm máu.
  • Thắt động mạch bướm khẩu cái hay động mạch sàng trước.
Sơ cứu nếu bị chảy máu mũi khi mang bầu
Cầm máu khi chảy máu mũi nhẹ bằng bông, khăn

3.2 Kỹ thuật điều trị

  • Thời gian phẫu thuật: khoảng 60 – 90 phút.
  • Thực hiện phẫu thuật tại phòng mổ tiệt trùng.
  • Bác sĩ gây mê toàn thân, tiến hành nội soi tìm điểm chảy và xử trí.
  • Sau khi bơm rửa hút sạch máu đông tiến hành xác định vị trí dị dạng mạch máu mũi.
  • Dùng đông hút điện để hàn mạch máu.

3.3 Chăm sóc sau điều trị

Giảm đau bằng Paracetamol.

Kháng sinh: Amoxicillin, Cefalexin. Nếu dị ứng, dùng Erythromycin. Trong trường hợp nhét mũi sau, bệnh nhân uống rất khó, nên dùng Ampicillin tiêm từ 3 đến 7 ngày.

Theo dõi chảy máu, nhiễm trùng.

  • Rút nhét mũi trước 24 -48 giờ sau. Rút nhét mũi sau 72 giờ sau.
  • Ra viện: Sau khi rút bấc, bệnh ổn từ 1 đến 3 ngày.
  • Tái khám mỗi tuần cho đến khi ổn định.
Paracetamol
Sau điều trị có thể giảm đau bằng Paracetamol.

4. Cách sơ cứu chảy máu mũi do dị dạng mạch tại nhà

Đối với những những trường hợp chảy máu mũi do dị dạng mạch cần lưu ý:

  • Bệnh nhân phải ở tư thế ngồi, tuyệt đối không nằm, đầu hơi cúi ra trước, không được ngửa đầu ra sau để tránh máu chảy xuống họng, không được nuốt máu xuống dạ dày sẽ gây kích thích nôn. Dùng ngón tay ép chặt cánh mũi bên chảy từ 5 đến 10 phút.
  • Nếu sau đó vẫn chảy tiếp tục ép chặt cánh mũi 2 bên và đến ngay cơ sở y tế gần nhất (Không được nhét bông hay các dụng cụ khác vào mũi vì các thành phần của bông hay dụng cụ khác có thể làm kích thích chảy máu thêm).
  • Quá trình di chuyển phải có người nhà đi theo để có thể xử trí các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình di chuyển đến bệnh viện cũng như quá trình điều trị tại bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

794 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan