Công việc phải nói nhiều dễ bị khàn tiếng

Khàn tiếng là một tình trạng rất phổ biến ở cả người lớn là trẻ em, ước tính có khoảng 1/3 dân số thế giới bị khàn tiếng ít nhất 1 lần trong đời. Có một số ngành nghề đặc thù khiến nhiều người phải sử dụng giọng nói liên tục và do đó nguy cơ bị khàn tiếng sẽ cao hơn.

1. Khàn tiếng là gì?

Khàn tiếng là tình trạng thay đổi bất thường về giọng nói, giọng thường trở nên khàn, thô ráp, thều thào và âm thanh phát ra không còn mượt mà, trong trẻo. Bên cạnh đó, phần cổ họng của bệnh nhân có thể có cảm giác ngứa, rát và đau. Bệnh nhân luôn trong tình trạng khô cổ họng gây khó chịu và có biểu hiện khát nước. Nếu tình trạng này kéo dài, cơ thể sẽ ngày càng mệt mỏi, suy kiệt và đôi khi còn dẫn tới khó thở, khó nuốt hoặc mất tiếng hoàn toàn.

Tình trạng khàn tiếng thường có thể tự hết trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, nếu khàn tiếng kéo dài trên 2 tuần không rõ nguyên nhân thì bệnh nhân nên đến bệnh viện thăm khám để phòng ngừa các nguy cơ tổn thương dây thanh hoặc ung thư thanh quản.

2. Làm những công việc nào dễ gây khàn tiếng?

Khàn tiếng là một tình trạng phổ biến có thể xảy ra ở cả người lớn lẫn trẻ em. Tuy nhiên, những người phải sử dụng giọng nói với tần suất liên tục hoặc âm lượng lớn như giáo viên, ca sĩ, huấn luyện viên, người dẫn chương trình... thì nguy cơ bị khàn tiếng sẽ cao hơn.

Nguyên nhân là do dây thanh phải làm việc liên tục và không được nghỉ ngơi, dần dần sẽ trở nên suy yếu và tổn thương. Sức đề kháng kém và dây thanh tổn thương cũng sẽ trở thành “lỗ hổng” cho virus, vi khuẩn xâm nhập và tấn công, dẫn đến viêm nhiễm kéo dài.

Ngoài việc lạm dụng giọng nói quá mức, cũng có một số nguyên nhân khác có thể gây ra khàn tiếng bao gồm cảm lạnh, viêm nhiễm đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản, tuổi cao, uống rượu, hút thuốc lá, hít phải các tác nhân gây kích thích, bệnh lý tuyến giáp, chấn thương họng thanh quản,...

Đặc biệt, khàn tiếng lâu ngày, kéo dài trên 2-3 tuần cũng có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm ví dụ như ung thư thanh quản. Đây là loại ung thư có diễn tiến âm thầm và biểu hiện không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Chỉ sau một thời gian ngắn, bệnh có thể tiến triển và di căn tới các cơ quan khác. Nếu như không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời, ung thư thanh quản sẽ gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân.

Không chỉ có ung thư thanh quản, các bệnh lý khác như u vòm họng, u tuyến giáp,... cũng có biểu hiện khàn giọng, ho, mệt mỏi,... Do đó, bệnh nhân khàn tiếng dai dẳng không khỏi nên đến ngay các cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và điều trị sớm.

3. Điều trị khàn tiếng mất giọng như thế nào?

Phương pháp điều trị khàn tiếng sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Đối với những người nói nhiều bị khàn tiếng, việc để cổ họng nghỉ ngơi chính là nguyên tắc cơ bản trong điều trị. Nếu bắt buộc phải nói chuyện, bệnh nhân nên nói với giọng bình thường, không nói to nhưng cũng không nên thì thầm vì khi nói thì thầm thì dây thanh quản phải căng ra thật chặt, các cơ xung quanh cũng phải hoạt động nhiều hơn và làm chậm thời gian hồi phục.

Bên cạnh đó, có một số biện pháp hỗ trợ giúp bệnh nhân giảm đau rát cổ họng và nhanh chóng lấy lại giọng nói trong trẻo như sau:

  • Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Nước có thể làm ẩm cổ họng và giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Tránh các loại thức uống chứa caffeine và rượu, bia. Những thức uống này có thể làm cổ họng khô rát và tình trạng khàn tiếng trở nên tồi tệ hơn.
  • Ngừng hút thuốc lá và tránh xa những người hút thuốc lá vì khói thuốc cũng làm khô và kích ứng cổ họng.
  • Tắm nước ấm giúp đường thở thông thoáng và cung cấp độ ẩm cho cổ họng.
  • Làm ẩm không khí trong nhà bằng máy tạo độ ẩm, máy phun sương, xông hơi cũng có thể giúp bệnh nhân dễ chịu hơn.
  • Nên uống các đồ ấm như trà mật ong hoa cúc, trà gừng, chanh đào mật ong... để làm dịu cổ họng và giảm triệu chứng khàn tiếng.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm cũng là một mẹo chữa khàn tiếng hiệu quả. Bệnh nhân có thể súc nước muối 2 lần/ngày, vào buổi sáng và tối trước khi ngủ.
  • Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các viên uống thảo dược chứa kháng sinh, kháng viêm thực vật như Cao rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng... giúp cải thiện khàn tiếng và ngăn ngừa tái phát hiệu quả, an toàn.
  • Điều trị bằng thuốc giảm viêm, chống phù nề. Bệnh nhân nên đến cơ sở y tế thăm khám để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Sử dụng các loại vitamin B, C để hỗ trợ tăng cường đề kháng cơ thể.

4. Phòng ngừa khàn tiếng như thế nào?

Nhiều người do đặc thù công việc nên thường xuyên phải nói nhiều, do vậy khàn tiếng là không thể tránh khỏi. Với những đối tượng này, khàn tiếng ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và công việc. Do vậy việc phòng ngừa khàn tiếng và giữ cho giọng nói luôn trong trẻo, mượt mà là cực kỳ quan trọng.

Để tránh khàn tiếng mất giọng do nói quá nhiều, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau đây:

  • Khi phải thường xuyên nói chuyện trong khoảng thời gian dài, bệnh nhân nên sử dụng mic hoặc cố gắng ngưng ít phút giữa lúc nói để cổ họng được nghỉ ngơi.
  • Khi thời tiết thay đổi đột ngột hoặc trở lạnh, việc quan trọng là phải giữ ấm cổ họng. Bệnh nhân nên chuẩn bị sẵn một chiếc khăn len, áo khoác dày có cổ để tránh bị cảm lạnh dẫn tới khàn tiếng.
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, giàu chất dinh dưỡng. Tránh các loại thực phẩm gây đau rát cổ họng như đồ chua, đồ cay nóng.
  • Khi đi ra ngoài hay tiếp xúc với người khác, bệnh nhân nên đeo khẩu trang để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
  • Tránh uống rượu, bia vì nồng độ cồn cao có thể làm tổn thương cổ họng, phù nề dây thanh gây khàn tiếng.
  • Tránh hút thuốc lá.
  • Khàn tiếng có thể do nhiễm trùng, vì vậy rửa tay sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn.
  • Cần thăm khám sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư thanh quản, ung thư tuyến giáp, ung thư vòm họng để kịp thời điều trị.

Nhìn chung, những người thường xuyên phải sử dụng giọng nói với tần suất cao, việc cho cổ họng nghỉ ngơi chính là chìa khóa để phòng ngừa và điều trị khàn tiếng. Ngoài ra bệnh nhân cũng nên đến cơ sở y tế thăm khám khi bị khàn tiếng lâu ngày không khỏi, vì đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư thanh quản, ung thư vòm họng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

234 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan