Đái tháo đường và vấn đề nhiễm trùng


Bài viết bởi bác sĩ CKII Nguyễn Xuân Ninh - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Những người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng cơ thể cao hơn so với người bình thường, để tránh tình trạng bệnh chuyển biến xấu thì việc nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng do bệnh đái tháo đường đóng vai trò rất quan trọng.

1. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị nhiễm trùng cao không?

Những người mắc bệnh tiểu đường chắc chắn là có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn những người không bị tiểu đường. Nguyên nhân có thể là do:

  • Lượng đường trong máu cao: Lượng đường trong máu quá cao có thể khiến cho hệ thống miễn dịch hoạt động kém hiệu quả hơn so với tình trạng bình thường.
  • Tổn thương thần kinh: Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương thần kinh. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề như tổn thương thần kinh có thể khiến người đó không thể cảm thấy đau ở chân. Vì vậy, nếu người đó bị một vết cắt ở bàn chân hoặc giẫm lên vật sắc nhọn thì người đó có thể không biết. Nếu vết thương không được điều trị sớm, nó có thể trở thành vết thương hở và bị nhiễm trùng.
  • Các vấn đề về mạch máu: Theo thời gian, bệnh tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu. Do đó, máu cũng không thể tưới tốt như bình thường để giúp chữa lành nhiễm trùng.

Nếu bị tiểu đường, cần phải cho bác sĩ hoặc điều dưỡng của bạn biết ngay nếu nghĩ rằng bản thân đang bị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng tiểu đường
Nguy cơ nhiễm trùng cao ở người có bệnh lý tiểu đường

2. Những người mắc bệnh tiểu đường thường hay bị nhiễm trùng gì?

Những người mắc bệnh tiểu đường thường bị:

  • Nhiễm trùng da
  • Nhiễm nấm âm đạo (ở phụ nữ)
  • Nhiễm trùng bàng quang hoặc thận
  • Nhiễm trùng ở bàn chân
  • Nhiễm nấm men ở miệng (gọi là "tưa miệng")
  • Nhiễm trùng phổi (viêm phổi)
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật, xung quanh vết cắt từ phẫu thuật

3. Bệnh nhân tiểu đường nên liên hệ với bác sĩ khi nào?

Người mắc bệnh tiểu đường cần phải liên hệ với bác sĩ hoặc y tá của mình ngay khi xuất hiện các biểu hiện:

● Sốt, đau nhức hoặc lạnh run

● Đỏ, sưng, ấm hoặc đau tăng lên xung quanh vết cắt, vết trầy hoặc vết loét

● Mủ chảy ra từ vết cắt, vết trầy hoặc vết loét

● Đi tiểu lắt nhắt, đau khi đi tiểu hoặc có nước tiểu đục hoặc có mùi hôi

● Ngứa hoặc tiết dịch âm đạo

● Các mảng trắng trong miệng hoặc trên lưỡi của bạn

Sốt cao kéo dài
Người bệnh tiểu đường cần liên hệ bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng sốt

4. Có thể làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng?

Những người mắc bệnh tiểu đường có thể làm một số việc để giúp hạn chế nguy cơ nhiễm trùng bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu. Kiểm soát lượng đường trong máu để giúp giảm tổn thương thần kinh và mạch máu do bệnh tiểu đường.

Một điều quan trọng khác bạn có thể làm là chăm sóc đôi chân của mình. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng chân. Bảo vệ và chăm sóc đôi chân bằng cách:

  • Mang giày hoặc dép mọi lúc
  • Cắt móng chân cẩn thận, cắt thẳng và dũa móng, không cắt vào lớp biểu bì hoặc mụn nước
  • Rửa chân bằng nước ấm và xà phòng mỗi ngày và lau khô sau đó, bôi kem dưỡng ẩm hoặc kem dưỡng da trên bàn chân
  • Kiểm tra cả hai bàn chân mỗi ngày; kiểm tra xem trên bàn chân có các vết cắt, mụn nước, sưng hoặc vết đỏ không. Chú ý kiểm tra toàn bộ bàn chân, bao gồm cả vùng giữa các ngón chân. Nếu bạn không thể nhìn rõ hoặc nếu bạn gặp khó khăn khi nhìn lòng bàn chân thì hãy nhờ một thành viên gia đình hoặc bạn bè kiểm tra bàn chân của bạn
  • Mang vớ không quá chật và thay vớ mỗi ngày
  • Mang giày vừa vặn và không quá chật
  • Kiểm tra bên trong giày của bạn trước khi bạn mang chúng vào. Hãy chắc chắn rằng không có gì sắc nhọn bên trong
  • Nhờ bác sĩ kiểm tra bàn chân của bạn mỗi lần đi khám
ngâm chân
Chăm sóc đôi bàn chân đúng cách sẽ giúp người bệnh ngăn ngừa nhiễm trùng chân

Ngoài ra, để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng các bộ phận khác của cơ thể, bạn có thể:

  • Chăm sóc da bằng cách giữ da sạch và khô, đeo găng tay khi bạn sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh hoặc các sản phẩm khác có thể gây hại cho da. Nếu bạn bị một vết cắt hoặc vết trầy, hãy rửa ngay bằng xà phòng và nước. Nếu vết đó không lành hoặc trở nên xấu hơn, hãy gặp bác sĩ hoặc y tá
  • Chăm sóc nướu và răng bằng đánh răng hai lần một ngày, xỉa răng mỗi ngày và gặp nha sĩ để kiểm tra thường xuyên
  • Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm chất đạm, rau và trái cây, uống nhiều nước
  • Tiêm vắc-xin viêm phổi, vắc-xin cúm (hàng năm) và bất kỳ loại vắc-xin nào khác mà bác sĩ khuyên dùng
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt nếu bạn ở xung quanh những người bị bệnh.
  • Tránh giữ nước tiểu trong thời gian dài
  • Bỏ hút thuốc, hút thuốc làm cho các vấn đề về mạch máu trở nên xấu hơn

Nếu bạn bị nhiễm trùng và bác sĩ kê toa thuốc kháng sinh, hãy chắc chắn dùng thuốc theo đúng như toa thuốc. Nếu bạn không dùng thuốc kháng sinh, nhiễm trùng của bạn có thể sẽ diễn tiến nặng lên.

Tại bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai gói sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu nhằm giúp phát hiện sớm tình trạng tiền đái tháo đường, phân loại chính xác type tiểu đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng, theo dõi giảm thiểu các nguy cơ, biến chứng do tiểu đường gây ra.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

179 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan