Đau và điều trị đau sau mổ: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Đơn nguyên Giảm đau, Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Phẫu thuật là 1 stress về cả tâm lý và thể chất cho người bệnh. Ngoài những lo lắng, bất an về chính căn bệnh của mình và kết quả của phẫu thuật, mối quan tâm hàng đầu của người bệnh là đau và giảm đau sau mổ. Để giúp người bệnh có thể chấp nhận và nhẹ nhàng vượt qua thử thách này, cần cung cấp cho họ những điều cần biết về đau và giảm đau sau mổ.

1. Phân loại đau

Đau theo định nghĩa là một trải nghiệm cảm giác và cảm xúc khó chịu liên quan đến tổn thương mô thực tế hoặc tiềm năng, hoặc mô tả về thiệt hại đó.

Phân loại đau: Phân loại đau rất hữu ích trong việc đánh giá và điều trị. Có nhiều cách phân loại đau.

Phân loại theo sinh lý:

  • Nociceptive: Đau do cảm thụ đau, biểu hiện đáp ứng bình thường của cơ thể khi mô bị chấn thương hay tổn thương như da, cơ, nội tạng, khớp, gân, xương.
  • Neuropathy: Đau liên quan đến tổn thương nguyên phát hay bệnh lý hệ thần kinh
  • Inflammatory: Đau do viêm ví dụ viêm ruột thừa, viêm khớp...

Theo cường độ: thường dùng thang điểm đau từ 0-10 trong đó 0 - không đau, 10 - đau không chịu được:

  • Đau nhẹ: 0-4 điểm
  • Đau vừa: 5-6 điểm
  • Đau nhiều: 7-10 điểm
Đau bụng
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra đau

Theo thời gian:

  • Đau cấp tính: Đau kéo dài dưới 3-6 tháng
  • Đau mạn tính: Đau kéo dài trên 3-6 tháng, có thể là quá trình dai dẳng của đau cấp hoặc đau sau khi mổ đã lành vết thương
  • Đợt cấp của đau mạn tính

Đau sau mổ được coi là cơn đau cấp tính mà người bệnh cảm nhận được ngay khi hết tác dụng của thuốc tê hay thuốc mê được dùng trong mổ. Đó là sự phối hợp các cảm giác không dễ chịu về giác quan, cảm xúc và tâm thần kết hợp với các phản ứng tự động, nội tiết và biến dưỡng, tâm lý và hành vi đáp ứng với tổn thương ngoại khoa. Cơ chế của đau sau mổ phức tạp, đau do cảm thụ đau kết hợp do viêm, tạng và bệnh lý thần kinh.

Đau sau mổ có ghê gớm lắm không? Nếu không được đánh giá và điều trị đúng mức đây quả là vấn đề đáng sợ. Tuy nhiên đừng lo lắng, bác sĩ gây mê giảm đau sẽ luôn đồng hành cùng bạn để giảm thiểu tối đa cơn đau sau mổ. Việc điều trị đau được bắt đầu trước, trong và sau mổ. Khi thăm khám tiền mê trước mổ bác sĩ gây mê sẽ chuẩn bị tâm lý và dùng thuốc tiền mê theo phác đồ.

Tùy loại phẫu thuật, bác sĩ sẽ chọn phương pháp gây tê hay gây mê nghĩa là sẽ dùng thuốc tê và/ hoặc thuốc mê đảm bảo khi mổ người bệnh sẽ không còn cảm giác đau và giảm hoặc mất ý thức. Các thuốc giảm đau cũng được dùng phối hợp trước khi cuộc mổ kết thúc nhằm ngăn chặn đau sau mổ. Ở phòng hồi tỉnh, người bệnh sẽ được theo dõi dấu hiệu sinh tồn và đánh giá mức độ đau định kỳ, qua đó sẽ được điều trị đau thích hợp. Điều trị đau sau mổ sẽ được duy trì đến khi xuất viện và đôi khi cả sau khi xuất viện.

Monitor
Người bệnh sẽ được theo dõi các dấu hiệu và chỉ số sinh tồn sau khi mổ

2. Vì sao phải điều trị đau sau mổ?

Đau là cảm nhận chủ quan của mỗi người. Cùng 1 loại phẫu thuật (cùng mức độ đau) nhưng với người này có thể chỉ là đau nhẹ, người kia lại thấy đau vừa hoặc đau nhiều không chịu được, vì mỗi người có thể có một ngưỡng đau khác nhau. Do đó, việc đánh giá đau rất tinh tế và cần dựa vào nhiều yếu tố, thang điểm để có kết quả chính xác. Nếu đánh giá và điều trị đau không đúng mức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt cho người bệnh:

  • Mạch nhanh, huyết áp tăng dễ gây chảy máu, các tai biến về tim mạch
  • Đau làm người bệnh không dám cử động, ho khạc và hít thở sâu dễ đưa đến suy hô hấp, xẹp phổi, viêm phổi.
  • Không dám vận động sớm, tập vật lý trị liệu sau mổ đặc biệt sau mổ xương khớp sẽ làm hạn chế cử động, cứng khớp, teo cơ, ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật, tăng nguy cơ thuyên tắc mạch
  • Làm mất ngủ, lo âu, trầm cảm
  • Người bệnh không thoải mái, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
  • Có thể dẫn đến đau mạn tính.
  • Ức chế miễn dịch làm chậm lành vết mổ, chậm bình phục và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ
  • Thời gian nằm viện kéo dài, tăng nguy cơ tái nhập viện, tăng chi phí điều trị
Thang đánh giá mức độ chịu đau
Người bệnh cần được đánh mức độ đau chính xác

3. Điều trị đau sau mổ như thế nào để có thể giảm đau hiệu quả?

Trước hết cần đánh giá đúng mức độ đau nhiều hay ít, tùy vào tình trạng của từng người bệnh để có kế hoạch điều trị thích hợp. Nguyên tắc chính của điều trị đau sau mổ: có sự phối hợp của người bệnh, bác sĩ mổ và bác sĩ gây mê giảm đau.

  • Bệnh nhân phải được tham gia vào kế hoạch điều trị. Nhân viên y tế nên nghe theo đánh giá của người bệnh về triệu chứng đau của họ.
  • Bác sĩ mổ: Áp dụng mổ nội soi, mổ đường mổ nhỏ nếu được để hạn chế tối đa tổn thương mô và thần kinh → giảm đau sau mổ cho người bệnh
  • Bác sĩ gây mê giảm đau: hiểu và nắm rõ đặc điểm của từng người bệnh, đánh giá và điều trị đau đúng mức theo phác đồ, cập nhật và thực hiện tốt các kỹ thuật giảm đau, đặc biệt kỹ thuật gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm.
  • Phát hiện sớm và điều trị đau có kế hoạch: Người bệnh phải được theo dõi thường quy về đau sau mổ để được điều trị nhanh chóng ngay sau khi được phát hiện đau. Lưu ý các yếu tố nguy cơ khi lập kế hoạch điều trị đau: Các loại phẫu thuật gây đau (gồm phẫu thuật ngực bụng, phẫu thuật ảnh hưởng nhiều đến cơ, xương và mô thần kinh, cấy ghép tủy xương), tuổi bệnh nhân, tiền sử đau bao gồm đau mạn tính
  • Sử dụng phương pháp giảm đau đa mô thức: dùng càng sớm càng tốt, có thể bắt đầu trước mổ, kết hợp kỹ thuật giảm đau vùng hoặc trung ương với nhiều loại thuốc giảm đau họ á phiện (Opioid) và không á phiện khác nhau nhằm tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu các tai biến và tác dụng phụ khi dùng 1 loại thuốc đơn độc.
  • Lập hồ sơ đau của người bệnh và lộ trình điều trị
  • Đánh giá và xem lại nhu cầu giảm đau của người bệnh 24 giờ trước khi xuất viện để kê toa dùng thuốc thích hợp.
Điều trị đau sau mổ
Giảm đau sau phẫu thuật giúp bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, sớm hồi phục sau mổ

  • Phác đồ giảm đau đa mô thức dựa trên mức độ đau:

+ Độ 1: Thuốc đường tiêm hoặc uống, phối hợp các thuốc giảm đau không á phiện (Paracetamol, Kháng viêm không Steroid, Nefopam) dùng trong đau nhẹ → trung bình

+ Độ 2: Thuốc đường tiêm hoặc uống, phối hợp các thuốc giảm đau không á phiện với thuốc á phiện (Tramadol, Nalbuphine, Morphine, Fentanyl...) dùng trong đau trung bình → đau nhiều.

+ Độ 3: Thuốc đường tiêm, uống, dưới da

Phối hợp các thuốc giảm đau không á phiện

Phối hợp các thuốc giảm đau không á phiện và á phiện

Gây tê vùng (ngoài màng cứng, tê tủy sống, tê thần kinh ngoại biên, tê thấm vết mổ) + á phiện (tiêm, uống, dưới da)

Gây tê vùng (ngoài màng cứng, tê tủy sống, tê thần kinh ngoại biên, tê thấm vết mổ) + á phiện + không á phiện (tiêm, uống)

Gây tê vùng (ngoài màng cứng, tê tủy sống, tê thần kinh ngoại biên, tê thấm vết mổ) + không á phiện (tiêm, uống)

Như vậy đau sau mổ không hề đáng sợ như suy nghĩ của nhiều người nếu được đánh giá và điều trị đúng. Người bệnh nếu được trang bị kiến thức về đau sau mổ, tham gia vào quá trình điều trị bằng cách phối hợp tốt với bác sĩ mổ và gây mê giảm đau sẽ mang lại hiệu quả giảm đau tốt.

Tại hệ thống Vinmec, với trang thiết bị hiện đại (máy theo dõi chỉ số đau, máy siêu âm chuyên dụng cho gây tê vùng, máy kích thích thần kinh...), phác đồ điều trị cụ thể, luôn cập nhật các kỹ thuật mới về gây tê vùng, cung cấp cho người bệnh dịch vụ điều trị đau sau mổ tốt theo đúng mục tiêu “Bệnh viện không đau” (Pain Free Hospital).

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

39.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan