Dạy ngôn ngữ cho trẻ như thế nào?

Bài viết được viết bởi Chuyên viên Y tế Nguyễn Thị Yến - Âm ngữ trị liệu – Khoa Y học tái tạo, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố đến từ chính bản thân đứa trẻ và các yếu tố tác động bên ngoài trẻ.

1.Trẻ học ngôn ngữ như thế nào?

Mỗi trẻ em là một “biểu đồ” với các cột mốc phát triển khác nhau về cả thể chất, tâm lý, tư duy, ngôn ngữ,... Về mặt ngôn ngữ, có trẻ biết nói sớm, có trẻ biết nói muộn; có trẻ chỉ học một loại ngôn ngữ, cũng có trẻ cùng lúc học nhiều ngôn ngữ khác nhau; có trẻ học nói theo cả câu giao tiếp, lại có trẻ gặp khó khăn về ngôn ngữ, lời nói.

Khác nhau là vậy, tuy nhiên, mọi trẻ em đều trải qua các giai đoạn phát triển ngôn ngữ và lời nói giống nhau. Việc tiếp thu ngôn ngữ của tất cả trẻ em đều diễn ra “tự nhiên” và “dần dần” thông qua tương tác với cha mẹ, anh chị em và những người xung quanh trẻ.

khả năng lắng nghe của trẻ
Trẻ học ngôn ngữ thông qua khả năng lắng nghe

Các yếu tố có thể kể đến như:

  • Khả năng học ngôn ngữ bẩm sinh của trẻ: khả năng lắng nghe, tri nhận, xử lý, bắt chước âm thanh, động lực giao tiếp,...
  • Những kỹ năng khác mà trẻ được học
  • Trẻ được nghe bao nhiêu cuộc trò chuyện, giao tiếp mỗi ngày
  • Cách mà mọi người phản ứng với những gì trẻ nói hoặc làm

Như vậy, việc học nói của một em bé, ngoài nội lực của chính bản thân con thì phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và những người bên cạnh trẻ đã “tạo ra bao nhiêu cơ hội khuyến khích trẻ giao tiếp” mỗi ngày.

Bạn sẽ không thể biết chắc chắn, con bạn sẽ “nói” được sau 3 tháng, 6 tháng hay sau 1 năm học. Tốc độ học của mỗi trẻ em là khác nhau, có trẻ học nhanh, có trẻ học chậm hơn một chút. Điều đó rất bình thường. Vì lẽ đó, bạn đừng quá sốt ruột, cũng đừng so sánh con với bất cứ em bé nào khác. Nếu có, hãy chỉ so sánh sự tiến bộ của con ngày hôm nay với con của ngày hôm qua mà thôi.

2.Vậy làm thế nào để dạy ngôn ngữ cho con

Chơi cùng con
Hãy chơi cùng con để dạy ngôn ngữ cho con

Gia đình bạn đang sống ở thành phố hoặc nông thôn? Bạn ở trong một gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống hay là một gia đình trẻ có con nhỏ? Gia đình bạn có người giúp việc hoặc tự xoay sở công việc mỗi ngày?... Dù bạn ở đâu, gia đình bạn có bao nhiêu người, bạn có người hỗ trợ việc nhà hay không thì bạn vẫn là “người quan trọng nhất” mà bé tương tác, giao tiếp mỗi ngày. Cách bạn chơi với trẻ, tương tác với trẻ, trò chuyện với trẻ sẽ quyết định con đường phát triển ngôn ngữ cho trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời.

Vậy để dạy ngôn ngữ cho con, bạn hãy:

  • Chơi cùng con

Chơi cùng con như thế nào? Là mua thật nhiều đồ chơi và đáp ứng mọi nhu cầu vui chơi của con hay tận dụng tất cả mọi thứ có trong nhà, nương theo sở thích của con, tự tạo ra trò chơi cùng con?

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng, phải có đồ chơi thì họ mới chơi được cùng con. Tuy nhiên, thực tế thì ngược lại, trẻ em thích các đồ dùng thật và thích mọi hoạt động xảy ra hằng ngày cùng bố mẹ. Do vậy, hãy biến tất cả mọi hoạt động: từ việc ăn, tắm, đi bộ, chăm sóc vườn cây,...trở thành những hoạt động vui chơi thực sự cùng con mỗi ngày. Có đồ chơi hay không, không quan trọng bằng việc bạn đang cố gắng trở thành một người “bạn chơi” của con và con hiểu rằng, bạn quan tâm đến “sở thích chơi” của bé.

Đọc sách cùng con mỗi ngày
Đọc sách cùng con mỗi ngày

  • Hãy tự nhiên

Tự nhiên có nghĩa là hãy thể hiện cho con biết bạn thật sự vui và thực sự yêu thích thời gian ở bên cạnh con. Tất cả mọi hoạt động nên là những hoạt động quen thuộc, tự nhiên; cảm xúc của bạn là tự nhiên và tất cả những gì bạn nói với con đều tự nhiên, không khiên cưỡng, không theo bất cứ “Mẫu” nào cả. Hãy nhớ:

  • Nói chuyện một cách tự nhiên về những điều bạn và trẻ đang làm hoặc những thứ trẻ đang chú ý
  • Lắng nghe và phản hồi lại bằng lời nói, bằng cử chỉ, điệu bộ tất cả những điều con bạn đang cố gắng thể hiện ra
  • Đọc sách cùng con mỗi ngày
  • Đừng đặt ra bất cứ mục tiêu nào khi ở bên con, bạn chỉ đơn giản là ở bên cạnh, chơi cùng con và khiến cuộc chơi trở nên vui vẻ, thú vị
  • Duy trì

Ngôn ngữ là thứ được học dần dần, do vậy, hãy cố gắng duy trì việc chơi và giao tiếp với con mỗi ngày. Ít nhất 30 phút mỗi ngày, hãy lên lịch cho hoạt động chơi của con mỗi ngày và cố gắng dành thời gian riêng cho con. Chuẩn bị tất cả mọi thứ: môi trường, hoạt động, đồ dùng, con người để không làm gián đoạn hoạt động của bạn và con.

  • Nắm được các mốc phát triển ngôn ngữ quan trọng của con

Các mốc phát triển ngôn ngữ là vô cùng quan trọng để bạn biết con mình có đang nằm trong ngưỡng của “đại đa số” trẻ em hay không? Nếu con không đạt được các mốc phát triển điển hình thì sao? Hãy chú ý hơn nhưng đừng quá lo lắng.

Hãy dành nhiều thời gian để chơi, tương tác và quan sát cách con học tập từ thế giới xung quanh. Bởi lẽ, tốc độ học của mỗi trẻ là khác nhau. Nếu con vẫn đang trong tiến trình học ngôn ngữ, hãy giúp con học nó mỗi ngày, đừng cố hối thúc để con “đạt được mốc phát triển giống những trẻ khác”. Điều này sẽ làm trẻ và bạn cực kỳ áp lực.

Trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ
Con bạn có biểu hiện chậm phát triển về ngôn ngữ hãy kiểm tra khả năng hiểu ngôn ngữ của trẻ

  • Quan tâm tới các “dấu hiệu cờ đỏ”

Ba năm đầu tiên rất quan trọng đối với việc học ngôn ngữ của con. Hãy để ý đến việc trẻ giao tiếp và tương tác với người khác như thế nào. Chú ý tới việc con bạn có thể làm theo các yêu cầu đơn giản hoặc trả lời câu hỏi đơn giản của bạn không. Nếu có, chứng tỏ trẻ quan tâm tới giao tiếp với bạn, nghe hiểu và làm theo một cách phù hợp

Chẳng hạn, con bạn đang trong độ tuổi 18-30 tháng nhưng bạn nhận thấy con không nói tốt giống như các trẻ khác. Hãy thử kiểm tra thêm:

  • Khả năng hiểu ngôn ngữ của trẻ. Bạn hãy thử đưa ra các yêu cầu như: “Lấy cho mẹ điều khiển ti vi”; “Bụng của con đâu rồi?”;... Nếu hiểu tốt, sau khi nghe mẹ hỏi thì trẻ sẽ đưa mắt nhìn xung quanh hoặc đứng lên tìm kiếm điều khiển. Trẻ tự thực hiện được các yêu cầu mà không cần bạn nhắc hoặc hỗ trợ. Trong trường hợp này, bạn có thể tin tưởng khả năng ngôn ngữ của con mình có thể sớm bắt kịp được với các trẻ khác. Nếu sau khi bạn đưa ra yêu cầu, con tỏ ra không quan tâm hoặc không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy con đã nghe thấy và đang nỗ lực tìm kiếm, có khả năng con bạn chậm phát triển về ngôn ngữ.
  • Sử dụng cử chỉ: Con bạn có khả năng sử dụng cử chỉ, điệu bộ khá linh hoạt, đặc biệt trước cả khi trẻ có thể nói tốt. Các chỉ đơn giản như: khoanh tay chào, vẫy tay chào tạm biệt, gật đầu, lắc đầu, chỉ tay tới một đồ vật để khoe. Với những trẻ sử dụng nhiều cử chỉ, điệu bộ để giao tiếp thì trẻ cũng sẽ bắt kịp ngôn ngữ với các trẻ khác cùng trang lứa khá nhanh.
  • Khả năng học từ mới: Con có thể nói muộn nhưng luôn cố gắng học mỗi ngày. Nếu con cố gắng hoặc bắt đầu ghép 1 số từ lại với nhau “mẹ đâu”, “bóng đi” thì bạn có thể tin tưởng vào khả năng bắt kịp ngôn ngữ của con.

Nếu trẻ gặp khó khăn trong việc thực hiện các lĩnh vực trên, điều này không có nghĩa là trẻ chậm ngôn ngữ nhưng nó cho thấy trẻ có nguy cơ gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ so với các trẻ em khác.

Nếu tốc độ học của con dường như rất chậm. Hãy dành nhiều thời gian hơn nữa cho con. Tôi hiểu rằng, một số phụ huynh cực kỳ lo ngại rằng sự phát triển ngôn ngữ và lời nói của con mình có vẻ chậm hơn so với bình thường nhưng lại ngần ngại tìm kiếm lời khuyên chuyên môn của một người làm về âm ngữ trị liệu.

Đôi khi họ được gia đình, bạn bè trấn an rằng, đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể đánh giá được bất cứ điều gì. Thực tế, không bao giờ là quá sớm để đánh giá kỹ năng ngôn ngữ của con. Hãy hành động sớm và hỗ trợ con kịp thời, đặc biệt trong những năm đầu đời của bé.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: asha.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan