Điều trị ngoại khoa bệnh lý tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là tình trạng bệnh lý bắt gặp khá phổ biến trong rất nhiều bệnh cảnh hiện nay, tuy nhiên bệnh nhân và người nhà vẫn chưa thực sự quan tâm tăng áp lực tĩnh mạch cửa là gì? Việc hiểu được tầm quan trọng của căn bệnh này cũng như biết được những nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ giúp cho quá trình điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa hiệu quả hơn.

1. Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là gì?

Tăng áp lực tĩnh mạch cửa là bệnh lý bị gây ra do tình trạng gradient áp lực tĩnh mạch gan có trị số lớn hơn 5mmHg, thường do bệnh lý xơ gan dẫn đến tình trạng này.

Cơ chế tăng áp lực tĩnh mạch cửa được giải thích thông qua một số khái niệm sau đây. Về sinh lý, động mạch trong cơ thể giữ chức năng vận chuyển máu kết hợp với oxy đến những cơ quan trong cơ thể để cung cấp máu và nuôi dưỡng những cơ quan đó, còn tĩnh mạch là đường đưa máu từ những cơ quan về tim. Trong đó, tĩnh mạch cửa sẽ nhận nhiệm vụ đưa máu từ các cơ quan như dạ dày, tụy và bộ máy tiêu hóa đến gan nên khi huyết áp của tĩnh mạch cửa tại gan cao thì cơ thể sẽ xuất hiện tình trạng tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Vì gan là một trong những cơ quan quan trọng hàng đầu của cơ thể người, có chức năng như một màng lọc để lọc cũng như đào thải những chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Vì vậy, tăng áp lực tĩnh mạch cửa sẽ gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể người bệnh. Nếu không chữa trị kịp thời thì biến chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa để lại vô cùng nghiêm trọng, trong đó phải kể đến các bệnh lý như giãn tĩnh mạch thực quản dạ dày hay còn gọi là bệnh lý dạ dày tăng áp cửabệnh não gan.

Một số triệu chứng điển hình của tăng áp lực tĩnh mạch cửa là:

  • Chảy máu bộ máy tiêu hóa
  • Đi cầu phân đen hoặc có máu lẫn trong phân
  • Cổ trướng: Là tình trạng ổ bụng bị phình to bất thường do tụ dịch, từ đây có thể dẫn đến một số triệu chứng kèm theo như chuột rút, đầy hơi hoặc thậm chí là khó thở.
  • Lách to, thường gặp là độ IV và V
  • Tuần hoàn bàng hệ: Là tình trạng những tĩnh mạch xanh nổi lên ở quanh rốn đến ngực, hoặc xuống bẹn, nhìn rõ nhất khi bệnh nhân ngồi
  • Trĩ do vòng nối quanh trực tràng căng và giãn ra.
xơ hóa gan
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường do bệnh lý xơ gan dẫn đến

2. Nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa rất đa dạng nhưng trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là xơ gan. Những vết sẹo do xơ gan để lại trên gan làm suy giảm chức năng gan và dẫn đến tình trạng bề mặt trong tĩnh mạch cửa gồ ghề, làm tắc nghẽn lưu thông mạch máu, có thể hình thành nên những cục máu đông và kết quả cuối cùng là tăng áp lực tĩnh mạch cửa. Nguyên nhân dẫn đến xơ gan thường do một số lý do như:

  • Uống nhiều rượu và đồ uống có cồn nên gây ra những bệnh lý về gan
  • Gan mắc phải tình trạng nhiễm mỡ nguyên nhân không do rượu
  • Xơ nang
  • Ống mật chủ ở gan không phát triển
  • Gan bị nhiễm trùng
  • Cơ thể xảy ra một số phản ứng với thuốc như thuốc Methotrexate

Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng góp phần làm tăng khả năng mắc phải bệnh lý tăng áp lực tĩnh mạch cửa:

  • Mẹ bị bệnh viêm gan lây truyền sang con trong quá trình sinh đẻ
  • Quan hệ tình dục không lành mạnh và không sử dụng biện pháp phòng tránh
  • Sử dụng chung kim tiêm với người mắc bệnh gan
  • Xăm mình, xỏ khuyên tai không được vô khuẩn
  • Cơ thể tiếp xúc với máu người bị bệnh viêm gan
Tình trạng uống rượu nhức đầu
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa

3. Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa

Các phương pháp điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa:

  • Điều trị nội khoa:

Một nhóm thuốc quan trọng trong điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa là thuốc chẹn Beta với chức năng giảm huyết áp và làm giãn tĩnh mạch, phục hồi lưu thông máu làm giảm áp lực tĩnh mạch cửa. Một số thuốc khác như Propranolol và Isosorbide cũng có chức năng tương tự và làm giảm xuất huyết bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, không nên dùng những loại thuốc có Natri vì sẽ gây nên tình trạng giữ nước trong cơ thể. Đối với điều trị nội khoa thì tiêm xơ tĩnh mạch cũng là một lựa chọn hiệu quả với những bệnh tăng áp lực tĩnh mạch cửa mức độ nhẹ hoặc với những tĩnh mạch dạng lưới.

  • Điều trị ngoại khoa:

Mục tiêu của điều trị ngoại khoa trong điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa là giảm áp lực tĩnh mạch cửa, điều trị biến chứng, điều trị xuất huyết tiêu hóa, cổ trướng và tiến hành ghép gan. Các phương pháp phẫu thuật có thể áp dụng để điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa là:

  • Tạo cầu nối giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch chủ bằng kỹ thuật nối bên- bên, nối tận- tận hoặc nối tận- bên
  • Tạo cầu nối giữa tĩnh mạch lách và tĩnh mạch vi, có thể là ngoại vi hoặc trung tâm
  • Tạo cầu nối giữa tĩnh mạch mạc treo tràng và tĩnh mạch chủ
  • Nếu có tình trạng cổ trướng quá nhiều thì không thể áp dụng những biện pháp điều trị ngoại khoa trên bệnh nhân mà phải điều trị nội khoa.

Bên cạnh đó, có thể thực hiện một số phẫu thuật để tăng tuần hoàn máu bên, từ đó sẽ giảm được áp lực tĩnh mạch cửa, bao gồm:

  • Phẫu thuật Talma: mục tiêu làm phúc mạc dính với mạc nối lớn hoặc thận dính với mạc nối lớn.
  • Phẫu thuật Nylander, Turunen: mục tiêu là để chuyển tạng lách lên trên cơ hoành
  • Phẫu thuật Halman: mục đích là đưa lách vào thành bụng

Một biện pháp nữa cũng rất hiệu quả để giảm áp lực tĩnh mạch cửa đó là cắt giảm lưu lượng máu đến tĩnh mạch cửa bằng cách:

  • Cắt lách
  • Thắt động mạch lách
  • Thắt động mạch gan
  • Phẫu thuật Peter- Womack
  • Phẫu thuật triệt mạch
Cổ trướng
Cổ trướng là một trong những biến chứng.

Đối với điều trị biến chứng, một số phẫu thuật có thể được áp dụng như sau:

  • Đối với điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày thực quản gây xuất huyết, có thể áp dụng phẫu thuật Crile, phẫu thuật Tanner...
  • Đối với điều trị cổ trướng thì sẽ được chỉ định dẫn lưu dịch cổ trướng vào cơ quan dưới da, hoặc dẫn lưu dịch cổ trướng vào đường tĩnh mạch của người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được dẫn lưu ống ngực hoặc cắt tuyến thượng thận.

Một số bệnh nhân sẽ được cân nhắc để ghép gan nếu điều kiện cơ thể cho phép, như là một biện pháp điều trị triệt để đối với tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa bao gồm rất nhiều phương pháp, từ nội khoa đến ngoại khoa, có khả năng phục hồi hoàn toàn nếu phát hiện kịp thời bệnh lý này. Việc xác định nguyên nhân tăng áp lực tĩnh mạch cửa cũng rất quan trọng, góp phần rất lớn trong quá trình điều trị hiệu quả.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

556 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan