Dinh dưỡng bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối đã chạy thận nhân tạo chu kỳ

Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Khi bạn bắt đầu vào chạy thận chu kỳ, sẽ có nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Bác sĩ chắc chắn sẽ thảo luận với bạn những điều bạn cần thay đổi trong chế độ ăn của mình.

Tình trạng sức khỏe của bạn có tốt hay không tùy thuộc vào:

  • Ăn đúng loại và lượng thức ăn cần thiết.
  • Tuân thủ chế độ chạy thận mà bác sĩ kê toa cho bạn.
  • Dùng đúng thuốc bác sĩ kê toa.

Chế độ ăn của bạn là 1 phần quan trọng trong điều trị. Thận của bạn không thể thải đủ các chất thải chuyển hóa và nước từ cơ thể của bạn và do đó cơ thể bạn cần 1 chế độ đặc biệt. Do đó, bạn cần hạn chế lượng nước uống và thay đổi thành phần thực phẩm ăn vào phù hợp. Bạn sẽ cần:

Muối

Sử dụng ít muối và thực phẩm chứa ít muối: Việc này giúp kiểm soát huyết áp của bạn tốt. Việc này cũng giúp ít tăng cân giữa hai kỳ lọc máu vì muối ăn vào sẽ gây khát, dẫn đến bạn uống nước nhiều và tích nước trong cơ thể.

  • Dùng các loại thảo mộc, gia vị, và những phụ gia ít muối để thay thế muối
  • Tránh các loại muối hóa học có kèm kali
Muối
Sử dụng ít muối giúp bạn kiểm soát huyết áp và giảm tăng cân giữa hai kỳ lọc máu

Thịt/Chất đạm

Bệnh nhân chạy thận cần ăn nhiều protein. Đạm giúp giữ lượng protein trong máu bình thường và cải thiện sức khỏe. Protein cũng giúp cơ của bạn khỏe mạnh, vết thương mau lành, hệ miễn dịch khỏe mạnh, và giúp cải thiện sức khỏe toàn thể.

Ăn thực phẩm chứa lượng đạm cao (thịt, cá, gia cầm, thịt heo tươi, hoặc trứng) cho các bữa ăn, hoặc khoảng 200 – 300 gam thực phẩm đạm cao hàng ngày.

Ghi chú: Bơ đậu phộng, đậu phộng, các loại hạt, đậu khô, đậu Hà Lan, và đậu lăng chứa nhiều đạm, những loại này cần hạn chế do chứa hàm lượng cao kali và phosphate.

Gạo/Lúa mì/Ngũ cốc/Bánh mì

Trừ khi bạn cần hạn chế lượng năng lượng ăn vào để giảm cân/ hoặc để kiểm soát đường huyết, bạn có thể ăn như bạn muốn đối với nhóm thực phẩm này. Đây là nguồn thực phẩm cung cấp tốt calories. Thông thường bệnh nhân dùng 6 – 11 phần / ngày của nhóm này. Thông thường 1 phần ăn nhóm này là:

  • 1 lát bánh mì
  • 1⁄2 chén mì Ý (đã nấu)
  • 1⁄2 chén ngũ cốc (đã nấu)
  • 1⁄2 chén cơm (đã nấu)
  • 4 cái bánh quy giòn (không muối)

Tránh dùng thực phẩm “Ngũ cốc nguyên cám” và “Giàu chất xơ” (như bánh mì lúa mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám hoặc gạo lứt) vì có thể làm tăng phosphate trong máu của bạn. Nước ngọt có gas cũng chứa nhiều phosphate. Hạn chế những thực phẩm dạng bơ, sữa giúp bảo vệ xương và mạch máu của bạn.

Lúa mì ,lúa mạch đen và lúa mạch.
Lúa gạo, ngũ cốc, bánh mì là nguồn thực phẩm cung cấp tốt calories

Sữa/Yogurt/Phô mai

Hạn chế dùng sữa, yogurt, và phô mai (1⁄2-ly sữa hoặc 1⁄2-ly yogurt or 28 gam phô mai /ngày). Đa số các thực phẩm bơ sữa rất giàu phosphate. Bất cứ khi nào bạn dùng thực phẩm giàu phosphate, bạn nên uống kèm chất kết nối phosphate khi ăn.

Bạn có thể dùng chế phẩm bơ sữa ít phosphate (low phosphate) thay thế (sữa gạo, sữa hạnh nhân).

Trái cây/nước ép trái cây

Tất cả các loại trái cây đều chứa kali, nhưng có loại nhiều loại ít, do đó có loại nên hạn chế hoặc hoàn toàn không ăn. Hạn chế kali giúp bảo vệ tim của bạn.

  • Hạn chế hoặc tránh: Cam và nước cam, kiwi, bơ, nước dừa, nho khô và trái cây khô, chuối, dưa hấu, dưa ruột vàng và ruột xanh, lựu.
  • Luôn luôn không ăn trái khế.
  • Chọn ăn: Táo, cherries, nho, đào
  • Có thể uống rượu táo, nước ép nho, nước chanh
Ăn trái cây cũng có thể khiến bạn tăng cân
Nên lựa chọn những loại trái cây có chứa ít kali để bảo vệ tim của bạn

Rau củ/Salad

Tất cả rau củ cũng chứa kali phần nào, nhưng có loại nhiều loại ít, do đó có loại nên hạn chế hoặc hoàn toàn không ăn. Hạn chế kali giúp bảo vệ tim của bạn.

  • Chọn dùng: Bông cải xanh (thô hoặc nấu từ bông cải đông lạnh), cải bắp, cà rốt, bông cải trắng, rau cần tây, dưa leo, cà tím, tỏi, củ hành, tiêu, củ dền, cải xoong.
  • Tránh hoặc hạn chế: Khoai tây (gồm khoai tây chiên và khoai lang), cà chua và sốt cà chua, bí xanh, bí đỏ, măng tây (đã nấu), củ cải đường, rau chân vịt (đã nấu).

Nếu bạn có tình trạng tăng cholesterol máu hoặc đái tháo đường đi kèm, bác sĩ của bạn và chuyên gia dinh dưỡng sẽ thảo luận để bổ sung vào chế độ ăn của bạn cho hoàn chỉnh.

Sau đây là những thông tin cô đọng có thể hữu ích cho chế độ ăn của bạn:

  • Rau củ tươi hoặc đông lạnh thô thường không chứa muối
  • Xả bỏ toàn bộ nước chứa trong thực phẩm trước khi nấu
  • Trái cây đóng hộp thường ít kali hơn trái cây tươi, bỏ toàn bộ chất lỏng trong hộp trước khi dùng
  • Sữa gạo và hạnh nhân thường ít phosphate và có thể dùng thay thế sữa tươi
  • Nhãn của thực phẩm đóng gói sẽ giúp bạn có thông tin về thành phần bên trong, có thể không được dùng trong chế độ ăn của bạn. Học cách đọc nhãn thực phẩm giúp bạn tránh dùng muối hoặc phosphate quá mức. Tránh các thực phẩm có chứa “PHOS”.
  • Để tránh dùng muối, rau cỏ và gia vị có thể thay thế để bữa ăn bớt nhàm chán.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan