Giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp

Giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp là cách thức “huấn luyện” cơ thể trở nên ít bị dị ứng hơn tùy thuộc vào loại kháng nguyên gây ra dị ứng. Đây là một liệu pháp miễn dịch giúp điều trị dự phòng cho các phản ứng dị ứng thường gặp trên đường hô hấp như phấn hoa cỏ, bụi nhà...; qua đó sẽ giúp làm giảm triệu chứng viêm đặc trưng cho những người mắc phải viêm mũi dị ứng và hen suyễn.

1. Giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp là gì?

Cho đến nay, mặc dù các loại thuốc dành cho người thường xuyên bị dị ứng đường hô hấp rất hiệu quả nhưng chúng không bao giờ chữa khỏi được hoàn toàn cho những người hay vào cơn hen phế quản, viêm mũi dị ứng. Lúc này, liệu pháp miễn dịch làm giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp là cách thức khả dĩ nhất hiện có để "chữa trị" cho dị ứng, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nhu cầu dùng thuốc cho không ít các bệnh nhân.

Giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp dựa trên nguyên tắc là việc sử dụng thường xuyên các liều chiết xuất chất gây dị ứng tăng dần trong một khoảng thời gian nhiều năm. Đường dùng có thể là dưới dạng thuốc tiêm hoặc thuốc viên, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ dưới lưỡi (ngậm dưới lưỡi). Khi các dị nguyên đường hô hấp được chủ động cho tiếp xúc trong thời gian lâu dài với nồng độ tăng dần, cách thức hệ thống miễn dịch phản ứng với các chất gây dị ứng sẽ bị thay đổi. Kết quả cuối cùng là người bệnh sẽ trở nên miễn nhiễm với các chất gây dị ứng. Lúc này, dị nguyên đường hô hấp đã được giải mẫn cảm nên họ có thể dung nạp chúng với ít hoặc hoàn toàn không có triệu chứng gì.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch dị ứng như trên không phải là một hình thức điều trị nhanh chóng. Những bệnh nhân người đồng ý với liệu pháp này cần phải giải thích kỹ lưỡng và chấp nhận tuân thủ cam kết điều trị trong suốt 3-5 năm để việc giải mẫn cảm được thành công, giảm thiểu tần suất gặp phải tác dụng phụ.

2. Các đối tượng phù hợp để thực hiện giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp là ai?

Dị ứng phấn hoa cỏ
Giải mẫn cảm cho trẻ còn quá nhỏ có thể gặp phải một số khó khăn nhất định

Các yếu tố để một bệnh nhân trở thành đối tượng phù hợp để thực hiện giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp là cần thảo luận và thống nhất giữa chính bản thân người bệnh hay gia đình và đội ngũ các bác sĩ chuyên ngành dị ứng - miễn dịch học. Theo đó, quyết định thực hiện giải mẫn cảm sẽ đem lại lợi ích cao nhất cho người bệnh là khi:

  • Thời gian xảy ra triệu chứng dị ứng quá dài hay có mức độ dị ứng nghiêm trọng
  • Thuốc và / hoặc khả năng kiểm soát môi trường để phòng tránh xảy ra các triệu chứng dị ứng là hạn chế hay không hiệu quả
  • Dễ bị dị ứng với các tác nhân thường gặp như sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng) do dị ứng phấn hoa hoặc mạt bụi
  • Gặp phải các tác dụng phụ khi dùng thuốc chống dị ứng hay thuốc điều trị dị ứng
  • Mong muốn tránh sử dụng thuốc lâu dài

Nhìn chung, cả trẻ em hay người lớn đều có thể được xem xét tham gia vào việc giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp. Tuy nhiên, trẻ dưới năm tuổi là chưa được khuyến nghị vì các triệu chứng có thể thuyên giảm khi trẻ lớn dần lên. Hơn nữa, thực hiện giải mẫn cảm cho trẻ còn quá nhỏ có thể gặp phải một số khó khăn nhất định do trẻ kém hợp tác cũng như bất kỳ triệu chứng bất lợi nào cũng có thể trở nên nguy kịch trên trẻ nhỏ một cách khó lường. Trái lại, đối với người lớn, các điều kiện y tế khác như bệnh tim hay bệnh nội khoa mãn tính cũng cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện giải mẫn cảm.

3. Cách thực hiện giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp như thế nào?

Đặt thuốc dưới lưỡi
Liệu pháp miễn dịch có thể tiến hành với các thuốc qua vùng dưới lưỡi dạng viên

Quá trình thực hiện giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp có thể được thực hiện thông qua cách thức tiêm dưới da hoặc ở dạng viên uống, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ dưới lưỡi.

  • Thuốc đường tiêm

Một liều thuốc rất nhỏ chứa chất gây dị ứng được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm với kim nhỏ, gây ra tổn thương rất khó nhận biết. Người bệnh cần tuân thủ phác đồ tiêm giải mẫn cảm hàng tuần trong thời gian lúc đầu và sau đó liều tăng dần trong 3 đến 6 tháng cho đến khi đạt được liều duy trì. Sau đó, người bệnh lại tiếp tục tiêm dị nguyên đường hô hấp thường xuyên, thường mỗi tháng một lần, trong vài năm.

  • Thuốc dưới lưỡi

Vùng dưới lưỡi chứa một hệ thống mạch máu phong phú và có tính thấp cao. Do đó, liệu pháp miễn dịch cũng có thể tiến hành với các thuốc qua vùng dưới lưỡi bằng các dạng chế phẩm như dạng viên, thuốc xịt hoặc thuốc nhỏ. Người bệnh cần được hướng dẫn giữ chất gây dị ứng dưới lưỡi trong vài phút hay càng lâu càng tốt trước khi có phản xạ nuốt nó.

So với đường tiêm, liệu pháp miễn dịch bằng thuốc dưới lưỡi có thể thực hiện tại nhà và nguy cơ mắc phải tác dụng phụ sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, cách thức này đôi khi sẽ đắt tiền hơn và đối với một số loại dị ứng đường hô hấp sẽ không hiệu quả bằng tiêm.

Sau khi khởi động quá trình giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp, người bệnh sẽ tự cảm nhận được các triệu chứng thường bắt đầu cải thiện sau khoảng 4 đến 5 tháng. Mặc dù vậy, vì phản ứng quá mẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên trong thời gian này, người bệnh vừa phải sẵn sàng các phương tiện cắt cơn, vẫn tiếp tục dùng thuốc chống dị ứnghen suyễn như bình thường và cũng vừa phải tiếp tục liệu pháp miễn dịch theo lộ trình. Thời gian thường được đề nghị duy trì điều trị giải mẫn cảm là trong 3 đến 5 năm để ngăn ngừa các phản ứng dị ứng với các dị nguyên đường hô hấp có thể quay trở lại.

4. Rủi ro có thể gặp phải khi thực hiện giải mẫn cảm

Sử dụng thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin

Một số người có thể bị sưng vù tại chỗ tiêm các dị nguyên. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất là xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng cho đến sốc phản vệ thì thực sự là rất hiếm gặp. Để giảm thiểu rủi ro, người bệnh có thể uống thuốc kháng histamin trước để tránh khả năng xảy ra tác dụng phụ hay hạn chế mức độ các triệu chứng.

Đối với liệu pháp miễn dịch thực hiện qua đường dưới lưỡi, người bệnh có thể bị sưng nhẹ hoặc cảm giác ngứa ngáy bên trong miệng hoặc một số ít lại bị đau dạ dày. Tương tự như việc thực hiện qua đường tiêm, khả năng gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng cũng là rất hiếm.

Tóm lại, giải mẫn cảm đặc hiệu với dị nguyên đường hô hấp đã được chứng minh tính lợi ích lâu dài cho những người thường xuyên lên cơn hen suyễn hay viêm mũi dị ứng. Bằng cách xây dựng khả năng dung nạp với các dị nguyên đường hô hấp, việc giải mẫn cảm sẽ giúp cho các triệu chứng dị ứng của người bệnh giảm dần theo thời gian và an tâm tận hưởng cuộc sống tốt hơn sau khi điều trị miễn dịch dị ứng..

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan