Giới thiệu về rối loạn xử lý giác quan ở trẻ tự kỷ

Bài viết được viết bởi ThS. Trần Ngọc Ly - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Trẻ tự kỷ cũng gặp khó khăn trong việc thể hiện cho người khác biết những cảm giác nào là khó chịu và đáng sợ/hay là dễ chịu và an toàn với trẻ. Bởi vì trẻ không thể giao tiếp, không thể trực tiếp nói ra những khó khăn của mình, nên trẻ thường thể hiện ra bằng các hành vi để mọi người biết – nhưng không phải ai cũng đọc và hiểu được những điều trẻ truyền tải qua hành vi của chúng. Và việc khó khăn trong giao tiếp có thể khiến cho các phản ứng hành vi đối với các thông tin về cảm giác trở nên nghiêm trọng hơn.

1. Giới thiệu về rối loạn xử lý giác quan (Sensory Processing Disorder – viết tắt là SPD)

Đã bao giờ các bạn gặp những trẻ chỉ thích liếm bàn, liếm ghế, cái gì cũng cho vào miệng cắn, hoặc chạy nhảy suốt ngày, hoặc cứ 1 phút lại hét ầm “a ..a..a..” giống như bị vướng gì đó trong họng và phải gắng sức hét để khạc ra chưa? Hoặc có những trẻ lúc thoắt cái lại đu lên ghế, lên nóc tủ, lên lan can cầu thang ngồi mà không hề sợ ngã?

Bố mẹ cũng đã từng mắng, từng quát, từng đánh, mà chúng chỉ sợ lúc đó, sau lại quên và tiếp tục mải mê với những sở thích “kỳ quặc” của mình! Liệu có phải chúng hư? Hay là chúng cố tình chống đối lại người lớn? Nhưng ai biết được thực sự các bạn ấy muốn gì? Ai biết thực sự các bạn ấy có gặp rối loạn gì khiến các bạn ấy không điều khiển được hành vi của mình không?

Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục tại Vinmec được làm việc với nhiều trẻ tự kỷ dạng trung bình hoặc nặng. Các bạn ấy dường như ít quan tâm đến mọi người xung quanh, chỉ quan tâm đến những đồ vật/hoạt động mà mình thích, và lặp đi lặp lại những sở thích đó.

Theo tiêu chuẩn phân loại của DSM-5 (Hệ thống chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần), các bạn ấy đáp ứng đủ tiêu chí về tự kỷ:

trẻ tự kỷ
Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp hoặc tương tác xã hội

  • Có những kiểu mẫu hành vi, hứng thú hoặc hoạt động lặp đi lặp lại hay bị hạn chế, ví dụ: có trẻ chỉ thích cắn đồ hoặc cắn tay mình, có bạn thích đưa ngón tay út lên và gõ vào đuôi mắt, có bạn thích đổ đổ ra khỏi hộp, có trẻ thích khi bật nhạc là phải tắt đèn, có trẻ thích phải bật đèn lên khi ở trong phòng, có bạn phát ra những âm thanh “coong keng coong keng” cả ngày không biết chán, có trẻ múa tay và đập vào nhau liên tục....
  • Những khó khăn này xuất hiện từ nhỏ và ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện các chức năng trong cuộc sống của trẻ: ảnh hưởng đến khả năng tự lập, tương tác với người khác, gặp khó khăn trong việc kết bạn, thể hiện nhu cầu, gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý và tham gia vào các hoạt động vui chơi – học tập...

Trong số đó, có không ít trẻ gặp vấn đề về rối loạn xử lý giác quan, khiến cho chính bản thân trẻ cảm thấy khó chịu, cảm thấy không được an toàn, tưởng như cùng một lúc trẻ chịu nhiều tác động như bị đánh bị người, bị nhiều âm thanh vọng đến tai mà không thể phân biệt được...

Từ việc đó khiến trẻ không có nhu cầu để ý đến người khác, mà trẻ phải “tự an ủi” cái phần đang bị “ốm” trong bản thân mình trước. Trở lại với những trẻ được kể ra phía trên, một trong những lý do khiến trẻ “nghịch, chạy, liếm, hét...” liên tục có thể là do trẻ gặp phải rối loạn xử lý giác quan.

Rối loạn” ở đây có nghĩa là trẻ cảm thấy thiếu hoặc thừa quá mức ở giác quan đó. Về ngưỡng cảm giác, ai cũng sẽ có những ngưỡng khác nhau. Tuy nhiên, khi các ngưỡng quá cao hoặc quá thấp, gây ảnh hưởng tới chức năng cuộc sống, làm giảm tác động của việc can thiệp đối với trẻ, thì nó cần phải được hỗ trợ.

  • Khi trẻ có ngưỡng cảm giác cao (trơ): có nghĩa là những kích thích cảm giác xung quanh chưa đủ, trẻ cần phải tìm kiếm thêm các kích thích khác cho đủ để trẻ cảm thấy thỏa mãn. Ở một số tài liệu có thể gọi thế này là thể bị thiếu, thể trơ... hay có nhu cầu đi tìm kích thích.
  • Khi trẻ có ngưỡng cảm giác thấp (nhạy): nghĩa là các tác động kích thích hiện tại là cao và vượt ngưỡng chấp nhận của trẻ, khiến trẻ phải né tránh để không làm mình sợ hãi.
Trầm cảm
Các ngưỡng giác quan quá cao hoặc quá thấp sẽ gây ảnh hưởng tới chức năng cuộc sống của trẻ

2. Một số rối loạn xử lý giác quan trẻ tự kỷ có thể gặp phải

Chúng ta tiếp cận với thế giới thông qua các giác quan như: thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, tiền đình, cảm nhận bản thể... Với trẻ tự kỷ có rối loạn giác quan, có thể thể hiện ra ở nhiều hành vi khác nhau: cắn, lắm, không ăn đồ lạ, la hét... Dựa vào sự phân chia các nhóm giác quan, có thể phân chia rối loạn xử lý giác quan theo các nhóm như sau:

  • Rối loạn về xử lý thính giác: Trẻ có thể quá nhạy cảm với một số âm thanh, kể cả là nhỏ và có xu hướng né tránh các kích thích thính giác, thể hiện là không thích/sợ một số âm thanh nhất định, bịt tai hoặc hét lên khi nghe thấy âm thanh nào đó... Hoặc trẻ có thể đi tìm kiếm âm thanh bằng cách tự tạo ra một số âm thanh (ví dụ như nghiến răng kèn kẹt, giơ tay búng gần tai, gõ liên tục vào răng hoặc các đồ mà trẻ nhìn thấy...)
  • Rối loạn về xử lý thị giác: Trẻ có ngưỡng cảm giác thấp/ nhạy sẽ có xu hướng né tránh các kích thích thị giác tác động đến mình, ví như hay nheo mắt, che mắt khi thấy ánh sáng... Còn những bạn luôn muốn kích thích thị giác cho mình có thể có những hành vi tìm kiếm như nhìn hiếng, thích bật tắc công tắc và nhìn đèn, mê mẩn những nơi có ánh sáng nhấp nháy, thích xoay bánh xe và nhìn chằm chằm vào đó.
  • Rối loạn về xử lý xúc giác: Trẻ gặp khó khăn về các kích thích liên quan đến sự sờ/nắm/động/chạm vào các vùng da khác nhau trên cơ thể, ví dụ: không thích/thích ôm người khác quá mức (luôn đẩy người khác ra, hoặc ghì chặt khi ôm), khó ăn các đồ ăn có chất liệu lạ (có trẻ không ăn được đồ cứng), hoặc luôn thích gặm/cắn tất cả các đồ vật trẻ lấy được).... Có những trường hợp, tưởng như trẻ không thích đụng chạm hay là tiếp xúc da với mọi người, nhưng có thể là do việc tiếp xúc da – dù nhẹ - cũng khiến trẻ cảm thấy đau hoặc vướng víu, vì thế trẻ phản ứng bằng sự sợ sệt, đẩy ra. Đó là phản ứng hành vi để tránh những cảm giác đó. Nhưng lại cũng có những trẻ thích ôm ghì, thích ném đồ thật mạnh, thích được ấn/nắm các bộ phận trên cơ thể thật chặt thì trẻ mới cảm thấy an toàn và bình tĩnh.
Rối loạn phổ tự kỷ
Trẻ bị rối loạn về xử lý xúc giác gặp khó khăn về các kích thích vào các vùng da khác nhau trên cơ thể

  • Rối loạn về xử lý cảm nhận bản thể: trẻ gặp khó khăn trong việc cảm giác về vị trí của tay/chân và các bộ phận cơ thể hoặc vị trí của tay/chân và đầu.
  • Rối loạn về xử lý tiền đình: là những khó khăn về giác quan để giúp trẻ có thể giữ thăng bằng và định hướng không gian (là tiền đề cho việc trẻ hoạt động và phối hợp thăng bằng), có thể thể hiện ra bằng việc: né tránh các chuyển động cơ thể, luôn nằm ườn 1 chỗ, hoặc chạy nhảy lăng xăng, hoạt động liên tục không mệt mỏi...

Trên đây là một số ví dụ về các rối loạn giác quan mà trẻ tự kỷ có thể gặp phải - không phải là tất cả trẻ tự kỷ đều có các rối loạn này (hơn 90% trẻ tự kỷ - đặc biệt là các trẻ tự kỷ nặng có điểm CARS trên 40 điểm là có rối loạn xử lý giác quan đi kèm), cũng không có nghĩa không có các rối loạn này thì trẻ bớt nguy cơ tự kỷ. Có những trẻ có thể gặp phải một khó khăn về xử lý giác quan, nhưng cũng có thể có trẻ cùng lúc gặp nhiều khó khăn về xử lý giác quan.

Thông qua nghiên cứu của nhóm nghiên cứu bệnh viện Nhi trung ương năm 2017, thì có hơn 77% trẻ tự kỷ có ít nhất một loại rối loạn cảm giác, trong đó có hơn 46% trẻ có rối loạn từ 3 loại giác quan trở lên. Có hơn 55% trẻ tự kỷ gặp rối loạn xử lý cảm giác tiền đình, 36% trẻ tự kỷ có rối loạn xúc giác và thị giác.

Với trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tâm huyết và yêu nghề, đội ngũ nhân viên y tế công tác tại Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục, trung tâm Y học tái tạo, Bệnh Đa khoa Quốc Tế Vinmec Times city luôn mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt:

  • Khám sàng lọc, tư vấn ghép Tế bào gốc điều trị các bệnh lý: Tự kỷ, bại não, xơ gan, rối loạn cơ tròn do thoát vị màng não tủy, tổn thương tủy sống, di chứng viêm não, tổn thương não do đuối nước...
  • Khám và phục hồi chức năng nhi khoa
  • Khám tâm lý và can thiệp tâm lý cho trẻ em

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan