Hình ảnh nội soi tiêu hóa của bệnh Celiac

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Celiac là bệnh lý mạn tính có cơ chế tự miễn do phản ứng với gluten trong thức ăn. Bệnh có yếu tố di truyền và trên thực tế lâm sàng, biểu hiện khá đa dạng từ không có triệu chứng đến triệu chứng mờ nhạt hoặc những trường hợp nặng có thể có triệu chứng kém hấp thụ điển hình như tiêu chảy mạn tính, thiếu máu thiếu sắt, gầy sút cân...

Đây được coi là một bệnh lý rối loạn tiêu hóa hiếm trong đó hay gặp ở trẻ em tuy nhiên trong những năm gần đây, tỷ lệ phát hiện bệnh lý này tăng cùng với việc ghi nhận nhiều triệu chứng lâm sàng ngoài đường tiêu hóa và gặp ở nhiều lứa tuổi.

1.Vai trò của nội soi trong bệnh lý Celiac

Hình ảnh niêm mạc tá tràng bình thường quan sát dưới nội soi ánh sáng trắng và hình ảnh tăng cường NBI
Hình ảnh niêm mạc tá tràng bình thường quan sát dưới nội soi ánh sáng trắng và hình ảnh tăng cường NBI

1.1. Nội soi dạ dày - tá tràng

Theo phương pháp truyền thống, bệnh Celiac được chẩn đoán bằng cách sử dụng sinh thiết mô ở tá tràng kết hợp với các tự kháng thể trong huyết thanh. Kể từ khi cải tiến các ống nội soi video được sử dụng trong thực tế hàng ngày bao gồm sự ra đời của chế độ quan sát hình ảnh dải hẹp (NBI) và tiêu điểm gần – chế độ lấy nét gần (Near Focus), việc kiểm tra chi tiết niêm mạc tá tràng cho kết quả là một phương pháp chính xác để chẩn đoán về mặt hình ảnh học.

Các dấu hiệu nhận biết qua nội soi của bệnh Celiac là các nếp gấp, rãnh và rãnh tá tràng hình vỏ sò, hoặc dạng nốt. Điều này trái ngược với hình ảnh tá tràng bình thường, được bao phủ bởi những nhung mao giống như ngón tay, cung cấp một diện tích bề mặt lớn để hấp thụ chất dinh dưỡng.

Trong bệnh Celiac, các nhung mao thường ngắn hơn và ít rõ rệt hơn so với ở niêm mạc bình thường. Dưới nội soi, mô hình nhung mao có thể được tăng cường hơn nữa bằng cách bơm đầy nước vào long ống tiêu hóa và cách tiếp cận này đã được sử dụng thường xuyên trong việc đánh giá các bệnh của cả tá tràng và hỗng tràng.

Hình ảnh bên trái trình bày các nhung mao hình ngón tay dẹt, thẳng góc sau khi bơm 100mL nước làm đầy lòng tá tràng. Cả hai hình ảnh đều được tạo bằng chế độ quan sát NBI và lấy nét gần (Near Focus Mode).
Hình ảnh bên trái trình bày các nhung mao hình ngón tay dẹt, thẳng góc sau khi bơm 100mL nước làm đầy lòng tá tràng. Cả hai hình ảnh đều được tạo bằng chế độ quan sát NBI và lấy nét gần (Near Focus Mode).

Việc ngâm trong nước rất đơn giản, bao gồm việc loại bỏ không khí khỏi lòng tá tràng, sau đó là bơm 90-150 ml nước. Sau đó, có thể dễ dàng quan sát các dấu hiệu của bệnh Celiac như các nếp gấp, rãnh và rãnh tá tràng hình vỏ sò, dạng nốt...

Do đó, kỹ thuật này cho phép chẩn đoán các khu vực có biểu hiện tổn thương nhung mao trong tá tràng với độ chính xác cao. Tuy nhiên, mặc dù cách tiếp cận này có tác dụng giảm số lượng sinh thiết được yêu cầu, vẫn cần xác định chẩn đoán bằng phân tích mô bệnh học, đặc biệt là để loại trừ các bệnh có thể có biểu hiện tương tự như vậy.

Hình ảnh bên trái trình bày các nếp van tá tràng với các vết nứt có thể nhìn thấy và hình dạng dạng nốt. Quan sát kỹ hơn các nếp gấp này cho thấy không có nhung mao. Cả hai hình ảnh đều được tạo bằng chế độ quan sát NBI.
Hình ảnh bên trái trình bày các nếp van tá tràng với các vết nứt có thể nhìn thấy và hình dạng dạng nốt. Quan sát kỹ hơn các nếp gấp này cho thấy không có nhung mao. Cả hai hình ảnh đều được tạo bằng chế độ quan sát NBI.

Với sự phát triển của các kĩ thuật nội soi, ngày càng ghi nhận nhiều hình ảnh nội soi gợi ý bệnh Celiac từ đó giúp các bác sĩ nội soi định hướng tiến hành sinh thiết dễ dàng hơn.

Hình ảnh điển hình trên nội soi ở đoạn xuống của tá tràng sau khi bơm hơi căng bao gồm: giảm số lượng nếp gấp vùng niêm mạc tá tràng (nếp gấp Kercking), niêm mạc tá tràng thô, có thể quan sát được mạng lưới mạch máu dưới niêm mạc (teo niêm mạc), có thể thấy các khía, rãnh sâu, có dạng khám, lần sần hoặc có hình ảnh lát sỏi.

Hình ảnh bên trái hiển thị mất các nếp gấp niêm mạc với sự xuất hiện   niêm mạc dạng hạt. Hình ảnh phù hợp được tạo ra bằng cách sử dụng NBI và lấy nét gần cho thấy sự mất đi của nhung mao trên bề mặt niêm mạc.
Hình ảnh bên trái hiển thị mất các nếp gấp niêm mạc với sự xuất hiện niêm mạc dạng hạt. Hình ảnh phù hợp được tạo ra bằng cách sử dụng NBI và lấy nét gần cho thấy sự mất đi của nhung mao trên bề mặt niêm mạc.

Mặc dù độ nhạy của các đặc điểm này thấp, không phải ở tất cả các bệnh nhân đều có nhưng nếu thấy những dấu hiệu này sẽ gợi ý cho các bác sĩ nội soi tiến hành sinh thiết. Có thể sử dụng chất nhuộm màu như xanh methylen hoặc indigo carmine để quan sát các thay đổi trên bề mặt niêm mạc rõ hơn đặc biệt là hình ảnh teo các nhung mao ruột và mạng lưới mạch máu. Các công nghệ nội soi phóng đại cũng cho phép tăng độ nhạy trong phát hiện teo nhung mao ở niêm mạc tá tràng lên trên 90%.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy việc sử dụng hình ảnh nội soi để chẩn đoán Celiac tại các trung tâm khác nhau chưa có sự thống nhất do vậy cho đến nay vẫn chưa thể thay thế được kết quả sinh thiết tá tràng.

Hình ảnh bên trái thể hiện dạng chi tiết của các nếp gấp niêm mạc bao gồm các vết nứt ở bề mặt niêm mạc có thể nhìn thấy được. Hình ảnh bên phải được tạo ra bằng NBI và lấy nét gần cho thấy mất nhung mao.
Hình ảnh bên trái thể hiện dạng chi tiết của các nếp gấp niêm mạc bao gồm các vết nứt ở bề mặt niêm mạc có thể nhìn thấy được. Hình ảnh bên phải được tạo ra bằng NBI và lấy nét gần cho thấy mất nhung mao.
Hình ảnh phía trên bên trái trình bày chẩn đoán ban đầu của bệnh Celiac với các vết nứt trên các nếp gấp niêm mạc và không có nhung mao khi hình ảnh niêm mạc được quan sát  bằng chế độ nội soi nhuộm màu NBI và chế độ lấy nét gần (Near Focus) trong hình ản

Hình ảnh phía trên bên trái trình bày chẩn đoán ban đầu của bệnh Celiac với các vết nứt trên các nếp gấp niêm mạc và không có nhung mao khi hình ảnh niêm mạc được quan sát bằng chế độ nội soi nhuộm màu NBI và chế độ lấy nét gần (Near Focus) trong hình ảnh bên phải.

Các hình ảnh bên dưới thu được từ cùng một bệnh nhân sau năm tháng ăn kiêng không chứa gluten. Hình ảnh phía dưới bên trái thể hiện các nếp gấp bình thường và hình ảnh bên phải sử dụng chế độ quan sát NBI và hình ảnh các nhung mao nhỏ giống như ngón tay ở chế độ quan sát Near Focus.

1.2 Nội soi đại tràng

Việc sinh thiết khi nội soi đại tràng ở những bệnh nhân tiêu chảy kéo dài, kể cả khi có nhiều triệu chứng định hướng đến Celiac, sẽ giúp loại trừ viêm đại tràng thêm nhiễm tế bào lympho hoặc viêm đại tràng vị thể. Bác sĩ nội soi cũng có thể đưa ống soi vào đoạn cuối hồi tràng quan sát để phát hiện tổn thương và sinh thiết giúp loại trừ Crohn.

Hình ảnh đại tràng trong bệnh lý Celiac
Hình ảnh đại tràng trong bệnh lý Celiac

1.3.Nội soi viên nang

Đây là kĩ thuật được sử dụng phổ biến nhằm phát hiện các tổn thương vùng ruột non trong nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm cả Celiac. Các đặc điểm ghi nhận được trên nội soi viên nang trong Celiac bao gồm hình ảnh teo niêm mạc, các nếp niêm mạc phẳng ra, niêm mạc ruột có nhiều khía, có thể có dạng khảm.

Nội soi viên nang
Nội soi viên nang

Một số tác giả đã đề xuất ở những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm miễn dịch dương tính và không tiến hành nội soi được hoặc không muốn nội soi, có thể sử dụng viên nang nội soi như công cụ để chẩn đoán thay thế cho kết quả sinh thiết mô bệnh học ở tá tràng. Tuy nhiên, mối tương quan giữa hình ảnh nội soi viên nang Với mô bệnh học còn nhiều tranh cãi.

Một nghiên cứu đa trung tâm tiến cứu tại châu Âu ghi nhận độ nhạy và độ đặc hiệu của nội soi viên nang trong phát hiện các tổn thương đặc trưng của Celiac (teo nhung mạo, niêm mạc mất nếp gấp, có khía) lần lượt là 95% và 73% tuy nhiên khi so sánh với kết quả mô bệnh học, độ phù hợp chỉ ở mức trung bình.

Hình ảnh teo niêm mạc ruột và niêm mạc ruột có khía trong bệnh Celiac trên nội soi viên nang. A: Sự hiện diện của nhung mao với kỹ thuật bơm nước làm đầy vùng khảo sát; B, C, D: Hình ảnh teo toàn bộ nhung mao; E: Sự hiện diện của nhung mao bình thường trê

Hình ảnh teo niêm mạc ruột và niêm mạc ruột có khía trong bệnh Celiac trên nội soi viên nang. A: Sự hiện diện của nhung mao với kỹ thuật bơm nước làm đầy vùng khảo sát; B, C, D: Hình ảnh teo toàn bộ nhung mao; E: Sự hiện diện của nhung mao bình thường trên quan sát của nội soi viên nang; F: Teo toàn bộ nhung mao với nội soi viên nang; G: Mô hình lông nhung tá tràng với công nghệ I-scan

Hình ảnh một bệnh nhân khác được chẩn đoán bệnh Celiac có teo niêm mạc ruột và niêm mạc ruột có khía.
Hình ảnh một bệnh nhân khác được chẩn đoán bệnh Celiac có teo niêm mạc ruột và niêm mạc ruột có khía.

1.4. Nội soi ruột non bóng kép


Trong những trường hợp Celiac khó điều trị, tái phát dai dẳng, một số nghiên cứu tại châu Âu đã ghi nhận việc cần thiết tiến hành nội soi ruột non bóng kép để phát hiện các biến chứng, tổn thương viêm ở hồng trắng và hồi tràng cũng như loại trừ việc xuất hiện u lympho.

Việc sử dụng chất nhuộm màu như indigo carmine cũng giúp nâng cao tỷ lệ phát hiện các tổn thương nghi ngờ ác tính như u lympho tế bào T; tính khả thi của kĩ thuật này cũng đã được chứng minh qua một vài nghiên cứu.

Hình ảnh bệnh nhân Celiac kháng trị phát hiện qua nội soi ruột non bóng kép
Hình ảnh bệnh nhân Celiac kháng trị phát hiện qua nội soi ruột non bóng kép
Một trường hợp niêm mạc ruột non bị teo và có nhiều rãnh nhỏ ở bệnh nhân bị Celiac
Một trường hợp niêm mạc ruột non bị teo và có nhiều rãnh nhỏ ở bệnh nhân bị Celiac
Một bệnh nhân khác có chẩn đoán là Celiac qua nội soi ruột non
Một bệnh nhân khác có chẩn đoán là Celiac qua nội soi ruột non

2. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác

Có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn đề theo dõi trong quá trình quản lý bệnh nhân Celiac như chụp baryt, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính...

Các hình ảnh trên chụp Baryt bao gồm teo các nhung mao ruột từng đoạn, mất các nếp ở vùng hỗng tràng, phù nề thành hỗng tràng, giãn đoạn hồng hoặc hồi tràng, đảo ngược nếp giữa vùng hỗng- hồi tràng.

Trên siêu âm có thể thấy hình ảnh tăng tưới máu mạch mạc treo, giãn quai ruột non, dày lan tỏa thành ruột, viêm hạch mạc treo.
Trên chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ, những hình ảnh này sẽ rõ ràng hơn.

viêm hạch mạc treo
Viêm hạch mạc treo

3. Mô bệnh học

Hình ảnh mô bệnh học trong Celiac được mô tả lần đầu năm 1954 với mảnh sinh thiết từ niêm mạc hồng tràng. Cho đến nay, trong hướng dẫn của Hội Tiêu hóa Mỹ đã đưa ra khuyến cáo để chẩn đoán cần lấy sinh thiết nhiều mảnh tại niêm mạc tá tràng. Khi lấy sinh thiết từ 4 mảnh trở lên, tỉ lệ chẩn đoán mới tăng lên một cách có ý nghĩa thống kê.

Sinh thiết đích từ 1 – 2 mảnh ở góc 9 giờ hoặc 12 giờ ở niêm mạc hành tá tràng thêm vào bốn mảnh sinh thiết ở đoạn hại của tá tràng giúp nâng độ nhạy trong chẩn đoán lên 96%. Các hình ảnh mô bệnh học gặp trong Celiac bao gồm thâm nhiễm tế bào lympho ở lớp biểu mô, dày lớp màng đáy, giảm số lượng tế bào đài, tăng sản các khe, teo nhung mao ruột ở các mức độ khác nhau.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ uy tín được nhiều bệnh nhân tin cậy trong thực hiện kỹ thuật chẩn đoán và điều trị các bệnh lý viêm ruột mãn tính...Cùng với đó, tại Bệnh viện Vinmec, việc thực hiện chẩn đoán thông qua nội soi tiêu hóa với máy nội soi Olympus CV 190, với chức năng NBI (Narrow Banding Imaging - nội soi với dải tần ánh sáng hẹp) cho kết quả hình ảnh phân tích bệnh lý niêm mạc rõ nét hơn so với nội soi thông thường, phát hiện các tổn thương viêm loét ở đường tiêu hóa.

Bệnh viện Vinmec với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, luôn tận tâm tận lực trong khám chữa bệnh, khách hàng có thể yên tâm với dịch vụ nội soi tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

932 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan