Hình ảnh tổn thương xương trên phim X-quang ở bệnh nhân gout mạn tính

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Ngoài thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, hình ảnh tổn thương xương trên phim X-quang có thể đánh giá sự phá hủy khớp do bệnh gout mạn tính, từ đó giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

1. Tổng quan về bệnh gout mạn tính

1.1 Bệnh gout mạn tính là gì?

Nếu nồng độ acid uric trong máu tăng cao hoặc không thể thải trừ ra bên ngoài, acid uric sẽ tích tụ lại dưới dạng tinh thể urate bên trong các mô của cơ thể, đặc biệt là ở các bao hoạt dịch, tổ chức quanh khớp gây viêm, đau khớp dữ dội. Tình trạng trên được gọi là bệnh gout.

1.2 Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh gout

Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bệnh gout như:

  • Người bệnh sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu đạm động vật, các thực phẩm chứa nhiều purin như hải sản, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật,...
  • Mắc các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, suy thận,... làm chức năng thận suy giảm dẫn đến giảm khả năng lọc thải acid uric ra khỏi cơ thể.
  • Người sử dụng các thuốc có tác dụng làm tăng nồng độ acid uric trong máu như: thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc ức chế tế bào điều trị các bệnh ác tính,...
  • Người có tiền sử gia đình mắc bệnh gout.

1.3 Các giai đoạn tiến triển của bệnh

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và gia tăng tuổi thọ, bệnh gout đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trở thành bệnh viêm khớp thường gặp nhất ở nam giới. Theo tiến triển tự nhiên, bệnh gout được chia làm 3 giai đoạn đó là:

  • Tăng acid uric máu không có triệu chứng lâm sàng
  • Bệnh gout cấp
  • Bệnh gout mạn tính

Trong đó, bệnh gout mạn tính là giai đoạn viêm khớp kéo dài không dứt. Sau đợt viêm gout cấp các khớp bị tổn thương không trở về bình thường mà vẫn sưng, xuất hiện các hạt tophi, đồng thời trong giai đoạn này có những đợt viêm khớp nặng lên.

Hạt tophi xuất hiện do sự lắng đọng kéo dài của các tinh thể urat ở các tổ chức, gây phá hủy cấu trúc tổ chức. Hạt tophi thường xuất hiện dưới da ở xung quanh khớp và bao hoạt dịch, đặc biệt là ở mắt cá ngoài cổ chân, quanh khớp gối, khớp khuỷu, khớp bàn ngón chân, dọc theo gân ở bàn tay và bàn chân, quanh các khớp đốt gần và xa ở bàn tay.

benh-gia-gout-co-nguy-hiem-2
Bệnh gout mạn tính là giai đoạn viêm khớp kéo dài không dứt

Ngoài ra, hạt tophi có thể xuất hiện ở những nơi không có liên quan đến khớp như trong nội tạng (van động mạch chủ, cơ tim, ngoại tâm mạc), ngoài màng cứng cột sống, vành tai.

Hạt tophi thường chắc và di động, khi vỡ ra, chất lắng đọng trong hạt tophi trông như phấn, có màu kem hoặc vàng. Thời gian trung bình từ khi có cơn gout đầu tiên đến khi xuất hiện hạt tophi là 12 năm. Tuy nhiên nếu không kiểm soát tốt tình trạng tăng acid uric và các yếu tố nguy cơ, tophi có thể xuất hiện chỉ sau 2 năm khởi phát bệnh.

2. Hình ảnh tổn thương xương trên phim X-quang ở bệnh nhân gout mạn tính

Để chẩn đoán bệnh gout mạn tính, ngoài thăm khám lâm sàng để phát hiện các triệu chứng đặc trưng như: Viêm nhiều khớp thường không đối xứng, sưng khớp kèm biến dạng do hủy hoại khớp do hạt tophi, kèm theo cứng khớp. Thì các kỹ thuật cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp X-quang, siêu âm,... rất có giá trị trong đánh giá tình trạng bệnh và các tổn thương do bệnh gây ra.

Hình ảnh tổn thương xương trên phim X-quang có thể đánh giá sự phá hủy khớp do bệnh gout mạn tính. Từ đó, giúp bác sĩ có phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Khoảng 50% bệnh nhân gout có biểu hiện thay đổi xương trên X-quang, thường là 6-8 năm sau đợt gout cấp đầu tiên. Đối với những bệnh nhân có hạt tophi dưới da, hầu như luôn có thay đổi trên X-quang.

Hình ảnh tổn thương xương của bệnh nhân gout mạn tính trên phim X-quang thường gặp là: xuất hiện các khuyết với các hốc (ở vị trí hạt tophi), hình ảnh có giá trị gợi ý là dạng móc câu, hẹp khe khớp, gai xương thứ phát, đôi khi có rất nhiều gai gây phá hủy và biến dạng cấu trúc khớp.

3. Chế độ sinh hoạt ăn uống cho bệnh nhân gout mạn tính

Bệnh gout mạn tính nếu không được tích cực điều trị sẽ gây những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống người bệnh. Ngoài những tổn thương tại khớp như: Xói mòn xương, cứng khớp, phá hủy khớp,... bệnh gout có thể gây sỏi thận, suy thận, ảnh hưởng đến thị lực,...

  • Để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của bệnh gout đối với sức khỏe, người bệnh nên tuân thủ điều trị bằng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp. Không ăn nhiều các thực phẩm giàu purin như cá mòi, cá trích, hải sản, nội tạng động vật,.. hạn chế ăn mỡ động vật, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích.
sử dụng rượu bia
Bệnh nhân gout mãn tính nên hạn chế sử dụng bia rượu, chất kích thích
  • Cần ăn nhiều rau củ quả, trái cây, uống nhiều nước để tăng cường loại bỏ acid uric ra ngoài qua đường tiểu. Về chế độ sinh hoạt, cần tăng cường vận động thể dục thể thao, tránh lối sống ít vận động, giảm cân nếu đang thừa cân.

Chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị bệnh, do đó những người mắc bệnh gout cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan