Hướng dẫn hô hấp nhân tạo cho trẻ em

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tống Văn Hoàn - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm 10 năm trong lĩnh vực Hồi sức cấp cứu.

Không bậc phụ huynh nào mong muốn con mình gặp nguy hiểm, tuy nhiên trên thực tế sẽ có những việc không lường trước được. Trẻ thường rất tò mò, hiếu động, có thể gặp phải tình huống nguy hiểm như nghẹn thức ăn, rơi xuống nước... bất cứ lúc nào. Khi đó, nếu người lớn thực hiện đúng các bước sơ cứu và hô hấp nhân tạo sẽ góp phần tích cực trong việc cứu sống trẻ.

1. Dấu hiệu trẻ ngừng hô hấp

Muốn biết trẻ có đang bị ngừng hô hấp không thì điều đầu tiên cần kiểm tra phản ứng bằng cách lắc hoặc vỗ nhẹ vào trẻ để kiểm tra xem trẻ có cử động hoặc hoặc phản ứng gì không. Hỏi to “con/cháu có sao không?”. Dấu hiệu cho thấy trẻ ngừng hô hấp là:

  • Trẻ bất tỉnh
  • Ngừng thở
  • Mất mạch
  • Không có phản ứng khi được lay gọi hoặc kích thích .

Để xác định tim của trẻ còn đập hay không, người cứu hộ hãy áp tai vào lồng ngực của trẻ và lập tức gọi cấp cứu hoặc nhờ người gọi giúp khi không nghe thấy tiếng tim đập. Trong thời gian chờ đợi, tiến hành sơ cấp cứu và thực hiện quy trình hô hấp nhân tạo ở trẻ em.

Sau đó, đưa trẻ đến nơi an toàn và thoáng đãng, lau sạch đất, máu hoặc đờm ở miệng của trẻ nếu có trước khi thực hiện hô hấp nhân cho trẻ em. Nên nới lỏng hoặc cởi bỏ quần áo, dây nịt... một cách nhanh chóng và khẩn trương vì lúc này đối với trẻ, mỗi phút giây đều rất quý giá.

hô hấp nhân tạo
Muốn biết trẻ có đang bị ngừng hô hấp không thì điều đầu tiên cần kiểm tra phản ứng bằng cách lắc hoặc vỗ nhẹ vào trẻ để kiểm tra xem trẻ có cử động hoặc hoặc phản ứng gì không

2. Quy trình hô hấp nhân tạo cho trẻ em

2.1. Thực hiện hà hơi thổi ngạt cho trẻ em

  • Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng, cứng. Trường hợp trẻ có nguy cơ bị chấn thương cột sống, nên có sự giúp sức của 2 người để di chuyển trẻ, ngăn chặn việc đầu và cổ của trẻ bị xoắn.
  • Thực hiện làm thông đường hô hấp, cạy miệng trẻ để tìm kiếm dị vật và dùng ngón tay lấy ra. Có thể đặt một miếng đệm dưới cổ trẻ để đầu hơi ngửa ra phía sau.
  • Nâng cằm trẻ lên bằng một tay đồng thời dùng tay còn lại ấn nhẹ xuống trán của trẻ, nhìn, lắng nghe và cảm nhận hơi thở. Để tai của người cứu hộ sát miệng và mũi của trẻ, theo dõi cử động lồng ngực và cảm nhận hơi thở của trẻ bằng má xen kẻ trong quá trình cấp cứu và hô hấp nhân tạo cho trẻ em
  • Nếu không thấy trẻ tự thở thì bắt đầu hô hấp nhân tạo cho trẻ em bằng miệng của người cứu hộ, miệng ngậm chặt miệng của trẻ, đồng thời bịt kín mũi trẻ, nâng cằm và giữ đầu của trẻ hơi ngửa ra.
  • Tiến hành thổi 2 lần liên tiếp vào miệng trẻ đối với trẻ trên 8 tuổi, 1 hơi đối với trẻ dưới 8 tuổi, mỗi lần thổi khoảng 1 giây (khoảng 1 hơi/1 giây). Nếu thực hiện thao tác thổi đúng thì phải nhìn thấy ngực của trẻ phồng lên. Nếu không có không khí đi vào khi thổi, hãy điều chỉnh đầu của trẻ và thử lại.
  • Đối với trẻ dưới 8 tuổi: thực hiện thổi ngạt theo cường độ từ 20-30 lần/phút, đối với trẻ trên 8 tuổi thì thổi ngạt 15-20 lần/phút.

2.2. Thực hiện ép ngực (ép tim ngoài lồng ngực)

  • Cho bé nằm thẳng trên mặt phẳng cứng và người cứu hộ quỳ gối ở một bên của trẻ, hai đầu gối song song với thân người trẻ, cách một khoảng 10cm.
  • Người cứu hộ đặt một gan bàn tay lên xương ức, ngay dưới núm vú, không được để gan bàn tay xuống tận phía cuối của xương ức của trẻ. Đặt bàn tay kia lên trán của trẻ để giữ cho đầu trẻ hơi ngửa ra .
  • Thực hiện ấn lồng ngực của trẻ xuống khoảng 4 - 5cm, sau mỗi lần ép hãy để ngực phồng trở lại hoàn toàn. Thao tác ép ngực nhanh, dứt khoát và liên tục. Ép ngực 30 lần bằng cách vừa ép vừa đếm nhanh từ 1 đến 30 thì dừng lại.
  • Trong quá trình ấn, cánh tay luôn thẳng, không được gập khuỷu ngay cả khi ấn và khi buông. Ấn liên tục, hạn chế mọi gián đoạn, không được ngưng quá 5-10 giây. Số lần ép ngực thích hợp là 100-120 lần/phút.
  • Tiếp tục thổi ngạt 2 lần nữa sao cho thấy lồng ngực trẻ căng lên là thổi đúng. Tiếp tục thực hiện quy trình hô hấp nhân tạo cho trẻ em (ép ngực 30 lần xen kẻ thổi ngạt 2 lần, sau đó lặp lại) trong khoảng 2 phút.
  • Sau khi đã thực hiện hô hấp nhân tạo ở trẻ em khoảng 2 phút, nếu trẻ vẫn không có lại hơi thở bình thường, không ho, hoặc không cử động gì thì cho trẻ sử dụng máy AED (máy sốc điện tự động) ngay nếu có.
  • Nếu xe cấp cứu vẫn chưa đến tiếp tục các bước hô hấp nhân tạo cho trẻ em (30 lần ép ngực, 2 lần thổi ngạt) cho đến khi trẻ hồi phục hay đến khi có người trợ giúp đến.
  • Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu tự thở được thì ngừng lại, để trẻ nằm nghỉ và theo dõi nhịp thở của trẻ.
hô hấp nhân tạo
Nếu người lớn thực hiện đúng các bước sơ cứu và hô hấp nhân tạo sẽ góp phần tích cực trong việc cứu sống trẻ

3. Lưu ý khi thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ em

Một số lưu ý khi thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ em như sau:

  • Chỉ nên ép tim nhẹ nhàng để tránh gãy xương sườn của trẻ
  • Đối với những trẻ bị thương ở ngực và có biểu hiện gãy xương sườn, không nên sơ cứu bằng phương pháp hô hấp nhân tạo cho trẻ em hoặc xoa bóp tim ngoài lồng ngực (ép ngực)
  • Ngay khi trẻ tự thở được cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Ép tim cho trẻ
Chỉ nên ép tim nhẹ nhàng để tránh gãy xương sườn của trẻ

Hô hấp nhân tạo cho trẻ em là một kỹ thuật hồi sức cấp cứu quan trọng, giúp trẻ trong các trường hợp chấn thương, nghẹn thức ăn hay rơi xuống nước,... có tiên lượng sống tốt. Thực tế, do tính hiếu động nên trẻ em thường là đối tượng gặp nạn và cần hô hấp cấp cứu kịp thời. Vì thế, trong một số trường hợp khẩn cấp, nhất là các bậc cha mẹ, ai cũng nên trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan