Mục đích chụp cộng hưởng từ toàn thân là gì? Những ai nên chụp?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trịnh Lê Hồng Minh - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân là kỹ thuật đang được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị bệnh vì có độ chính xác, chi tiết cao. Hiện kỹ thuật này đang thể hiện được vai trò quan trọng trong đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe, chẩn đoán, sàng lọc sớm bệnh ung thư.

1. Tổng quan về chụp cộng hưởng từ toàn thân

1.1 Chụp cộng hưởng từ toàn thân là gì?

Chụp cộng hưởng từ toàn thân (chụp MRI toàn thân) là kỹ thuật sử dụng từ trường và sóng radio để tạo dựng hình ảnh cắt lớp. Dưới tác động của các sóng trên, các nguyên tử Hydrogen trong cơ thể sẽ hấp thụ và giải phóng năng lượng. Quá trình này được máy ghi nhận, xử lý, chuyển đổi thành tín hiệu hình ảnh trên phim chụp.

Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh công nghệ cao, ứng dụng công nghệ quét 3 chiều toàn bộ cơ thể, cho hình ảnh có độ sắc nét, tương phản cao, rõ ràng và chi tiết. Vì thế, các tổn thương lớn, nhỏ ở từng cơ quan, vị trí cần khảo sát đều được hiển thị rõ ràng. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể sử dụng hình ảnh chụp MRI để tái tạo 3D, từ đó nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân
Chụp cộng hưởng từ toàn thân

1.2 Mục đích chụp cộng hưởng từ toàn thân là gì?

Phương pháp chụp MRI toàn thân được thực hiện nhằm kiểm tra các bệnh lý khác nhau ở các bộ phận trên cơ thể như:

  • Vùng đầu: Giúp phát hiện khối u trong não, màng não hoặc u vùng hàm mặt, dị dạng mạch máu não, các ổ viêm, nhiễm trùng ở não, thoái hóa não, xuất huyết não, nhồi máu não,...;
  • Vùng cổ: Giúp phát hiện khối u ở vòm họng, tuyến nước bọt, tuyến giáp,...;
  • Vùng ngực: Giúp kiểm tra những vấn đề bất thường ở vú, tim, trung thất,...;
  • Vùng bụng: Giúp phát hiện bệnh u gan, thận, tụy, đường mật;
  • Vùng cột sống: Giúp bác sĩ đánh giá tình trạng viêm các đốt sống, lao cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai cột sống, u tủy sống, ung thư cột sống hoặc các vấn đề liên quan tới dây thần kinh,...;
  • Vùng chậu - hông: Giúp đánh giá xương chậu, khớp háng, tuyến tiền liệt ở nam giới, phát hiện u xơ tử cung, u nang buồng trứng, u bàng quang, u trực tràng,...
Chụp cộng hưởng từ từ lực cao
Chụp cộng hưởng từ vùng đầu giúp phát hiện khối u trong não, màng não,...

1.3 Ưu điểm của kỹ thuật chụp cộng hưởng từ

Chụp cộng hưởng từ nói chung, chụp MRI toàn thân nói riêng có nhiều ưu điểm vượt trội như:

  • Thời gian chụp nhanh: Bệnh nhân chuẩn bị chụp MRI chỉ cần nhịn ăn 4 giờ, chụp trong khoảng 45 - 60 phút;
  • An toàn tuyệt đối: Kỹ thuật chụp MRI không sử dụng tia X hoặc năng lượng xâm lấn nên rất an toàn, có thể sử dụng cho cả thai nhi. Do đó, chụp cộng hưởng từ có thể áp dụng để tầm soát bệnh cho người khỏe mạnh, thực hiện định kỳ mà không sợ ảnh hưởng tới sức khỏe;
  • Độ chính xác cao: Hình ảnh chụp MRI toàn thân có độ tương phản cao, giải phẫu chi tiết và có thể tái tạo hình 3D. Đồng thời, phương pháp này có thể phát hiện chính xác các tổn thương hình thành, cấu trúc các bộ phận cơ thể. Đồng thời, hình ảnh MRI cũng góp phần định hướng khối u lành tính hay ác tính;
  • Chi phí hợp lý: Chi phí chụp MRI thấp hơn so với chụp PET/CT, phù hợp để sử dụng trong tầm soát bệnh định kỳ.
Chụp PET/CT mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân
Hình ảnh chụp PET/CT cho bệnh nhân

1.4 Quy trình chụp MRI toàn thân

Chuẩn bị

  • Bệnh nhân thay áo choàng, tháo trang sức hoặc phụ kiện có thể gây nhiễu trong trường chụp. Những bệnh nhân mang trên người thiết bị y tế, máy tạo nhịp tim, cấy ốc tai điện tử,... có thể không được chụp MRI;
  • Bệnh nhân bị quá lo lắng hoặc sợ không gian hẹp có thể được sử dụng thuốc hỗ trợ để giảm lo lắng, giữ tâm lý thoải mái hơn;
  • Người bệnh có thể được tiêm thuốc tương phản tĩnh mạch để bộc lộ rõ tổn thương;
  • Có thể cho người bệnh nút tai hoặc tai nghe để hạn chế tiếng ồn trong lúc chụp; trẻ em có thể được nghe nhạc để giảm căng thẳng khi chụp MRI.

Trong khi chụp

  • Kỹ thuật viên sẽ trao đổi với bệnh nhân thông qua máy liên lạc, đảm bảo người bệnh thoải mái, sẵn sàng thực hiện chụp MRI;
  • Trong quá trình chụp, bắt buộc phải giữ cố định cơ thể người bệnh vì việc chuyển động sẽ làm giảm chất lượng hình ảnh thu được. Đôi khi người bệnh phải nín thở để chụp MRI;
  • Nếu người bệnh cảm thấy không thoải mái trong lúc chụp MRI thì có thể báo với kỹ thuật viên, yêu cầu dừng chụp.

Sau khi chụp

  • Hiếm khi người bệnh gặp phản ứng phụ sau chụp cộng hưởng từ;
  • Thuốc tương phản có thể gây ra một số phản ứng gồm buồn nôn, đau đầu, nóng rát tại chỗ tiêm,... Số ít có thể bị dị ứng thuốc với biểu hiện ngứa mắt, nổi mề đay. Người bệnh khi có phản ứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ.

2. Những ai nên/không nên chụp cộng hưởng từ toàn thân?

Ung thư vú
Bênh nhân ung thư vú nên chụp MRI toàn thân

2.1 Trường hợp nên chụp MRI toàn thân

  • Người khỏe mạnh muốn tầm soát, sàng lọc hoặc phát hiện sớm ung thư;
  • Người cần xác định các khối u ác tính ở các cơ quan như u não, ung thư gan, ung thư thận, ung thư đại trực tràng, u xương, lymphoma,...;
  • Người cần xác định các bệnh lý lành tính như gai cột sống, ổ viêm, u nang, nhân xơ, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, bệnh gan, thận,...;
  • Người có nguy cơ cao mắc ung thư;
  • Người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như: Bác sĩ, thợ sơn, thợ nhuộm, thợ mỏ, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh,...;
  • Người có người thân mắc ung thư, đặc biệt là ung thư vú, ung thư buồng trứng ở nữ giới;
  • Người đang theo dõi điều trị ung thư: Chụp MRI nhằm đánh giá mức độ ung thư; khả năng di căn trên toàn bộ cơ thể; kiểm tra các tổn thương nguyên phát, thứ phát; đánh giá tiến trình đáp ứng điều trị ung thư,...

2.2 Trường hợp nên cân nhắc khi chụp MRI

Hen suyễn
Người bị hen suyễn cần cân nhắc về lợi ích, rủi ro khi chụp MRI

Một số trường hợp được khuyến cáo cần cân nhắc về lợi ích, rủi ro khi chụp MRI. Đó là:

  • Phụ nữ mang thai (đặc biệt là giai đoạn dưới 12 tuần) hoặc phụ nữ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chụp;
  • Người mắc các bệnh lý gồm hen suyễn, tim mạch, sợ không gian hẹp, bệnh thận nặng, có vấn đề về thần kinh,...;
  • Người có lắp các thiết bị điện tử trong cơ thể như máy trợ tim, đặt stent kim loại trong mạch máu,... vì các dị vật kim loại trong cơ thể có thể làm nhiễu sóng, dẫn tới kết quả chụp MRI không chính xác.

Chụp cộng hưởng từ toàn thân là phương pháp chẩn đoán hình ảnh ứng dụng công nghệ cao, giúp phát hiện bệnh sớm, an toàn và hiệu quả. Khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này, người bệnh cần phối hợp với mọi hướng dẫn của bác sĩ, kỹ thuật viên để thu được kết quả chẩn đoán chính xác nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

910 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan