Nghi ngờ hẹp khoang dưới mỏm cùng vai cần làm những phương pháp chẩn đoán nào?

Bài viết bởi Bác sĩ nội trú, Thạc sĩ Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là tình trạng tương đối thường gặp, chiếm 45-60% các rối loạn của vai. Bệnh gây ra triệu chứng đau vai, hạn chế vận động vùng vai làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.

1. Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là gì?

Hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là tình trạng khoang giữa mỏm vai và các gân cơ chóp xoay bị thu hẹp. Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai có thể là hậu quả của một hoặc nhiều nguyên nhân như:

  • Sự chèn ép từ bên ngoài vào các cấu trúc gân chóp xoay khớp vai. Gân chóp xoay khớp vai được hợp thành từ 4 cơ đó là cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé. Gân chóp xoay khớp vai nằm giữa chỏm xương cánh tay và phần trước của mỏm cùng vai, dây chằng quạ cùng, khớp cùng vai đòn. Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai có thể do sự chèn ép dưới mỏm cùng vai, chấn thương từ bên ngoài vào các cấu trúc gân chóp xoay khớp vai.
  • Thoái hóa nội tại của gân: cơ trên gai bị thoái hóa làm mất cân bằng chỏm xương cánh tay với ổ chảo, gây sự dịch chuyển quá mức của chỏm xương cánh tay, dẫn đến hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.
  • Hẹp khoang dưới mỏm vai có thể do viêm túi hoạt dịch dưới mỏm cùng vai và các dây chằng xung quanh.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như: co rút bao khớp phía sau khớp vai, mỏm quạ hình móc, mất vững khớp vai,...

Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là một trong những nguyên nhân gây đau vai phổ biến nhất, chiếm 45-60% các rối loạn của vai. Bệnh thường xảy ra ở những người chơi các môn thể thao phải đưa tay qua quá đầu hoặc những người lao động có các động tác dạng tay quá đầu. Người mắc bệnh hẹp khoang dưới mỏm cùng vai có triệu chứng đau khớp vai với các đặc điểm như đau tăng lên khi thực hiện các động tác dạng vai, nâng tay quá đầu, nâng xách vật nặng, hạn chế biên độ vận động khớp vai. Người bệnh đau nhiều về đêm nhưng lại đáp ứng kém với các thuốc giảm đau thông thường, tình trạng đau làm người bệnh tỉnh giấc, mất ngủ.

Viêm gân nhị đầu gây đau nhức vai liên tục
Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai là một trong những nguyên nhân gây đau vai phổ biến nhất, chiếm 45-60% các rối loạn của vai

2. Chẩn đoán hẹp khoang dưới mỏm cùng vai như thế nào?

Để chẩn đoán hẹp khoang dưới mỏm cùng vai, bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt của người bệnh, hỏi về tính chất cơn đau. Bác sĩ sẽ thực hiện các động tác khám nhằm tìm ra dấu hiệu của hội chứng hẹp khoang dưới mỏm vai. Để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp X-quang khớp vai: Là phương pháp hiệu quả để tìm các dấu hiệu bất thường của cấu trúc xương hay dấu hiệu của viêm khớp. Phim X-quang có thể xác định được tình trạng mỏm cùng hạ thấp hơn của người bệnh so với bình thường làm hẹp khoang dưới mỏm. Phim X-quang cũng giúp phát hiện tình trạng gai xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Bác sĩ thường chỉ định chụp MRI khi nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương rách chóp xoay, viêm gân hay bệnh lý ở sụn viền.
  • Siêu âm vùng vai: giúp phát hiện hình ảnh rách chóp xoay.

Ngoài ra, để phân biệt hội chứng hẹp khoang dưới mỏm cùng vai với các bệnh lý ở vùng cổ gây đau ở khớp vai, bác sĩ sẽ thực hiện nghiệp pháp như sau: tiêm một lượng thuốc tê nhất định vào khoang dưới mỏm cùng, nếu bệnh nhân đỡ đau ngay thì nguyên nhân đau vai do hẹp khoang dưới mỏm cùng vai.

Kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn bệnh nhân tư thế và lưu ý khi chụp MRI
bác sĩ thường chỉ định chụp MRI khi nghi ngờ bệnh nhân có tổn thương rách chóp xoay, viêm gân hay bệnh lý ở sụn viền

3. Hẹp khoang dưới mỏm cùng vai điều trị như thế nào?

3.1. Điều trị nội khoa

Trong giai đoạn đầu của bệnh, bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa với thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp với chườm đá, nghỉ ngơi,... Một số trường hợp bác sĩ có thể chiếu tia hồng ngoại để tăng cường lượng máu tới các mô ở khớp vai. Khi bệnh nhân đỡ đau sẽ tiến hành các bài tập vật lý trị liệu.

Bác sĩ có thể chỉ định tiêm các thuốc giảm đau chống viêm steroid trực tiếp vào khoang dưới mỏm cùng nếu các biện pháp trên không mang lại hiệu quả. Tuy nhiên do các thuốc steroid nhiều tác dụng phụ nên rất cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng.

Tiêm acid hyaluronic hoặc huyết tương giàu tiểu cầu là các hướng điều trị mới, có thể được lựa chọn cho một số trường hợp nhưng hiệu quả của các phương pháp này chưa được nghiên cứu kỹ.

3.2. Điều trị ngoại khoa

Nếu điều trị nội khoa chèn ép dưới mỏm cùng vai 4-6 tháng mà không cải thiện, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cho người bệnh. Có hai phương pháp phẫu thuật là mổ hở và mổ nội soi. Mục đích của phẫu thuật là sửa chữa các tổn thương và giảm áp lực đè ép lên túi hoạt dịch và chóp xoay. Làm rộng khoảng cách giữa mỏm cùng và gân chóp xoay bằng cách làm sạch các tổn thương thoái hóa, các chồi xương và một phần mỏm cùng vai. Đồng thời, phục hồi tổn thương rách chóp xoay nếu có. Phẫu thuật nội soi hiện nay được sử dụng phổ biến do có nhiều ưu điểm như thời gian thực hiện nhanh, giảm đau, giảm số ngày nằm viện, tính thẩm mỹ cao.

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được treo hay mang nẹp để bất động. Sau đó, người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu để tránh cứng khớp, phục hồi vận động.

Phẫu thuật nội soi cắt thùy trái tuyến giáp
Nếu điều trị nội khoa chèn ép dưới mỏm cùng vai 4-6 tháng mà không cải thiện, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật cho người bệnh

Tóm lại, bác sĩ sẽ chẩn đoán hẹp khoang dưới mỏm vai dựa trên bệnh sử và khám lâm sàng. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp chụp X-quang, siêu âm hoặc MRI để chẩn đoán phân biệt, từ đó xác định giai đoạn bệnh để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã và đang tiếp tục trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như: PET/CT, SPECT/CT, MRI, siêu âm, X-quang..., xét nghiệm huyết tủy đồ, mô bệnh học, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, xét nghiệm sinh học phân tử, cũng như có đầy đủ các loại thuốc điều trị các bệnh lý. Theo đó, quy trình thăm khám, chẩn đoán chính xác bệnh đều được thực hiện bởi các bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm.

Sau khi có chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn, người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất. Đặc biệt, hiện nay để nâng cao chất lượng dịch vụ, Vinmec còn triển khai nhiều gói Khám sức khỏe tổng quát có thể sớm phát hiện các bệnh lý để có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

Để được thăm khám với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn tại Vinmec bạn có thể liên hệ và đặt lịch khám tại website.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan