Nhận biết bệnh đậu mùa khỉ qua hình ảnh

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do virus gây ra, do đó nhiều người e ngại rằng bệnh sẽ bùng phát như đại dịch COVID-19. Hiện nay việc phòng bệnh và xử trí phụ thuộc nhiều vào việc nhận biết các dấu hiệu hay hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ.

1. Tổng quan về tình hình đại dịch đậu mùa khỉ

Khác hoàn toàn so với đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới trong thời gian gần đây, bệnh đậu mùa khỉ đã từng xuất hiện trước đây và tác nhân gây bệnh không phải là một loại virus xa lạ. Năm 1958, các nhà khoa học đã phát hiện được chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên, cụ thể những nghiên cứu ban đầu cho thấy loại virus này được ghi nhận trên những con khỉ bị nhốt (với mục đích thực hiện các nghiên cứu khác) tại Đan Mạch.

Sau đó, các trường hợp được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên thế giới xảy ra vào năm 1970 tại vườn quốc gia thuộc Zaire, nay được gọi là Cộng hòa dân chủ Congo. Virus gây bệnh đậu mùa khỉ là virus cùng họ với virus gây đại dịch đậu mùa trước đây (hiện nay đậu mùa đã được xóa sổ), tuy nhiên dấu hiệu và hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa rất nhiều. Các chuyên gia Y tế khẳng định rằng việc lây lan của virus đậu mùa khỉ khó có thể bùng phát mạnh mẽ như đối với virus SARS CoV 2.

2. Bệnh đậu mùa khỉ lây lan như thế nào?

Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo người dân nên tránh tối đa việc tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện phát ban hoặc có hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện trên da. Đồng thời, CDC Hoa kỳ cũng khuyến cáo người dân cần tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, điều này sẽ giúp giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo virus đậu mùa khỉ qua đường tình dục.

So sánh về nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh COVID-19: bệnh xuất phát từ đường lây virus SARS CoV 2 qua giọt bắn hô hấp, còn đối với virus đậu mùa nhỉ đường lây chủ yếu dựa vào việc người lành dùng chung đồ với người mắc bệnh. Dựa trên phân tích của giới chuyên môn, bệnh đậu mùa khỉ có 3 con đường lây nhiễm bệnh chủ yếu, bao gồm:

  • Lây truyền thông qua vết cắn của động vật đã nhiễm virus đậu mùa khỉ;
  • Tiêu thụ thịt động vật đã nhiễm virus đậu mùa khỉ;
  • Tiếp xúc gần với người bệnh đậu mùa khỉ.

Những dấu hiệu đặc trưng của bệnh đậu mùa khỉ sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian 5 - 21 ngày với các tổn thương trên da xuất hiện cùng với những dấu hiệu bất thường trên đường hô hấp hoặc trên niêm mạc tại mắt, mũi, miệng.

3. Triệu chứng, hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ

Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ rơi vào khoảng 5 - 21 ngày, trung bình là 6 - 13 ngày kể từ thời điểm người bệnh phơi nhiễm với virus.

Giai đoạn đầu tiên của bệnh đậu mùa khỉ thường kéo dài từ 1 - 5 ngày với những triệu chứng bệnh không đặc hiệu như đau đầu, đau cơ, sốt, đau lưng và đặc biệt là sưng hạch.

Giai đoạn 2 bệnh đậu mùa khỉ kéo dài khoảng 1 - 3 ngày tiếp theo, khi đó bệnh nhân thường đã giảm sốt. Tuy nhiên giai đoạn này sẽ bắt đầu có biểu hiện bằng những tổn thương phát ban da đặc trưng. Lúc đầu, những nốt phát ban của bệnh đậu mùa khỉ sẽ dẹp, sau đó diễn tiến sang sưng, mọng nước rồi hình thành mủ và vỡ ra, gây bong tróc, đóng vảy và chổi cùng hình thành nên lớp da non.

Đặc biệt, có những trường hợp bệnh nhân xuất hiện những hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ không quá điển hình. Xét theo góc độ Y khoa, những dấu hiệu bệnh đậu mùa khỉ không khác biệt nhiều so với những triệu chứng bệnh lý do nhiễm virus thông thường khác, điểm khác biệt lớn nhất và điển hình nhất của văn bệnh này chính là những nốt phát ban với đặc điểm như trên.

4. Phân biệt hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu

4.1. Khác nhau về virus gây bệnh

Cả bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thủy đậu đều do virus gây ra:

  • Bệnh thủy đậu do Varicella Zoster virus (VZV), khác họ với virus gây bệnh đậu mùa khỉ. VZV thuộc gia đình Virus Herpes, với mỗi loại virus herpes sẽ gây tổn thương với đặc điểm khác nhau trên da;
  • Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae và hoàn toàn không liên quan đến VZV. Có thể hiểu bệnh đậu mùa khỉ là “anh em họ” của đại dịch đậu mùa trước đây.

4.2. Khác nhau về tổn thương da

Mặc dù hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là phát ban dạng mụn nước nhỏ, nhưng giữa chúng vẫn có sự khác biệt về tính chất cũng như sự phân bố của phát ban giúp chúng ta dễ phân biệt hơn.

Virus thủy đậu chỉ ảnh hưởng đến một phần của cơ thể trong khi virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể ảnh hưởng đến toàn thân.

Tổn thương da của bệnh đậu mùa khỉ thường đồng bộ, nghĩa là các tổn thương thường giống nhau ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh. Kèm theo tổn thương da thì virus đậu mùa khỉ gây sưng các hạch bạch huyết, ngược lại hạch trong thủy đậu sẽ không sưng và thường có màu đỏ.

4.3. Khác nhau về đường lây truyền

Đối với bệnh đậu mùa khỉ:

  • Virus gây bệnh có thể lây từ động vật sang người thông qua vết cắn hoặc vết cào xước, khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm virus hoặc thông qua việc ăn các sản phẩm chế biến từ động vật nhiễm bệnh;
  • Sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể qua nhau thai (dẫn đến thể bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh) hoặc tiếp xúc gần trong và sau khi sinh;
  • Đồng thời, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể hoặc vết loét trên người mắc bệnh hoặc với các vật dụng đã chạm vào dịch cơ thể hoặc vết loét (như quần áo hoặc khăn trải giường).

Đối với bệnh thủy đậu:

  • Thủy đậu lây lan dễ dàng từ những người bệnh sang người lành (bao gồm người chưa mắc bệnh hoặc chưa tiêm vắc-xin phòng virus thủy đậu);
  • Khả năng lây truyền của virus thủy đậu khá cao, lên đến 90% nếu người chưa có miễn dịch tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh;
  • Virus thủy đậu lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần với người mang virus thủy đậu.

4.4. Khác nhau về các triệu chứng kèm theo

Bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu có thể phân biệt sơ bộ thông qua các triệu chứng sau:

  • Sốt: Phát ban trong bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ 1 đến 5 ngày, trong khi thủy đậu xuất hiện từ 1 - 2 ngày sau khi sốt;
  • Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là 5 - 21 ngày, trong khi thủy đậu chỉ ủ bệnh từ 4 đến 7 ngày.

5. Bệnh đậu mùa khỉ có nguy hiểm không?

Về mức độ đánh giá tính nguy hiểm của đại dịch đậu mùa khỉ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết Việt Nam nằm trong khu vực Tây Thái Bình Dương, do đó nguy cơ xâm nhập dịch bệnh đậu mùa khỉ được xếp từ thấp đến trung bình. Việc đánh giá chi tiết mức độ nguy hại của bệnh cần dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm mức độ trầm trọng của đại dịch đậu mùa khỉ, những yếu tố làm tăng nguy cơ xâm nhập bệnh từ bên ngoài và mức độ lây lan của dịch bệnh trong khu vực lãnh thổ.

Trong số đó, một số đối tượng như trẻ nhỏ hoặc người suy giảm miễn dịch khi có những dấu hiệu, hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ thì mức độ bệnh có thể nghiêm trọng hơn những đối tượng khác. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ không cao, cụ thể chỉ ghi nhận khoảng 10% bệnh nhân ở Trung Phi tử vong và chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tử vong nào ngoài Châu Phi.

6. Xử trí bệnh đậu mùa khỉ

Biện pháp chính để hạn chế lây lan đại dịch đậu mùa khỉ đã được nhiều nơi áp dụng chính là cách ly và vệ sinh nhà cửa/môi trường sạch sẽ. Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định rằng bệnh nhân có dấu hiệu, hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ thường sẽ tự thuyên giảm trong vòng 2 - 4 tuần và tự khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp nghiêm trọng nhiễm virus đậu mùa khỉ cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định các thuốc kháng virus phù hợp để tăng hiệu quả trị bệnh.

Ngoài ra, virus gây bệnh đậu mùa khỉ không phải là một biến chủng mới nên đã có một số loại vắc-xin phòng bệnh được đăng ký sử dụng với mục đích phòng bệnh cho một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, WHO không khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ đại trà trên diện rộng.

Một số đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ theo Tổ chức Y tế Thế giới:

  • Đối tượng đã tiếp xúc với người nhiễm virus đậu mùa khỉ;
  • Những người hỗ trợ cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ để phòng nguy cơ lây nhiễm chéo, bao gồm nhân viên y tế hoặc người làm tại các phòng xét nghiệm.

Tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ có điểm khác biệt so với COVID-19, đó là ngoài tiêm phòng trước thì vắc-xin cũng có thể được tiêm cho người sau khi tiếp xúc với virus (do thời gian ủ bệnh khá dài). Theo CDC Hoa Kỳ, vắc-xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ cần được tiêm trong vòng 4 ngày kể từ thời điểm bắt đầu có hình ảnh bệnh đậu mùa khỉ, qua đó hỗ trợ phòng ngừa tốt nhất việc mắc bệnh và các diễn tiến xấu có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan