Những câu hỏi thường gặp khi siêu âm gan mật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lưu Thị Bích Ngọc - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có 06 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Nhiều bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến gan, đường mật thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi đã vào giai đoạn muộn. Đến khi các triệu chứng xuất hiện thì các cơ quan đã bị tổn thương đáng kể. Cách giúp người bệnh phát hiện sớm các bệnh lý này là tiến hành siêu âm gan mật. Từ kết quả siêu âm, bác sĩ sẽ nhìn thấy những dấu hiệu bất thường từ sớm và xác định phương án điều trị hợp lý.

1. Tổng quát

Siêu âm gan mật là phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến giúp đánh giá các tổn thương ở vùng gan và mật. Từ kết quả thu được sẽ giúp sàng lọc, chẩn đoán những bệnh lý phổ biến ở gan và đường mật. Siêu âm gan mật có thể tiến hành riêng biệt hoặc chung trong siêu âm ổ bụng tổng quát.

Ưu điểm của kỹ thuật siêu âm gan mật bao gồm:

  • Quá trình siêu âm gan mật diễn ra khá nhanh (dưới 20 phút).
  • Kết quả chính xác, giá trị chẩn đoán bệnh lý gan mật cao.
  • Thủ thuật thực hiện nhẹ nhàng và thoải mái.
  • Quy trình thực hiện an toàn với sức khỏe con người.
  • Áp dụng cho mọi bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, giới tính.

Siêu âm gan mật đóng vai trò quan trọng trong việc:

  • Phát hiện các loại thương tổn ở gan, bệnh lý gan như: ung thư gan, áp-xe gan, gan nhiễm mỡ, sán lá gan, xơ gan cổ trướng, nang gan, các khối u lành tính...
  • Phát hiện các bất thường ở mật, bệnh lý đường mật như: sỏi ống mật, xơ viêm đường mật, ung thư túi mật, áp-xe túi mật, polyp túi mật, rối loạn vận động đường mật...
  • Đánh giá mức độ nặng nhẹ, giai đoạn của bệnh, từ đó đề ra phương hướng điều trị phù hợp.
Gói khám sàng lọc gan mật - tiêu chuẩn 1
Kết quả siêu âm giúp chẩn đoán những bệnh lý phổ biến ở gan và đường mật

2. Khi nào nên siêu âm gan mật?

Để phát hiện sớm bệnh, người bệnh nên thực hiện siêu âm gan sớm khi thấy các dấu hiệu:

  • Da và mắt chuyển màu vàng: nguyên nhân do lượng bilirubin tăng trong máu, chức năng gan suy giảm khiến khả năng tự đào thải bilirubin bị ảnh hưởng.
  • Chướng bụng to: do ổ bụng tích dịch tự do.
  • Xuất hiện mạng nhện trên da: da xuất hiện mạng nhện mỏng như các mạch máu nhỏ cũng là dấu hiệu nhận biết bệnh lý về gan.
  • Nước tiểu chuyển màu sẫm: cũng do lượng bilirubin cao thải ra cùng với nước tiểu.

Người bệnh cần thực hiện siêu âm đường mật khi nhận thấy các dấu hiệu:

  • Da chuyển vàng lâu (từ 2 tuần trở lên): đặc biệt là với trẻ nhỏ, sau khi trẻ đã trải qua giai đoạn vàng da sinh lý mà vẫn bị vàng da nặng, chậm lớn, thiếu máu thì cần siêu âm đường mật sớm.
  • Phân bạc màu dù chế độ ăn uống sinh hoạt bình thường. Bệnh lý túi mật càng nặng thì độ bạc màu càng rõ nét.
  • Nước tiểu sẫm màu bất thường.

Ngoài ra, các triệu chứng khác như suy gan, cổ trướng, phù nề, chảy máu ngoài da do cơ thể không hấp thu được vitamin K...cũng nên được chú ý và thực hiện siêu âm gan mật để chẩn đoán càng sớm càng tốt.

Siêu âm gan
Người bệnh nên tiến hành siêu âm sớm khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu của bệnh gan mật

3. Quy trình siêu âm gan mật

Quá trình siêu âm gan mật sẽ được tiến hành lần lượt theo các bước:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường khám, kéo áo để lộ phần bụng thuận tiện cho việc siêu âm, đồng thời hít sâu và nín thở để hạ thấp gan xuống, tránh hơi trong đại tràng.
  • Bước 2: Bác sĩ bôi lên vùng bụng bệnh nhân một lớp gel để giúp máy dò tiếp xúc chắc chắn với cơ thể, ngăn không khí ở giữa máy dò và da người.
  • Bước 3: Bác sĩ di chuyển đầu dò lên các vùng cơ thể cần thăm khám. Đầu dò phát sóng siêu âm tần số cao thu lại hình ảnh vùng gan mật và hiển thị trên màn hình.
  • Bước 4: Bác sĩ lau chất gel được bôi ban đầu và kết thúc quá trình siêu âm gan mật. Thời gian thực hiện siêu âm kéo dài chưa đầy 20 phút và không gây bất cứ đau đớn hay ảnh hưởng nào tới người bệnh.

4. Một số lưu ý khi siêu âm gan mật

Với những người chưa từng thực hiện siêu âm gan mật tất nhiên sẽ có một chút lo lắng nhất định. Để quá trình siêu âm gan diễn ra nhanh chóng, chính xác, bạn có thể chú ý những điều sau:

  • Trước khi siêu âm gan mật, bệnh nhân nên nhịn đói từ 6-8 tiếng để túi mật ở kích thước bình thường, dễ dàng thăm khám. Thời gian siêu âm đạt kết quả tốt nhất là vào buổi sáng.
nhịn ăn trước phẫu thuật
Người bệnh nên nhịn đói từ 6-8 tiếng trước khi tiến hành siêu âm
  • Trước khi siêu âm gan mật khoảng 1 tuần, bệnh nhân nên hạn chế ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu, nên ăn các thức ăn thanh đạm, dễ tiêu hóa để không gây áp lực cho gan.
  • Đối với trường hợp cấp cứu, bệnh nhân không bắt buộc phải nhịn đói, vẫn có thể tiến hành siêu âm gan mật sau khi đã thực hiện thăm khám lâm sàng đầy đủ.

Với những lưu ý trên, nếu người bệnh chuẩn bị trước sẽ hỗ trợ bác sĩ rất nhiều trong quá trình thực hiện siêu âm gan mật, góp phần đem lại hiệu quả chẩn đoán cao cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

986 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan