Nồng độ canxi huyết tương toàn phần bao nhiêu được coi là hạ canxi máu?

Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ xương răng vững chắc cũng như tham gia vào một số quá trình chuyển hóa khác. Hạ canxi máu xảy ra khi nồng độ canxi huyết tương toàn phần giảm thấp khiến người bệnh gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nồng độ canxi huyết tương toàn phần bao nhiêu được coi là hạ canxi máu?

1. Vai trò của canxi đối với cơ thể

Trong cơ thể người canxi tồn tại dưới hai dạng là bên trong xương và ngoài xương. Canxi bên trong xương chiếm 99% lượng canxi của cơ thể, 1% còn lại ở trong dịch ngoài tế bào.

Canxi có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, đây là chất chủ yếu cấu tạo nên xương và răng, khi canxi kết hợp với phospho sẽ làm xương và răng trở nên rắn chắc và khỏe mạnh hơn. Đối với người trưởng thành và trẻ nhỏ, canxi đều có những vai trò nhất định, cụ thể:

  • Đối với người trưởng thành: Giúp xương chắc khỏe, cơ tim hoạt động ổn định, giúp người già hạn chế các vấn đề về thần kinh như trí nhớ kém, suy nhược thần kinh, đau đầu...
  • Đối với trẻ nhỏ: Giúp phát triển chiều cao tối đa, tăng cường hệ miễn dịch, phát triển hệ thần kinh...

Nhu cầu canxi của mỗi người ở độ tuổi sẽ khác nhau. Càng lớn tuổi mỗi người cần bổ sung nhiều canxi nhiều hơn vì lượng canxi hấp thu vào cơ thể ngày càng kém và lượng đào thải ra ngoài tăng lên dẫn đến tổng lượng canxi trong cơ thể giảm đi.

Nên bổ sung canxi loại nào cho tuổi dậy thì?
Canxi đóng vai trò quan trọng trong cơ thể người

2. Hạ canxi máu là gì?

Hầu như tất cả các quá trình chuyển hóa diễn ra bên trong cơ thể người đều cần đến canxi, vì vậy hàm lượng canxi được duy trì bằng cơ chế cân bằng. Việc duy trì lượng canxi dự trữ trong cơ thể cũng như nồng độ canxi huyết tương toàn phần phụ thuộc vào lượng canxi được cung cấp qua lượng thức ăn hằng ngày, viên uống bổ sung canxi hấp thụ qua ống tiêu hóa và bài tiết ở thận.

Hạ canxi máu được hiểu là nồng độ canxi huyết tương toàn phần giảm xuống dưới 2,1 mmol/l trong điều kiện protein huyết tương bình thường và nồng độ ion canxi hóa nhỏ hơn 1,05 mmol/l.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạ canxi máu bao gồm: suy thận, suy tuyến cận giáp, thiếu vitamin D, sau khi trải qua phẫu thuật, không bổ sung đủ canxi qua thức ăn, sử dụng một số loại thuốc gây ức chế canxi, giảm albumin máu hoặc giảm magie máu, giảm phospho máu.

XEM THÊM: Liên quan giữa suy tuyến cận giáp và hạ canxi máu

Người bệnh hạ canxi máu cấp tính thường cảm thấy tê quanh miệng, tê quanh đầu ngón tay hoặc chân, co cứng cơ ở lưng và chân, giọng nói thay đổi, thở khò khè, khi ăn khó nuốt hơn và hay cảm thấy mệt mỏi. Đối với người bệnh hạ canxi mạn tính sẽ có các biểu hiện như tóc khô xơ hơn, móng tay chân giòn và dễ gãy, răng dễ hỏng hơn, da khô, ngứa mãn tính và đục thủy tinh thể.

Cần thận trọng khi dùng thuốc đối quang đối với bệnh nhân mắc suy thận nặng
Suy thận là một nguyên nhân gây hạ canxi máu

3. Làm thế nào để chẩn đoán bệnh hạ canxi máu?

Chẩn đoán hạ canxi máu thường dựa trên lâm sàng và cận lâm sàng. Đối với thăm khám cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng tóc, da và cơ bắp của người bệnh, kiểm tra các yếu tố tâm lý như chứng mất trí, ảo giác, nhầm lẫn. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra thần kinh thông qua dấu trousseau, dấu chvostek, kiểm tra xem người bệnh có bị rối loạn tri giác hay co giật hay không.

Mặc dù thăm khám lâm sàng, bác sĩ thấy những biểu hiện có liên quan đến chứng hạ canxi máu, tuy nhiên để xác định chẩn đoán, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng, trong đó có kiểm tra nồng độ canxi huyết tương toàn phần. Đây là xét nghiệm mang tính quyết định trong việc chẩn đoán hạ canxi máu. Thông thường ở người khỏe mạnh, nồng độ canxi huyết tương toàn phần trung bình từ là 2,1-2,6 mmol/l, tuy nhiên nếu kết quả xét nghiệm dưới mức trung bình sẽ được kết luận bị hạ canxi máu.

hạ canxi máu
Hình ảnh hạ canxi máu trên điện tâm đồ

4. Điều trị hạ canxi máu

Nguyên tắc điều trị hạ canxi máu là bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng của bệnh nhân để lựa chọn phương thức bù canxi thích hợp nhất cho người bệnh.

XEM THÊM: Làm gì khi bị hạ canxi máu?

Đối với các trường hợp hạ canxi máu cấp tính khi nồng độ canxi huyết tương toàn phần nhỏ hơn 1,9 mmol/l, bác sĩ sẽ chỉ định truyền canxi tĩnh mạch với liều lượng 0,375 mmol/kg, trong vòng từ 4-6 giờ đồng hồ nồng độ canxi huyết tương toàn phần có thể tăng từ 0,5 - 0,75 mmol/l.

Một vài dạng canxi truyền tĩnh mạch phổ biến trên thị trường hiện nay là:

  • Gluconate de calcium
  • Glucoheptate de calcium
  • Clorure de calcium
  • Globionate de calcium

Đối với trường hợp người bệnh bị hạ canxi máu nặng sau khi phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần tuyến cận giáp cần tiêm cấp cứu canxi và bổ sung vitamin D.

Đối với điều trị canxi máu mạn tính, canxi thường được bổ sung qua đường uống. Bên cạnh đó uống kèm vitamin D để nâng cao hấp thu qua đường tiêu hóa. Liều canxi sử dụng lần đầu tiên từ 250 - 650 mmol và chia thành 3 - 4 lần uống, tốt nhất người bệnh nên uống sau khi ăn để nâng cao hấp thu. Các liều kế tiếp sẽ điều chỉnh lại số lượng phù hợp với tình trạng của người bệnh.

Hạ canxi máu là tình trạng nguy hiểm nếu như không được cấp cứu kịp thời. Vì thế khi có dấu hiệu hạ canxi máu, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và chỉ định bổ sung canxi phù hợp, tránh việc thiếu hoặc thừa canxi đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan