Phẫu thuật u tuyến yên bằng đường mở nắp sọ

Các bệnh lý về u tuyến yên thường chiếm khoảng 10% các khối u nội sọ. Khối u tuyến yên đa phần đều lành tính, phát triển từ thùy trước tuyến yên (khối u thùy sau tuyến yên cũng có nhưng rất hiếm gặp).

1. Vì sao cần mổ u tuyến yên?

U tuyến yên thường gặp nhiều nhất ở độ tuổi 30-40 và không có sự khác biệt ở hai giới. Bệnh nhân thường cảm thấy sự chèn ép của khối u gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, bán manh thái dương, sụp mí...hoặc bị ảnh hưởng đến nội tiết như rối loạn kinh nguyệt, tiết sữa ở nữ giới và suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới. Ngoài ra còn có các dấu hiệu như tăng huyết áp, to đầu chi, đái tháo nhạt...

Dựa trên các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với xét nghiệm nội tiết, quan sát hình ảnh khối u trên cộng hưởng từ...các bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Các phương thức điều trị có thể lựa chọn là phẫu thuật u tuyến yên, xạ trị hoặc điều trị nội khoa.

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ như hệ thống định vị thần kinh Navigator, hệ thống nội soi, kính vi phẫu, hình thức phẫu thuật u tuyến yên bằng mở nắp hộp sọ ngày càng được chỉ định rộng rãi hơn và đem đến kết quả khả quan cho người bệnh.

Các trường hợp chỉ định mổ u tuyến yên: Khối u tuyến yên lớn, phát triển lên cao, ra sau hoặc sang bên, xâm lấn vào xoang tĩnh mạch hang hoặc nền thái dương.

Tăng huyết áp cấp cứu
U tuyến yên có thể gây ra tăng huyết áp

2. Chuẩn bị trước mổ u tuyến yên bằng đường mở nắp sọ

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng cẩn thận bao gồm:

  • Đánh giá chuyên khoa mắt, nội tiết, tai mũi họng...
  • Chụp CT, chụp cộng hưởng từ não bộ để đánh giá cấu trúc xương nền sọ
  • Thực hiện khám gây mê trước mổ theo quy định.
  • Sau đó bệnh nhân được cạo tóc hoặc gội đầu sạch sẽ, vệ sinh và sát trùng vùng mổ.

Thành phần kíp mổ bao gồm từ 7-8 người bao gồm:

  • 1 bác sĩ phẫu thuật chính và 2 bác sĩ phụ mổ.
  • 1 điều dưỡng phục vụ dụng cụ cho phẫu thuật viên, 1 điều dưỡng chạy ngoài.
  • 1 bác sĩ gây mê, 1 điều dưỡng hỗ trợ gây mê.

Phương tiện, dụng cụ sử dụng trong phẫu thuật bao gồm:

  • Hệ thống thiết bị để tiến hành gây mê nội khí quản và theo dõi người bệnh trong và hậu phẫu.
  • Bàn phẫu thuật có hệ thống gá đầu Mayfield.
  • Khoan máy, hệ thống định vị thần kinh Navigation, kính vi phẫu, dao siêu âm Sonopet, bộ dụng cụ vi phẫu thuật sọ não.
  • Vật tư tiêu hao: gạc, bông sọ, sáp sọ, chỉ prolene 4/0 hoặc 5/0, chỉ vicryl 2/0, gạc cầm máu Surgicel, xốp cầm máu spongel...
  • Ghim sọ hoặc nẹp vít hàm mặt, keo cầm máu sinh học Floseal, bộ dẫn lưu kín dưới da.

3. Quy trình tiến hành phẫu thuật u tuyến yên

Khi bắt đầu phẫu thuật, tùy vào vị trí khối u mà bệnh nhân được đặt nằm tư thế ngửa, đầu thẳng hoặc hơi nghiêng sang bên trái. Đầu bệnh nhân được cố định chắc chắn trên khung gá đầu Mayfield. Sau đó bác sĩ gây mê tiến hành thao tác gây mê nội khí quản.

Các bước phẫu thuật u tuyến yên

  • Bước 1: Đăng ký hệ thống định vị thần kinh (Neuronavigation)
  • Bước 2: Sát trùng rộng rãi khu vực mổ, gây tê tại vùng rạch da (trên cung mày hoặc đường chân tóc trán phải).
  • Bước 3: Tiến hành rạch da, tách cân cơ, màng xương để bộc lộ xương sọ.
  • Bước 4: Mở nắp sọ bằng khoan máy (qua trán hoặc keyhole bên phải)
  • Bước 5: Mở màng cứng hình vòng cung, khoang dưới nhện để hút bớt dịch não tủy để não xẹp hơn. Đặt van vén não (nếu cần thiết), đặt kính vi phẫu.
  • Bước 6: Xác định dây thần kinh thị giác, khu vực động mạch cảnh cùng bên, bóc tách màng nhện về phía đường giữa để xác định giao thoa thị giác.
  • Bước 7: Dùng khoan mài mài xương ở đỉnh hốc mắt, mở rộng bằng cò súng.
  • Bước 8: Phẫu thuật tách khối u ra khỏi thần kinh và mạch máu (nếu cần). Lấy từng phần khối u bằng kéo vi phẫu hoặc dao siêu âm. Gửi 1 phần mẫu u đi làm sinh thiết tức thì để xác định chẩn đoán và đưa ra hướng xử lý phù hợp.
  • Bước 9: Trong quá trình phẫu thuật sử dụng Navigation để xác định vị trí tương quan giữa khối u với thần kinh, mạch máu. Cầm máu bằng dao điện lưỡng cực, gạc Surgicel hoặc keo Floseal
  • Bước 10: Đóng màng cứng bằng chỉ prolene 5/0, treo màng cứng, đặt lại xương. Đặt dẫn lưu ổ mổ nếu cần, cố định nắp sọ bằng ghim hoặc nẹp vít hàm mặt. Đóng vết mổ và kết thúc ca phẫu thuật.

4. Theo dõi và điều trị sau phẫu thuật

  • Theo dõi dấu hiệu sinh tồn: Thực hiện theo dõi các dấu hiệu hô hấp, mạch, huyết áp, tuần hoàn, nội tiết, nhiệt độ, chức năng gan, thận... của bệnh nhân để đánh giá dấu hiệu sinh tồn.
  • Theo dõi tín hiệu thần kinh: Đánh giá các tín hiệu thần kinh của người bệnh dựa theo các tiêu chuẩn:
    • Đánh giá tri giác: dựa theo thang điểm hôn mê Glasgow
    • Đánh giá khả năng vận động tay, chân
    • Quan sát kích thước đồng tử, hình dạng tròn hay méo, độ phản xạ với ánh sáng
    • Đánh giá chức năng các dây thần kinh sọ khác: liệt dây VIII (nghe kém, ù tai, điếc tai), liệt dây VII ngoại vi (méo mặt), nuốt sặc, nghẹn, nói khàn (liệt dây IX)
Thở máy sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật người bệnh cần được theo dõi cẩn thận để tránh các tai biến

5. Tai biến và xử lý hậu phẫu

Sau khi phẫu thuật u tuyến yên bằng đường mở nắp sọ một số trường hợp rủi ro vẫn có thể xảy ra dẫn đến tai biến. Một số biến chứng thường gặp hậu phẫu có thể bao gồm:

  • Chảy máu não sau mổ: Quá trình diễn ra phẫu thuật có thể vô tình tác động đến những động mạch lớn hoặc những mạch máu nhỏ... dẫn đến xuất huyết sau mổ. Ở trường hợp này có thể xử trí theo tổn thương chảy máu và cân nhắc mổ lấy máu tụ nếu cần.
  • Giãn não thất: Là tình trạng dịch não tủy bị tắc nghẽn, tích tụ quá nhiều (có thể do chảy máu, xuất huyết). Cách giải quyết là dẫn lưu não thất ra ngoài hoặc ổ bụng.
  • Nhiễm trùng, áp xe não, viêm màng não: Đối với trường hợp nhiễm trùng này, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ nếu cấy máu, dịch não tủy thấy có vi khuẩn. Trong trường hợp kiểm tra không thấy vi khuẩn nhưng có bằng chứng vi khuẩn dùng thế hệ 3 hoặc 4 kết hợp với nhóm Vancomycin hoặc Glycosid.
  • Đái tháo nhạt hoặc suy thượng thận: Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc (hormon thay thế), bổ sung thêm nước, chất điện giải.
  • Rò dịch não tủy: là biến chứng xảy ra khi dịch não tủy chảy từ trong hộp sọ ra bên ngoài qua lỗ mũi hay lỗ tai của bệnh nhân. Để xử trí, cần chọc dẫn lưu dịch não tủy thắt lưng từ 4-5 ngày cho đến khi hết rò, khâu tăng cường vết mổ.
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan