Quy trình chụp và nút dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ dưới X-quang tăng sáng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh -
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Chụp mạch và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ dưới X quang tăng sáng là phương pháp được áp dụng để điều trị các bệnh lý mạch máu vùng đầu mặt cổ. Quy trình chụp và nút dị dạng mạch máu thường rất phức tạp và đòi hỏi sự kết hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau.

1. Tổng quan bệnh lý dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ

Phần lớn những trường hợp dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ đều khởi phát từ những động mạch cảnh ngoài, là động mạch chính của vùng đầu mặt cổ, hoặc cũng có thể do những động mạch cảnh trong, hoặc động mạch đốt sống, cũng là động mạch lớn ở cổ.

Nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ là phương pháp điều trị rất phức tạp vì cần có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau. Để điều trị, thông thường phải can thiệp bằng đường nội mạch, hoặc chọc trực tiếp vào vùng mạch dị dạng, sau đó làm tắc mạch tạm thời hoặc vĩnh viễn bằng cách bơm vật liệu vào. Phương pháp này có thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn, hoặc làm giảm kích thước ổ dị dạng khu trú, hoặc cũng có thể làm giảm sự tưới máu đến ổ dị dạng. Muốn điều trị triệt để bệnh có thể cần kết hợp với phẫu thuật hoặc tiêm xơ.

Thuốc tiêm, tiêm thuốc, thuốc nước
Điểu trị bệnh bằng cách bơm trực tiếp vật liệu vào đường mạch dị dạng

2. Chỉ định/ Chống chỉ định chụp và nút dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ

Chụp và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ dưới x quang tăng sáng được chỉ định để điều trị trong các trường hợp sau:

  • Giả phình mạch, thông động tĩnh mạch, ... vùng đầu mặt cổ.
  • Giảm kích thước khối u.
  • Giúp phẫu thuật thuận lợi hơn và triệt để hơn như giảm chảy máu, ...
  • Làm ngưng chảy máu do chấn thương hoặc hoại tử do mạch máu xâm lấn
  • Những bệnh lý tăng sinh mạch ở khối u.

Chụp và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ dưới x quang tăng sáng không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng chống chỉ định tương đối với các trường hợp bị suy thận hoặc mắc chứng rối loạn đông máu, hoặc người bệnh có tiền sử dị ứng rõ ràng.

Suy thận
Chống chỉ định tương đối với người bị suy thận

3. Quy trình chụp và nút dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ dưới x quang tăng sáng

Trong khoảng 6 giờ trước khi thực hiện thủ thuật, người bệnh được yêu cầu nhịn ăn và uống, chỉ được uống nước với lượng tối đa là 50ml. Trường hợp bệnh nhân bị kích thích quá mức, có thể được chỉ định dùng thuốc an thần.

Quy trình chụp và nút dị dạng mạch vùng đầu mặt cổ dưới x quang tăng sáng bao gồm các bước cụ thể như sau:

  • Bước 1: Tiến hành phương pháp vô cảm bằng tiêm thuốc tiền mê vào đường truyền tĩnh mạch. Trường hợp bệnh nhân là trẻ dưới 5 tuổi bị kích động và sợ hãi do chưa có ý thức cộng tác thì cần được gây mê toàn thân để thực hiện thủ thuật.
  • Bước 2: Áp dụng kỹ thuật Seldinger để đưa ống thông vào. Phần lớn các trường hợp đưa ống thông vào từ động mạch đùi, nếu không vào được từ động mạch đùi, có thể vào từ các động mạch khác như nách, cánh tay, động mạch quay hoặc động mạch cảnh gốc.
  • Bước 3: Bước tiếp theo trong quy trình chụp và nút dị dạng mạch máu là chụp động mạch não. Bệnh nhân được sát khuẩn và gây tê tại chỗ, dùng kim chọc vào động mạch và đặt bộ mở. Luồn ống thông động mạch đến động mạch cảnh ngoài, động mạch cảnh trong và động mạch đốt sống, bơm thuốc cản quang qua máy và ghi hình, chụp phim series tập trung vùng sọ não và hố sau của sọ não trong tư thế nghiêng và thẳng hoàn toàn. Tùy vào nguồn cấp máu cho khối u, có thể có thể tiến hành chụp 3D.
  • Bước 4: Thực hiện nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ bằng cách đặt ống thông để dẫn đường vào mạch mang (thường là động mạch cảnh ngoài - hàm trong), sau đó luồn vi ống thông đến mạch máu bị dị dạng hoặc động mạch, là nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu. Tiếp theo, tùy vào đặc điểm và vị trí mạch máu tổn thương, lựa chọn vật liệu làm tắc mạch phù hợp. Để làm tắc mạch tạm thời có thể dùng Gelfoam, PVA, hoặc Spongel; để làm tắc mạch vĩnh viễn có thể dùng vòng xoắn kim loại, keo Histoacryl, hoặc Onyx, ... Cuối cùng, kết thúc thủ thuật là rút ống thông và ống vào lòng mạch ra, cầm máu bằng cách dùng tay đè ép trực tiếp lên chỗ chọc kim trong khoảng thời gian 15 phút, sau đó, băng ép trong 8 giờ.
Gây mê
Bệnh nhân được gây mê trong quá trình thực hiện thủ thuật

4. Xử trí các biến chứng trong và sau khi thực hiện thủ thuật

Trong khi thực hiện thủ thuật chụp và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ, nếu bị chảy máu, đó có thể là do thủ thuật làm rách hoặc bóc tách động mạch. Để xử trí, cần ngưng ngay thủ thuật, dùng tay đè áp và băng vết thương lại để theo dõi. sau 1 - 2 tuần, khi vết thương ngưng chảy máu có thể tiến hành thủ thuật lại. Biến chứng khác có thể xảy ra trong khi thực hiện thủ thuật là co thắt mạch, tùy vào mức độ co thắt, có thể bơm thuốc làm giãn mạch chọn lọc. Ngoài ra, còn có biến chứng do thuốc cản quang.

Sau thủ thuật chụp và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ, có thể xuất hiện một số biến chứng như chảy máu ống thông, tắc động mạch, phình động tĩnh mạch, nhiễm trùng, giảm thị lực. Tùy vào biến chứng cần được xử trí kịp thời và phù hợp. Với trường hợp chảy máu hoặc tụ máu ống thông, cần băng ép lại, người bệnh được yêu cầu tiếp tục nằm bất động cho đến khi ngưng chảy máu. Bệnh nhân cần được khám xét kịp thời trong các trường hợp như nghi ngờ tắc động mạch (do rối loạn đông máu); thuyên tắc động mạch (do các mảng xơ vữa bị bong); ống thông hoặc dây dẫn bị đứt; phồng hoặc thông động tĩnh mạch; giảm thị lực, hoặc mất thị lực (do nhánh nối với động mạch mắt bị tắc nghẽn). Dùng kháng sinh điều trị trong trường hợp có biểu hiện nhiễm trùng.

Chụp và nút dị dạng mạch máu vùng đầu mặt cổ là một quy trình phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và kinh nghiệm để điều trị các bệnh lý mạch máu vùng đầu mặt cổ, tránh các biến chứng liên quan đến mạch máu quan trọng xảy ra.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

284 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan