Quy trình thực hiện mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh -
Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Mở thông hỗng tràng là một kỹ thuật được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không ăn hoặc uống bằng đường miệng được. Thông thường, các bệnh lý liên quan đến thần kinh, não là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, buộc bác sĩ phải thực hiện mở thông hỗng tràng qua da dưới X quang tăng sáng cho bệnh nhân.

1. Khi nào thực hiện mở thông hỗng tràng?

Trên lâm sàng, mở thông hỗng tràng chỉ được thực hiện khi bệnh nhân không thể ăn hoặc uống bằng đường miệng thông thường được trong khi đường tiêu hóa của người bệnh vẫn có thể hấp thu thức ăn được.

Hệ tiêu hóa
Mở thông hỗng tràng khi đường tiêu hóa của người bệnh vẫn hoạt động bình thường

2. Chỉ định/Chống chỉ định mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng với những trường hợp nào?

Kỹ thuật mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng được chỉ định đối với những trường hợp sau:

● Các bệnh lý thần kinh như thoái hóa não, Alzheimer, tai biến mạch não, thần kinh bị nhiễm độc gây ra chứng rối loạn nuốt, hoặc không thể ăn uống được do chứng rối loạn tâm thần.

● Suy kiệt cơ thể do mắc phải giai đoạn cuối của một số bệnh như bệnh tim bẩm sinh, chết não, não úng thủy.

● Đường nuốt thức ăn bị cản trở do vật cản là khối u có kích thước lớn ở cổ, thực quản, trung thất.

● Các bệnh viêm ruột mãn tính, viêm ruột non sau xạ trị gây rối loạn hấp thu thứ phát.

Kỹ thuật mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng không được chỉ định đối với những trường hợp sau:

● Đã từng phẫu thuật cắt bỏ dạ dày (bán phần) hoặc nối dạ dày.

● Đã từng phẫu thuật đại tràng bị biến thể nằm ngang giữa thành bụng trước và dạ dày.

● Bị giãn tĩnh mạch dạ dày hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

● Vùng thượng vị bị viêm hoặc nhiễm trùng, ổ bụng chứa nhiều dịch tự do.

● Mắc phải chứng rối loạn đông máu mức độ nặng hoặc phải lọc máu nhân tạo qua phúc mạc.

Rối loạn đông máu
Bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng không được thực hiện kỹ thuật trên

3. Quy trình thực hiện mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng

Trong khoảng 6 giờ trước khi thực hiện kỹ thuật mở thông hỗng tràng, người bệnh được yêu cầu nhịn ăn và uống, chỉ được uống nước với lượng tối đa là 50ml. Trường hợp bệnh nhân bị kích thích quá mức, có thể được chỉ định dùng thuốc an thần.

Quy trình thực hiện mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng bao gồm các bước cụ thể như sau:

● Bước 1: Tiến hành đặt ống thông hỗng tràng ở đường mũi, dưới hướng dẫn X quang tăng sáng.

● Bước 2: Giãn căng hỗng tràng bằng cách bơm hơi vào ống thông mũi hỗng tràng đã đặt 50ml liên tục. Sau đó, dùng thuốc để giảm nhu động hỗng tràng. Dung dịch iodine povidone được sử dụng để sát trùng vùng da thành bụng, sau đó phủ khăn có lỗ đã được vô khuẩn lên thành bụng.

● Bước 3: Xác định vị trí mở thông dạ dày và tiến hành gây tê tại chỗ từng lớp. Dùng kim chọc vào hỗng tràng đi qua thành bụng. Khi đầu kim đã ở bên trong lòng hỗng tràng, tiến hành đưa nòng vào bên trong kim, trong nòng có T-fastener. Dùng bơm tiêm có nước muối sinh lý đẩy T-fastener vào bên trong dạ dày. Thực hiện tương tự với những T-fastener để khâu treo hỗng tràng trước thành bụng theo hình tam giác.

● Bước 4: Mở thông hỗng tràng bằng cách rạch trung tâm của những T-fastener treo hỗng tràng, sau đó dùng kim chọc vào lòng hỗng tràng, xuyên qua chỗ đã rạch. Qua kim luồn một dây dẫn vào lòng hỗng tràng. Sau đó, rút kim ra và lần lượt đưa những ống nong qua dây dẫn.

● Bước 5: Đặt ống thông hỗng tràng bằng cách luồn ống thông qua dây dẫn. Sau đó, dùng bơm căng bóng để cố định đầu ống thông. Rút dây dẫn, dùng khóa và chỉ của T-fastener để cố định ống thông bề mặt da của thành bụng trước. Dùng thuốc đối quang để kiểm tra vị trí cũng như tính lưu thông của ống trước khi kết thúc thủ thuật.

Kết quả của kỹ thuật mở thông hỗng tràng là đầu trong của ống thông phải nằm ở trong lòng hỗng tràng. Đầu trong và đầu ngoài của ống thông đều được cố định, đảm bảo ống được lưu thông khi bơm thuốc vào lòng hỗng tràng.

thông hỗng tràng
Ống thông phải được nằm cố định trong lòng của hỗng tràng

4. Xử trí các biến chứng có thể xảy ra sau khi mở thông hỗng tràng

Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra và cách xử trí khi thực hiện thủ thuật mở thông hỗng tràng:

● Nhiễm trùng, viêm chỗ thông: Dùng dung dịch trung hòa acid để rửa vết thương thường xuyên. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng xảy ra, người bệnh cần được sát khuẩn và điều trị kháng sinh tại chỗ.

● Ống thông hỗng tràng bị tuột: Thực hiện phẫu thuật mở thông lại cho người bệnh.

● Xuất huyết hỗng tràng: Tùy vào mức độ và tình trạng xuất huyết, người bệnh có thể cần được phẫu thuật cầm máu.

● Thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết: Chuyên khoa tiến hành hội chẩn để đánh giá và xử trí phù hợp.

Quy trình thực hiện mở thông hỗng tràng qua da dưới x quang tăng sáng bao gồm 5 bước. Kết quả của thủ thuật giúp bệnh nhân có thể hấp thu thức ăn trực tiếp ở đường tiêu hóa mà không phải qua đường miệng thông thường, do một số bệnh lý và nhiều nguyên nhân khác gây ra.

Mở thông hỗng tràng qua da dưới X quang tăng sáng là phương pháp nuôi dưỡng có nhiều ưu điểm như: cải thiện kết quả điều trị, chi phí thấp và giảm nhiều tai biến khó lường. Khi được chỉ định nuôi ăn bằng phương pháp này, người bệnh cần phối hợp tốt với bác sĩ điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan