Tắc động mạch nuôi chi cấp tính có nguy hiểm?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tắc động mạch nuôi chi cấp tính là tình trạng dòng máu lưu thông đến chi đột ngột bị chặn đứng/tắc nghẽn. Tình trạng này có thể gây ra nhiều biểu hiện rõ rệt ảnh hưởng đến cuộc sống.

1. Tắc động mạch nuôi chi cấp tính là gì?

Tình trạng tắc động mạch nuôi chi dưới cấp tính xảy ra khi động mạch bị tắc nghẽn đột ngột do “vật lạ”.

Bị tắc động mạch nuôi chi cấp tính là trường hợp nghiêm trọng và được ưu tiên trong cấp cứu ngoại khoa. Nếu như không kịp xử trí, việc thiếu máu nuôi chi dưới sẽ gây hoại tử chi trong vòng vài giờ đến vài ngày. Vì vậy, việc phát hiện sớm tắc động mạch nuôi chi là cực kì cần thiết để cấp cứu kịp thời.

2. Phân loại các chứng tắc động mạch nuôi chi cấp tính

Huyết khối động mạch cấp tính
Huyết khối động mạch làm tắc động mạch nuôi chi

2.1 Tắc nghẽn động mạch cấp tính

Đây là tình trạng tắc mạch máu nuôi chi do các vật chặn di chuyển từ tim xuống, một số ít vật nghẽn có thể có nguồn gốc từ các túi phình động mạch. Đôi khi, các vật nghẽn này là mảng xơ vữa từ các động mạch lớn.

Hầu hết, các bệnh nhân gặp phải tình trạng này đều có vấn đề liên quan đến tim mạch, điển hình là thiếu máu cơ tim, van tim hậu thấp, rung nhĩ...

2.2 Huyết khối động mạch cấp tính

Huyết khối động mạch gây ra tổn thương cho động mạch ở tại vị trí tắc nghẽn. Các tổn thương này sẽ được đánh giá thông qua XQ, siêu âm động mạch... và ngay cả trong lúc mổ.

Tình trạng huyết khối động mạch gây tắc động mạch nuôi chi thường đến từ các chấn thương thành mạch. Bên cạnh đó, sự hình thành cục máu đông ở vị trí loét của mảng xơ vữa động mạch cũng khá phổ biến trong trường hợp huyết khối động mạch cấp tính.

3. Dấu hiệu tắc động mạch nuôi chi cấp tính

Khi bị tắc động mạch nuôi chi dưới cấp tính, bệnh nhân sẽ có một số biểu hiện lâm sàng như:

  • Đau: Các cơn đau diễn ra mãnh liệt, dữ dội và đột ngột tại vùng chi bị thiếu máu, bắt buộc mọi sinh hoạt phải ngừng lại.
  • Tê bì tại chi (có cảm giác giống như kiến bò), cảm giác mất dần dần đến khi mất hoàn toàn cảm giác ở chi.
  • Sau khi động mạch bị tắc nghẽn, vùng da của chi bị thiếu máu sẽ trở nên tái nhợt, dần dần tím tái do xuất huyết hoại tử ở các vùng mô thiếu máu...
  • Có dấu hiệu liệt cơ: Cử động ở các ngón sẽ trở nên yếu và về sau liệt hoàn toàn...

4. Điều trị tắc động mạch nuôi chi cấp tính?

Phẫu thuật
Phẫu thuật bóc lớp để điều trị tắc động mạch nuôi chi cấp tính

4.1 Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)

Hiện nay, phẫu thuật là phương pháp hàng đầu để điều trị chứng thiếu máu nuôi chi cấp tính. Tùy theo mức độ tổn thương và nguyên nhân gây tắc động mạch mà bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp, bao gồm:

  • Phẫu thuật bằng ống thông Fogarty lấy khối tắc mạch: Đơn giản, hiệu quả, thường được sử dụng trong trường hợp chưa có hoại tử chi.
  • Phẫu thuật bóc lớp: Được áp dụng để loại bỏ khối tắc mạch ở các bệnh nhân bị tắc động mạch nuôi chi cấp tính do xơ vữa động mạch. Phương pháp này thường được sử dụng đối với những động mạch bị tổn thương ngắn (dưới 10cm).
  • Phẫu thuật nối động mạch bằng cách bắc cầu: Được chỉ định khi bệnh nhân bị huyết tắc động mạch, nguyên nhân từ tổn thương xơ vữa động mạch (đoạn tổn thương dài trên 10cm) hoặc khi bệnh nhân có tổn thương mô mềm, có nguy cơ nhiễm trùng... nếu thực hiện ghép động mạch.
  • Phẫu thuật loại bỏ đoạn mạch bị tổn thương: Thường được chỉ định khi bệnh nhân bị huyết tắc động mạch cấp tính do các chấn thương.
  • Cắt cụt chi: Đây là phương án cuối cùng, được chỉ định khi tình trạng tắc động mạch nuôi chi cấp tính đã gây hoại tử chi.

4.2 Điều trị bảo tồn

Trong một số trường hợp nhẹ, các bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng các thuốc tiêu sợi huyết để làm tan huyết khối.

Ưu điểm của phương pháp sử dụng thuốc tiêu sợi huyết là có thể làm tan máu đông ở các động mạch nhỏ (không thể can thiệp bằng phẫu thuật) và không gây tổn thương trong lòng động mạch. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể áp dụng đối với trường hợp tắc động mạch nuôi chi cấp tính do cục máu đông.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể chỉ định một số điều trị khác như sử dụng Heparin, tạo hình động mạch bằng giải pháp siêu âm qua nội soi...

Có thể thấy, tắc động mạch nuôi chi cấp tính là một trạng thái nghiêm trọng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu xảy ra bất kỳ dấu hiệu nào được đề cập, bạn cần tìm gặp ngay các bác sĩ để được kiểm tra và cấp cứu kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan