Tìm hiểu 6 phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Với sự phát triển của y học hiện đại mang đến nhiều phương pháp giúp chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh sỏi thận, tìm kiếm vị trí và mức độ tác động của sỏi đến với hệ tiết niệu của người bệnh.

1. Sỏi thận là gì?

Sỏi thận là một loại bệnh lý nguy hiểm tại đường tiết niệu, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe của người bệnh.

Khi các viên sỏi có xu hướng lớn dần và nhanh chóng gia tăng kích thước thì chúng có thể gây ra những tắc nghẽn tại đường tiểu và để lại sự đau đớn dữ dội cho người bệnh.

Sỏi thận
Sỏi thận có kích thước lớn nhỏ khác nhau

Đặc biệt, nếu như tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn có thể khiến cho bệnh nhân bị viêm bể thận cấp, mãn tính, dẫn đến suy thận cấp tính và mãn tính. Gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu, ứ mủ vùng bể thận, hoặc bị vỡ thận, đe dọa tính mạng của bệnh nhân, thậm chí là gây tử vong.

Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời để không xảy ra các hậu quả nghiêm trọng. Thông thường, để chẩn đoán sỏi thận có nhiều phương pháp khác nhau như chẩn đoán qua siêu âm, xét nghiệm, chụp X-quang hoặc chẩn đoán lâm sàng.

2. Tìm hiểu 6 phương pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận

2.1 Siêu âm

Đây là một phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay, ứng dụng sự phản hồi của các sóng âm thanh nằm trên các vật chất để có thể vẽ ra các hình ảnh của sự vật. Khi siêu âm, hình ảnh của sỏi thận sẽ được hiện ra như một loại vật cảm âm (hay còn được gọi là bóng sáng).

Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này chính là hỗ trợ bác sĩ đo được số lượng và kích thước của sỏi. Đồng thời thao tác thực hiện cũng đơn giản và nhanh chóng nên tương đối phù hợp cho trẻ em và các bệnh nhân không hợp tác.

Lưu ý: Siêu âm không phải là một phương pháp giúp chẩn đoán chính xác, có thể gặp khó khăn khi cần phân biệt giữa sỏi và cặn của nước tiểu, đồng thời cũng không thể phân biệt được những loại sỏi khác nhau. Vậy nên, siêu âm chỉ được sử dụng để hỗ trợ cho những chẩn đoán khác và giúp theo dõi được tiến triển cũng như sự tái phát của sỏi.

Siêu âm ổ bụng
Siêu âm giúp chẩn đoán bệnh sỏi thận

2.2 X-quang

Đặc trưng của phương pháp này là sử dụng khả năng xuyên thấu qua các mô mềm của tia X.

Tia X thông thường chỉ bị cản trở khi được chiếu qua các mô cứng như xương, răng và thuốc cản quang. Do đó, khi xem phim X-quang sẽ nhận thấy mức độ xuyên thấu của tia X có độ sáng, tối qua từng vị trí là khác nhau.

Hiện nay có 2 loại X-quang thông dụng là:

  • X-quang hệ niệu không có sự chuẩn bị
  • X-quang hệ niệu có tiêm thuốc cản quang

Nhìn chung, cả 2 phương pháp này đều có sự giống nhau đó là chuẩn bị trước cho bệnh nhân bằng việc dùng thụt tháo hoặc thuốc sổ, nhằm không để lại phân cũng như hơi trong đại tràng, đây là những nguyên nhân khiến che mờ đi các dấu hiệu cần phải quan sát. Đặc điểm khác nhau của 2 phương pháp này chính là cách sử dụng chất cản quang.

2.3 Chụp X-quang hệ niệu không chuẩn bị

Sử dụng X-quang để phân biệt, phát hiện những sỏi có thể cản quang như sỏi struvite, sỏi calci phosphat, sỏi calci oxalat. Các loại sỏi urat và cystine kém cản quang nên thường rất khó được tìm thấy.

X-quang hệ tiết niệu
Chụp X-quang hệ niệu không chuẩn bị giúp phát hiện sỏi

2.4 X-quang hệ niệu có tiêm thuốc cản quang

Trong phương pháp này, thuốc cản quang sẽ được tiêm vào trong tĩnh mạch của người bệnh, và các bác sĩ nhanh chóng tiến hành chụp những thước phim theo đường đi của thuốc cản quang trong tĩnh mạch và từng mốc thời gian khác nhau. Từ đây sẽ có được các hình ảnh hỗ trợ tối đa trong việc chẩn đoán.

X-quang hệ niệu có tiêm thuốc cản quang sẽ giúp phát hiện và phân biệt được các loại sỏi, kể cả những sỏi kém cản quang mà phương pháp X-quang hệ niệu không chuẩn bị không thể tìm thấy được, ví dụ như sỏi urat và sỏi cystin.

Hiện nay, tại các cơ sở y tế chưa được trang bị máy CT thì phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán sỏi thận.

2.5 CT

CT cũng là một phương pháp thực hiện dựa vào khả năng xuyên thấu từ tia X. Ngoài chức năng chính là phát hiện sỏi thì CT còn cho phép các bác sĩ đánh giá được bệnh lý cũng như các chức năng điển hình của thận, mô và các cơ quan nằm quanh thận qua những hình ảnh chụp được.

Hiện nay, CT được đánh giá là phương pháp giúp chẩn đoán chủ yếu về các vấn đề liên quan đến sỏi thận. Hơn nữa, chụp CT còn góp phần đưa ra các đánh giá chung về sự bế tắc sỏi, hoặc mức độ chướng tại niệu quản và nước thận. Từ đó, có thể giúp khảo sát được mạch máu của thận và dễ dàng phát hiện ra mạch máu phụ hoặc những bất thường như huyết khối, hẹp, phình mạch.

chụp CT
Chụp CT cho phép chẩn đoán hình ảnh về sỏi thận

2.6 Phương pháp MRI

MRI được sử dụng để thể hiện chính xác các hình ảnh từ những cơ quan cho đến các mạch máu mà không cần phải thực hiện kỹ thuật xâm lấn.

Nhưng nhìn chung, MRI chỉ được chỉ định khi cần chẩn đoán trong những trường hợp mà các phương pháp khác không còn phù hợp. Bởi vì dù MRI an toàn hơn các phương pháp như CT hoặc X-quang nhưng chi phí thực hiện lại tương đối cao.

3. Đánh giá

'Như vậy, hiện nay phương pháp siêu âm và X-quang chính là 2 phương pháp phổ biến nhất được sử dụng để chẩn đoán bệnh sỏi thận. Thế nhưng với những ưu điểm vượt trội của phương pháp chụp CT và những máy CT nói riêng đang ngày càng phát triển đã mang đến các lợi ích tuyệt vời trong việc chẩn đoán và chi phí thực hiện cũng ngày càng giảm thiểu.

Còn đối với phương pháp MRI thì dù mang đến nhiều ưu điểm nhất cho việc chẩn đoán bệnh nhưng do giá thành còn cao nên bệnh nhân thường chỉ được chỉ định trong các trường hợp thật sự cần thiết.

Bên cạnh các xét nghiệm liên quan đến hình ảnh thì xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu thường được chỉ định bổ sung để mang đến kết quả chính xác nhất về bệnh sỏi thận.

Trên đây là 6 phương pháp chủ yếu được sử dụng để chẩn đoán bệnh sỏi thận. Sau khi nhận được kết quả chẩn đoán bệnh sỏi thận chính xác nhất, người bệnh sẽ biết mình đang bị sỏi gì, số lượng sỏi trong cơ thể, kích thước sỏi, và vị trí đang bị sỏi,... Căn cứ vào những điều này bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán sỏi thận

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan