Tổng quan 6 nhóm bệnh thường gặp ở phổi

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Các bệnh về phổi là một trong những bệnh lý phổ biến nhất trên thế giới. Việc hút thuốc lá, hiện tượng nhiễm trùng và đột biến gen là những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi.

1. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến đường thở

Không khí sau khi đi qua mũi hoặc miệng được đưa xuống khí quản, sau đó đường thở được phân nhánh thành các ống gọi là phế quản, lần lượt phân nhánh để trở thành các ống nhỏ dần dần trong phổi. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến đường thở bao gồm:

  • Hen suyễn: đường thở bị viêm dai dẳng và đôi khi có thể co thắt, gây ra khò khè và khó thở. Theo đó, các triệu chứng dị ứng, nhiễm trùng có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): là tình trạng phổi bị hẹp đường thở khiến bệnh nhân không thể thở ra bình thường, gây khó thở.
  • Viêm phế quản mạn tính: đặc trưng bởi tình trạng ho kéo dài.
  • Khí phế thũng: tổn thương phổi cho phép không khí bị giữ lại trong phổi. Khó thở ra là dấu hiệu của tình trạng này.
  • Viêm phế quản cấp tính: là một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp đột ngột, thường là do virus gây ra.
  • Xơ nang: là một tình trạng do di truyền gây ra sự thanh thải chất nhầy từ phế quản kém. Các chất nhầy tích tụ lâu dần dẫn đến nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại.

2. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến phế nang

Các đường dẫn khí cuối cùng phân nhánh thành các ống nhỏ được gọi là tiểu phế nang, đi vào trong cùng là đến các túi khí gọi là phế nang. Chính những túi khí này đã chiếm phần lớn mô phổi. Những bệnh về phổi ảnh hưởng đến phế nang bao gồm:

  • Viêm phổi: nhiễm trùng phế nang thường là do vi khuẩn gây ra.
  • Bệnh lao: viêm phổi tiến triển chậm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra.
  • Khí phế thũng: là kết quả của sự phá hủy các kết nối mong manh giữa các phế nang. Hút thuốc là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này. Khí phế thũng vừa hạn chế luồng thông khí, cũng vừa ảnh hưởng đến đường thở.
  • Phù phổi: chất lỏng rỉ ra khỏi các mạch máu nhỏ của phổi, chảy vào các phế nang và khu vực xung quanh. Một nguyên nhân là do suy tim và áp lực ngược trong các mạch máu của phổi, một nguyên nhân là do tổn thương trực tiếp đến phổi gây rò rỉ chất lỏng.
  • Ung thư phổi: có nhiều dạng ung thư phổi, có thể phát triển ở bất kỳ phần nào của phổi. Thông thường là tổn thương ở phế nang hoặc các vùng xung quanh đó. Loại, vị trí của ung thư phổi sẽ quyết định việc lựa chọn phương pháp điều trị.
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS): là một tình trạng tổn thương nặng, đột ngột ở phổi do một căn bệnh nghiêm trọng khác gây ra. Hỗ trợ với thông khí cơ học thường là cần thiết để duy trì cho đến khi phổi phục hồi.
  • Bệnh bụi phổi (Pneumoconiosis): là một tình trạng gây ra do hít phải một chất làm tổn thương phổi, như là bụi than, amiăng,...
Chẩn đoán bệnh lao
Bệnh lao là bệnh ảnh hưởng đến phế nang của người bệnh

3. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến khoảng kẽ

Khoảng kẽ là một khoảng nhỏ nằm ở giữa các phế nang của phổi. Các mạch máu nhỏ chạy qua đây cho phép việc trao đổi khí giữa phế nang và máu. Những bệnh phổi ảnh hưởng đến khoảng kẽ gồm có:

  • Bệnh phổi kẽ (ILD): là một tình trạng phổi ảnh hưởng đến kẽ bao gồm xơ phổi vô căn, bệnh tự miễn, bệnh Sarcoidosis,...
  • Viêm phổi và phù phổi cũng có thể ảnh hưởng đến khoảng kẽ.

4. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến mạch máu

Bên phải của tim nhận máu có lượng oxy thấp, carbon dioxide cao từ các tĩnh mạch. Từ đây, máu được bơm lên phổi thông qua các động mạch phổi để trao đổi khí. Các mạch máu này cũng có thể bị bệnh như là:

  • Thuyên tắc phổi (PE): một cục máu đông (thường ở tĩnh mạch chân sâu, huyết khối tĩnh mạch sâu) đi đến tim và được bơm lên phổi. Các cục máu đông làm trong động mạch phổi thường gây khó thở và nồng độ oxy trong máu thấp.
  • Tăng huyết áp phổi: các tình trạng khác nhau có thể dẫn đến huyết áp cao trong các động mạch phổi. Điều này có thể khiến bệnh nhân khó thở và đau ngực. Khi không tìm được nguyên nhân, tình trạng này được gọi là tăng huyết áp động mạch phổi vô căn.

5. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến màng phổi

Màng phổi là một lớp lót mỏng bao quanh phổi và đường vào bên trong thành ngực. Một lớp chất lỏng nhỏ cho phép màng phổi trượt trên bề mặt phổi, trượt dọc theo thành ngực theo từng nhịp thở. Những bệnh ở phổi ảnh hưởng đến màng phổi gồm có:

  • Tràn dịch màng phổi: chất lỏng tích tụ trong khoảng không gian giữa màng phổi. Viêm phổi hoặc suy tim thường gây ra tình trạng này. Nếu số lượng dịch nhiều có thể làm suy hô hấp, và nó nên được dẫn lưu ra ngoài thông qua ống thông.
  • Tràn khí màng phổi: không khí có thể xâm nhập vào khoảng trống giữa màng phổi, làm phổi bị xẹp lại. Để loại bỏ không khí trong màng phổi, một ống thông thường được đưa vào qua thành ngực.
  • U trung biểu mô: là một dạng ung thư hiếm gặp hình thành trên màng phổi. U trung biểu mô có xu hướng xuất hiện vài thập kỷ sau khi tiếp xúc với amiăng
Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là một trong những bệnh ảnh hưởng đến màng phổi

6. Các bệnh về phổi ảnh hưởng đến thành ngực

Thành ngực cũng đóng vai trò quan trọng trong hơi thở của chúng ta. Cơ bắp kết nối các xương sườn với nhau, giúp ngực mở rộng, cùng với đó cơ hoành hạ xuống kéo phổi giãn rộng giúp không khí đi vào trong phổi, và khi co lại sẽ đẩy không khí ra ngoài. Những bệnh ở phổi ảnh hưởng đến thành ngực gồm có:

  • Hội chứng béo phì: do thêm trọng lượng ở ngực và bụng khiến cho ngực khó mở rộng có thể dẫn đến vấn đề hô hấp nghiêm trọng.
  • Rối loạn thần kinh cơ: chức năng kiểm soát các cơ hô hấp của các dây thần kinh bị kém gây khó thở. Bệnh xơ cứng teo cơ bên và bệnh nhược cơ là những ví dụ về bệnh phổi thần kinh cơ.

Như vậy có rất nhiều bệnh phổi khác nhau, một trong các cách phân loại đó là dựa vào tổn thương ở phần nào của bộ máy hô hấp. Một bệnh có thể nằm ở hai hoặc nhiều nhóm khác nhau do nó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong bộ máy hô hấp.

Các bệnh về phổi đều để lại các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như hệ hô hấp của con người. Tuy nhiên, nếu được thăm khám và điều trị ở giai đoạn sớm thì việc điều trị các bệnh về phổi sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Vì thế các chuyên gia Y tế thường khuyến cáo chúng ta nên đi thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra.

Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý. Theo đó, kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.

Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị bệnh lý Hô hấp tại Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ,..trước khi là bác sĩ Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để đăng ký khám và phát hiện các bệnh thường gặp ở phổi, Quý khách hàng có thể đến trực tiếp Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc liên hệ trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

988 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan