Triệu chứng bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto

Bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto là một loại bệnh tự miễn, có thể gây ra các vấn đề về tuyến giáp, trong đó có suy giáp. Khi bị Hashimoto, người bệnh thường có các triệu chứng như bướu cổ, cơ thể mệt mỏi, táo bón, đau khớp, tóc dễ bị gãy rụng,... Bệnh Hashimoto có thể phát triển thành các biến chứng nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị kịp thời.

1. Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto là gì?

Bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto còn được gọi là viêm tuyến giáp lymphocytic tự miễn mãn tính, đây là một tình trạng rối loạn do hệ thống miễn dịch chống lại các mô tuyến giáp của cơ thể.

Trong cơ thể con người, tuyến giáp giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống nội tiết, nơi sản sinh ra các hormon có liên quan mật thiết tới một số chức năng chính trong cơ thể, bao gồm sự trao đổi chất, sức mạnh cơ bắp và điều chỉnh thân nhiệt. Những người mắc Hashimoto, các mô tuyến giáp sẽ bị tấn công bởi hệ miễn dịch, gây ra tình trạng suy giáp và khiến tuyến giáp gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ngoài ra, bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hoặc giới tính nào, thậm chí là cả trẻ em. Tuy nhiên đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng và có nguy cơ mắc bệnh cao nhất thường là phụ nữ ở độ tuổi trung niên.

Tuyến giáp
Tuyến giáp giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống nội tiết

2. Nguyên nhân gây viêm tuyến giáp Hashimoto

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân thực sự dẫn đến bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto. Tuy nhiên, một số yếu tố dưới đây có thể liên quan đến nguyên nhân gây ra căn bệnh này, bao gồm:

Gen: yếu tố di truyền là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto. Những người mắc phải căn bệnh này thường có các thành viên trong gia đình bị mắc phải các căn bệnh về tuyến giáp hoặc các loại bệnh tự miễn khác.

Hormone: theo thống kê cho biết, phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng từ Hashimoto gấp 7 lần so với nam giới, điều này chứng tỏ rằng hormone giới tính cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây nên bệnh. Hơn nữa, phụ nữ sau sinh thường có nguy cơ cao mắc các vấn đề về tuyến giáp, và có thể phát triển thành bệnh Hashimoto sau này.

Dư thừa Iốt: mặc dù iốt là một nguyên tố vi lượng thiết yếu giúp cơ thể tạo ra các hormone tuyến giáp, tuy nhiên sự dư thừa lượng iốt có thể thúc đẩy bệnh tuyến giáp, nhất là ở những người nhạy cảm.

Tiếp xúc với bức xạ: những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có nhiều chất phóng xạ, hoặc những bệnh nhân bị Hodgkin (một dạng ung thư máu) áp dụng phương pháp điều trị bức xạ cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh Hashimoto.

Di truyền
Yếu tố di truyền là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh

3. Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto

Các triệu chứng của bệnh Hashimoto thường chuyển biến từ mức độ nhẹ cho tới nặng, tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của bệnh. Một trong những dấu hiệu điển hình nhất để nhận biết căn bệnh này là bướu cổ. Đây là tình trạng phía trước của cổ bị sưng lên và gây khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc nước bọt. Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm khác, bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Tăng cân;
  • Đau khớp hoặc cơ;
  • Dị ứng, xuất hiện bọng mắt;
  • Táo bón;
  • Khó mang thai;
  • Da khô và nhợt nhạt;
  • Nồng độ cholesterol cao;
  • Cơ thể chậm chạp, lờ đờ;
  • Tóc dễ bị gãy rụng hoặc mỏng dần đi;
  • Kinh nguyệt không đều;
  • Nhịp tim chậm lại;
  • Phiền muộn.

Các triệu chứng của bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto có thể giống với các triệu chứng của một tình trạng y tế khác, do đó, khi phát hiện cơ thể có những dấu hiệu bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

Táo bón
Táo bón là một trong những triệu chứng của bệnh

4. Các biến chứng của bệnh Hashimoto

Trong trường hợp không có biện pháp điều trị kịp thời, viêm tuyến giáp Hashimoto có thể gây ra một số biến chứng nghiêm trọng tới sức khỏe, bao gồm:

Bướu cổ: là tình trạng tuyến giáp làm việc quá mức để giải phóng ra nhiều hormone hơn, dẫn đến tuyến giáp bị to ra. Có thể nói, tình trạng suy giáp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh bướu cổ. Mặc dù căn bệnh này không đe dọa tới tính mạng, nhưng nó khiến cho người bệnh bị thay đổi ngoại hình hoặc gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thở hoặc nuốt.

Vấn đề về sức khỏe tâm thần: bệnh Hashimoto có thể gây ra biến chứng trầm cảm, và nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Ngoài ra, viêm tuyến giáp Hashimoto cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục ở cả nam và nữ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới chuyện chăn gối của các cặp vợ chồng.

Vấn đề về tim mạch: bệnh Hashimoto là một trong những tác nhân chính làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Điều này có thể xảy ra là do nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL) có trong máu cao ở những người bị suy tuyến giáp. Nếu việc điều trị không được tiến hành sớm, suy giáp sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm hơn như nhồi máu cơ tim hoặc suy tim.

Myxedema (miks-uh-DEE-muh): đây là một tình trạng hiếm gặp, và có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được chữa trị kịp thời. Myxedema thường bắt nguồn từ sự suy giáp nghiêm trọng kéo dài do hậu quả của bệnh Hashimoto mang lại. Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của căn bệnh này, bao gồm buồn ngủ kèm theo chứng thờ ơ hoặc cơ thể trong tình trạng vô thức (hôn mê).

Dị tật bẩm sinh: những phụ nữ trong thời gian thai kỳ bị suy giáp do bệnh Hashimoto nếu không được điều trị có thể sinh con bị dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như hở vòm miệng, các vấn đề về phát triển hoặc trí tuệ, vấn đề về tim, não và thận. Nếu bạn đã có kế hoạch mang thai hoặc đang ở giai đoạn đầu thai kỳ, hãy thường xuyên thăm khám bác sĩ để kiểm tra mức độ tuyến giáp của mình.

Dị tật bẩm sinh
Bệnh Hashimoto có thể gây dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai

5. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh Hashimoto

Để ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Không tiêu thụ các loại thực phẩm gây ra các phản ứng miễn dịch: gồm thực phẩm đặc hiệu hoặc gluten;
  • Bổ sung sắt và canxi cho cơ thể;
  • Sử dụng thuốc ức chế bơm proton, giúp ngăn ngừa và điều trị chứng trào ngược axit;
  • Sử dụng một số loại thuốc cholesterol;
  • Kiểm soát sự căng thẳng;
  • Tập thể dục thường xuyên;
  • Hạn chế bia, rượu;
  • Từ bỏ thuốc lá.

Nguồn tham khảo: webmd.com, healthline, mayoclinic.org

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan