Vì sao sau tiêm insulin đường huyết vẫn cao?

Trị liệu đái tháo đường bằng phương pháp tiêm insulin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và dự phòng biến chứng của bệnh. Vậy nếu bệnh nhân tiêm insulin đường huyết vẫn cao là do đâu?

1. Insulin là gì?

Insulin là hormon có tác dụng làm hạ đường huyết trong cơ thể. Bình thường hormone này do tế bào beta tuyến tụy tiết ra liên tục suốt 24 giờ trong ngày, phụ thuộc vào mức đường huyết của cơ thể. Đường huyết tăng sẽ kích thích tế bào beta tuyến tụy sản xuất và bài tiết insulin. Các nghiên cứu cho thấy, tăng tiết insulin thường xảy ra nhiều sau các bữa ăn. Khi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường phụ thuộc Insulin, đến một giai đoạn nào đó cần phải tiêm insulin bổ sung mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ. Trên vỏ lọ thuốc insulin thường có ký hiệu số lượng/nồng độ insulin là IU, đây là đơn vị quốc tế chuẩn hóa theo đó 1 IU insulin thường có tác dụng làm giảm được 10-15g đường ăn vào.

2. Người bị đái tháo đường cần tiêm Insulin ngoại sinh

Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính với tình trạng lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép do cơ thể người bệnh bị thiếu hụt hoặc đề kháng lại với insulin khiến rối loạn quá trình chuyển hóa đường trong máu. Đái tháo đường hiện chưa có phương pháp điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể kiểm soát tốt đái tháo đường với việc điều trị bằng thuốc uống hoặc dạng tiêm. Trong đó, bệnh nhân bị đái tháo đường cần tiêm Insulin tùy theo từng trường hợp cụ thể và chỉ định của bác sĩ. Hiện nay có nhiều loại Insulin dạng tiêm được sử dụng với tác dụng và thời gian sử dụng khác nhau:

  • Insulin tác dụng nhanh trong 10 - 20 phút sau tiêm thuốc;
  • Insulin tác dụng ngắn thường sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cung cấp lượng Insulin cần thiết cho cơ thể trong khoảng 30 - 60 phút sau khi tiêm;
  • Insulin tác dụng trung bình có tác dụng sau 1 - 2 giờ tiêm thuốc;
  • Insulin tác dụng kéo dài cung cấp đủ lượng Insulin cần thiết cho cơ thể người bệnh trong cả một ngày;
  • Insulin trộn sẵn còn được gọi là Insulin hỗn hợp, loại Insulin này thường có thời gian tác dụng trong khoảng 12 giờ, thường dùng 2 - 3 lần/ngày trước khi ăn.

Hiện nay, người bệnh đái tháo đường có thể tự sử dụng và tiêm Insulin tại nhà một cách dễ dàng, bên cạnh việc tiêm Insulin truyền thống, hiện nay có thể sử dụng dạng bút tiêm Insulin với những ưu điểm vượt trội hơn như dễ sử dụng, dễ mang theo bên người, liều lượng tiêm mỗi lần được lấy chính xác hơn.

3. Thời điểm tiêm Insulin là khi nào?

Bệnh nhân bị đái tháo đường type 1, đái tháo đường trong thai kỳ cần tiêm Insulin để kiểm soát lượng đường máu. Riêng với bệnh nhân tiểu đường type 2, việc sử dụng và tiêm Insulin cần được thực trong những trường hợp như sau:

  • Tình trạng mất bù do stress, vết thương cấp tính, tăng đường huyết và tăng ceton máu cấp tính mức độ nặng, nhiễm trùng,...
  • Sụt cân không kiểm soát;
  • Phụ nữ trong giai đoạn của thai kỳ.

Insulin cần tiêm được tiêm trước thời gian bắt đầu bữa ăn của người bệnh. Thời gian tiêm Insulin có thể thay đổi theo từng loại như sau:

  • Insulin glulisine, Insulin lispro nên tiêm trong thời gian 5 - 15 phút trước ăn;
  • Insulin Regular tiêm trong thời gian từ 20 - 30 phút trước ăn;
  • Insulin NPH, Insulin mixtard tiêm thời điểm 30 phút trước ăn.

4. Vì sao sau tiêm insulin đường huyết vẫn cao?

Theo lý thuyết, bệnh nhân sau tiêm insulin hạ đường huyết nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu tiêm insulin đường huyết vẫn cao cần xét trên tình trạng thực tế của từng bệnh nhân, mỗi người bệnh sẽ có mức đường huyết “được xem là cao” khác nhau. Nếu sau tiêm insulin đường huyết vẫn cao có thể là do mức đường huyết lúc đói của bệnh nhân đã ở mức cao, lúc này mức đường huyết lúc đói cần giảm hơn nữa.

Bên cạnh việc đo đường huyết lúc đói, bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để thực hiện xét nghiệm HbA1c nhằm đánh giá khả năng kiểm soát đường huyết trong vòng 3 tháng vừa qua. Giá trị này sẽ cho biết tổng quan quá trình kiểm soát đường huyết của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh đái tháo đường.

Theo đó, sau khi có kết quả HbA1c, sau tiêm insulin đường huyết vẫn cao có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là tình trạng kháng insulin và suy giảm khả năng tiết insulin của tuyến tụy. Ngoài ra cũng có những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêm insulin đường huyết vẫn cao như:

  • Liều insulin còn thấp;
  • Tiêm sai vị trí;
  • Cách tiêm chưa đúng;
  • Thời gian gần đây bệnh nhân gặp phải các vấn đề hay căng thẳng, mệt mỏi;
  • Đang mắc bệnh nhiễm trùng;
  • Chưa kiểm soát tốt chế độ ăn uống và luyện tập.

Bệnh nhân cần tự theo dõi các yếu tố nêu trên trong vài ngày, sau đó nếu phát hiện điểm bất thường nên thay đổi và ghi chép lại. Nếu mọi hoạt động vẫn ổn định, không có gì bất thường hoặc sau khi đã điều chỉnh lại lối sống nhưng đường máu vẫn cao, khi đó bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Lưu ý việc điều chỉnh liều thuốc tiêm Insulin như thế nào, tăng liều tiêm hay tăng số lần dùng Insulin trong ngày cần có chỉ định của bác sĩ, người bệnh hay người nhà không được tự ý thay đổi liều.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm Insulin

Khi chưa sử dụng, thuốc tiêm Insulin cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ từ 2 - 8 độ C trong ngăn mát tủ lạnh. Thuốc đã mở nắp cũng bảo quản nhiệt độ như trên trong 4 - 6 tuần kể từ lần dùng thuốc đầu tiên.

Vị trí tiêm Insulin: Cố gắng không tiêm cùng một vị trí mỗi lần tiêm để dự phòng tình trạng loạn dưỡng lipid. Trong tình trạng loạn dưỡng lipid, lớp mỡ dưới da sẽ bị phá vỡ, sau đó tích tụ và hình thành khối u dưới da làm cản trở quá trình hấp thu insulin, giảm hiệu quả của Insulin dẫn đến tiêm insulin đường huyết vẫn cao. Hãy cố gắng thay đổi vị trí tiêm, là tại bụng, trước hoặc bên cạnh đùi, trên mông và trên cánh tay, mỗi vị trí tiêm nên cách vị trí cũ 5cm. Không tiêm Insulin gần rốn hoặc tiêm gần các vết sẹo, không tiêm lên nốt ruồi. Đặt giờ tiêm cho từng vị trí, ví dụ tiêm bụng trước bữa sáng, tiêm đùi trước bữa trưa,tiêm cánh tay trước bữa tối.

Làm sạch da trước khi tiêm Insulin bằng bông đã tẩm cồn, chờ 20 giây để da khô trước khi tiêm để tránh nhiễm trùng. Cần rửa tay với xà phòng trước khi tiêm Insulin.

Không tiêm insulin quá sâu, nên tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da. Nếu tiêm Insulin quá sâu, tiêm vào lớp cơ sẽ khiến cơ thể hấp thu insulin quá nhanh, dẫn đến tác dụng của insulin không được lâu, thêm vào đó tiêm sâu sẽ khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.

Không nên đợi quá 15 phút mới ăn sau khi tiêm insulin. Nếu đợi quá lâu sau khi ăn, tiêm Insulin hạ đường huyết có thể xảy ra. Nếu bệnh nhân không thể ăn ngay sau khi tiêm, hãy mang theo bên mình một viên đường glucose nhỏ, mận khô hoặc kẹo cứng để phòng ngừa tình trạng bị hạ đường huyết.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc tiêm insulin đường huyết vẫn cao. Nếu có bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc nào thì người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ Vinmec để được thăm khám, điều trị hỗ trợ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan