X - Quang sọ mặt: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

X-quang sọ mặt là hình ảnh thu thập bằng tia X-quang của các xương bao quanh não, khuôn mặt, mũi và xoang. Chụp X-quang sọ mặt thường nhằm mục đích tìm nhanh các dấu hiệu của chấn thương, từ đó giúp định hướng các bước xử lý ban đầu cũng như các phương tiện khảo sát hình ảnh học tiếp theo.

1. Giải phẫu của các xương sọ mặt

Hộp sọ có cấu trúc như một hộp kín, là một bộ phận quan trọng giúp bảo vệ não bộ bên trong. Bên dưới hộp sọ về phía trước là các xương mặt, giúp định hình cấu trúc khuôn mặt và toàn bộ vùng hàm, miệng.

Tất cả các xương tạo nên hộp sọ được gắn với nhau bằng các khớp bất động, ngoại trừ xương hàm là được gắn thông qua một khớp động.

Cấu trúc của hộp sọ được tạo thành từ 8 xương, bao gồm xương trán, xương đỉnh (gồm hai xương hai bên), xương thái dương (gồm hai xương hai bên), xương sàng, xương bướm và xương chẩm.

Trong khi đó, bộ xương của khuôn mặt gồm nhiều xương hơn, kích thước nhỏ hơn và chi tiết hơn, giúp tạo hình tinh vi cho khuôn mặt, bao gồm hình dạng của mắt, mũi và miệng.

Chủ đề: gãy xương hàm mặt
Xương hàm là xương duy nhất trên hộp sọ được gắn với nhau qua một khớp động

2. X-quang sọ mặt là gì?

Tia X sử dụng chùm năng lượng điện từ vô hình để tạo ra hình ảnh của bất kỳ các bộ phận nào trên cơ thể từ lâu đã được sử dụng phổ biến trong y khoa để chẩn đoán và điều trị bệnh. Đối với cả hộp sọ, xquang sọ mặt tiêu chuẩn cũng đã được chỉ định thực hiện với nhiều lý do như chẩn đoán khối u, nhiễm trùng, dị vật hoặc chấn thương phần xương.

Nguyên lý khi chụp X-quang là dùng tia X đi qua các mô cơ thể vào các tấm được xử lý đặc biệt (tương tự như phim máy ảnh). Khi cơ thể trải qua các tia X, các bộ phận khác nhau của cơ thể cho phép các chùm tia X khác nhau đi qua. Hình ảnh được tạo ra ở mức độ sáng và tối, tùy thuộc vào lượng tia X xuyên qua các mô, nếu cấu trúc càng chắc thì xuất hiện trên phim càng rõ và ngược lại.

Các mô mềm trong cơ thể (như máu, da, mỡ và cơ) cho phép hầu hết các tia X đi qua và xuất hiện màu xám đen trên phim. Một xương hoặc một khối u, dày đặc hơn các mô mềm, cho phép một vài tia X đi qua và xuất hiện màu trắng trên tia X. Khi bị gãy xương, chùm tia X đi qua vùng bị vỡ và xuất hiện dưới dạng một đường tối trong xương trắng.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, máy tính và phương tiện kỹ thuật số hiện đang được sử dụng phổ biến hơn thay cho phim, giúp tạo ra các hình ảnh sắc nét và có độ phân giải chi tiết cao. Đồng thời, mặc dù chụp X-quang mặt không được sử dụng thường xuyên như trước đây, do khuynh hướng sử dụng các công nghệ mới hơn như CT scan và MRI sọ não, nhưng phim xquang sọ não vẫn đem lại những hữu ích nhất định để tìm dấu hiệu vỡ xương sọ mặt một cách nhanh nhất cũng như và phát hiện các tình trạng khác của hộp sọ và não bộ, các xoang.

Rủi ro khi chụp MRI trẻ em
Phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại MRI sọ não

3. Khi nào cần chụp X-quang sọ não?

X-quang sọ có chỉ định cần thực hiện để chẩn đoán gãy xương sọ, dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng, dị vật, khối u tuyến yên cũng như một số rối loạn chuyển hóa và nội tiết gây ra khuyết tật xương sọ. Bên cạnh đó, X-quang sọ cũng có thể được sử dụng để tìm các khối u, kiểm tra xoang mũi và phát hiện vôi hóa trong não.

Mặc dù chụp X-quang sọ là có nguy cơ tiếp xúc với bức xạ, điều này chỉ nằm ở một mức độ thấp và lợi ích đạt được là lớn hơn so với nguy cơ có thể gặp phải. Tuy nhiên, các đối tượng có cơ địa đặc biệt như phụ nữ mang thaitrẻ em lại có mức nhạy cảm hơn với các rủi ro liên quan đến tia X nên được cân nhắc thận trọng khi chỉ định chụp xquang sọ não.

4. Cách thức chụp X-quang sọ như thế nào?

Khi chỉ định chụp X-quang sọ não, một bác sĩ chuyên về hình ảnh học hay kỹ thuật viên X-quang sẽ giải thích cho bạn cách thức thực hiện. Tuy nhiên, nhìn chung, xquang sọ não không đòi hỏi cần có sự chuẩn bị đặc biệt, kể cả việc nhịn ăn.

nhịn ăn trước phẫu thuật
Người bệnh không cần nhịn ăn trước khi tiến hành chụp X-quang sọ não

X-quang có thể được thực hiện trong thời gian bạn nằm viện hay ngoại trú, tức bạn hoàn toàn có thể ra về ngay sau chụp. Dù chụp X-quang sọ não ở đâu và với các chỉ định cụ thể như thế nào, một quy trình để X-quang hộp sọ cần tuân thủ cơ bản như sau:

Bạn sẽ được yêu cầu thay quần áo, tháo ra toàn bộ trang sức, kẹp tóc, kính mắt, máy trợ thính hoặc các vật kim loại khác có thể can thiệp vào việc chụp X-quang. Mặc áo choàng chuyên dụng.

Bạn được sắp xếp đúng tư thế để chụp X-quang sọ não và cần tập trung giữ yên ở một vị trí nhất định trong vài phút để kỹ thuật viên phóng tia X.

Nếu X-quang sọ não cần được thực hiện để tìm một chấn thương trong sọ, người bệnh cần có các chăm sóc đặc biệt để ngăn ngừa thương tích thêm, ví dụ sử dụng nẹp cổ nếu nghi ngờ có gãy cột sống cổ.

Kỹ thuật viên có thể yêu cầu chỉnh sang tư thế khác để khảo sát bằng tia X dưới nhiều góc độ khác nhau. Quan trọng là bạn cần giữ yên tư thế hoàn toàn trong khi chụp.

Mặc dù quy trình chụp X-quang không gây đau đớn, việc di chuyển các bộ phận cơ thể cần được kiểm tra có thể gây ra một số khó chịu, đặc biệt trong trường hợp chấn thương hoặc có thủ thuật xâm lấn gần đây như phẫu thuật. Người bệnh cần được trang bị các phương tiện gia cố tốt nhất và kỹ thuật viên X-quang cũng cần hoàn thành việc chụp X-quang nhanh nhất có thể để giảm thiểu bất kỳ sự khó chịu hoặc đau đớn cho người bệnh.

chụp X-quang tư thế Chaussé III
Chụp X-quang sọ không gây đau đớn hay khó chịu cho người bệnh

Khi quá trình chụp X-quang kết thúc, bạn có thể ra về và sinh hoạt bình thường, ngoại trừ những chấn thương có thể gây hạn chế cử động. Kết quả chụp phim sẽ được phân tích bởi một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh và gửi lại cho bác sĩ chỉ định nhằm chẩn đoán, điều trị. Trong một số trường hợp nghi ngờ bệnh lý, bạn có thể cần được khảo sát thêm các phương tiện hình ảnh học chuyên sâu hơn như CT hay MRI sọ não.

Tóm lại, X-quang luôn là phương tiện hình ảnh học cơ bản hàng đầu để khảo sát các bệnh lý về xương. Đối với sọ mặt, X-quang giúp phát hiện sớm các dấu hiệu gãy xương trong chấn thương cũng như một số bệnh lý hàm mặt. Đây vẫn được xem là một công cụ hữu ích trong điều kiện cấp cứu và nhất là tại nơi CT, MRI sọ não không sẵn có.

Nguồn tham khảo: radiopaedia.org, hopkinsmedicine.org, mountsinai.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan