Xét nghiệm đờm AFB âm tính có cần điều trị không?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Vượng - Bác sĩ Xét nghiệm vi sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Tỷ lệ mắc bệnh lao phổi ở mức cao trên thế giới, con số thực tế có thể nhiều hơn nữa, bởi không phải bệnh nhân nào cũng biểu hiện thành triệu chứng lâm sàng. Lao phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm và rất dễ lây lan. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Một trong những tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh là thực hiện xét nghiệm đờm AFB.

1. Xét nghiệm đờm AFB là gì?

Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.

Bệnh lao phổi thường có các biểu hiện lâm sàng như ho khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, sụt cân, ra mồ hôi trộm, chán ăn, tổng trạng toàn thân mệt mỏi và yếu. Triệu chứng điển hình nhất là ho, ban đầu ho khan, sau đó ho khạc ra đờm mủ hoặc đờm máu.

Xét nghiệm AFB đờm là xét nghiệm nhuộm soi vi khuẩn lao bằng Phương pháp nhuộm kháng cồn-kháng acid. Do vách tế bào vi khuẩn lao có một lượng lớn acid mycolic nên khi sử dụng phương pháp nhuộm Gram truyền thống, các vi khuẩn lao rất khó bắt màu. Để phát hiện được vi khuẩn lao trên mẫu đờm, các kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ tiến hành nhuộm tiêu bản chứa đờm theo phương pháp Ziehl-Neelsen. Thuốc nhuộm có chứa phenol và hơ nóng khi nhuộm nên fuchsin sẽ ngấm qua vách của vi khuẩn. Do tính kháng acid-cồn nên sau khi tẩy màu bằng dung dịch cồn-acid 3%, AFB vẫn giữ được màu đỏ Fuchsin trong khi các tế bào và vi khuẩn khác bị tẩy mất màu đỏ. Tiêu bản sau đó được nhuộm nền bằng dung dịch xanh methylen 0.3% tạo sự tương phản giữa AFB màu đỏ trên nền xanh sáng.

Theo quy định của Bộ y tế, tất cả những người có triệu chứng nghi lao phải được xét nghiệm đờm phát hiện lao phổi. Để thuận lợi cho người bệnh có thể chẩn đoán được trong ngày đến khám bệnh, xét nghiệm 2 mẫu đờm tại chỗ cần được áp dụng thay cho xét nghiệm 3 mẫu đờm như trước đây. Mẫu đờm tại chỗ cần được hướng dẫn cẩn thận để người bệnh lấy đúng cách, thời điểm lấy mẫu 1 và mẫu 2 phải cách nhau ít nhất là 2 giờ.

Theo tiêu chuẩn phân loại chẩn đoán Lao dựa vào xét nghiệm AFB của Bộ y tế: Lao phổi gồm có lao phổi AFB âm tínhdương tính.

Chúng có các tiêu chuẩn chẩn đoán khác nhau, tuy nhiên triệu chứng và phương pháp điều trị lại không có sự khác biệt mấy.

Xét nghiệm AFB
Xét nghiệm AFB là tìm kiếm vi khuẩn lao trong đờm qua kính hiển vi

2. Xét nghiệm đờm AFB âm tính có cần điều trị không?

Về triệu chứng và cách điều trị, lao phổi AFB âm tính không có sự khác biệt so với AFB dương tính. Điều này có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của bệnh giữa 2 thể bệnh này tương đương nhau. Nếu xét nghiệm đờm AFB âm tính thì bắt buộc bạn phải điều trị như AFB dương tính.

Theo Bộ Y tế quy định, chẩn đoán lao phổi AFB âm tính phải có 1 trong 2 tiêu chuẩn sau:

  • Thực hiện xét nghiệm đờm AFB 2 lần, cách nhau 3 tuần với kết quả là AFB âm tính. Mỗi lần xét nghiệm 3 mẫu đờm, qua X - quang, thấy được tình trạng tổn thương lao tiến triển
  • Thực hiện cấy vi trùng lao (+) hoặc Xpert MTB/Rif(+) hoặc Haintes (+). Đối với bệnh nhân bị HIV, lao phổi AFB âm tính khi đáp ứng đủ 2 điều kiện: có hình ảnh lao tổn thương tiến triển trên phim X - quang và không đáp ứng với thuốc kháng sinh phổ rộng, trừ Quinolon và Aminoglycosid.

Khi có đủ tiêu chuẩn trên thì người bệnh có kết quả AFB đờm âm tính cần được điều trị. Về triệu chứng và cách điều trị, lao phổi AFB âm tính không có sự khác biệt so với AFB dương tính. Điều này có nghĩa là mức độ nghiêm trọng của bệnh giữa 2 thể bệnh này tương đương nhau. Nếu xét nghiệm đờm AFB âm tính thì bắt buộc bạn phải điều trị như AFB dương tính

Lao phổi AFB âm tính là một dạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, ho, tiếp xúc gần gũi, khạc nhổ đờm...

Nếu được chẩn đoán mắc lao phổi AFB âm tính, người bệnh cần phải cách ly và thực hiện đúng quy trình điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

lao phổi AFB
Lao phổi AFB âm tính lây lan qua hô hấp nên rất nguy hiểm

3. Điều trị bệnh lao phổi AFB

Phác đồ điều trị cho bệnh nhân lao phổi AFB âm tính và dương tính không có sự khác biệt.

Lao phổi là căn bệnh rất dễ lây lan với tốc độ nhanh, thông qua đường hô hấp. Trong đờm của người bệnh, có rất nhiều vi khuẩn lao trú ngụ. Rất nhiều vi khuẩn lao được phóng ra ngoài khi người bệnh hắt hơi, ho, các hạt khí dung được tạo thành mang theo vi khuẩn lao. Vi khuẩn lao có thể xâm nhập và gây bệnh một cách dễ dàng nếu người không mắc bệnh hít phải hạt khí dung có chứa vi khuẩn AFB.

Đối với những đối tượng có sức đề kháng tốt, nếu bị lây nhiễm AFB thì có thể vi khuẩn AFB chưa thể phát triển nhanh và gây bệnh.

Đối với những đối tượng có sức đề kháng kém, khi gặp điều kiện thuận lợi, AFB sẽ dễ dàng xâm nhập, sinh sôi và gây bệnh nhanh chóng.

Cần phải cách ly và có biện pháp ngăn ngừa lây lan khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao phổi AFB, kể cả dương tính và âm tính.

Phương pháp điều trị phổ biến đối với bệnh nhân lao phổi AFB chính là điều trị có kiểm soát bằng phác đồ ngắn hạn. Người bệnh sẽ được theo dõi và điều trị kéo dài. Trong 2 tháng đầu điều trị, bác sĩ sẽ là người trực tiếp giám sát.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần:

  • Tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ của bác sĩ, không tự ý bỏ giữa chừng
  • Tránh hắt hơi, khạc nhổ bừa bãi, khi nói chuyện với người khác cần đeo khẩu trang
  • Cần nghỉ ngơi, ăn uống điều độ, hợp lý
  • Không hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích

Lao phổi AFB là căn bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng vì vậy cần thực hiện song song điều trị và dự phòng lây nhiễm.

4. Phòng ngừa bệnh lao phổi AFB

Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh lao phổi AFB, bao gồm:

  • Cần thực hiện phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại các bệnh viện, cơ sở y tế .....
  • Thực hiện tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lao phổi
  • Cần tăng cường sức đề kháng và vệ sinh môi trường sạch sẽ
  • Khi tiếp xúc với bệnh nhân lao, tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp nếu không có các biện pháp bảo hộ
  • Tuyệt đối không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh
  • Cần che miệng khi hắt hơi, ho....nếu mắc bệnh lao
  • Bệnh nhân lao phổi AFB cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: