Xử lý biến chứng co cứng sau đột quỵ

Co cứng cơ là một biến chứng thường gặp sau đột quỵ và gây ảnh hưởng đến cử động của các khớp như khớp khuỷu, cổ tay và cổ chân. Điều này dẫn đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân kém và tăng gánh nặng cho gia đình. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các ảnh hưởng của co cứng lên cuộc sống bệnh nhân và cách can thiệp điều trị nhằm kiểm soát co cứng sau đột quỵ

1. Co cứng sau đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình đưa máu nuôi dưỡng não bị gián đoạn. Một số người bệnh đột quỵ có thể tự hồi phục một phần, nhưng đa số cần được điều trị phục hồi chức năng. Hầu hết những người sống sót sau đột quỵ đều có sức khỏe giảm sút và/hoặc bị các biến chứng đột quỵ co cứng, co rút, bán trật khớp vai, đau, phù nề chi, giảm sức bền tim phổi và các vấn đề về nhận thức, giao tiếp,....Trong đó, co cứng cơ là một trong ba biến chứng ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống bệnh nhân. Một khảo sát cho thấy 2/3 bệnh nhân sống sót sau bị co cứng sau đột quỵ (post‐stroke spasticity) và 1⁄4 trong số đó phản ánh rằng co cứng sau đột quỵ gây cản trở cuộc sinh hoạt hàng ngày của họ.

Co cứng cơ (spasticity) được định nghĩa đầu tiên bởi nhà khoa học Lancer năm 1980. Co cứng cơ là rối loạn kiểm soát vận động - cảm giác do sự tổn thương nơron vận động trên, biểu hiện bằng sự co không chủ ý ngắt quãng hoặc kéo dài của cơ.

Nguyên nhân gây ra biến chứng đột quỵ co cứng là do các tế bào thần kinh vận động bị tổn thương làm gián đoạn thông tin giữa não bộ và tủy sống. Chính sự gián đoạn tín hiệu giữa não bộ và các cơ khiến cho các cơ thay vì được não bộ điều hòa để giãn ra thì chúng lại trở nên co cứng và không tự chủ tương tự như hiện tượng chuột rút. Việc kéo căng một cơ bị co cứng có thể dẫn đến sự phá vỡ các sợi cơ và giải phóng các chất kích thích các cơ quan thụ cảm cơ, dẫn đến cảm giác đau. Co cứng sau đột quỵ có thể xuất hiện ngay từ vài ngày đầu hoặc vài tuần, vài tháng thậm chí vài năm sau đột quỵ tùy thuộc thể trạng người bệnh. Wissel và cộng sự quan sát thấy rằng tình trạng co cứng sau đột quỵ xuất hiện ở chi trên nhiều hơn, cụ thể khuỷu tay (79%), cổ tay (66%), mắt cá chân (66%) và vai (58%). Các biểu hiện của biến chứng đột quỵ co cứng trên lâm sàng có thể là:

  • Co cứng cơ ở chi trên: gấp cổ tay, gập khủy tay, nắm bàn tay, sấp bàn tay, gập ngón cái vào lòng bàn tay, vai khép/xoay vào trong,...
  • Co cứng cơ ở chi dưới: ngón cái dựng đứng, bàn chân ngựa gót xoay vào trong, duỗi gối, khép đùi,...
co cứng sau đột quỵ
Nguyên nhân gây ra biến chứng đột quỵ co cứng là do các tế bào thần kinh vận động bị tổn thương

2. Co cứng sau đột quỵ ảnh hưởng đến bệnh nhân như thế nào?

Sự co cứng có thể vừa có lợi vừa có hại.

Trên thực tế, sự co cứng sau đột quỵ có thể góp phần có lợi vào khả năng vận động, duy trì tư thế, lưu thông mạch máu, duy trì khối lượng cơ và mật độ khoáng của xương và ngăn ngừa tĩnh mạch.

Tuy nhiên, khi co cứng làm hạn chế hoạt động, nó có thể gây ra các vấn đề khác và làm ảnh hưởng nghiêm trọng lên đời sống hàng ngày, ví dụ:

  • Làm người bệnh gặp khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân, mặc quần áo, di chuyển
  • Các cơn đau do co cứng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Tình trạng khó khăn khi di chuyển có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe như loét do đè ép và thậm chí viêm phổi.
  • Thêm nữa, co cứng cơ có tác động xấu tới khả năng hòa nhập xã hội cũng như ảnh hưởng tới sở thích cá nhân của người bệnh. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm.

Bởi vì co cứng ảnh hưởng tới mỗi cá nhân khác nhau, vì vậy để điều trị thành công cần đòi hỏi sự nỗ lực của cả bản thân bệnh nhân, gia đình, những người chăm sóc và các chuyên gia y tế.

3. Co cứng sau đột quỵ được xử lý như thế nào?

Khi co cứng sau đột quỵ gây ra những suy giảm chức năng và biến chứng đáng kể làm cản trở việc định vị, di chuyển, thoải mái và vệ sinh,..của bệnh nhân thì cần thiết phải điều trị. Các bác sĩ sẽ xem xét tất cả các khía cạnh của tình trạng co cứng để xác định xem đó có phải là một tình trạng co cứng sau đột quỵ có lợi hay không. Bởi vì nếu đó là co cứng có lợi thì việc giảm tình trạng co cứng “hữu ích” có thể sẽ phản tác dụng.

Các mục tiêu điều trị tình trạng co cứng sau đột quỵ

  • Giảm biến chứng
  • Giảm gánh nặng chăm sóc
  • Cải thiện tư thế và sự độc lập sinh hoạt của bệnh nhân,..

Bước đầu tiên trong quá trình điều trị là bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân để xây dựng kế hoạch điều trị cụ thể dựa trên những nhu cầu của bệnh nhân. Có một vài lựa chọn điều trị co cứng sau đột quỵ có thể được áp dụng đơn độc hoặc phối hợp với nhau.

3.1. Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu:

Đây là thường là lựa chọn đầu tiên để kiểm soát tình trạng co cứng sau đột quỵ. Cụ thể đó là:

  • Các bài tập kéo dãn cơ và theo tầm vận động khớp giúp giữ cho khớp cử động và phòng ngừa co rút cơ.
  • Sử dụng dụng cụ chỉnh hình hay nẹp bột có thể giúp giữ cho các cơ ở tư thế duỗi, đồng thời có thể giúp cải thiện tầm vận động. Dụng cụ chỉnh hình cũng giúp ổn định khớp nhằm cho phép người bệnh di chuyển hiệu quả và an toàn hơn.
  • Các phương pháp khác, chẳng hạn như liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể, kích thích từ trường xuyên sọ và tủy sống và điện châm cứu, được sử dụng kết hợp với chăm sóc thông thường cũng cho thấy những hiệu quả tích cực trong việc kiểm soát tình trạng co cứng.
Vật lý trị liệu cho người đau cổ
Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu là lựa chọn đầu tiên để kiểm soát tình trạng co cứng sau đột quỵ

3.2. Điều trị bằng thuốc:

Thuốc cũng có thể giúp điều trị ở những bệnh nhân có những triệu chứng ở mức độ trung bình. Có hai cách dùng thuốc là dùng bằng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào vị trí bị co cứng sau đột quỵ.

  • Các thuốc uống như Baclofen, Tizanidine, Benzodiazepines, Gabapentin, Dantrolene. Một nhược điểm của thuốc là khi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến tất cả các cơ chứ không chỉ đơn thuần là cơ bị co cứng.
  • Để hạn chế tác dụng phụ toàn thân, có thể là tiêm thuốc trực tiếp vào cơ bị co cứng (phenol/alcohol, botulinum toxin). Phương pháp này cần một vài tuần để có tác dụng và đạt hiệu quả tốt nhất nếu kết hợp với các phương pháp vận động trị liệu. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế các tín hiệu hóa học gây co cơ.

3.3. Bơm thuốc trong màng cứng:

Một lựa chọn điều trị trong co cứng cơ nặng là tiêm baclofen trong màng cứng để đưa thuốc đến dịch não tủy.

3.4. Các phương pháp phẫu thuật:

Phẫu thuật điều trị chứng co cứng sau đột quỵ chủ yếu được áp dụng cho những trường hợp nặng hoặc những hậu quả do co cứng gây ra dẫn đến suy giảm chức năng. Đây là phương án cuối cùng khi các phương pháp khác thất bại. Có hai loại phẫu thuật là phẫu thuật chỉnh hình và phẫu thuật thần kinh (cắt dây thần kinh, cắt rễ và cắt tủy,..)

Như vậy, co cứng là một biến chứng đột quỵ thường gặp, có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái, tư thế, vấn đề vệ sinh cá nhân và các chức năng đi lại,...của bệnh nhân. Không những thế, co cứng sau đột quỵ có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng kèm theo như co cứng và loét da. Có một số cách tiếp cận để kiểm soát tình trạng co cứng đột quỵ gồm các phương pháp vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu, điều trị bằng thuốc và thậm chí phẫu thuật. Các phương pháp trị liệu thường được kết hợp trong thực hành lâm sàng để đạt mục tiêu cải thiện tình trạng co cứng. Qua đó, tránh các biến chứng nặng nề, tăng khả năng chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan