Ý nghĩa của xét nghiệm định lượng Phospho

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Phospho là một khoáng chất cần thiết cho nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Tuy các rối loạn do thay đổi nồng độ phốt pho máu tương đối ít phổ biến so với các khoáng chất khác nhưng sự thay đổi này cũng có thể gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe. Do đó xét nghiệm định lượng phospho sẽ góp phần phát hiện và giải quyết được những rối loạn liên quan đến khoáng chất này.

1.Vai trò của phốt pho máu là gì?

Phospho là một khoáng chất trong cơ thể, chúng tồn tại dưới dạng các hợp chất phospho vô cơ và hữu cơ khi kết hợp với các chất khác. Vai trò của phốt pho máu rất quan trọng và đa dạng.

Đầu tiên, phospho là chất có vai trò quan trọng trong nhiều quá trình chuyển hóa của cơ thể bao gồm: quá trình sinh tổng hợp các chất cơ bản của cơ thể như protein, carbohydrate, phospholipid màng tế bào, DNA, RNA; sản sinh năng lượng tế bào (dưới dạng ATP); co cơ; điều hòa nhịp tim; dẫn truyền thần kinh; tạo xương hoặc duy trì sự cân bằng kiềm toan của cơ thể...

Ngoài ra, phospho còn là chất giúp cho hồng cầu sản xuất men 2,3-diphosphoglycerate, men này đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải phóng oxy từ hemoglobin của hồng cầu.

Khoảng 85% lượng phospho trong cơ thể được dự trữ ở xương dưới dạng muối calci phosphate như khoáng chất Ca2+[Ca3(PO4)2]32- và hydroxyapatite Ca10(PO4)6(OH)2, dạng phospho này đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của xương và răng. Khoảng 10% lượng phospho được dự trữ ở mô mềm (chủ yếu là cơ bắp, khoảng 1% tồn tại trong mô thần kinh). Lượng còn lại tham gia vào chuyển hóa trung gian của carbohydrate và được thấy trong các tế bào khắp cơ thể dưới dạng các hợp chất quan trọng như phospholipid, acid nucleic và ATP, nơi chúng được sử dụng chủ yếu để lưu trữ năng lượng. Phospho có trong máu chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng phospho toàn cơ thể, tồn tại dưới dạng phosphate vô cơ và hữu cơ gắn kết với acid phosphoric. Một lượng nhỏ phospho hữu cơ ngoại bào được tìm thấy chủ yếu dưới dạng phospholipid và chỉ có khoảng 0.1% tồn tại ở dịch ngoại bào dưới dạng muối vô cơ và được xác định bằng xét nghiệm nồng độ phospho máu. Mức phosphate vô cơ huyết thanh được duy trì trong một phạm vi hẹp thông qua sự tác động lẫn nhau phức tạp giữa hấp thu ở ruột, trao đổi với các bể dự trữ nội bào và xương, và tái hấp thu ở ống thận.

Hồng cầu
Phospho giúp cho hồng cầu sản xuất men 2,3-diphosphoglycerate

Phospho còn được gọi dưới dạng muối của nó là phosphate. Các thuật ngữ phospho và phosphate thường được sử dụng thay thế cho nhau khi nói về xét nghiệm phospho. Xét nghiệm định lượng phospho là xét nghiệm để đo số lượng phospho vô cơ trong máu.

2.Ảnh hưởng của rối loạn phốt pho máu đến sức khỏe

Cơ thể duy trì mức độ phospho trong máu bằng cách điều hòa sự hấp thụ ở ruột và sự đào thải qua thận. Mức độ phospho cũng bị ảnh hưởng bởi sự điều hòa của hormone tuyến cận giáp (PTH), canxi và vitamin D.

  • Khi lượng phốt pho máu vượt mức bình thường có thể gây ra các tổn thương cơ tim, tổn thương phổi, rối loạn chức năng hồng cầu, bạch cầu.
  • Khi lượng phốt pho máu giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng thực bào của bạch cầu dẫn đến tình trạng dễ bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng cơ hội...

Vì vậy, xét nghiệm định lượng phospho mang ý nghĩa và vai trò rất quan trọng phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hoặc thừa phốt pho máu, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, phòng tránh được các biến chứng do rối loạn nồng độ phospho gây nên.

3.Chỉ định định lượng phospho máu

Còi xương
Bênh nhân bị còi xương được chỉ định xét nghiệm phospho

Tỷ lệ phosphate và calci trong máu khoảng 6:10. Nồng độ phospho tăng lên dẫn đến sự giảm nồng độ calci. Cơ chế này bị ảnh hưởng bởi tương tác giữa nội tiết tố tuyến cận giáp và vitamin D. Sự thay đổi nồng độ phốt pho máu nhẹ thường không biểu hiện trên người bệnh, do đó xét nghiệm phospho thường được chỉ định khi có bằng chứng rối loạn canxi trong cơ thể như xét nghiệm canxi bất thường và/hoặc khi có các triệu chứng của rối loạn nồng độ canxi như mệt mỏi, yếu cơ, chuột rút hoặc có rối loạn về xương.

Ngoài ra, một số trường hợp có thể chỉ định xét nghiệm phospho như:

  • Rối loạn tiết niệu hoặc tiêu hóa;
  • Sau phẫu thuật;
  • Còi xương;
  • Thiếu vitamin D hoặc ngộ độc vitamin D;
  • Hội chứng kém hấp thu;
  • Sử dụng thuốc hạ phospho;
  • Cường cận giáp trạng;
  • Sau ghép thận, bệnh thận mạn tính;
  • Hội chứng tiêu cơ vân;
  • Đột quỵ tim.

Ngoài ra, việc định lượng phospho định kỳ trên bệnh nhân suy thận mạn có thể được chỉ định như sau:

  • Suy thận mạn giai đoạn 3 xét nghiệm 12 tháng/lần;
  • Suy thận mạn giai đoạn 4 xét nghiệm 03 tháng/lần;
  • Suy thận mạn lọc máu định kỳ xét nghiệm 01 tháng/lần;
  • BN dùng thuốc hạ phospho xét nghiệm 02 tuần/lần.

4.Giá trị bình thường của phốt pho máu

Nồng độ phospho máu bình thường ở người trưởng thành là từ 0.81-1.45 mmol/L (2,5-4,5 mg/dL).

Nồng độ phospho máu ở trẻ sơ sinh cao hơn người trưởng thành khoảng 50% (1,25-2,50 mmol/L hay 3,9-7,7 mg/dL), ở trẻ em cao hơn người trưởng thành khoảng 30% (tùy từng giai đoạn và độ tuổi). Nồng độ phospho máu ở trẻ em có xu hướng cao hơn ở người lớn vì xương của chúng đang trong giai đoạn phát triển mạnh.

5.Ý nghĩa của xét nghiệm định lượng phospho máu

Suy tuyến cận giáp
Sự gia tăng nồng độ phospho trong huyết thanh có thể gây ra suy tuyến cận giáp

a. Phospho máu tăng

Sự gia tăng nồng độ phospho trong huyết thanh có thể là do các nguyên nhân sau gây nên:

  • Suy thận (với sự giảm độ lọc phosphate ở cầu thận)
  • Bệnh lý liên quan đến chức năng gan;
  • Suy tuyến cận giáp;
  • Đái tháo đường biến chứng nhiễm ceton acid (khi xuất hiện lần đầu);
  • Ung thư xương tiến triển;
  • Tăng do chế độ ăn uống (bổ sung phospho, sử dụng các loại thực phẩm giàu phospho như đậu, đậu Hà Lan và các loại hạt, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trứng, thịt bò, thịt gà, cá.. ).
  • Ngộ độc vitamin D

Nồng độ phospho máu cao có thể dẫn đến bệnh lý tim mạch hoặc loãng xương, thậm chí dẫn đến tổn thương các cơ quan do sự vôi hóa, lắng đọng canxi phosphate tại các mô cơ quan.

b. Phospho máu giảm

Các nguyên nhân làm nồng độ phospho máu giảm bao gồm:

  • Rối loạn tăng canxi máu, đặc biệt là do bệnh lý cường tuyến cận giáp;
  • Sử dụng thuốc lợi tiểu quá nhiều;
  • Bệnh nhân suy dinh dưỡng, kém hấp thu
  • Nghiện rượu;
  • Bỏng nặng;
  • Đái tháo đường nhiễm ceton acid (sau khi điều trị);
  • Mất cân bằng acid base
  • Suy giáp;
  • Các rối loạn ảnh hưởng đến chức năng thận
  • Xơ gan mất bù giai đoạn cuối;
  • Hạ kali máu;
  • Sử dụng thuốc kháng acid mạn tính;
  • Bệnh còi xương và loãng xương (do thiếu hụt vitamin D).
  • Hội chứng Fanconi
  • Sau phẫu thuật (khoảng 30% các bệnh nhân sau phẫu thuật).

Nồng độ phospho máu thấp ở trẻ em có thể dẫn đến hạn chế về phát triển xương và chiều cao cũng như phản ánh về tình trạng mất cân bằng khoáng chất của cơ thể.

Do vậy khi thấy mình có xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào, bạn cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị ngay. Xét nghiệm Phospho máu thường được sử dụng kèm với các xét nghiệm khác như định lượng hormone tuyến cận giáp PTH, canxi máu, định lượng Vitamin D.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: