Táo bón - Nỗi lo không phải của riêng ai (Phần 2)

PHẦN 1: TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN PHẦN 2: CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ

CHẨN ĐOÁN

Để có thể chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ hỏi kỹ bệnh nhân về tiền sử, tình trạng táo bón hiện tại, những dấu hiệu liên quan khác như có chảy máu, đau rát và một số vấn đề bao gồm chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống, sinh hoạt v.v..

Và bệnh nhân có thể được xác định là bị táo bón khi có 2 trong số các triệu chứng sau đây trong thời gian ít nhất 12 tuần:
- Đại tiện ít hơn 3 lần trong một tuần;
- Rặn nhiều, lâu khi đi đại tiện;
- Phân khô cứng màu đen hay vón cục;
- Đại tiện xong vẫn không cảm thấy hết phân;
- Cảm thấy như bị nghẽn tắc ở vùng hậu môn trực tràng

Thăm trực tràng bằng tay là bước đơn giản nhất để phát hiện tình trạng của cơ vòng hậu môn, phát hiện hẹp hậu môn hay một số loại bệnh trong vùng hậu môn như trĩ, sa niêm mạc, polip ống hậu môn, nứt kẽ v.v..

Một số phương pháp hỗ trợ chẩn đoán như nội soi hình ảnh hậu môn – trực tràng và đại tràng, chụp X quang bụng không chuẩn bị và chuẩn bị sẽ phát hiện được lượng lớn phân trong đại tràng, lượng phân càng nhiều thì táo bón càng nặng, có thể thấy các quai ruột có bị giãn không? Nếu chụp X quang có chuẩn bị với barium sẽ xác định được hình thể giải phẫu bình thường hay bất thường của đại tràng và trực tràng như có khối u, chít hẹp. Ngoài ra, chụp X quang còn xác định được chức năng tiêu hóa của đại tràng thông qua test thử bằng uống viên nang (Sitzmarks) có nhiều mảnh plastic có thể nhìn thấy trên phim X quang. Sau một thời gian nhất định, xác định chẩn đoán qua số lượng của những mảnh plastic còn lại trong đại trực tràng và vị trí của nó. Hơn thế nữa, còn các phương pháp hiện đại khác như sử dụng máy đo áp lực hậu môn trực tràng, Hệ thống camera quan sát và chụp hình ảnh quá trình đại tiện sẽ giúp xem xét tình trạng bệnh lý thực thể hay chức sinh năng lý sẽ chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương và nguyên nhân gây táo bón như đờ đại tràng ; bế tắc đường ra, các bệnh sa đại tràng chậu hông, co thắt cơ mu trực tràng, sa trực tràng kiểu túi v.v.. và từ đó đưa ra được những biện pháp điều trị thỏa đáng.

Như vậy, khi bị táo bón thì việc chẩn đoán chính xác tình trạng và nguyên nhân gây ra quan trọng nhất.

CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN

Trong hầu hết các trường hợp táo bón thì việc thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt sẽ làm giảm bệnh táo bón và ngăn ngừa tái phát và biến chứng.

- Chế độ ăn: cần tăng cường ăn nhiều chất xơ tương đương với 300 gram trái cây, rau, hoa quả tươi, măng v.v.. .hạn chế những loại thức ăn ít hoặc không có chất xơ như kem, phomat, các loại thịt, trứng, thực phẩm chế biến sẵn. Đối với trẻ em thì cũng cần phải xem xét chế độ ăn phù hợp với lứa tuổi, Các cháu bú sữa mẹ cũng phải xem xét chế độ ăn của mẹ. Trẻ dùng sữa ngoài cần đặc biệt chú ý vì thành phần đạm, phosphor, canxi, sắt. v.v...chất xơ khác nhau giữa sữa ngoài và sữa mẹ, vì vậy cần phải bổ sung thêm chất xơ prebiotic để ngăn ngừa táo bón.

- Uống đủ nước: nên uống nhiều nước, trung bình cần uống từ 1l-2,5l nước mỗi ngày, hạn chế uống trà đặc, cà phê, cocacola hay loại nước có gas. Uống nước ngay cả khi không khát. Tốt là ngay khi ngủ dậy vào buổi sáng nên uống một cốc nước ấm khoảng 500 ml vào lúc bụng đói, sau đó đi bộ vài phút. Đối với trẻ em, chú ý trong những ngày nóng, nắng trẻ ra nhiều mồ hôi, những khi trẻ bị ốm sốt cao. Bình thường khi trời nóng, lượng nước cần uống mỗi ngày vào khoảng 1,5l cho trẻ từ 4-6 tuổi, 2l cho trẻ từ 7 tuổi trở lên.

- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Phải tập thói quen đi đại tiện mỗi ngày, không nên nhịn lâu, tự tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, đều đặn. Đối với những người do nghề nghiệp ngồi lâu cũng cần bố trí thời vận động phù hợp. Nên luyện tập tay chân như đi bộ, chạy, hít thở bằng bụng, chạy chậm giúp ăn uống ngon miệng, sảng khoái tinh thần, tăng nhu động ruột và tăng trương lực cơ làm cho cuộc sống bình ổn và tránh táo bón. Đối với trẻ em, cần cho các cháu vận động thường xuyên ngoài trời, tập thói quen đại tiện hàng ngày trong khoảng thời gian nhất định. Không nên cho trẻ ngồi bô hay hố xí quá lâu.

- Dùng thuốc điều trị táo bón: có nhiều loại thuốc để điều trị táo bón, có tác động trực tiếp lên thần kinh chức năng vận động bài tiết của ruột, gây co bóp cơ thành ruột tạo nhu động ruột đẩy phân ra ngoài. Mặc dù thuốc có tác dụng rất tốt chữa táo bón, tuy nhiên không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào dài quá từ 8 đến 10 ngày. Các thuốc trên đều có tác dụng phụ, dùng lâu có thể ảnh hưởng cho đường ruột, có hại cho gan, thận vì bản chất của nó không giải quyết được tận gốc nguyên nhân táo bón.
- Phương pháp điều trị đặc hiệu. Đối với người bị bệnh khác mà táo bón là một dấu hiệu thì phải điều trị bệnh đó, bên cạnh cũng phải có biện pháp điều trị hợp lý đối với triệu chứng táo bón. Để hỗ trợ điều trị có hiệu quả, một số biện pháp đang được sử dụng trên Thế giới và tại Việt Nam:

+ Máy điều trị táo bón bằng sóng điện giao thoa. Dùng 2-4 điện cực dán hoặc đặt lên bụng bệnh nhân để kính thích nhu động quai ruột (Đại - Trực Tràng) bằng sóng điện giao thoa. Điều trị tốt cho những trường hợp bị táo bón kéo dài mà dùng thuốc ít có tác dụng.

+ Máy kích điện tại chỗ (Hậu Môn-Trực Tràng) điều trị táo bón và đại tiện không tự chủ. Giúp các bệnh nhân bị sa sàn chậu, đại tiểu tiện không tự chủ, táo bón, kích thích bóng trực tràng gây phản xạ mót rặn giúp bệnh nhân muốn đại tiện và đại tiện được. Máy thường kết hợp với máy điện giao thoa để đạt được hiệu quả tối đa.

+ Máy tập Biofeedback (đáp ứng sinh học) cho bệnh nhân sa sàn chậu, đại tiểu tiện không tự chủ.

Điều trị táo bón cần phải kiên trì và đúng nguyên nhân. Bởi nếu không điều trị sớm và để bệnh nhân táo bón kéo dài sẽ có những nguy cơ như: bị bệnh trĩ hoặc nứt hậu môn, rách da quanh hậu môn do phân cứng làm căng cơ vòng hậu môn. Hậu quả là chảy máu trực tràng, dần dần dẫn đến sa trực tràng. Hơn nữa, táo bón còn có thể gây phân đóng khối trong đại tràng và trực tràng, chặt đến nỗi sự co bóp của đại tràng không đủ sức để tống xuất phân. Tình trạng phân đóng khối này thường gặp ở trẻ em và người cao tuổi. Ngoài ra, táo bón và các loại bệnh trên cũng sẽ làm tăng thêm tình trạng bệnh lý vùng hậu môn, nặng sẽ làm cho ống hậu môn viêm nhiễm, hẹp hậu môn, đó là chưa kể có những trường hợp dẫn đến tình trạng ung thư, gây nguy hại đến tính mạng người bệnh.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hiện đại nêu trên để xác định chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra táo bón cũng như can thiệp điều trị tích cực, hiệu quả. Bên cạnh đó với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm sẽ giúp cho người bệnh khi bị táo bón hay gặp các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng có được sự hỗ trợ ưu việt nhất, góp phần đem lại sức khỏe và hạnh phúc cho mọi người.

PGS. TS. Thầy thuốc ưu tú Đỗ Ngọc Tấn

Trung tâm Ngoại tiêu hóa – hậu môn – trực tràng

(Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec)

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan