Thức ăn chuyển hóa thành sữa mẹ như thế nào?

Trong quá trình cho con bú, người mẹ ăn gì thì chất đó sẽ đi vào sữa mẹ, trở thành nguồn dinh dưỡng cho con. Có nhiều loại thức ăn có thể chuyển hóa nhanh nhưng cũng có nhiều loại thức ăn phải mất từ 4 - 6 tiếng để đi vào sữa mẹ.

1. Thức ăn chuyển hóa thành sữa mẹ như thế nào?

Khi chúng ta ăn thức ăn có chứa chất gì thì chất đó sẽ đi vào sữa. Thức ăn có thể chuyển hóa thành sữa mẹ, do đó chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ là rất quan trọng. Đặc biệt là thời gian đầu sau sinh, trẻ cần được bú nguồn sữa dinh dưỡng tốt để có thể phát triển khỏe mạnh, làm quen được với môi trường sống mới.

Hiện nay, chưa có một khuyến cáo chính thức và cụ thể nào là các bà mẹ cho con bú không được ăn loại thức ăn gì. Người mẹ có thể ăn những gì mà mình thích, mặc dù thức ăn chuyển hóa thành sữa mẹ nhưng chế độ ăn của mẹ hiếm khi trở thành nguyên nhân ảnh hưởng đến sữa và tác động đến con.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dinh dưỡng của mẹ chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ đến lượng sữa và thành phần của sữa. Sữa của mẹ có thể đảm bảo dinh dưỡng cho con, trừ khi người mẹ bị suy dinh dưỡng nặng. Do đó, người mẹ không cần phải áp dụng hay tuân thủ tuyệt đối một chế độ ăn uống khắt khe nào cả.

Sữa mẹ tự nhiên đã có thể cung cấp đủ dưỡng chất và sức đề kháng cần thiết cho em bé. Tuy nhiên, người mẹ cần ăn đầy đủ các nhóm chất, đặc biệt là các thức ăn có tính chất lợi sữa, làm mát sữa. Một chế độ ăn uống đảm bảo sức khỏe cho mẹ sẽ giúp người mẹ khỏe mạnh, dồi dào nguồn sữa.

Vậy thức ăn bao lâu chuyển thành sữa mẹ? Thông thường, khi mẹ ăn một loại thức ăn nào đó thì sớm nhất là 1h, muộn nhất là 24h và mất trung bình khoảng 4-6h để thức ăn đó chuyển vào sữa mẹ.

2. Những lưu ý về chế độ ăn khi nuôi con bằng sữa mẹ

Ăn gì để sữa mẹ đặc, mát con tăng cân
Những lưu ý về chế độ ăn khi nuôi con bằng sữa mẹ

Thức ăn chuyển hóa thành sữa mẹ nên cũng có một vài trường hợp mẹ ăn đồ ăn khiến trẻ bú mẹ bị gặp một số vấn đề về sức khỏe như: đau bụng, đi phân xì xoẹt, đi phân có bọt nhầy, chảy nước mắt, nổi mề đay... Đặc biệt là em bé nhạy cảm hay gia đình có tiền sử dị ứng với một số thực phẩm nào đó. Nhiều trẻ nhỏ dị ứng với đạm động vật (sữa, trứng...), đậu nành, lúa mì... Tuy nhiên, các trường hợp này xảy ra với tỷ lệ rất ít, người mẹ cũng không nên quá lo lắng.

Một vài trường hợp, trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, phân có dịch nhầy... người mẹ thường liên tưởng đến việc do thức ăn mình ăn vào khiến sữa bị ảnh hưởng. Thực chất, trẻ có thể bị đau bụng, đi ngoài không vì nguyên nhân nào cả. Nhưng nếu mẹ lo ngại do thức ăn mà mình đã ăn thì có thể dừng ăn loại thức ăn đó.

Không nên vì quá lo ngại thức ăn chuyển hóa thành sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến con mà kiêng khem quá kỹ. Điều này có thể khiến chính người mẹ bị thiếu chất dinh dưỡng. Hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm, ăn những gì mà mình thích. Việc ăn đa dạng thực phẩm còn có thể khiến bé làm quen với nhiều vị giác hơn, ít kén ăn khi lớn.

Ngoài thực phẩm, người mẹ cũng nên lưu ý khi sử dụng thuốc trong thời gian cho con bú. Nhiều loại thuốc có thể đi vào sữa mẹ nhanh chóng, ảnh hưởng đến con. Do đó, trước khi uống bất cứ loại thuốc nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo của nhà sản xuất dành cho phụ nữ cho con bú.

Mẹ cho con bú cũng không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá; hạn chế các loại đồ ăn, thức uống có chứa caffein như: trà, cà phê, socola...

Nói chung, khi nuôi con bằng sữa mẹ điều quan trọng nhất là đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người mẹ để trẻ cũng nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng. Người mẹ không nên quá kiêng khem trong ăn uống có thể khiến chính mẹ bị thiếu dinh dưỡng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

112.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan