Bệnh lao ruột có nguy hiểm và có lây không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Quân - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Lao là bệnh lý nhiễm khuẩn của toàn xã hội hiện nay, có khả năng lây lan và gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Trong đó, lao đường ruột là một loại lao rất phổ biến ở những nước đang trong thời kỳ phát triển, ít có triệu chứng lâm sàng điển hình và có thể xuất hiện một số biến chứng nguy hiểm nguy nhân gây ra bởi lao ruột.

1. Lao đường ruột

Lao đường ruột là bệnh lý lao nằm trong bộ máy tiêu hóa của người, thường hay dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác. Lao ruột thường hay gặp với những bệnh nhân trong độ tuổi 30 – 55 tuổi, thường xuất hiện kèm theo với những tổn thương lao khác như lao phổi.

Lao đường ruột có thể là nguyên phát hoặc thứ phát do nhiễm vi khuẩn lao từ những cơ quan khác trong cơ thể. Đối với lao ruột nguyên phát, nguyên nhân được tìm thấy là do vi khuẩn lao ở bò nhiễm vào cơ thể qua thực phẩm trung gian là sữa bò, rất hiếm gặp trên lâm sàng. Ngược lại, lao ruột thứ phát thường xuất hiện nhiều hơn và nguyên nhân là do bệnh nhân tiếp xúc hoặc nuốt phải đờm có vi khuẩn lao gây bệnh.

Lao ruột thứ phát có thể bị nhiễm sau khi bệnh nhân mắc phải lao phổi, lao thực quản, lao màng bụng hoặc lao hầu họng. Vi khuẩn lao xâm nhập vào ruột thông qua đường tiêu hóa, khu trú tại ruột rồi tiếp tục đến những cấu trúc khác như máu hoặc mật. Vi khuẩn lao đường ruột có thể là vi khuẩn lao người, vi khuẩn lao động vật như trâu, bò hoặc lợn. Vi khuẩn lao có thể vào ruột non và hồi tràng vì chúng có khả năng không bị tác động bị dịch tiêu hóa dạ dày do có lớp áo chất béo bảo vệ, ngoài ra vi khuẩn lao còn có thể xâm nhập vào một số cơ quan tiêu hóa khác như hỗng tràng, tá tràng nhờ có đặc điểm này. Nếu mô bạch huyết dư thừa và có ít vi khuẩn tiêu hóa cũng như bị ứ đọng trong hồi tràng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hình thành bệnh lý lao hồi manh tràng.

Vi khuẩn lao
Vi khuẩn lao gây bệnh

Ngoài ra, những vi khuẩn lao từ máu đến ruột và gây bệnh, ví dụ như lao kê thì cũng là nguyên nhân gây ra lao đường ruột. Một điểm đáng chú ý nữa đó là khi trực khuẩn lao trong giai đoạn ngủ yên thì hoàn toàn có thể bị kích hoạt gây bệnh nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân suy giảm và không đủ sức đề kháng với vi khuẩn này.

Triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất đối với bệnh lao đường ruột bao gồm:

  • Triệu chứng toàn thân: Sốt, sụt cân không rõ nguyên nhân, cơ thể mệt mỏi suy nhược, hay ra mồ hôi vào ban đêm
  • Buồn nôn
  • Đau bụng, có thể đau khu trú hoặc đau khắp bụng, nhất là vùng hố chậu phải. Có thể xuất hiện những cơn đau quặn bụng, sôi bụng...
  • Tiêu chảy trong thời gian dài
  • Đi cầu có thể có máu trong phân
  • Táo bón

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải lao đường ruột bao gồm:

  • Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu, như nhiễm HIV/AIDS.
  • Thể trạng gầy, yếu ớt
  • Người đang sử dụng các thuốc Corticosteroid hoặc các thuốc có tác dụng điều trị bệnh lý tự miễn, thuốc ức chế miễn dịch...
  • Bệnh nhân có tiền sử lao trước đây
  • Người chăm sóc trực tiếp cho bệnh nhân nhiễm lao
  • Người sống trong môi trường ô nhiễm dễ nhiễm phải bụi phổi Silic
  • Người mắc phải bệnh lý như đái tháo đường, ung thư đầu cổ, bệnh lý bạch hầu, bệnh Hodgkin...
Phòng bụi mịn
Môi trường nhiều bụi phổi cũng làm tăng khả năng mắc lao đường ruột

2. Lao đường ruột có lây không?

Lao ruột là một bệnh lý không lây lan qua đường ăn uống hoặc đường hô hấp, tuy nhiên nếu bệnh nhân vừa mắc phải lao đường ruột và lao phổi thì lúc này lao phổi có thể lây lan qua đường hô hấp. Ngoài ra, tiếp xúc với phân hay nước tiểu của bệnh nhân cũng không gây ra tình trạng lây lan lao ruột.

Mặc dù bản thân lao ruột đơn thuần, tức là không mắc thêm bệnh lao tại cơ quan nào khác thì sẽ không có khả năng lây lan cho những người xung quanh, nhưng trên thực tế lâm sàng có rất nhiều trường hợp lao ruột thường xuất hiện đồng thời với những lao cơ quan khác nên khả năng vi khuẩn lao truyền sang những người tiếp xúc với bệnh nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, trong quá trình điều trị lao ruột thì bệnh nhân nên cẩn thận trong những thói quen sinh hoạt hằng ngày, ví dụ như ho hoặc khạc đờm để tránh lây lan cho người thân và những người xung quanh. Nếu sau khi điều trị, bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm kiểm tra và cho kết quả không còn nhiễm lao ruột thì có thể sinh hoạt bình thường trở lại.

3. Bệnh lao ruột có nguy hiểm không?

Bệnh lý lao đường ruột là bệnh xã hội, có khả năng lây lan nên rất nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị đúng phương pháp. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng thì có rất nhiều trường hợp lao ruột được phát hiện và chữa trị từ giai đoạn đầu, kiên trì và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị gồm 2 giai đoạn: tấn công, duy trì cũng như không tự ý bỏ trị thì bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Một vấn đề nguy hiểm nhất đối với lao ruột đó là biến chứng tắc ruột mà nó gây ra, cần phải theo dõi và phát hiện kịp thời những tình huống tắc ruột để phẫu thuật ngay cho bệnh nhân, nếu không có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Các biến chứng khác do lao ruột gây ra cũng cần can thiệp phẫu thuật kịp thời bao gồm: thủng phúc mạc, viêm phúc mạc...

Bất kỳ bệnh nhân nào bị tắc ruột do bã thức ăn đều có biểu hiện đau bụng
Lao ruột dễ dẫn tới biến chứng tắc ruột

Về chế độ ăn uống, bệnh nhân lao đường ruột không nên ăn những thức ăn quá đặc và gây táo bón vì có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn bao gồm những thực phẩm ở dạng lỏng, mềm, có khả năng tiêu hóa tốt và tăng cường rau xanh trong thực đơn hàng ngày để tăng khả năng nhuận trường.

Lao đường ruột là bệnh lý nhiễm khuẩn lao nguy hiểm, có khả năng lây lan cho xã hội và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm cấp tính cho bệnh nhân. Vì vậy, khi có những dấu hiệu nghi ngờ lao ruột thì bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và tiến hành điều trị theo phác đồ.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan