Béo phì - yếu tố nguy cơ gây gan nhiễm mỡ không do rượu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Gan nhiễm mỡ là một trong những hậu quả của việc uống nhiều rượu bia, tuy nhiên cả người uống ít hoặc không dùng thức uống có cồn vẫn có thể mắc phải nếu lượng mỡ trong gan của họ cao. Đây là bệnh lý thường kết hợp với bệnh rối loạn chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, mỡ máu,... Bệnh có nguy cơ cao ở những người ít vận động, có thói quen ăn uống không khoa học, béo phì, thừa năng lượng...

1. Tổng quan về gan nhiễm mỡ không do rượu

Triglyceride là một dạng chất béo thường có trong chế độ ăn của chúng ta và cũng được hình thành trong gan. Sau đó gan chuyển hóa nó thành năng lượng và phát triển tế bào. Khi quá trình đó bị gián đoạn hoặc chậm lại, chất béo sẽ bắt đầu tích tụ trong các tế bào gan và gây nên gan nhiễm mỡ. Rối loạn gan nhiễm mỡ được phân loại thành gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu.

Gan nhiễm mỡ có thể do chất béo có trong thức ăn
Gan có thể bị nhiễm mỡ do tích tụ chất béo triglyceride

Gan nhiễm mỡ không do rượu được chia nhỏ thành:

  • Thoái hóa mỡ: Là một dạng rối loạn gan nhiễm mỡ nhẹ không gây tổn hại cho gan, cũng không gây ra triệu chứng gì. Nhưng nếu để lâu có thể dẫn tới tình trạng tiến triển.
  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH): Là tình trạng bị viêm trong và xung quanh tế bào gan nhiễm mỡ. Các triệu chứng có thể xuất hiện từ mức nhẹ tới nặng. Nó có thể dẫn tới tình trạng gan không phục hồi được: xơ gan, suy gan và ung thư gan nguyên phát.

2. Nguyên nhân của gan nhiễm mỡ không do rượu

Có nhiều yếu tố góp phần nên sự hình thành của bệnh gan nhiễm mỡ, trong đó điển hình phải kể đến:

  • Chế độ ăn quá nhiều đường và chất béo, chế độ sinh hoạt không điều độ.
  • Một số bệnh lý như tiểu đường tuýp 2, suy giáp, bệnh rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa do di truyền.
  • Người thừa cân với chỉ số BMI 25 - 30 và béo phì với chỉ số BMI >30.
  • Di truyền ở những gia đình có nhiều người béo phì.
  • Người đang sử dụng một số loại thuốc như corticoid, thuốc hormone sinh dục nữ, tetracyclin, thuốc kháng ung thư...
  • Viêm gan siêu vi B, C.
  • Không đáp ứng với insulin như bình thường (kháng insulin).
  • Người có hàm lượng chất béo trung tính hoặc cholesterol xấu (LDL) cao, hoặc mức cholesterol thấp tốt (HDL).

Tuy nhiên, một số người có thể bị gan nhiễm mỡ ngay cả khi họ không có bất kỳ đặc trưng nào như ở trên.

Trong các yếu tố ở trên thì béo phì là yếu tố nguy cơ rõ ràng nhất. Có đến 70% những người bị béo phì mắc NASH, trong khi chỉ 10 - 15 % những người có cân nặng bình thường bị NASH. Ngoài ra, dù trọng lượng thế nào nhưng một người thừa cân, có quá nhiều mỡ bụng thì khả năng bị gan nhiễm mỡ là khá cao.

NAFLD cũng là dạng bệnh gan phổ biến nhất ở trẻ em. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 cho biết nó ảnh hưởng từ 10-20% bệnh nhi và 50-80% trẻ em bị béo phì. Khoảng 25% bệnh nhi mắc NASH sẽ phát triển bệnh xơ gan trong vòng 10 năm, trong đó những người mắc bệnh béo phì có nguy cơ cao hơn.

Nhiều nhà khoa học dự đoán: “Trong vòng 10 năm tới, gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) sẽ trở thành nguyên nhân của bệnh lý gan, xơ gan và chỉ định ghép gan ở các nước phát triển”.

3. Các biện pháp chẩn đoán gan nhiễm mỡ không do rượu

Vì bệnh hầu như không có triệu chứng rõ ràng nên mọi người thường phát hiện ra rối loạn gan nhiễm mỡ khi làm xét nghiệm vì bệnh khác. Một số phương pháp giúp chẩn đoán gan nhiễm mỡ bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm chức năng gan có thể chỉ ra sự bất thường trong chỉ số men gan và chỉ số hormone.
  • Chẩn đoán hình ảnh & siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện dấu hiệu gan nhiễm mỡ.
  • Sinh thiết gan: Là phương pháp xác định chính xác chẩn đoán gan nhiễm mỡ cũng như tình trạng nghiêm trọng của gan.
Sinh thiết gan giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh
Sinh thiết gan giúp chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh

4. Lưu ý trong điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu

Mặc dù gan nhiễm mỡ không nguy hiểm nhưng nếu không phòng ngừa, ngăn chặn thì sẽ tiến triển thành NASH và sẽ bị xơ gan trong vòng 10 năm. Ngoài ra, NAFLD sẽ còn kéo theo các bệnh lý khác như bệnh tim mạch, bệnh thận... Vì vậy, nếu được chẩn đoán mắc bệnh này, bạn nên thực hiện những điều sau để tránh làm cho bệnh nặng hơn:

  • Giảm cân là bước đầu tiên giúp giảm nồng độ của các men gan, insulin, và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. Quá trình giảm cân cần được lên kế hoạch từ từ (không quá 1,6 kg mỗi tuần) để tránh làm tổn thương gan. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về kế hoạch giảm cân tốt.
  • Thực hiện nghiêm túc chế độ thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng giúp đào thải bớt sự lắng đọng mỡ quá mức trong cơ thể, giúp khống chế diễn tiến bất lợi của các bệnh lý là nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ.
  • Hầu hết những người bị gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ không phát triển bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào nếu phát hiện bệnh và điều trị sớm nên cách để điều trị và phòng ngừa bệnh là thực hiện lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Đồng thời bạn nên tìm hiểu về các loại chất dinh dưỡng có ích cho việc chữa bệnh gan.

Để phát hiện và điều trị sớm gan nhiễm mỡ, bất kỳ ai cũng nên thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần. Ngoài ra, thực hiện một số xét nghiệm nêu trên cũng là một cách hiệu quả để phát hiện sự tồn tại của bệnh, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời.

Bệnh nhân mắc gan nhiễm mỡ có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám và điều trị. Vinmec quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội tiêu hóa được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa I Nội tổng quát tại Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các bệnh lý về đường tiêu hoá, đặc biệt là các bệnh lý tiêu hóa - gan mật, nội soi tiêu hoá và các bệnh lý nội tổng quát. Hiện tại bác sĩ Trâm đang công tác tại khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan