Các loại tắc ruột thường gặp và nguyên nhân gây bệnh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng - Bác sĩ Ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trong cấp cứu ổ bụng thì tắc ruột là một trong những cấp cứu rất thường gặp, chỉ đứng sau viêm ruột thừa. Về mặt y học, tắc ruột thực chất là một hội chứng do ngừng lưu thông của hơi và dịch tiêu hoá trong lòng ruột, nguyên nhân gây tắc ruột thì có rất nhiều.

1. Tắc ruột là gì?

Tắc ruột là tình trạng cơ thể người bệnh bị ngừng lưu thông hơi và dịch tiêu hoá trong lòng ruột. Trường hợp người bệnh tắc ruột do các cản trở cơ học nằm từ góc Treitz (đoạn đầu của ruột non) đến hậu môn thì được gọi là tắc ruột cơ học. Nếu tắc ruột là do ngừng nhu động của ruột thì được gọi là tắc ruột cơ năng hay tắc ruột do liệt ruột.

Khi bị tắc ruột, người bệnh thường có biểu hiện rối loạn toàn thân hoặc tại chỗ tùy vào mức độ cấp tính, thay đổi phụ thuộc vào cơ chế tắc (tắc ruột cơ học và tắc ruột cơ năng), vị trí tắc ở ruột non hay đại tràng. Do vậy, mọi chẩn đoán tắc ruột có thể sẽ gặp phải khó khăn dù cho đó là phương tiện chẩn đoán hiện đại.

2. Các loại tắc ruột thường gặp

Bệnh tắc ruột có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào, tuy nhiên, tùy vào từng lứa tuổi cụ thể thì nguyên nhân gây tắc ruột cũng khác nhau. Để giúp dễ dàng hơn cho việc điều trị, bệnh tắc ruột được chia thành 2 loại lớn:

  • Tắc ruột cơ học: Bệnh nhân mắc bệnh do các cản trở cơ học nằm từ góc Treitz đến hậu môn, loại này chiếm khoảng 95 - 97% bệnh nhân mắc bệnh.
  • Tắc ruột cơ năng: Hay còn gọi là tắc ruột do liệt ruột, xảy ra do nhu động ruột ngừng hoạt động. Loại này chiếm khoảng 3 - 5% tổng số bệnh nhân mắc bệnh.

Ngoài ra, nếu phân loại theo tiến triển của bệnh thì có có thể chia ra thành:

  • Tắc ruột cấp tính và tắc ruột bán cấp.
  • Tắc ruột hoàn toàn và tắc ruột không hoàn toàn.
Đau bụng
Bệnh tắc ruột có thể gặp phải ở bất kỳ độ tuổi, giới tính nào

3. Nguyên nhân và cơ chế tắc ruột

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng tắc ruột ở người bệnh, cụ thể:

  • Nguyên nhân ở trong lòng ruột, ở ruột non:

Có thể do giun đũa dính kết lại gây tắc ruột (thường gặp ở đối tượng trẻ em, những người có thói quen ăn sống uống nước lã. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị tắc do khối bã thức ăn (thường gặp ở người già, người bệnh bị cắt dạ dày hoặc suy tụy, sỏi túi mật).

  • Nguyên nhân ở thành ruột (cả ruột non và đại tràng):

Có thể là do người bệnh có các khối ung thư của ruột non và của đại tràng hoặc các khối u lành tính của thành ruột với kích thước lớn có thể gây bệnh tắc ruột (trường hợp này ít gặp). Hẹp thành ruột do viêm nhiễm hoặc lồng ruột...cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh bị tắc ruột.

  • Nguyên nhân ở ngoài thành ruột:

Có thể là do dây chằng và dính các quai ruột, trong đó chiếm đến 80% là do người bệnh đã từng phẫu thuật ổ bụng, số còn lại là do bị chấn thương, viêm nhiễm hoặc bẩm sinh.

  • Bị tắc ruột do liệt ruột:

Hay còn gọi là tắc ruột cơ năng, nguyên nhân có thể là do người bệnh bị liệt ruột phản xạ trong chấn thương cột sống hoặc viêm phúc mạc, dịch thủng dạ dày, thiếu máu cấp và huyết khối tĩnh mạch mạc treo cũng có thể làm liệt nhu động ở đoạn ruột tương ứng.

Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra được rất nhiều nguyên nhân khác làm tổn thương thần kinh cơ của ruột và gây ra một tình trạng giả tắc ruột, bao gồm:

  • Rối loạn chuyển hoá.
  • Do sử dụng thuốc.
  • Tổn thương ruột trong các bệnh toàn thân như thiểu năng tuyến giáp, tiểu đường, xơ cứng bì, rối loạn chuyển hóa porfirin.
  • Mất cân bằng điện giải, đặc biệt là kali và canxi
  • Có chấn thương đường ruột hoặc chấn thương trong quá khứ
  • Từng thực hiện chiếu xạ tại hoặc gần vùng bụng
  • Bệnh động mạch ngoại biên
  • Sụt cân nhanh
  • Bệnh Crohn
  • Viêm túi thừa
  • Nhiễm khuẩn huyết.

4. Kỹ thuật chẩn đoán bệnh tắc ruột

Chụp CT toàn thân
Hình ảnh CT scan giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn để giúp các bác sĩ xác định đoạn ruột bị tắc

Để chẩn đoán chính xác bệnh tắc ruột thì bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân những câu hỏi về triệu chứng, mức độ và thực hiện thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cụ thể. Một số xét nghiệm được dùng để chẩn đoán bệnh tắc ruột bao gồm:

  • X-quang tắc ruột.
  • CT scan giúp cung cấp hình ảnh chi tiết hơn để giúp các bác sĩ xác định đoạn ruột bị tắc.
  • Siêu âm thường được sử dụng để xác định tắc ruột ở trẻ em.
  • Chụp cản quang bằng Bari.
  • Nội soi.

5. Điều trị bệnh tắc ruột như thế nào?

Tùy vào biểu hiện, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh tắc ruột ở người bệnh mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị thích hợp.

Đối với tình trạng tắc ruột không hoàn toàn thì bác sĩ có thể đề nghị người bệnh ăn ít chất xơ để giúp làm nhỏ khối phân và dễ dàng đi xuống. Trong trường hợp phương pháp này không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.

Trường hợp người bệnh bị tắc ruột hoàn toàn thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp phẫu thuật ổ bụng để có thể loại bỏ hết tắc nghẽn và đoạn ruột bị hư hỏng.

Bác sĩ có thể kê toa thuốc để làm tăng nhu động ruột đồng thời truyền nước và chất điện giải để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi bất kỳ đơn thuốc nào trong thời gian điều trị bệnh tắc ruột.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp hậu môn nhân tạo (dùng một chiếc túi để giúp cho phép phân thoát ra khỏi bụng) hoặc hút mũi dạ dày (sử dụng một ống luồn qua mũi và vào dạ dày của người bệnh để dẫn các chất lỏng tiêu hóa ra ngoài, giúp giảm đau và giải áp bụng) và giải áp đường trực tràng để giúp giảm bớt áp lực cho người bệnh.

Song song với quá trình điều trị bệnh tắc ruột thì người bệnh cần xây dựng thói quen sinh hoạt lành mạnh với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lý để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Bệnh nhân bị tắc ruột có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám, can thiệp kịp thời. Vinmec có đầy đủ phương tiện kỹ thuật và trình độ chuyên môn để thực hiện hiệu quả các phương pháp chẩn đoán, chữa tắc ruột. Đặc biệt, tại đây có đội ngũ bác sĩ chuyên môn Nội tiêu hóa được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm; chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp sẽ mang lại sự hài lòng, yên tâm nhất cho bệnh nhân.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thắng có kinh nghiệm 17 năm trong lĩnh vực phẫu thuật tiêu hóa gan mật, đồng thời có trên 09 năm kinh nghiệm nội soi can thiệp, đặc biệt là kỹ thuật lấy sỏi đường mật qua nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) với số lượng trên 800 ca.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • thuốc Seodeli
    Công dụng thuốc Seodeli

    Thuốc Seodeli 200mg chứa hoạt chất Trimebutin maleat, được chỉ định trong điều trị và giảm triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, thúc đẩy nhu động ruột sau phẫu thuật ở người bệnh bị liệt ruột... Cùng tìm ...

    Đọc thêm
  • Tắc ruột ở trẻ
    Trẻ 8 tuổi bị tái phát tắc ruột có phải mổ không?

    Bác sĩ cho cháu hỏi trẻ 8 tuổi bị tái phát tắc ruột có phải mổ không thưa bác sĩ?

    Đọc thêm
  • motalv plus
    Công dụng thuốc Motalv Plus

    Motalv Plus có thành phần chính là Alverine citrate và Simethicone, dạng bào chế dạng viên nang cứng, bên trong chứa bột thuốc màu trắng, nắp và thân nang màu trắng. Tuân thủ chỉ định và liều dùng Motalv Plus ...

    Đọc thêm
  • thuốc Spamoin
    Công dụng thuốc Spamoin

    Spamoin là thuốc điều trị bệnh đường tiêu hoá, được dùng để làm giảm các triệu chứng rối loạn đường tiêu hoá mà nguyên nhân do hội chứng ruột kích thích hoặc sau phẫu thuật gây ra. Việc sử dụng ...

    Đọc thêm
  • apuldon suspension
    Công dụng thuốc Apuldon Suspension

    Apuldon Suspension là 1 thuốc kháng thụ thể Dompamin, được chỉ định trong phòng và điều trị các triệu chứng nôn và buồn nôn. Tuy nhiên, khi sử dụng Apuldon, bệnh nhân có thể gặp một số phản ứng bất ...

    Đọc thêm