Có nên xét nghiệm vi khuẩn HP và nội soi dạ dày ở trẻ em?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Xét nghiệm vi khuẩn HP, nội soi dạ dày gây mê ở trẻ em có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người khi được chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Mặc dù nội soi dạ dày ở trẻ em đã được áp dụng phổ biến hiện nay nhưng có nhiều người thắc mắc rằng liệu nội soi dạ dày ở trẻ em có nguy hiểm không.

1. Các phương pháp tìm vi khuẩn HP ở trẻ em

  • Các phương pháp xâm lấn (qua nội soi dạ dày): Sinh thiết làm mô bệnh học, test urease, nuôi cấy, PCR được chỉ định khi trẻ có gợi ý của bệnh viêm dạ dày - tá tràng. Thông qua nội soi dạ dày bác sĩ sẽ lấy một phần niêm mạc dạ dày ở nhiều vị trí khác nhau để tìm vi khuẩn HP. Nhược điểm của phương pháp này là thường phải gây mê. Đây là điều mà phụ huynh lo lắng nhất, vì vậy hãy thảo luận kỹ với bác sĩ về chỉ định và phương pháp nội soi. Ưu điểm của phương pháp nội soi dạ dày là có thể trực tiếp quan sát niêm mạc thực quản, dạ dày, tá tràng để đánh giá có bị tổn thương hay không, tổn thương nặng hay nhẹ. Trong một số trường hợp phải nội soi để cấp cứu: chảy máu dạ dày - tá tràng chẳng hạn.
  • Các phương pháp không xâm lấn: Test hơi thở (thổi bóng hay thổi thẻ): Phương pháp này chỉ làm được ở trẻ lớn đã biết nuốt nguyên viên thuốc. Nguyên tắc của phương pháp này như sau: Trẻ sẽ được cho uống một loại thuốc (viên nang hoặc dung dịch) có chứa đồng phân phóng xạ C-14 hoặc không phóng xạ là C-13. Trong vòng từ 10-30 phút có thể định lượng được lượng đồng vị carbon đánh dấu trong hơi thở và điều này chỉ ra rằng có sự tồn tại của Urease (enzyme mà vi khuẩn HP tiết ra để phân hủy Urea trong dạ dày và gây độc niêm mạc dạ dày) trong dạ dày và do đó nhận biết có sự hiện diện của vi khuẩn HP.
  • Tìm kháng nguyên HP trong phân, tìm kháng thể trong nước tiểu và nước bọt, tìm kháng thể trong huyết thanh (xét nghiệm máu). Mỗi phương pháp có độ đặc hiệu, độ nhạy khác nhau. Xét nghiệm máu chỉ dùng để nghiên cứu chứ không dùng để xác định tình trạng hiện tại và giúp cho điều trị.
  • Xét nghiệm phân và hơi thở nhằm xác định có hay không nhiễm trẻ em bị nhiễm vi khuẩn HP ở thời điểm hiện tại và theo dõi kết quả điều trị diệt HP. Đây là xét nghiệm khá đơn giản và chính xác, có giá trị cao trong chẩn đoán nhiễm vi khuẩn nên làm để đánh giá hiệu quả điều trị tiệt trừ HP và hỗ trợ chẩn đoán trẻ em bị nhiễm vi khuẩn HP trong lần đầu tiên.
  • Sinh thiết dạ dày và các test hơi thở, phân... chỉ thực hiện khi ngừng tất cả các thuốc liên quan tới dạ dày (các thuốc giảm tiết acid ít nhất 2 tuần (nhóm PPI như omeprazole, esomeprazole..., các kháng sinh ít nhất 4 tuần) nếu không sẽ cho kết quả không chính xác (âm tính giả).
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống HP chỉ dùng trong nghiên cứu dịch tễ
  • Xét nghiệm máu tìm kháng thể chống HP chỉ dùng trong nghiên cứu dịch tễ. Không có giá trị trong chẩn đoán trẻ em bị nhiễm vi khuẩn HP và theo dõi kết quả sau tiệt trừ. Do vậy phụ huynh không nên làm xét nghiệm này cho con.
  • Mô bệnh học: Bấm mẫu mô dạ dày trong quá trình nội soi, đem nhuộm soi tìm vi khuẩn HP bằng kính hiển vi.

Các lưu ý đối với các test:

  • Nên lưu ý rằng, test phân, hơi thở, Clo test chỉ chính xác khi không dùng các kháng sinh diệt HP ít nhất một tháng, thuốc giảm tiết acid dạ dày ( PPI) ít nhất 2 tuần). Nếu không ngưng thuốc đủ thời gian thì có thể làm kết quả trở nên âm tính giả (có vi trùng nhưng lại cho kết quả âm tính).
  • Lần đầu tiên nên kết hợp nội soi dạ dày kèm với các test khác, không nên chỉ làm test hơi thở hoặc phân một mình. Vì nội soi dạ dày còn để quan sát dạ dày xem có viêm, loét, polyp hay ung thư gì hay không. Sau một đợt điều trị HP nên dùng test hơi thở và test phân để kiểm tra kết quả tiệt trừ HP (ngừng thuốc theo hướng dẫn).

2. Khi nào nên nội soi dạ dày ở trẻ em

Nội soi dạ dày ở trẻ em để chẩn đoán bệnh được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Đau bụng kéo dài ở trẻ dưới 5 tuổi
  • Cơn đau khiến trẻ thức giấc về đêm
  • Đau thượng vị kéo dài liên quan đến ăn uống
  • Thiếu máu không rõ nguyên nhân
  • Ói mửa kéo dài và nặng
  • Ói ra máu
  • Chậm tăng trưởng hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Đi cầu phân đen
  • Máu ẩn trong phân dương tính với đau bụng kéo dài
  • Trẻ bị đau bụng kéo dài, tiền sử ba/mẹ, anh chị em ruột bị ung thư dạ dày hoặc trẻ sống chung với người mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có HP.
  • Đau bụng kéo dài với trẻ có dùng thuốc chống viêm NSAIDs hoặc corticoid.
  • Ung thư dạ dày giai đoạn đầu.
  • Đau bụng mạn tính gợi ý do viêm loét dạ dày, tá tràng với các triệu chứng: cơn đau kéo dài (trẻ ôm bụng khóc, tái nhợt, nằm im), đau liên quan tới bữa ăn (trước, sau ăn) kèm theo hay ợ, ói, rối loạn tiêu hóa kéo dài hay đau rõ vùng thượng vị.
Đau bụng
Nội soi dạ dày ở trẻ em để chẩn đoán bệnh được chỉ định trong trường hợp trẻ đau bụng kéo dài

3. Nội soi dạ dày ở trẻ em có nguy hiểm không?

Thông thường, nội soi dạ dày ở trẻ em cần phải có thuốc mê vì quá trình nội soi tương đối phức tạp đối với trẻ, trẻ chưa có khả năng hợp tác tốt với bác sĩ trong quá trình nội soi.

Mặc dù vậy, gây mê là quá trình luôn đi kèm với tai biến và tác dụng phụ. Tại các nước đang phát triển, tỉ lệ tử vong do các biến chứng sau gây mê là 1/13.200. Tỉ lệ này tương đương khoảng 0,0075%. Tuy nhiên ở các nước đang phát triển, tỉ lệ tử vong có thể còn cao hơn.

Khi gây mê cho bệnh nhân, những biến chứng phổ biến nhất gồm có:

  • Biến chứng đường hô hấp: 38%
  • Biến chứng tim mạch: 61%. Trong đó bao gồm nhiều vấn đề như thiếu máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn, giảm lượng máu, tụt huyết áp, sốc phản vệ,...
  • Một số biến chứng khác: 1%.

Tuy các phương pháp gây mê và thuốc gây mê hiện nay có tỉ lệ biến chứng ở mức rất thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ đối với trẻ em. Do đó, nội soi dạ dày cho trẻ em là thao tác rất khó đánh giá hết nguy cơ đối với bệnh nhân.

Bên cạnh những nguy cơ biến chứng như người lớn. Trẻ em còn gặp phải nhiều vấn đề khi tiến hành gây mê.

  • Khó tính toán chính xác lượng thuốc sử dụng cho trẻ.
  • Mỗi trẻ có thể trạng, khả năng đáp ứng thuốc khác nhau. Điều này gây nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro khi gây mê.
  • Khi gây mê cho trẻ em còn rất dễ gặp phải tình trạng trào ngược rất nguy hiểm.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám chữa bệnh nói chung và khám, chẩn đoán, nội soi dạ dày và đại tràng cho trẻ nhỏ nói riêng uy tín, được nhiều bậc phụ huynh, bệnh nhân lựa chọn.

Lựa chọn Vinmec để khám chữa bệnh, bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm về đội ngũ y bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đào tạo bài bản cùng trang thiết bị máy móc hàng đầu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: