Suy gan cấp có tỉ lệ tử vong cao nếu không điều trị hợp lý

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nội tiêu hóa - Gan mật tụy.

Suy gan cấp tính là một bệnh lý phức tạp, làm mất chức năng của gan. Bệnh phát triển nhanh chóng trong vài ngày. Nếu suy gan cấp không được điều trị hợp lý thì tỷ lệ tử vong rất cao.

1. Tổng quan về suy gan cấp tính

1.1 Suy gan cấp là gì?

Suy gan cấp là tình trạng tổn thương tế bào gan một cách ồ ạt do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cảnh lâm sàng cấp tính với các biểu hiện: vàng da, rối loạn đông máu, bệnh lý não gan (hôn mê gan), suy đa tạng... ở một người trước đó có chức năng gan bình thường.

Suy gan cấp có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 50 - 90% nếu không được điều trị hợp lý.

1.2 Phân loại suy gan cấp

Phân chia theo Lucke và Mallory, chia làm 3 giai đoạn:

  • Tiền triệu: Là giai đoạn chưa có vàng da.
  • Giai đoạn trung gian: Đánh dấu bằng sự xuất hiện của vàng da.
  • Giai đoạn cuối biểu hiện của bệnh lý não gan.

Phân loại lâm sàng kinh điển, dựa vào khoảng thời gian từ khi biểu hiện vàng da đến khi xuất hiện bệnh lý não gan:

  • Suy gan tối cấp 7 ngày.
  • Suy gan cấp 8 - 28 ngày.
  • Suy gan bán cấp 5 - 12 tuần.

Bệnh lý não gan chia làm 4 mức độ:

  • Độ I: Hưng phấn hoặc trầm cảm, nói nhịu, hơi lẫn, rối loạn giấc ngủ, run nhẹ.
  • Độ II: Lơ mơ, mất định hướng, u ám, run rõ.
  • Độ III: Ngủ lịm, nhưng còn đáp ứng, tăng phản xạ, run thường xuyên.
  • Độ IV: Hôn mê sâu, không còn run.
Gan
Suy gan cấp có tỷ lệ tử vong cao, lên tới 50 - 90% nếu không được điều trị hợp lý

2. Nguyên nhân suy gan cấp tính

2.1. Nguyên nhân vi sinh vật

  • Do các virus viêm gan A, B, C, E, trong đó virus viêm gan B là nguyên nhân phổ biến nhất ở Việt Nam.
  • Các virus khác: Cytomegalovirus, Herpes, Epstein Barr, thủy đậu.
  • Vi khuẩn: Gặp ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tổn thương gan và suy gan cấp tới 20 - 25%.
  • Ký sinh trùng: Sốt rét, sán lá gan, giun.

2.2. Do ngộ độc

Thuốc:

  • Paracetamol là thuốc hay gặp nhất trong ngộ độc dẫn tới suy gan cấp, kể cả với liều điều trị thông thường ở bệnh nhân nghiện rượu, hoặc được sử dụng cùng với các thuốc chuyển hóa qua enzyme Cytochrome 450, ví dụ như các thuốc chống co giật.
  • Các thuốc khác: Isoniazide, Rifampicin, thuốc chống viêm không Steroid, Sulphonamides, Phenytoin, Tetracycline, Allopurinol,Ketoconazole, IMAO...
  • Ngộ độc các thuốc đông y, đặc biệt là chất bảo quản thuốc.

Các loại nấm mốc:

Điển hình là nấm Amianita phalloides.

Các nguyên nhân khác:

  • Hội chứng gan nhiễm mỡ cấp ở phụ nữ có thai.
  • Tắc mạch lớn ở gan.
  • Hội chứng Reys.

3. Chẩn đoán bệnh suy gan cấp tính

Khám bệnh
Chẩn đoán bệnh suy gan cấp cần dựa vào thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật, xét nghiệm

3.1 Chẩn đoán xác định

  • Chẩn đoán xác định: Dựa vào triệu chứng lâm sàng của người bệnh như: biểu hiện mệt mỏi, vàng da, buồn nôn liên tục.
  • Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm bắt buộc được thực hiện để xác định lá gan của người bệnh đang hoạt động như thế nào. Thử nghiệm thời gian prothrombin tức là đo lượng máu đông trong bao lâu. Khi người bệnh mắc suy gan cấp thì quá trình đông máu sẽ không diễn ra nhanh như bình thường.
  • Bilirubin toàn phần: Nếu tăng >250 Mmol/l chứng tỏ bệnh nặng. ASTALT huyết tương phản ánh tổn thương tế bào gan. Thời gian Prothranbin (PT) yếu tố xác định mức độ nặng.
  • Hình ảnh học: Trước khi tiến hành điều trị suy gan cấp, các bác sĩ sẽ đề nghị siêu âm để kiểm tra tổn thương trên gan của người bệnh, những hình ảnh trên siêu âm có thể cho thấy mức độ tổn thương và giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể được đề nghị chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc MRI để kiểm tra gan và các mạch máu. Những xét nghiệm hình ảnh học này có thể phát hiện cũng như tầm soát các nguyên nhân nhất định gây suy gan cấp.
  • Kiểm tra mô gan: Bệnh nhân điều trị suy gan cấp nặng sẽ được đề nghị kiểm tra mô gan, kỹ thuật chẩn đoán này giúp cho bác sĩ biết rõ nguyên nhân khiến gan bị tổn thương và tổn thương ở mức độ nào. Đối với bệnh nhân suy gan cấp, thường có nguy cơ chảy máu khi sinh thiết nên có thể cần phải thực hiện sinh thiết gan xuyên qua da của người bệnh.

3.2 Chẩn đoán nguyên nhân

  • Do virus: viêm gan A, B, C (rất hiếm gặp), E, non-A non-B, Cytomegalovirus, Herpes simplex virus, EBV, thuỷ đậu.
  • Thuốc: thường gặp nhất là paracetamol, isoniazid, halothan, rifampicin, thuốc chống nấm thuốc kháng viêm steroid, sulphonamide, flutamide, sodiumvalproate, carbamazepine, allopurinol, IMAO, ketoconazole,...
  • Nhiễm trùng huyết và suy đa tạng: Ở khoảng 25% bệnh nhân.
  • Chuyển hoá: Bệnh Wilson, hội chứng Reyes.
  • Tim mạch: Hội chứng Budd-Chiari.
  • Các nguyên nhân khác: Gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ, lymphoma, thuốc nam...

3.3 Chẩn đoán phân biệt

Cần chẩn đoán phân biệt suy gan cấp với:

  • Ngộ độc thuốc an thần gây ngủ.
  • Hạ đường huyết.
  • Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Các bệnh lý thần kinh khác.
  • Đợt cấp trên một bệnh nhân có bệnh gan mạn tính (do viêm gan virus, xơ gan rượu, viêm gan tự miễn, bệnh gan do rối loạn chuyển hóa...).

4. Suy gan cấp có nguy hiểm không?

Mặc dù suy gan cấp không khiến người bệnh tử vong nhanh chóng nhưng có tỷ lệ tử vong cao, nếu không điều trị suy gan cấp hợp lý sẽ xảy ra nhiều biến chứng, bao gồm:

4.1 Biến chứng phù não

Đây là tình trạng quá tải dịch tạo ra áp lực lớn trong não của người bệnh.

4.2 Biến chứng chảy máu và rối loạn chảy máu

Khi gan bị suy sẽ không thể tạo ra đủ các yếu tố giúp cho quá trình đông máu diễn ra thuận lợi, chính vì thế sẽ khiến chảy máu, rối loạn chảy máu, đặc biệt là chảy máu trong đường tiêu hóa.

4.3 Biến chứng nhiễm trùng

Những bệnh nhân điều trị suy gan cấp nặng không kịp thời sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng máu và nhiễm trùng nước tiểu.

4.4 Biến chứng suy thận

Biến chứng suy thận thường xảy ra sau khi người bệnh bị suy gan, đặc biệt là nếu bệnh nhân đã từng dùng thuốc acetaminophen quá liều sẽ làm phá hủy gan và thận nghiêm trọng.

4.5 Biến chứng thần kinh

Bệnh não gan hay còn gọi là hôn mê gan, là biến chứng thường gặp của suy gan cấp, làm mất chức năng não khi gan không thể loại bỏ được độc tố ra khỏi máu. Hôn mê gan gây ra rối loạn ý thức, hành vi và hôn mê.

5. Điều trị suy gan cấp

Quá trình điều trị suy gan cấp nặng được thực hiện trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng tổn thương gan ở người bệnh để đưa ra phác đồ điều trị, trong nhiều trường hợp, việc điều trị có thể liên quan đến việc kiểm soát các biến chứng và cần chờ thời gian để gan người bệnh phục hồi. Điều trị suy gan cấp bao gồm:

  • Điều trị bằng thuốc chống ngộ độc: Những bệnh nhân điều trị suy gan cấp bằng thuốc chống ngộ độc sẽ được chỉ định dùng acetaminophen quá liều được điều trị với một loại thuốc gọi là thuốc chống ngộ độc. Thuốc này cũng có thể giúp điều trị các nguyên nhân khác gây suy gan cấp.
  • Điều trị bằng kỹ thuật ghép gan: Trường hợp bệnh nhân điều trị suy gan cấp nặng và không thể phục hồi thì phương pháp điều trị duy nhất chính là ghép gan. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy đi phần mô gan bị tổn thương của người bệnh và thay thế bằng một gan khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Ngoài ra, khi điều trị suy gan cấp, bác sĩ sẽ kiểm soát và theo dõi chặt các dấu hiệu cũng như triệu chứng ở bệnh nhân để ngăn ngừa biến chứng do suy gan cấp gây ra bằng cách giảm áp lực nội sọ do quá tải dịch trong não, tầm soát nhiễm trùng và ngăn ngừa chảy máu trầm trọng.

6. Phòng bệnh suy gan cấp tính

Để phòng bệnh suy gan cấp hiệu quả thì việc đầu tiên là phải cẩn trọng khi sử dụng thuốc điều trị bệnh. Ngoài ra để phòng bệnh suy gan cấp cần:

  • Sử dụng đúng thuốc, đủ liều, tránh lạm dụng thuốc và uống thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tiêm vaccine phòng các bệnh viêm gan và hạn chế các con đường lây truyền bệnh viêm gan như dùng chung bơm kim tiêm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Xây dựng một lối sống lành mạnh, không uống bia rượu và không hút thuốc lá.
  • Chế độ dinh dưỡng an toàn với thực phẩm tươi ngon sẽ giúp bảo vệ lá gan khỏe mạnh, nói không với các loại nấm khi chưa biết rõ nguồn gốc của chúng. Ngoài ra cần duy trì cân nặng ở mức ổn định.

Tóm lại, suy gan cấp là một bệnh lý phức tạp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hôn mê gan, nếu không được điều trị hợp lý nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường như chán ăn, mệt mỏi, vàng da,... cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • atormax
    Công dụng thuốc Atormax

    Atormax là thuốc được sử dụng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý ở gan như viêm gan mạn tính, viêm gan do rượu, kiểm soát và khắc phục các rối loạn khởi phát trong tiền hôn mê ...

    Đọc thêm
  • Đọc kết quả xét nghiệm Double Test
    Chỉ số NH3 tăng cao 221 mmol/l, sau bao lâu hôn mê gan?

    Bác sĩ cho cháu hỏi: Bố cháu có bệnh xơ gan, 1 tuần nay đi kiểm tra chỉ số amoniac NH3 trong máu tăng rất cao 221 mmol/l.

    Đọc thêm
  • Dahamic Injection
    Công dụng thuốc Dahamic Injection

    Thuốc Dahamic Injection có tác dụng trong điều trị bệnh xơ gan, viêm gan và chống chỉ định cho bệnh nhân suy thận. Để biết cách sử dụng thuốc đúng cách, bạn đọc tham khảo kỹ nội dung dưới đây.

    Đọc thêm
  • Asicurin 5000
    Công dụng thuốc Asicurin 5000

    Thuốc Asicurin 5000 được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền, có thành phần chính là L-Ornithin-L-Aspartat (LOLA). Đây là sản phẩm của Công ty cổ phần Dược phẩm TW2 với công dụng điều trị viêm gan cấp và ...

    Đọc thêm
  • Aptag
    Công dụng thuốc Aptag

    Thuốc Aptag được chỉ định để điều trị bệnh gan mạn tính hay cấp tính, hôn mê gan, tiền hôn mê gan. Để dùng thuốc Aptag an toàn và hiệu quả thì người bệnh nên tham khảo tư vấn từ ...

    Đọc thêm