Tìm hiểu trạng thái mất cân bằng của cơ thể

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Khi gặp vấn đề với sự cân bằng (mất cân bằng), cơ thể sẽ cảm thấy chóng mặt, cảm giác như xung quanh xoay tròn, mất vững hoặc thấy đầu óc quay cuồng, cơ thể dường như muốn đổ sụp. Cảm giác này có thể gặp khi cơ thể ở bất kì tư thế nào, dù là đang nằm, đang ngồi hoặc khi đứng dậy.

1. Nguyên nhân gây ra trạng thái mất cân bằng của cơ thể

Để giữ được cảm giác cân bằng, rất nhiều hệ cơ quan và các bộ phận khác nhau của cơ thể (bao gồm hệ thống các cơ, xương, khớp, thị lực, cơ quan thăng bằng nằm ở tai trong, hệ thần kinh, tim và các mạch máu) cần phối hợp làm việc một cách bình thường. Một khi có bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra, cơ thể có thể rơi vào trạng thái mất cân bằng. Có nhiều tình trạng bệnh lý cũng gây ảnh hưởng tới cân bằng của cơ thể, tuy nhiên đa số chúng là các vấn đề xảy ra với hệ thống cân bằng của cơ thể nằm ở tai trong (hệ tiền đình).

Trạng thái mất cân bằng của cơ thể có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, và mỗi nguyên nhân nhất định thường có những dấu hiệu hoặc triệu chứng đặc trưng.

  • Cảm giác chuyển động hoặc xoay tròn (chóng mặt): chóng mặt có mối liên quan với nhiều tình trạng khác nhau, bao gồm:
    • Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (benign paroxysmal positional vertigo - BPPV): chóng mặt tư thế kịch phát lành tính xảy ra khi các tinh thể canxi ở tai trong di chuyển khỏi vị trí bình thường sang vị trí nào đó ở tai trong (các tinh thể canxi này có chức năng kiểm soát thăng bằng). Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính là nguyên nhân gây chóng mặt phổ biến nhất ở người lớn. Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính có thể gây cảm giác quay tròn khi trở mình trên giường hoặc ngửa đầu đột ngột về phía sau để nhìn lên cao.
    • Bệnh Meniere: bệnh Meniere có thể gây chóng mặt đột ngột và nghiêm trọng, có thể kèm theo mất thính lực dao động và ù tai, tiếng xay lúa hoặc cảm giác đầy trong tai. Nguyên nhân gây ra bệnh Meniere chưa được biết rõ. Bệnh Meniere hiếm gặp và thường xuất hiện ở những người có độ tuổi từ 20 tới 40 tuổi.
    • Migraine: chóng mặt và nhạy cảm với chuyển động (migraine tiền đình) có thể xảy ra do cơn đau đầu migraine. Migraine là nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt.
    • U dây thần kinh thính giác (acoustic neuroma): đây là loại khối u lành tính phát triển chậm trên dây thần kinh thính giác, gây ảnh hưởng tới khả năng nghe và thăng bằng. Bệnh nhân có thể xuất hiện chóng mặt và mất thăng bằng, nhưng triệu chứng thường gặp nhất là mất thính lực và có tiếng xay lúa trong tai. U dây thần kinh thính giác là u hiếm gặp.
    • Viêm dây thần kinh tiền đình: viêm dây thần kinh tiền đình có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh trong hệ thống giữ thăng bằng ở tai trong. Các triệu chứng thường diễn ra nghiêm trọng và kéo dài, bao gồm buồn nôn và khó đi lại. Các triệu chứng thường kéo dài vài ngày và dần dần cải thiện mà không cần điều trị.
    • Hội chứng Ramsay Hunt: còn có tên khác là herpes tai (herpes zoster oticus), hội chứng Ramsay Hunt xảy ra khi một nhiễm khuẩn giống zona tác động lên mặt, thính giác và dây thần kinh tiền đình ở một bên. Các triệu chứng xuất hiện là chóng mặt, đau tai, yếu cơ mặt và mất thính lực.
    • Chấn thương đầu: bệnh nhân có thể bị chóng mặt do một chấn động hoặc chấn thương đầu.
    • Say xe: say xe xảy ra khi di chuyển bằng các phương tiện như tàu, ô tô, máy bay,... Say xe là hiện tượng thường gặp ở những người bị migraine.
    • Chóng mặt tư thế tri giác dai dẳng (persistent postural perceptual dizziness - PPPD): rối loạn này thường xảy ra cùng với các loại chóng mặt khác. Các triệu chứng bao gồm mất thăng bằng hoặc có cảm giác chuyển động ở trong đầu. Các triệu chứng thường nặng lên khi nhìn theo các vật di chuyển, khi đọc sách hoặc khi ở trong môi trường ngoại cảnh phức tạp (như trong một trung tâm thương mại).
  • Cảm giác muốn ngất xỉu hoặc quay cuồng: có mối liên hệ với:
    • Hạ huyết áp thế đứng (orthostatic hypotension): còn gọi là hạ huyết áp tư thế (postural hypotension), xảy ra khi đứng dậy quá nhanh, khiến một số người bị tụt huyết áp đột ngột và dẫn tới ngất.
    • Các bệnh lý tim mạch: rối loạn nhịp tim, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc, bệnh cơ tim phì đại (hypertrophic cardiomyopathy) hoặc giảm khối lượng tuần hoàn làm giảm lưu lượng máu chảy và dẫn tới ngất.
  • Mất thăng bằng hoặc mất vững: mất thăng bằng khi đi lại hoặc cảm thấy mất vững có thể là hậu quả của:
    • Vấn đề của tiền đình: những bất thường của tai trong có thể gây ra cảm giác bồng bềnh hoặc nặng đầu, mất vững trong bóng tối.
    • Viêm dây thần kinh ngoại biên (peripheral neuropathy): tổn thương có thể dẫn tới khó đi lại.
    • Các vấn đề về khớp, cơ hoặc thị lực: yếu cơ và khớp mất vững có thể dẫn tới mất thăng bằng cơ thể. Các vấn đề về tầm nhìn cũng có thể dẫn tới mất vững.
    • Thuốc điều trị: mất thăng bằng hoặc mất vững có thể là tác dụng không mong muốn của thuốc điều trị.
    • Một số bệnh lí thần kinh: bao gồm thoái hóa cột sống cổ và bệnh Parkinson.
  • Choáng váng: cảm giác choáng váng quay cuồng có thể do:
    • Vấn đề của tai trong: những bất thường của hệ tiền đình có thể dẫn tới cảm giác bồng bềnh hoặc những cảm nhận chuyển động bất thường.
    • Rối loạn tâm thần: trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm thần khác có thể gây choáng váng.
    • Tăng thông khí: thường xuất hiện cùng với rối loạn lo âu và có thể gây ra choáng váng.
    • Thuốc điều trị: choáng váng có thể là một tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị.
chóng mặt
Khi gặp vấn đề với sự mất cân bằng, cơ thể sẽ cảm thấy chóng mặt

2. Chẩn đoán và điều trị trạng thái mất cân bằng

Để chẩn đoán và tìm ra nguyên nhân gây ra trạng thái mất cân bằng, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử, tiền sử, kết hợp với thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm, thử nghiệm cần thiết (chẳng hạn như đo huyết áp, làm điện tâm đồ, kiểm tra thính lực, làm thử nghiệm tư thế, thử nghiệm ngồi ghế xoay, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ,...).

Phương pháp điều trị sẽ được bác sĩ chọn lựa dựa trên nguyên nhân gây ra trạng thái mất cân bằng và tình trạng cụ thể của bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan