Biểu hiện và xử trí cấp cứu sốc tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Sốc tim là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn, mặc dù đây là căn bệnh nguy hiểm nhưng rất ít người biết về căn bệnh này. Nếu được điều trị ngay lập tức, khoảng một nửa những người sốc tim sống sót.

1. Sốc tim (choáng tim) là gì?

Sốc tim (còn gọi là choáng tim) là tình trạng giảm tưới máu trầm trọng tại các cơ quan đích và tổ chức do giảm cung lượng tim. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm, nếu không được cấp cứu kịp thời thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40 - 50%.

Trong thực tế, có đến 80% bệnh nhân bị sốc tim là do nhồi máu cơ tim cấp. Phần lớn bệnh nhân sốc tim có tổn thương nhiều nhánh mạch vành.

Tỷ lệ bệnh nhân nhồi máu cơ tim có sốc tim cũng chiếm khoảng 5 -15%, trong khi tỷ lệ gặp sốc tim ở bệnh nhân suy tim cấp chỉ khoảng 4%.

2. Biểu hiện lâm sàng của sốc tim

  • Mặt tái, tím các đầu chi, trên da có những mảng thâm tím, ấn vào thì nhạt đi và chậm trở lại như cũ. Nhiệt độ giảm, da lạnh. người lạnh, vã mồ hôi.
  • Huyết áp tâm thu < 90mmHg hoặc phải dùng thuốc co mạch để duy trì HA tâm thu ≥ 90 mmHg, trong >30 phút, nguyên nhân do giảm cung lượng tim.
  • Ứ huyết phổi hoặc tăng áp lực đổ đầy thất trái.
  • Sốc do tim (suy tim cấp, ép tim) thường kèm theo: tĩnh mạch cổ nổi, phù phổi cấp.
  • Sốc có suy thận, tăng thể tích máu.
  • Nhịp thở nhanh dẫn tới tình trạng giảm CO2, về sau thở nhanh nông.
Biểu hiện và xử trí cấp cứu sốc tim
Sốc tim nếu không được cấp cứu kịp thời thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 40 - 50%

3. Phác đồ xử trí sốc tim

Khi gặp bệnh nhân cấp cứu có biểu hiện sốc tim, cần nhanh chóng xác định tình trạng sốc tim của bệnh nhân, loại trừ các nguyên nhân khác gây ra huyết áp thấp. Xử lý sốc tim bao gồm theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, dùng các thuốc vận mạch, các biện pháp cơ học hỗ trợ tuần hoàn và điều trị nguyên nhân.

3.1. Theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn

  • Oxy: Được cung cấp đầy đủ, nếu bệnh nhân tự thở tốt có thể cho thở qua đường mũi, nếu bệnh nhân có rối loạn nhịp thở hoặc suy hô hấp nặng đặt nội khí quản và cho thở máy đúng chế độ.
  • Thiết lập một đường truyền tĩnh mạch.
  • Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm theo dõi, tốt nhất là có Swan-Ganz để theo dõi cung lượng tim và áp lực động mạch phổi bít.
  • Theo dõi bão hoà Oxy động mạch.
  • Theo dõi lượng nước tiểu (đặt thông đái).
  • Đảm bảo tốt thể tích tuần hoàn sao cho áp lực nhĩ phải từ 10-14 mmHg và PAWP từ 18-20 mmHg.
  • Kiểm soát các rối loạn thăng bằng kiềm toan và nước điện giải.
  • Theo dõi huyết động: Trong điều trị sốc tim, theo dõi huyết động là yếu tố quyết định để điều chỉnh và can thiệp kịp thời.

3.2. Dùng các thuốc vận mạch

Các thuốc thường được sử dụng là:

  • Các thuốc vận mạch: Dobutamine, Dopamine, Noradrenaline
  • Các thuốc giãn mạch: Thường dùng Nitroglycerin dạng truyền
  • Thuốc trợ tim: Không nên dùng Digitalis trong nhồi máu cơ tim cấp có sốc tim dù có suy thất trái nặng vì thuốc này làm tăng nguy cơ bị loạn nhịp và tăng tỷ lệ tử vong. Trong các trường hợp khác khi có suy tim do bệnh van tim hoặc bệnh cơ tim mà có kèm rung nhĩ nhanh thì Digitalis được chỉ định dùng. Các thuốc làm tăng sức co bóp cơ tim do ức chế Phosphodiesterase (Milrinone, Amrinone) có thể dùng trong trường hợp có suy tim nặng.
  • Các thuốc lợi tiểu: Furosemide, Bumetanid tiêm tĩnh mạch.

3.3. Dùng các biện pháp hỗ trợ cơ học tuần hoàn

Có thể sử dụng bơm bóng ngược dòng trong động mạch chủ, máy sốc tim, máy tim phổi nhân tạo chạy ngoài để hỗ trợ cơ học cho bệnh nhân.

Khám tim mạch
Người bệnh nên khám và tầm soát tim mạch định kỳ, tránh nhiều hậu quả đáng tiếc

3.4. Điều trị nguyên nhân

Trong trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp: Khi sốc tim xảy ra thì các biện pháp tái tưới máu động mạch vành càng tỏ ra cấp thiết:

  • Thuốc tiêu huyết khối.
  • Can thiệp động mạch vành.
  • Mổ làm cầu nối chủ-vành.

Các nguyên nhân khác: Cần được điều trị tích cực theo nguyên nhân:

  • Bệnh nhân có ép tim cấp phải xác định và chọc dịch ngay.
  • Bệnh nhân có bệnh van tim cần được phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.
  • Viêm cơ tim cấp hoặc bệnh cơ tim vẫn còn là vấn đề nan giải, việc điều trị còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng.

Vì vậy, khi người bệnh có các triệu chứng của sốc tim, viêm cơ tim cấp nên đến bệnh viện để được khám bệnh sớm, không chủ quan mua thuốc tự điều trị. Khi đến thăm khám tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ đo điện tim, siêu âm tim kết hợp với các triệu chứng lâm sàng chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng gói khám Sàng lọc tim mạch bao gồm các xét nghiệm tổng quát, siêu âm tim, đo điện tâm đồ, holter huyết áp giúp kiểm tra và tầm soát kịp thời những vấn đề bệnh lý tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan