Các đánh giá, chẩn đoán về đau thắt ngực

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Đau thắt ngực là một trong những tình trạng bệnh lý rất thường xảy ra hiện nay với nguyên nhân đa phần là do tình trạng hẹp động mạch vành gây nên. Đau thắt ngực có thể là đau thắt ngực điển hình và đau thắt ngực không điển hình với những triệu chứng lâm sàng khác nhau. Vì vậy, khi bị đau thắt ngực thì người bệnh nên đến những cơ sở y tế sớm nhất có thể để được chẩn đoán chính xác.

1. Đau thắt ngực là bệnh gì?

Đau thắt ngực được định nghĩa là một cơn đau ngực xảy ra do động mạch vành bị hẹp lại, có thể do tình trạng tắc nghẽn mạch máy hoặc co thắt mạch máu dẫn đến hẹp mạch vành. Khi động mạch vành bị hẹp lại thì lượng máu cung cấp cho tim không đủ khiến tim bị thiếu oxy để bơm máu đến các cơ quan còn lại trong cơ thể, kết quả là dẫn đến một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Do đó, đau thắt ngực có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo trước một tình trạng bệnh lý tim mạch có thể xảy ra đối với bệnh nhân, không nên bỏ sót hiện tượng đau thắt ngực trên lâm sàng.

Đau thắt ngực có thể xảy ra với bất cứ bệnh nhân nào nhưng thường có tỉ lệ cao hơn với những người có tiền sử mắc các bệnh lý tim mạch. Theo thống kê thì những đối tượng như nam giới ngoài 45 tuổi hoặc nữ giới ngoài 55 tuổi thường có nguy cơ bị đau thắt ngực nhiều hơn những trường hợp bệnh nhân khác.

Một số nguyên nhân dẫn đến đau thắt ngực được tìm ra như sau:

  • Bệnh lý mạch vành: Động mạch vành bị hẹp do tích tụ cholesterol hay còn gọi là xơ vữa động mạch
Rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim có nguy cơ dẫn đến đau thắt ngực

  • Rối loạn nhịp tim
  • Thiếu máu cung cấp
  • Co thắt động mạch vành làm lưu lượng máu cung cấp cho tim giảm đáng kể.

Một số yếu tố nguy cơ thuận lợi cho cơn đau thắt ngực xảy ra đó là:

  • Bệnh nhân lớn tuổi
  • Bệnh nhân bị tăng huyết áp
  • Bệnh nhân thường xuyên đối mặt với những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống
  • Bệnh nhân có triglyceride máu và cholesterol máu tăng cao
  • Bệnh nhân với tiền sử gia đình có người bị bệnh lý mạch vành hoặc bệnh lý nhồi máu cơ tim
  • Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá trong khoảng thời gian dài
  • Bệnh nhân bị bệnh lý đái tháo đường
  • Bệnh nhân có thể trạng béo phì, lười vận động mỗi ngày.

2. Cơn đau thắt ngực có mấy loại?

Đau thắt ngực bao gồm cơn đau thắt ngực điển hình và cơn đau thắt ngực không điển hình với những đặc điểm lâm sàng và tính chất rất khác nhau, cần được phân biệt rõ ràng:

Khó thở nam giới đàn ông
Bệnh nhân xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình thường sẽ bị khó thở

  • Cơn đau thắt ngực điển hình

Thường xuất hiện sau một gắng sức của bệnh nhân, có thể là sau khi đi một quãng đường dài, hoặc xuất hiện sau một số hoàn cảnh liên quan đến các yếu tố như thời tiết, sau bữa ăn, sau một cảm xúc xúc động... Cơn đau thắt ngực điển hình thường xuất hiện tại các vị trí như đau phía sau xương ức, có thể lan lên vùng hàm, cổ, vai, tay... rồi lan xuống vùng thượng vị.

Khi bệnh nhân xuất hiện cơn đau thắt ngực điển hình thì thường có cảm giác đau như bị siết chặt hoặc bị đè ép, bóp thắt khiến bệnh nhân cảm thấy như bị nghẹt thở và có cảm giác nặng ngực. Một số triệu chứng đi kèm với đau thắt ngực đó là khó thở, hồi hộp đánh trống ngực, vã mồ hôi, bệnh nhân có cảm giác lo lắng... Cơn đau thắt ngực điển hình thường xuất hiện và kéo dài không quá 20 phút, có thể xuất hiện 1 – 2 lần trong năm hoặc cũng có thể xuất hiện rất nhiều lần chỉ trong 1 tháng tùy thuộc vào cơ địa khác nhau của từng bệnh nhân. Sau khi được xử trí bằng cách cho ngậm Nitroglycerin và nghỉ ngơi tại giường thì thường những triệu chứng của cơn đau thắt ngực điển hình trên bệnh nhân sẽ có chiều hướng thuyên giảm.

  • Cơn đau thắt ngực không điển hình

Trường hợp đau thắt ngực này thường gặp nhiều hơn trên những bệnh nhân nữ lớn tuổi và có một số bệnh lý nền trước đó như tăng huyết áp, đái tháo đường hay rối loạn lipid máu. Bệnh nhân thường đau thắt ngực vùng thượng vị, mỏm ức sau đó lan lên vai phía bên phải, có thể lan đến vị trí ở giữa hai bả vai và cuối cùng là lan xuống vùng bụng. Trái ngược với cơn đau thắt ngực điển hình thì đau thắt ngực không điển hình bệnh nhân thường cảm giác đau tức vùng trước tim, tê bì tay trái và có kèm triệu chứng nghẹt thở hoặc ho. Đau thắt ngực không điển hình thường xuất hiện khi bệnh nhân đang ở tư thế nằm, đang nghỉ ngơi và thường là vào buổi đêm.

Đây được xem như là một tiền triệu của bệnh lý mạch vành cấp nên nếu bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu của đau thắt ngực không điển hình như trên, đặc biệt là khi các dấu hiệu này ngày càng tiến triển nặng hơn, cơn đau xuất hiện với cường độ nhiều hơn, thời gian kéo dài hơn ban đầu thì cần lưu ý và báo ngay cho bác sĩ điều trị.

3. Điều trị cơn đau thắt ngực

Quản lý và điều trị bệnh suy thận do đái tháo đường
Thuốc điều trị đái tháo đường được chỉ định cho bệnh nhân bị cơn đau thắt ngực

Nguyên tắc điều trị cơn đau thắt ngực đó là phục hồi lưu lượng máu cung cấp cho tim để cải thiện mức độ hoạt động của tim. Một số phương pháp điều trị cơn đau thắt ngực được áp dụng như sau:

  • Ưu tiên nghỉ ngơi, không làm bất cứ công việc gì trong quá trình điều trị
  • Một số loại thuốc có thể được chỉ định cho bệnh nhân như thuốc chống ngưng tập tiểu cầu Aspirin, thuốc mở rộng mạch máu bị hẹp Nitroglycerin, thuốc ức chế beta để điều hòa nhịp tim, giúp cơ tim thư giãn, thuốc điều chỉnh huyết áp, thuốc điều trị đái tháo đường, điều trị rối loạn lipid máu....
  • Phương pháp phẫu thuật: Bệnh nhân được đưa ống thông vào lòng mạch vành để tiến hành nong mạch rộng ra, sau đó đặt stent mạch vành giúp cho mạch máu được mở thông rộng, máu có thể chảy qua mà không gặp phải tình trạng tắc nghẽn. Ngoài ra, có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật bắc cầu mạch vành trong một số trường hợp bệnh nhân.

Đau thắt ngực là một căn bệnh khá phổ biến ngày nay, đặc biệt là trên những cơ địa bệnh nhân lớn tuổi và có một số bệnh lý nền mãn tính. Đau thắt ngực có thể là một trong những yếu tố dẫn đến bệnh lý tim mạch, đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh nên cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan