Cảnh giác viêm cơ tim cấp do virus

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tim mạch - Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm cơ tim cấp do virus gây tổn thương cơ tim nghiêm trọng. Bệnh diễn biến nhanh, nếu không kịp thời phát hiện và can thiệp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc để lại những tổn thương không phục hồi.

1. Viêm cơ tim cấp do virus là gì?

Viêm cơ tim cấp do virus là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim do virus gây ra. Trong các nguyên nhân gây viêm cơ tim thì nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất.

Quá trình bệnh lý này có ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo các triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp tim hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

2. Nguyên nhân gây viêm cơ tim do virus

Các loại virus gây viêm cơ tim hay gặp bao gồm:

  • Adenovirus:

Adenovirus là một trong những virus phổ biến nhất gây bệnh viêm cơ tim cấp ở cả trẻ em và người lớn. Virus này cũng thường gây nên các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, đôi khi gây viêm bàng quang và nhiễm trùng tiêu hóa. Adenovirus chủ yếu lây qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với dịch tiết từ mũi và họng của người bệnh.

  • Cytomegalovirus (CMV):

Nhóm virus này bao gồm các virus herpes simplex, virus varicella-zoster (gây bệnh thủy đậu và zona), và virus Epstein-Barr. Thông thường các CMV có thể tồn tại trong cơ thể nhưng không hoạt động và vô hại, tuy nhiên đôi khi chúng có thể gây nhiễm trùng các cơ quan, bao gồm cả viêm cơ tim. Những virus này lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của người bệnh. Ngoài ra, chúng cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con khi mang thai.

  • Coxsackievirus B:

Virus này là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm cơ tim cấp do virus, chiếm khoảng một nửa các ca bệnh viêm cơ tim cấp tại Mỹ. Coxsackievirus B có thể gây bệnh cúm hay tấn công vào tim, dẫn tới nhiễm trùng kéo dài khoảng 2 – 10 ngày.

Bệnh thường không gây tử vong nhưng có thể để lại hậu quả là cơ tim bị tổn thương vĩnh viễn, đặc biệt nếu đã tái phát lại lần thứ hai. Virus này lây truyền qua phân, do vậy một trong những biện phòng phòng tránh nhiễm virus hiệu quả nhất đó là luôn rửa tay sạch sẽ và cải thiện những thói quen vệ sinh hàng ngày.

  • Enteric Cytopathic Human Orphan Virus (ECHO):

Đây là họ virus chủ yếu gây ra các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa và phát ban trên da. Trong một số trường hợp, virus này có thể gây viêm cơ tim cấp .Đường lây nhiễm virus qua tiếp xúc với phân của người bệnh, hay do hít phải những giọt dịch tiết hô hấp lơ lửng trong không khí từ người mắc bệnh.

  • Human parvovirus B19:

Virus này có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm cơ tim cấp. Đường lây truyền của virus là qua nước bọt và dịch tiết đường hô hấp. Nên rửa tay sạch sẽ và che mũi, miệng khi ho, hắt hơi có thể giúp giảm sự phát tán của virus.

  • Rubella:

Virus gây bệnh rubella (hay bệnh sởi Đức) cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp. Phụ nữ khi mang thai bị mắc bệnh rubella thường gặp những biến chứng như sảy thai, thai chết lưu và dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Khi virus xâm nhập vào tim, nó có thể gây bệnh viêm cơ tim cấp. Hiện tại đã có vắc xin phòng bệnh rubella được khuyến cáo sử dụng cho mọi phụ nữ trước khi mang thai.

Virus Rubella
Virus gây bệnh rubella (hay bệnh sởi Đức) cũng là một trong những nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp

3. Dấu hiệu nhận biết viêm cơ tim cấp do virus

Giai đoạn đầu các triệu chứng không rõ ràng, thường biểu hiện nhiễm virus như sốt, đau họng, đau người, nhức mỏi cơ, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nôn, tiêu chảy.

Giai đoạn sau xuất hiện các triệu chứng viêm cơ tim như:

  • Đau ngực nhiều, khó thở khi hoạt động gắng sức hay ngay cả khi nghỉ ngơi.
  • Huyết áp hạ, mạch yếu.
  • Hồi hộp, đánh trống ngực.
  • Nghe tim thấy tiếng ngựa phi, tiếng thổi tâm thu ở mỏm tim do buồng thất trái giãn gây hở van 2 lá cơ năng.

Khi viêm cơ tim lan rộng có thể gây suy tim với các biểu hiện như:

  • Rối loạn nhịp tim: Tim đập nhanh hay nhịp tim bất thường.
  • Khó thở lúc nghỉ ngơi hoặc trong quá trình hoạt động thể chất.
  • Ứ dịch gây phù chân, mắt cá chân và bàn chân.
  • Mệt mỏi, cảm giác vô lực không muốn cử động tay chân, khi hoạt động thấy rất mệt.

4. Viêm cơ tim cấp do virus nguy hiểm như thế nào?

Cục máu đông
Viêm cơ tim cấp do virus có thể làm hình thành các cục máu đông trong tim

Bệnh viêm cơ tim cấp do virus có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm do cơ tim bị hỏng vĩnh viễn:

  • Hình thành các cục máu đông trong tim. Khi cục máu đông di chuyển có thể gây ra tắc mạch (đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, thuyên tắc phổi...).
  • Rối loạn nhịp tim: Ngoại tâm thu, block dẫn truyền, nhịp nhanh...
  • Ngất do thiếu máu cung cấp cho các cơ quan.
  • Đột tử.
  • Trong trường hợp rất nặng, đe dọa tính mạng dẫn đến suy tim do viêm cơ tim, đòi hỏi thay tim nhân tạo hoặc cấy ghép tim.

Tiên lương bệnh tùy thuộc vào từng đối tượng:

  • Viêm cơ tim cấp do virus ở trẻ sơ sinh tiên lượng khá xấu, tỷ lệ tử vong lên đến 75%. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn có thể có tiên lượng tốt, có trường hợp hồi phục hoàn toàn.
  • Trẻ lớn bị bệnh cơ tim giãn do nguyên nhân virus cũng không khả quan lắm. Những bệnh nhân này tiếp tục có biểu hiện cơ tim giãn, xơ hóa và suy biến chức năng của cơ tim.
  • Ở người lớn có từ 5 - 10% bệnh nhân tự lui bệnh. Tuy nhiên có đến 50% bệnh nhân chết trong vòng 2 năm và 80% bệnh nhân chết trong vòng 8 năm nếu không được thay tim.

5. Cận lâm sàng chẩn đoán viêm cơ tim

Sinh thiết tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, sinh thiết tim vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Các xét nghiệm khác để đánh giá viêm cơ tim bao gồm:

  • Điện tâm đồ đánh giá dẫn truyền tim
  • Siêu âm tim đánh giá thành tim, sức co bóp cơ tim, cử động vùng của tim
  • MRI có thuốc cản từ: là phương tiện hiện đại nhất đánh giá viêm của cơ tim
  • Xét nghiệm máu: Men tim, bilan viêm, marker các loại virus.

Hiểu biết về bệnh viêm cơ tim giúp người bệnh không mất cảnh giác với những tình huống nhiễm virus thông thường gây bệnh đường hô hấp, vì chúng cũng có thể gây viêm cơ tim.

Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Đức Hiền đã có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch đặc biệt là phẫu thuật viện Tim mạch và lồng ngực. Hiện tại là Bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan