Tại sao phải điều trị huyết áp cao?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Phan Đình Thủy Tiên - Bác sĩ Nội Tổng Quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Huyết áp cao là một yếu tố không tốt cho sức khỏe của mỗi người. Khi máu được đẩy đi với một áp lực quá mạnh vào trong lòng động mạch, đây có thể gây ra một loạt các vấn đề làm hỏng toàn bộ hệ thống tuần hoàn. Theo đó, cần phải biết các biến chứng của bệnh cao huyết áp để hiểu lý do tại sao phải điều trị huyết áp cao.

Nếu không được điều trị kịp thời, cao huyết áp có thể gây ra các biến chứng sau:

1. Các cơn đau tim

Khi máu di chuyển trong cơ thể với một lực đẩy quá mạnh, áp lực này có thể tạo ra những vết rách nhỏ trong mạch máu, tạo thành mô sẹo. Nơi đây có thể trở thành vị trí bám dính cho các mảnh vụn như mỡ và cholesterol. Những phần tử bị mắc kẹt đó tạo thành các cụm được gọi là mảng bám xơ vữa, làm cản trở sự lưu thông của máu trong lòng mạch. Hệ quả là xảy ra các cơn đau tim, trong bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp tính hay các cơn đau thắt ngực khi gắng sức, là kết quả của việc nguồn cung cấp máu đến mô cơ tim bị tắc nghẽn và thường xảy ra do huyết áp cao.

2. Đột quỵ

Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ não. Cơ chế là áp lực máu làm bong các mảng xơ vữa, gây tắc nghẽn mạch máu dẫn đến não hay ngay trong não. Lúc này, một cơn đột quỵ có thể xảy ra, gây tổn thương mô não do không còn nhận được các chất dinh dưỡng và oxy quan trọng đến vùng bị ảnh hưởng và tế bào não bắt đầu chết dần. Người bệnh sẽ có biểu hiện méo miệng, nói đớ, liệt tay chân và để lại di chứng tàn phế suốt đời.

đột quỵ xuất huyết não
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ chính của đột quỵ não

3. Vỡ phình mạch máu não

Nếu áp lực máu quá cao do huyết áp tăng cao và đột ngột sẽ gây đột quỵ do xuất huyết áp. Các vị trí dễ bị tổn thương khi huyết áp cao là các điểm yếu trên thành động mạch, các khu vực này có thể chứa đầy máu và phình lên như dạng bong bóng, lồi ra khỏi thành động mạch, được gọi là chứng phình động mạch. Phình mạch có xu hướng to ra từ từ và trở nên càng yếu hơn khi chúng lớn dần lên. Nếu không được chẩn đoán hoặc không được điều trị, chúng có thể gây ra một dạng đột quỵ nghiêm trọng và gọi là đột quỵ xuất huyết. Tiên lượng người bệnh trở nên nguy kịch hơn nếu không được hạ áp kịp thời.

4. Giãn vỡ phình động mạch chủ

Động mạch chủ là đoạn động mạch đầu tiên dẫn máu ra khỏi tim và là nơi chịu tác động mạnh mẽ khi huyết áp cao. Tương tự như cơ chế tổn thương nội mạch do áp lực máu tăng gây ra, động mạch chủ lâu ngày sẽ dãn lớn hơn, phình to ra và dễ vỡ. Biến cố này khi xảy ra thường có tỷ lệ sống sót rất ít, người bệnh khó có thể vượt qua do động mạch chủ vốn dĩ có áp lực mạch, kích thước lớn nên lượng máu mất khỏi lòng mạch rất đột ngột và nhanh chóng.

Phình động mạch chủ
Động mạch chủ là đoạn động mạch đầu tiên dẫn máu ra khỏi tim và là nơi chịu tác động mạnh mẽ khi huyết áp cao

5. Suy tim

Suy tim không có nghĩa là tim ngừng hoạt động mà là chức năng co bóp của tim không còn được đảm bảo, không cung cấp đủ lượng máu cho phần còn lại của cơ thể. Lúc này, cơ tim có thể dày lên do huyết áp cao, nhằm tạo lực đẩy mạnh hơn chống lại trương lực của thành mạch bên ngoài ngoại vi. Về lâu dài, tim sẽ bắt đầu to ra do sợi cơ tim dãn dần vì phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, tình trạng suy tim bắt đầu. Tại giai đoạn này, việc điều trị thích hợp không thể giúp hồi phục chức năng tim về như ban đầu mà có thể giúp cải thiện phần nào sức co bóp của cơ tim.

6. Suy thận

Huyết áp cao là nguyên nhân thường gặp đứng hàng thứ hai gây suy thận mạn tính, chỉ xếp sau bệnh tiểu đường. Khi các mạch máu trong thận bị suy yếu và thu hẹp do huyết áp cao bị tổn thương, thận sẽ khó thực hiện các chức năng lọc máu và chất thải, hình thành nước tiểu. Từ đó, các chất độc và lượng nước dư thừa bị ứ đọng lại trong cơ thể, làm người bệnh phù nề và có thể làm tăng huyết áp hơn nữa, tạo ra một chu kỳ luẩn quẩn, huyết áp tăng cao nguy hiểm kéo dài rất khó kiểm soát.

7. Suy giảm thị lực

Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu mỏng manh trong mắt, làm giảm lưu lượng máu lưu thông và thậm chí dẫn đến vỡ mạch máu. Đây được gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp, có thể gây chảy máu trong mắt, mờ mắt hoặc mù lòa. Hơn nữa, huyết áp cao cũng có thể gây ra chất lỏng tích tụ trong võng mạc, làm biến dạng hoặc làm giảm thị lực do tổn thương dây thần kinh thị giác.

8. Bệnh động mạch ngoại biên

Các mảng bám tích tụ do các mảng xơ vữa trong tình trạng huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến các động mạch ở chân, có thể gây đau, chuột rút, tê bì ở bàn chân, nặng dần lan lên phần mông sau khi hoạt động mạnh và tiến triển khi chỉ cần đi lại nhẹ nhàng. Bệnh động mạch ngoại biên có xu hướng không được chẩn đoán vì mọi người thường nghĩ rằng đó là dấu hiệu lão hóa bình thường. Tuy nhiên, tình trạng này cũng đã được nhận định như là một nguy cơ cao bị đột quỵ hoặc cơn đau tim cũng như có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi. Điều trị bao gồm hạ áp bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc và đôi khi đòi hỏi đến phẫu thuật.

9. Hội chứng chuyển hóa

Huyết áp cao là một trong những đặc điểm có thể dẫn đến chẩn đoán hội chứng chuyển hóa, một nhóm yếu tố cho thấy người bệnh có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường hoặc mắc bệnh tim mạch hoặc đột quỵ. Mặc dù khi mắc hội chứng chuyển hóa, bệnh nhân có thể được giải quyết bằng cách thay đổi lối sống và dùng thuốc; nếu không được phát hiện sớm và tích cực phòng ngừa, những biến cố nguy hiểm có thể xảy ra và không thể hồi phục lại được như ban đầu.

Hội chứng tim mạch chuyển hóa
Huyết áp cao là một trong những đặc điểm có thể dẫn đến chẩn đoán hội chứng chuyển hóa

10. Suy giảm nhận thức

Những người bị huyết áp cao có nhiều khả năng bị dễ bị suy giảm nhận thức, có nghĩa là khả năng suy nghĩ, học hỏi và ghi nhớ lại mọi thứ của họ bị giảm sút hơn những người đồng trang lứa hay xuất hiện sớm hơn trong dân số chung. Một số nghiên cứu cho thấy những người bị huyết áp cao khi ở độ tuổi trung niên có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ khi già hơn. Đồng thời, có nhiều bằng chứng cho thấy ở độ tuổi càng trẻ khi kiểm soát được huyết áp, người bệnh sẽ càng giảm nguy cơ bị suy giảm nhận thức sau này nếu có xảy ra trong cuộc đời.

11. Rối loạn cương dương

Bất cứ điều gì làm gián đoạn lưu lượng máu đổ đầy đều có thể gây ra rối loạn cương dương và bao gồm cả chứng huyết áp cao. Thực vậy, nếu không có lưu lượng máu đến đầy đủ, người nam rất khó để đạt được hay duy trì sự cương cứng. Mặt khác, huyết áp cao cũng có thể làm cản trở quá trình xuất tinh trùng và giảm ham muốn tình dục.

Như vậy, với rất nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do huyết áp cao gây ra, việc hiểu rõ tại sao phải điều trị huyết áp cao và tuân thủ điều trị là vô cùng cần thiết. Từ đó, khi điều trị huyết áp cao ổn định, người bệnh sẽ được đảm bảo hơn về chất lượng cuộc sống và tuổi thọ lâu dài. Vậy nên, khi nghi ngờ mình có thể bị huyết áp cao, mỗi người cần thăm khám sớm để được tư vấn và can thiệp, bảo vệ sức khỏe bền vững.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan