Viêm màng ngoài tim co thắt: Nguyên nhân, cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Bác sĩ Tim mạch Can thiệp - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và thế mạnh trong Hồi sức - Cấp cứu tim. mạch.

Viêm màng tim co thắt là hậu quả gây ra do quá trình xơ hóa mang ngoài tim, tạo thành một vỏ bọc bóp lấy quả tim, cản trở dòng máu đến đổ đầy buồng thất ở kỳ tâm trương. Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt có thể dẫn đến suy tim, tàn phế, thậm chí tử vong.

1. Viêm màng ngoài tim co thắt là gì?

Viêm màng ngoài tim co thắt là bệnh lý mắc phải khi màng ngoài tim sau quá trình viêm trở nên xơ hóa, gây ra sẹo, giảm khả năng chun giãn, khiến màng tim trở nên vôi hoá và không đàn hồi, dẫn đến hạn chế máu đổ đầy buồng thất vào kỳ tâm trương.

Đối với bệnh nhân bị viêm màng ngoài tim co thắt, thương tổn giải phẫu chủ yếu là sự dày lên, xơ hóa cơ tim và xơ cứng màng tim, trong đó nặng nề nhất ở lá thành, độ dày có khi lên tới 1cm, chỗ dính hai lá thành và tạng có thể dầy tới 2 - 3cm (bình thường chỉ ở dưới 0,1cm). Màng tim dày tạo ra một vỏ xơ hóa, bóp nghẹt tim, cản trở làm đầy tâm thất trong kỳ tâm trương (khi tim giãn ra). Tình trạng viêm xơ hoá thường gặp hơn ở lá thành.

Bệnh có thể gặp ở tất cả các độ tuổi từ 1 - 75. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện với tỷ lệ cao hơn đối với độ tuổi trong khoảng từ 30 đến 50 tuổi. Trong đó, nam giới là đối tượng dễ mắc bệnh hơn so với nữ giới (với tỷ lệ 3 nam / 1 nữ).

2. Nguyên nhân gây ra viêm màng ngoài tim co thắt

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tình trạng viêm mủ màng ngoài tim không được điều trị hiệu quả. Những nguyên nhân gây viêm mủ màng ngoài tim có nguy cơ dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt là:

  • Các bệnh liên quan đến collagen, như thấp khớp, viêm đa khớp dạng thấp, bệnh xơ cứng bì,...
  • Các bệnh nhiễm trùng: nhiễm khuẩn (do vi khuẩn tụ cầu vàng, cầu khuẩn màng não, liên cầu, phế cầu khuẩn, vi khuẩn lậu, bệnh lao....), nhiễm virus (virus Coxsackie A và B, virus cúm A và B, virus gây bệnh thuỷ đậu...), nhiễm nấm histoplasmosis, nhiễm ký sinh trùng (như echinococcus, amip lỵ...).
  • Sau các đợt chiếu xạ điều trị bệnh
  • Di căn của ung thư đến màng ngoài tim.
  • Tình trạng tăng ure máu.
  • Không rõ căn nguyên (vô căn).

3. Viêm màng ngoài tim co thắt có nguy hiểm không?

Viêm màng ngoài tim co thắt
Viêm màng ngoài tim co thắt có nguy hiểm không?

Quá trình xơ hoá gây ra viêm màng ngoài tim co thắt chủ yếu diễn ra ở khoang màng tim. Mức độ viêm dính, co thắt càng nhiều thì việc điều trị bằng phẫu thuật bóc tách, cắt bỏ màng ngoài tim càng khó khăn hơn, đồng thời biến chứng trong và sau phẫu thuật càng cao.

Tình trạng viêm dính màng phổi, nhất là ở vùng trung thất, kèm theo viêm phù phổi là căn nguyên trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho viêm màng ngoài tim co thắt trở nên nặng lên, gây ra suy hô hấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân. Động mạch phổi có thể xuất hiện những tổn thương xơ hoá thứ phát do tăng huyết áp động mạch phổi kéo dài.

Bệnh còn gây ảnh hưởng đến gan và các nội tạng khác, tương tự như trường hợp suy tim phải. Thương tổn thường gặp ở gan là gan to ra, do tình trạng ứ trệ máu tĩnh mạch. Hiện tượng dày màng tim gây cản trở máu về tim thông qua hai tĩnh mạch chủ. Trong trường hợp bệnh liên tục tiến triển trong thời gian dài, gan có thể nhỏ lại, song sẽ trở nên xơ cứng. Quan sát trên vi thể có thể thấy các xoang tĩnh mạch giãn ra, xuất hiện tình trạng hoại tử trung tâm tiểu thuỳ (nécrse centro-lobulaire), xơ hoá tại những tĩnh mạch gan và đoạn trong gan của tĩnh mạch chủ dưới. Người ta còn gọi thương tổn ở gan do bệnh lý này với cái tên là “xơ gan giả” (Pseudocirrhosis) để phân biệt với tình trạng xơ gan thường gặp hiện nay.

Lách cũng là cơ quan bị ảnh hưởng bởi viêm màng ngoài tim co thắt. Theo đó, lách có thể to ra do tình trạng xung huyết thụ động mãn tính, vỏ lách dày lên, những xoang lách bị phù nề, một số vùng tại lách cũng bị xơ hoá.

Tràn dịch màng phổi là biến chứng thường thấy ở nhiều bệnh nhân. Cổ chướng trở nên rất to, chứa 5 - 7 lít dịch trong phúc mạc. Ngoài ra, hiện tượng viêm đa màng cũng gặp trong nhiều trường hợp.

4. Điều trị viêm màng ngoài tim co thắt

4.1. Chỉ định điều trị

Hầu như mọi bệnh nhân mắc viêm màng ngoài tim co thắt đều có chỉ định phẫu thuật tim từ sớm. Vì nếu để muộn, khi mà cơ tim đã thoái hoá nặng thì quá trình phẫu thuật sẽ gặp rất nhiều trở ngại, đồng thời hiệu quả điều trị cũng không cao.

4.2. Kỹ thuật và phương pháp mổ tim

Đường mổ tim trước đây là mở ngực trái trước ngoài, nhưng hiện nay xu hướng phẫu thuật thường là mở dọc xương ức nhằm bộc lộ rõ trường mổ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bác sĩ có thể cắt đi màng tim, giải phóng tim càng nhiều càng tốt. So với phương pháp nội khoa, hiệu quả của phẫu thuật thường sớm hơn và có thể thấy ngay sau khi thực hiện.

Cụ thể, ngay sau khi cắt bỏ đoạn màng tim bị xơ dày, cơ tim lộ ra, và tại vị trí đó không còn bị chèn ép, nhịp đập của tim không bị hạn chế, lưu lượng máu về tim tăng lên, có thể sờ thấy mạch rõ hơn, đo huyết áp tâm thu và tâm trương đều tăng, huyết động được cải thiện rõ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân có thể cảm thấy dễ chịu, dễ thở hơn, da chi thể ấm hơn, đặc biệt khi tình trạng căng dãn của tĩnh mạch cảnh đã cải thiện nhiều. Khoảng 48 giờ sau phẫu thuật, tình trạng cổ chướng rút đi rõ rệt do lượng nước tiểu tăng lên ổn định.

Đa số trường hợp sau phẫu thuật, tiên lượng bệnh nhân cải thiện rõ rệt và nhanh chóng. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể chậm hơn, bệnh cải thiện dần dần từ 3 đến 6 tháng sau mổ, nhất là tình trạng gan to, tĩnh mạch cảnh căng dãn cũng như áp lực tĩnh mạch cao và giảm chậm hơn so với những triệu chứng khác.

Bên cạnh đó, hiệu quả giảm triệu chứng bệnh, cũng như mức độ cải thiện của huyết động phụ thuộc vào phạm vi của phần màng ngoài tim được giải phóng và cắt bỏ. Tùy theo tiên lượng của viêm màng ngoài tim co thắt mà bác sĩ sẽ chỉ định cắt đi một khoảng màng tim phù hợp.

5. Khám và điều trị bệnh tim mạch tại Vinmec

Bệnh viện Vinmec Central Park
Khám và điều trị bệnh tim mạch tại Vinmec có gì đặc biệt?

Là một trong những trung tâm mũi nhọn hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, đội ngũ chuyên gia gồm những Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2, Thạc sĩ giàu kinh nghiệm, có uy tín lớn trong lĩnh vực điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp và ứng dụng các kỹ thuật cao cấp trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch. Đặc biệt, Trung tâm có các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với các bệnh viện uy tín nhất trên thế giới.

Trung tâm có chương trình hợp tác toàn diện với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà nội, Đại học Paris Decartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp), Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ)...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

507 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan