Tổng quan về bệnh viêm thanh thiệt cấp (Acute Epiglottitis)

Bài viết bởi Bác sĩ Lê Văn Quảng - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Viêm thanh thiệt cấp là tình trạng viêm cấp tính vùng nắp thanh môn (thanh thiệt) và thượng thanh môn có thể dẫn đến tắc nghẽn khí quản, ngạt thở, gây tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và được xem là tình trạng cấp cứu trong Tai mũi họng.

1. Viêm thanh thiệt cấp là gì?

Viêm thanh thiệt do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu liên quan đến việc nhiễm trùng Haemophilus influenza type b (Hib).

Từ khi vaccine Hib được đưa vào sử dụng rộng rãi hơn 2 thập kỉ nay, tỷ lệ viêm thanh thiệt cấp giảm đáng kể. Và xu hướng đối tượng mắc cũng thay đổi.

Ví dụ một thống kê lớn tại Anh và xứ Wales cho thấy tỉ lệ sụt giảm các ca bệnh do nhiễm Hib từ 2002 giảm rõ rệt và đạt tỉ lệ thấp nhất 2012 là 0.02/100000 (14 ca). Tần xuất trẻ <5 tuổi nhiễm Hib là 0.06/100000 (2 ca), so với 35.5/100000 ca không được tiêm chủng thường quy trước đó. Từ 2009-2012 chỉ có 19 ca viêm thanh thiệt cấp được báo cáo. 68% trong số đó (13/19 ca) gặp ở người lớn. Và tỉ lệ tử vong ở trẻ hiện nay < 1%, nhưng lên đến 7% ở người lớn và hầu hết tất cả những ca tử vong là do chẩn đoán và xử trí không kịp thời và không thích hợp.

Như vậy, ta thấy rằng vai trò của vaccine Hib ở trẻ là rất quan trọng trong việc phòng tránh những bệnh lý do Heamophilus influenza type b gây ra như viêm phổi, viêm da, mô, viêm xương khớp, viêm tai giữa và thanh thiệt.

Ngày nay, với việc tiêm chủng đầy đủ vaccine Hib, tần suất gặp ở trẻ những nước phát triển là rất hiếm, đa số chỉ còn gặp ở người lớn có vấn đề về miễn dịch và những bệnh đi kèm khác. Và những khu vực không được tiêm chủng vaccine Hib đầy đủ.

2. Nguyên nhân viêm thanh thiệt

Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu. Vi khuẩn H influenzae type b là tác nhân gây bệnh thường gặp nhất trước khi có chủng ngừa. Virus, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus parainfluenzae, virus thủy đậu-zoster, virus herpes simplex type 1, Staphylococcus aureus ...

Các nguyên nhân khác không do nhiễm trùng gây tổn thương thanh thiệt bao gồm các chất nóng, gây viêm thanh thiệt do nhiệt. Viêm thanh nhiệt do nhiệt xảy ra sau khi ăn uống các chất lỏng, thực phẩm quá nóng có thể gây bỏng.

Hít các chất ma túy như cocaine hoặc cần sa (marijuana) cũng là một nhóm nguyên nhân đáng lưu ý.

Viêm thanh thiệt còn có thể xảy ra sau phản ứng thuốc, bị côn trùng cắn... gây phản ứng dị ứng phù nề. Chấn thương do vật tù hoặc bị vật gì chặn ở vùng hầu họng cũng có thể dẫn đến Viêm Thanh Thiệt.

tong-quan-ve-benh-viem-thanh-thiet-cap-acute-epiglottitis-1
Viêm thanh thiệt có thể do nhiễm trùng

3. Triệu chứng viêm thanh thiệt

Viêm thanh thiệt thường xảy ra cấp tính nhưng cũng có thể diễn tiến trong vòng vài giờ đến vài ngày. Các triệu chứng thường thấy gồm đau họng, khàn giọng, nói khó, sốt, nuốt đau, nhịp tim nhanh, khó thở.

Thường sốt cao trong trường hợp nhiễm trùng hoặc không sốt trong những trường hợp viêm thanh thiệt do nhiệt.

Các dấu hiệu thường gặp chủ yếu là khó thở do suy hô hấp cấp như chảy nước dãi, nghiêng người về trước để thở, thở nông, co kéo cơ cổ và cơ liên sườn, thở rít, rối loạn tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh thiệt. Bệnh nhân viêm thanh thiệt thường có dáng vẻ bề ngoài suy sụp nặng

Trẻ em bị viêm thanh thiệt thường có tư thế "hít ngửi" đặc thù, với thân mình nghiêng về phía trước, đầu và mũi cúi về trước và hướng lên trên.

Độ trầm trọng của viêm thanh thiệt thường được phân loại như sau

  • Cấp độ 1: Suy hô hấp nặng với ngừng thở hoặc có nguy cơ ngừng thở. Bệnh sử rất ngắn, bệnh diễn tiến nhanh và nguy hiểm. Cấy máu thường cho kết quả dương tính với Hib.
  • Cấp độ 2: Triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng thường ở mức độ từ trung bình đến nặng kèm nguy cơ tắc nghẽn đường thở. Thường biểu hiện bằng đau cổ, không nuốt được, không nằm xuống được, khàn giọng, thở rít, co kéo các cơ hô hấp.
  • Cấp độ 3: Bệnh từ nhẹ đến trung bình, không kèm các dấu hiệu nguy cơ tắc nghẽn đường thở. Bệnh sử thường diễn tiến trong vài ngày với những than phiền về đau họng và nuốt đau.

4. Khi nào thì cần phải đi khám bệnh?

Cần đi khám ngay nếu có phối hợp các triệu chứng và dấu hiệu sau đây:

  • Đau họng
  • Khàn giọng
  • Sốt
  • Không nuốt được
  • Nhịp tim nhanh
  • Kích thích
  • Da tím tái
  • Suy hô hấp cấp: với các đặc điểm như khó thở, thở nhanh, nông, dáng vẻ bệnh rất nặng, tư thế ngồi với khuynh hướng nghiêng về phía trước, thở rít.
viêm thanh thiệt
Viêm thanh thiệt cấp có thể gây đau họng, khản giọng, sốt, tim đập nhanh....

Cận lâm sàng:

  • Chụp Xquang vùng cổ ở tư thế nghiêng (Dấu Thumb sign)
  • Nội soi thanh quản, thanh thiệt, thực hiện trong phòng mổ sẽ thấy hình ảnh vùng hầu họng viêm xung huyết đỏ, thanh thiệt cứng và phù nề. Người không có chuyên khoa không nên tìm cách soi họng của bệnh nhân tại nhà để quan sát thanh thiệt.
  • Do việc động chạm vào thanh thiệt có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở gây tử vong đột ngột, do nhịp tim thường chậm lại khi đặt nội khí quản nên các bác sĩ chuyên khoa thường chỉ thực hiện thao tác này tại phòng mổ, nơi có đầy đủ các phương tiện hồi sức cấp cứu.
  • Các xét nghiệm khác cần thực hiện: Xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng viêm nhiễm, khí máu động mạch, cấy máu để phát hiện vi khuẩn gây bệnh, các xét nghiệm miễn dịch khác để tìm kháng thể đặc hiệu đối với một số vi trùng và virus và các xét nghiệm liên quan khác.
  • Cẩn thận khi lấy máu làm xét nghiệm. Nếu bệnh nhân sợ hãi, lo lắng, thanh thiệt trong tình trạng bất ổn có thể khép lại, gây bít đường thở hoàn toàn cần phải nhanh chóng cấp cứu.
  • Ngay cả với những phương tiện tiên tiến hiện nay, việc chẩn đoán viêm thanh thiệt không phải lúc nào cũng dễ dàng. Một nghiên cứu cho thấy viêm thanh thiệt lúc đầu đã bị chẩn đoán nhầm ở 36-50% trường hợp. Viêm thanh thiệt rất hay bị nhầm với viêm họng do streptococcus.
  • Viêm thanh thiệt còn được chẩn đoán phân biệt với viêm thanh quản cấp do virus, bạch hầu, abscess quanh amidan, và bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng (infectious mononucleosis).
  • Các nguyên nhân không do nhiễm trùng dễ bị nhầm với viêm thanh thiệt bao gồm: phù mạch thần kinh ở đường thở (angioneurotic edema), viêm hoặc co thắt thanh quản, chấn thương thanh quản, tân sinh ung thư, phản ứng dị ứng, nhiễm trùng tuyến giáp, tụ máu thanh thiệt, u máu, tổn thương do hít hóa chất độc.
  • Viêm thanh thiệt dễ bị nhầm với viêm thanh quản cấp do virus (croup). Viêm thanh thiệt về lâm sàng khác với croup ở diễn tiến ngày càng xấu đi, không có tiếng ho ông ổng đặc trưng của croup, và tình trạng viêm sưng đỏ của thanh thiệt (trong trường hợp croup, thanh thiệt chỉ đỏ nhưng không sưng). Chụp Xquang cổ tư thế nghiêng có thể giúp phân biệt viêm thanh thiệt với croup.

5. Điều trị viêm thanh thiệt

  • Sau khi được chẩn đoán viêm thanh thiệt, bảo vệ đường thở bệnh nhân là ưu tiên số một. Bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi liên tục và điều trị kịp thời.
  • Cần hạn chế tối đa các yếu tố kích thích như lo âu, quấy khóc, khịt khạc nhiều để tránh kích thích phản xạ co thắt vùng thanh môn, gây ngạt thở. Do đó, bệnh nhân cần phải được trấn an tốt nhất có thể.
  • Trong trường hợp diễn tiến nặng có suy hô hấp, bệnh nhân cần được can thiệp cấp cứu ngay, bằng các biện pháp như, đặt nội khí quản, mở khí quản đảm bảo đường hô hấp và các can thiệp ngoại khoa vùng thanh môn trong trường hợp có các biến chứng khác như abscess thanh thiệt.
  • Kháng sinh, kháng viêm toàn thân và các thuốc khác được chỉ định dựa trên điều kiện cụ thể và tình trạng bệnh đi kèm của mỗi bệnh nhân.

6. Biến chứng viêm thanh thiệt

Bệnh nhân nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ sau khi ra viện như việc tiếp tục dùng kháng sinh cho đủ liều lượng. Tái khám đúng hẹn. Những bệnh nhân đã được đặt ống mở khí quản cần tái khám đều đặn để được theo dõi rút ống và chắc chắn là vết mổ đã lành tốt.

7. Dự phòng viêm thanh thiệt

Dự phòng viêm thanh thiệt sẽ đạt kết quả khả quan nếu tiêm phòng H influenza type b (Hib) đầy đủ. Do đó nên tiêm phòng Hib đầy đủ cho trẻ. Tiêm phòng thường quy cho người lớn thường không được khuyến cáo, ngoại trừ đối với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như thiếu máu hồng cầu liềm, cắt lách, ung thư, hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.

Khi đã phơi nhiễm với bệnh nhân viêm thanh thiệt do H influenza thì nên dùng thuốc kháng sinh dự phòng (rifampin, Rifadin) để tiệt trừ vi khuẩn. Việc này sẽ loại trừ được tình trạng người lành mang vi trùng ("carrier state"). Có thể chủng ngừa trong một số trường hợp nhưng không hiệu quả 100%. Những đối tượng này tuy không mắc bệnh nhưng vẫn có thể lây nhiễm cho người khác, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ dưới 4 tuổi chưa được tiêm phòng Hib đầy đủ.

Bệnh nhân có các đợt viêm thanh thiệt tái hồi, nên được khảo sát thêm về các bệnh lý miễn dịch khác.

tong-quan-ve-benh-viem-thanh-thiet-cap-acute-epiglottitis-3
Tiêm phòng H influenza type b (Hib) đầy đủ sẽ ngăn ngừa bệnh viêm thanh thiệt

8. Tiên lượng viêm thanh thiệt

Nếu được xử trí tốt và kịp thời, hầu hết các bệnh nhân đều phục hồi tốt. Nhưng ngược lại trong trường hợp chẩn đoán muộn và trì hoãn, bệnh nhân có thể tử vong trong trường hợp suy hô hấp nặng. Việc theo dõi và xử trí các trường hợp viêm thanh thiệt cấp, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như tai mũi họng, phổi, gây mê hồi sức, chống nhiễm khuẩn với đầy đủ các máy móc trang thiết bị hỗ trợ cũng như luôn phải có một bộ dụng cụ mở khí quản ngay tại giường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan