Trẻ nhỏ cũng có thể mắc viễn thị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt.

Viễn thị là một trong các tật khúc xạ phổ biến. Tuy viễn thị ít gặp hơn ở trẻ nhỏ so với cận thị nhưng lại có thể gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề như: nhược thị, lác mắt, rối loạn chức năng thị giác hai mắt. Phụ huynh nên cảnh giác với bệnh viễn thị ở trẻ em nếu con em mình có những dấu hiệu bất thường được đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh viễn thị ở trẻ nhỏ là gì?

Bình thường, ảnh của sự vật khi đi qua các hệ thống quang học của mắt sẽ được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp mắt nhìn rõ được mọi sự vật. Tuy nhiên, do sự bất thường của hệ thống khúc xạ, hình ảnh của sự vật không được hội tụ ngay trên võng mạc mà hội tụ phía sau võng mạc. Để nhìn rõ hơn, mắt của trẻ bị viễn thị luôn phải điều tiết làm tăng lực khúc xạ để đưa hình ảnh của vật ra phía trước và nằm trên võng mạc.

Về phương diện quang học, viễn thị nghĩa là khi nhìn một vật ở xa, ảnh hiện ở đằng sau mắt chứ không hiện trên võng mạc. Giống như chụp ảnh, khi đo khoảng cách không đúng, ảnh sẽ hiện đằng sau phim và bị mờ. Ngược lại với cận thị, ảnh hiện ở phía trước võng mạc do mắt hội tụ quá nhiều, trong khi viễn thị là do mắt có độ hội tụ yếu. Với những mắt viễn thị nhẹ, mắt trẻ có thể điều tiết để nhìn rõ hình ảnh của vật nhưng rất dễ bị mỏi mắt. Những trẻ có mắt viễn thị nặng, mắt trẻ không điều tiết được dẫn đến nhìn mờ cả ở khoảng cách xa và gần.

Viễn thị ở trẻ nhỏ có hai loại là:

  • Viễn thị khúc xạ: Do lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh thấp, trong khi chiều dài của trục nhãn cầu vẫn bình thường. Loại bệnh này thường chỉ gây viễn thị nhẹ.
  • Viễn thị trục: Do trục nhãn cầu quá ngắn trong khi lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường. Loại bệnh này thường gây ra viễn thị nặng ở trẻ nhỏ.

2. Nguyên nhân gây ra bệnh viễn thị ở trẻ em

Viễn thị nặng ở trẻ nhỏ
Đâu là nguyên nhân gây ra bệnh viễn thị ở trẻ em?

Nguyên nhân của tật viễn thị ở trẻ em thường là do mắt quá nhỏ, trục trước sau của mắt quá ngắn, vì vậy, ảnh hiện ra sau võng mạc. Theo thời gian, khi trẻ lớn lên, mắt trẻ sẽ tăng dần kích thước cùng với chiều cao thân thể và độ viễn thị có thể giảm dần. Đến một lúc nào đó, khi ảnh hiện đúng lên trên võng mạc thì mắt không tăng trưởng nữa và trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó, mắt không tăng trưởng, trẻ sẽ bị viễn thị bẩm sinh.

Bình thường, trẻ em mới sinh luôn luôn bị viễn thị. Tuy nhiên, độ viễn thị của trẻ sẽ giảm dần khi trẻ ngày một lớn. Đến 2 - 3 tuổi, độ viễn khoảng 3 độ nhưng nếu ở tuổi này, mắt trẻ không hoặc ít phát triển thì trẻ sẽ bị viễn thị. Viễn thị thường gặp ở tuổi bắt đầu vào học cấp 1.

3. Nhận biết trẻ bị viễn thị

Trẻ đọc sách hay nhìn gần, hay bị mỏi mắt, nhức mắt, nhức đầu, đôi khi, trẻ còn bị đỏ mắt nếu cố gắng nhìn lâu. Mắt có trẻ dần có khuynh hướng quay vào trong làm lé trong.

Nếu có các triệu chứng này, phụ huynh cần đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để chẩn đoán xác định. Có thể biết được độ viễn thị của trẻ bằng cách soi bóng đồng tử. Lưu ý, ở trẻ em chỉ có thể thực hiện soi bóng đồng tử sau khi đã nhỏ thuốc atropin vào mắt.

4. Viễn thị ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Trẻ có thể than mắt nhức mỏi, nhìn mờ do mắt luôn điều tiết, các cơ trong mắt luôn phải co kéo để thể thủy tinh phồng lên, làm tăng độ khúc xạ. Hậu quả của việc điều tiết là mắt luôn nhức mỏi khó chịu. Vì mắt trẻ thường xuyên điều tiết quá độ dẫn đến mất cân bằng giữa độ điều tiết và độ quy tụ nên mắt trẻ thường bị lác trong và trẻ có thể chỉ nhìn với một mắt. Kết quả là mắt bị nhược thị (không nhìn được rõ mặc dù đã được điều chỉnh kính viễn thị tối đa).

Nhược thị có thể xảy ra ở cả hai mắt hoặc ở một mắt, đặc biệt ở những mắt bị viễn thị nặng hơn. Nhược thị làm giảm chức năng thị giác 2 mắt như: Không nhìn thấy hình nổi, xác định khoảng cách vật không chính xác, ảnh hưởng đến cuộc sống sau này,... Tuy nhiên, viễn thị đơn thuần không gây ra tổn thương thoái hóa ở đáy mắt, chỉ những trường hợp viễn thị do nhãn cầu kém phát triển, viễn thị đi kèm với các rối loạn cấu trúc nhãn cầu khác (như ROP,...) thì mới có tổn thương đáy mắt.

5. Điều trị bệnh viễn thị ở trẻ em

Viễn thị nặng ở trẻ nhỏ
Phương pháp điều trị bệnh viễn thị chủ yếu là đeo kính

Trẻ bị viễn thị cần được khám khúc xạ để xác định chính xác độ viễn thị.

Phương pháp điều trị bệnh viễn thị chủ yếu là đeo kính. Việc đeo kính viễn thị cao cấp phải đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực nhằm làm giảm độ viễn thị. Trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác như: Vẽ tranh, tô màu, đọc truyện,... để làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh, giảm độ viễn thị (cận thị hóa viễn thị).

Với những trẻ bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực (bịt mắt lành tập mắt nhược thị, tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm hoặc máy tập thị giác 2 mắt,...). Phổ biến nhất là tập trên máy Synophtophore, máy kích thích hoàng điểm khi có nhược thị hoặc độ viễn thị cao. Ngay cả khi đã điều trị được khỏi nhưng nhược thị cũng cần tập luyện duy trì để tránh tái phát. Nếu độ viễn thị thấp, không kèm theo nhược thị thì việc điều trị chủ yếu là đeo kính viễn thị thường xuyên.

Khi được điều trị và tập luyện tích cực, viễn thị sẽ giảm dần, thị lực sẽ tăng dần, nhược thị được cải thiện. Bên cạnh đó, trẻ cần được điều trị chứng lác mắt (nếu có). Theo các chuyên gia, trẻ cần được theo dõi trong ít nhất 6 tháng/lần để điều chỉnh kính cho phù hợp.

Nhãn khoa của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là khoa chuyên về mắt và những bệnh liên quan đến mắt như: Đau mắt hột, viêm bờ mi, mỏi mắt, bong giác mạc, bệnh Eales, Glôcôm, bệnh võng mạc, cận thị, khiếm thị, cườm thuỷ tinh thể, lẹo, lé, lệch khúc xạ, loạn thị, rối loạn sắc giác, tăng nhãn áp,... Khoa có chức năng chăm sóc sức khỏe mắt và thị giác toàn diện cho trẻ em, người lớn và người già bao gồm kiểm tra tật khúc xạ, khám tổng quát, siêu âm chẩn đoán, điều trị bằng laser và phẫu thuật. Bên cạnh đó, nhãn khoa cũng có nhiệm vụ phối hợp với các khoa lâm sàng khác trong việc điều trị các biến chứng bệnh lý và tổn thương về mắt do tai nạn.

Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

21.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan