Triệu chứng khi trẻ em bị viêm loét dạ dày - Hướng dẫn chế độ ăn cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có kinh nghiệm gần 10 năm là bác sĩ nội trú và bác sĩ điều trị.

Viêm loét dạ dày - tá tràng không phải là bệnh lý nhi khoa phổ biến, tuy nhiên hiện nay ngày càng có nhiều trẻ em bị viêm loét dạ dày do chế độ ăn uống, sinh hoạt không khoa học.

1. Nguyên nhân gây viêm loét dạ dày ở trẻ em

Viêm dạ dày và bệnh lý loét đường tiêu hóa có thể được chia thành hai nhóm tiên phát và thứ phát. Hầu hết viêm dạ dày nguyên phát được biết do nhiễm helicobacter pylori (HP).

Viêm loét dạ dày thứ phát có thể ở dạ dày hay tá tràng và do các bệnh nguyên như: Stress thuốc (aspirin, kháng viêm không steroids, corticoides,...), choáng, suy thận, nhiễm trùng,... Helicobacter pylori là xoắn khuẩn có roi gram-âm, tìm thấy trong và bên dưới lớp niêm của thượng bì dạ dày.

Bệnh viêm loét dạ dày trẻ em thường xảy ra ở các nước đang phát triển và có mối liên quan với tình trạng kinh tế xã hội thấp, nguồn nước bị ô nhiễm, văn hóa thấp, tập quán nhai cơm, cho trẻ ăn cơm sớm (trước 2 tuổi), mớm cơm cho trẻ đều dẫn đến lây truyền giữa các thành viên trong gia đình.

2. Triệu chứng viêm loét dạ dày ở trẻ em

Triệu chứng lâm sàng của bệnh biểu hiện với hai tình huống gồm các biến chứng hay triệu chứng tiêu hóa:

  • Biểu hiện biến chứng: Xuất huyết tiêu hóa với ói máu hay tiêu phân đen; hẹp môn vị với ói tái diễn, đôi khi ói máu hoặc thủng. Xuất huyết tiêu hóa có thể gây thiếu máu. Có thể biểu hiện suy dinh dưỡng.
  • Triệu chứng tiêu hóa: Đau bụng tái diễn và nôn ói, đau vùng thượng vị hay quanh rốn, đau sau ăn, đau nửa đêm. Đau bụng là triệu chứng hay gặp nhất ở trẻ. Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn. Ở trẻ lớn, đau bụng vùng thượng vị thường giống như người lớn, đau lâm râm, âm ỉ, đôi khi có cảm giác bỏng rát ở thượng vị.
Trẻ em bị đau dạ dày
Bệnh nhi có thể thường xuyên bị đau bụng, đặc biệt là vùng thượng vị

3. Chế độ ăn cho trẻ bị viêm loét dạ dày

  • Đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ: Vitamin, vi chất, muối khoáng theo độ tuổi, cân nặng.
  • Chia nhỏ bữa ăn để giảm gánh nặng tiêu hoá ở dạ dày, ăn thức ăn nấu nhuyễn nghiền nát.
  • Trong bữa ăn, không vừa ăn vừa uống nhất là sử dụng đồ uống có ga.
  • Sử dụng nguồn protein từ thịt (nạc vai lợn, lườn gà), trứng (hấp, dạng kem caramen, súp), sữa.
  • Hạn chế các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày: Các loại lạp xưởng, xúc xích; thức ăn cứng dai, nhiều xơ sợi, thịt có gân, sụn, rau sống, rau quả nhiều chất xơ; thức ăn chua, dưa cà, hành muối, hoa quả chua,...
  • Sử dụng nguồn vitamin từ rau củ (khoai tây, khoai lang nhiều beta-caroten và vitamin C).
  • Không cho trẻ ăn cơm quá sớm.
  • Trẻ còn nhỏ nên cho bú sữa mẹ, cho trẻ bú nhiều lần. Đối với trẻ lớn không nên chỉ ăn cơm với canh vì như vậy trẻ không chịu nhai mà chỉ nuốt chửng gây nặng gánh cho dạ dày.
Chế độ ăn cho người bị dạ dày
Bệnh nhi bị viêm loét dạ dày cần có chế độ ăn uống hợp lý

4. Phòng bệnh

Khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao vừa sức để cơ thể có sức đề kháng với bệnh tật. Hạn chế cho trẻ chơi điện tử hay xem ti vi, máy tính quá nhiều. Ăn nhiều rau quả loại không ảnh hưởng đến dạ dày, đủ chất dinh dưỡng, tránh thức khuya, ngủ đủ 8 - 10 giờ/ngày. Trò chuyện, gần gũi khi trẻ bị căng thẳng trong học tập. Đặc biệt, không mớm cơm cho con nhỏ để tránh lây nhiễm HP. Nếu trẻ có dấu hiệu đau bụng kéo dài hoặc đau bụng dữ dội phải đi khám ngay để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

41.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan