Vì sao dễ bị tiêu chảy khi hóa - xạ trị ung thư?

Khi một người đang chữa ung thư, họ có thể bị tiêu chảy vì một số lý do khác nhau. Thông thường, đó là tác dụng phụ của các phương pháp điều trị, chẳng hạn như hóa trị hoặc xạ trị. Lúc này, tình trạng tiêu chảy là khi đi ngoài ra phân lỏng, nhiều nước và hơn một lần đi tiêu mỗi ngày so với bình thường thì cần phải báo với bác sĩ để được kiểm soát kịp thời.

1. Bị tiêu chảy khi chữa ung thư

Theo định nghĩa chung, tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc nước nhiều lần trong ngày, có hoặc không kèm theo cảm giác khó chịu vùng bụng. Tình trạng này có thể xảy ra khi nước trong lòng ruột không được hấp thụ trở lại cơ thể vì một số lý do.

Ở người bệnh đang chữa ung thư, có nhiều nguyên nhân và cách thức điều trị có thể gây tiêu chảy, một số có liên quan đến ung thư và một số do các vấn đề sức khỏe khác chồng lấp. Theo đó, những nguyên nhân phổ biến gây ra tiêu chảy trên các đối tượng bệnh nhân này có thể bao gồm hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch, xạ trị vùng bụng chậu và một số loại thuốc nhất định. Đôi khi, có một số loại và vị trí của khối u cũng có thể tự thân gây tiêu chảy.

Mặt khác, tiêu chảy cũng có thể do những thức ăn người bệnh tiêu thụ nhưng không dung nạp được, chẳng hạn như đồ ăn nhiều đường, cay, béo hoặc chiên xào với nhiều dầu mỡ. Ngoài ra, các vấn đề khác có thể gây tiêu chảy là do nhiễm trùng, phẫu trị hoặc dùng các loại thực phẩm bổ sung dạng lỏng cô đặc với nồng độ cao các vitamin, khoáng chất, đường và chất điện giải.

Trong tình trạng tiêu chảy có liên quan đến chữa ung thư nói riêng, tùy thuộc vào loại điều trị được đưa ra, tiêu chảy có thể bắt đầu xuất hiện trong vòng vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần sau khi được hóa trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp miễn dịch. Ngay cả xạ trị cũng có thể gây tiêu chảy sau một khoảng thời gian nhất định. Đồng thời, nếu tiêu chảy liên quan đến chữa ung thư thì có thể kéo dài đến vài tuần hoặc vài tháng sau khi các liệu pháp điều trị đã kết thúc.

Xạ trị
Xạ trị có thể gây ra một số vấn đề về đường tiêu hóa như tiêu chảy

Đối với phẫu trị ung thư trong dạ dày hoặc đường ruột, một số bệnh nhân có thể bị tiêu chảy ngay trong thời gian hậu phẫu. Điều này có thể là do chiều dài hệ tiêu hóa đã bị cắt bỏ, rút ngắn quãng đường hấp thụ các chất và nước trong dịch thức ăn. Bên cạnh đó, phẫu thuật cũng gây nhạy cảm với thức ăn ngọt hoặc nhiều carbohydrate, các loại thức ăn có nhiều hơi và đồ uống có ga.

Cuối cùng, hệ thống miễn dịch suy yếu do điều trị ung thư cũng có thể gây ra nguy cơ nhiễm trùng cao hơn cho người bệnh và có thể gây tiêu chảy.

Cho dù nguyên nhân tiêu chảy là gì, đối với người đang chữa ung thư, tình trạng tiêu chảy không được điều trị hoặc không kiểm soát tốt có thể dẫn đến mất nước và suy dinh dưỡng. Người bệnh mau chóng suy kiệt hơn người bình thường, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong.

2.Tiêu chảy và hóa trị

Bản thân hóa trị, bên cạnh vai trò chữa ung thư, đem lại rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Vì mỗi cơ thể người là khác nhau, biểu hiện của những phản ứng xấu sau hóa trị để chữa ung thư cũng khác nhau, có thể nặng, nhẹ hoặc may mắn không có triệu chứng gì.

Đối với tác động trên đường ruột, hóa trị có thể làm hỏng các tế bào lót trên niêm mạc ruột. Hệ quả là có thể gây ra tiêu chảy với biểu hiện tiêu phân lỏng hoặc nước kéo dài. Chính vì thế, người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu đã bị tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ, nếu đi ngoài phân lỏng hơn 6 lần mỗi ngày trong khoảng thời gian 48 giờ và/hoặc nếu bị đau bụng và chuột rút kèm theo tiêu chảy. Điều quan trọng là người bệnh cần nhanh chóng biết cách thay thế nước và chất dinh dưỡng đã mất đi do tiêu chảy. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ cần kê đơn thuốc để kiểm soát các triệu chứng bất lợi. Nếu các triệu chứng vẫn còn, người bệnh có thể cần bù dịch qua đường tĩnh mạch. Việc dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào cho bệnh tiêu chảy mà không báo với bác sĩ khi đang hóa trị liệu là điều tuyệt đối cần nên tránh.

Hóa trị
Hóa trị có tác dụng chữa bệnh nhưng có thể gây ra tác dụng phụ

3. Tiêu chảy và xạ trị

Bản thân tiêu chảy cũng là một triệu chứng có liên quan đến bệnh lý ung thư, có thể gặp ở những bệnh nhân có khối u carcinoid, khối u trên đường tiêu hóa và khối u sản xuất hormone. Đồng thời, nếu bệnh nhân đang được thực hiện xạ trị liều cao và/hoặc bệnh nhân được xạ trị vùng bụng và vùng chậu sẽ càng có nguy cơ dễ bị tiêu chảy hơn những bệnh nhân cùng chữa ung thư tại các vị trí khác.

Thực vậy, tiêu chảy do hóa trị được nhận thấy là tác dụng phụ thường xuyên nhất khi thực hiện chiếu xạ vào vùng bụng và vùng chậu. Cơ chế là do xạ trị vào vùng bụng chậu có thể làm tổn thương niêm mạc trực tràng, gây viêm và sưng phù nề. Tình trạng này còn được gọi là viêm ruột do xạ trị cấp tính, có thể gặp ở 70% bệnh nhân với một loạt các triệu chứng từ mức độ nhẹ đến nặng, bao gồm tiêu lỏng toàn nước cho đến tiêu ra chất nhầy hay ra máu trong các chuyển động ruột.

Mặt khác, tiêu chảy cũng có thể là tác dụng phụ khởi phát muộn, biểu hiện là viêm ruột mãn tính, có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị, tùy thuộc vào liều lượng chiếu xạ và các yếu tố cơ địa của bệnh nhân

4. Làm gì khi bị tiêu chảy khi hóa - xạ trị chữa ung thư?

Hóa trịxạ trị vùng bụng là một trong các lý do tại sao những người đang điều trị ung thư có thể bị tiêu chảy, được định nghĩa là hai hoặc nhiều lần tiêu phân lỏng trong ngày. Như với bất kỳ tác dụng phụ nào của quá trình chữa ung thư, người bệnh cần liên lạc với bác sĩ nếu tình trạng này có khuynh hướng nặng nề và khó kiểm soát.

Tuy nhiên, bản thân người bệnh cũng có thể thực hiện được nhiều điều sau đây nhằm giúp kiểm soát tình hình tiêu chảy tốt hơn:

Khám bệnh
Bác sĩ sẽ có những lời khuyên cho người bệnh khi bị tiêu chảy khi hóa - xạ trị chữa ung thư

4.1 Thay đổi chế độ ăn uống thường ngày:

Nhiều loại thực phẩm có thể tốt cho cơ thể mà không có nguy cơ gây tiêu chảy nên là một số gợi ý để đưa ra những lựa chọn lành mạnh:

  • Nên chọn thực phẩm giàu protein như trứng nấu chín kỹ, thịt nạc, cá, thịt gia cầm, bơ đậu phộng hoặc các họ đậu thay vì thực phẩm chiên xào hoặc béo như xúc xích, thịt xông khói, gà viên, hải sản chiên hoặc pizza.
  • Nên chọn sữa tách béo hoặc ít béo, sữa chua hoặc pho mát, sử dụng các sản phẩm từ sữa không chứa lactose nếu không dung nạp được lactose thay vì sữa hoặc pho mát nguyên kem thông thường.
  • Nên chọn rau củ nấu chín chẳng hạn như cà rốt, đậu xanh hoặc nấm thay vì rau ăn sống, đặc biệt là những loại có vỏ dày, hạt hoặc sợi dai như bông cải xanh.
  • Nên chọn trái cây tươi không có vỏ hoặc trái cây đóng hộp như táo thay vì trái cây khô.
  • Nên chọn các món tráng miệng ít chất béo và lactose, chẳng hạn như kem trái cây hoặc bánh quy giòn thay vì kem nhiều chất béo hoặc bất kỳ loại kẹo ngọt, kẹo cao su hoặc kẹo bạc hà nào có chứa sorbitol, mannitol hoặc xylitol.

4.2 Tiêu thụ đủ nước:

Uống nhiều nước là điều quan trọng cần làm nếu bị tiêu chảy.

Để tránh mất nước, hãy thử nhiều loại đồ uống khác nhau để tăng thể tích dung nạp. Tốt nhất là nên dùng các thức uống cung cấp thêm chất điện giải — muối của cơ thể, nhằm giúp nồng độ của môi trường trong cơ thể ở trạng thái cân bằng để các tế bào hoạt động bình thường.

Mẹ nên uống nhiều nước để tăng tiết sữa
Uống nước nhiều sẽ giúp cải thiện tình trạng tiêu chảy

4.3 Dùng thuốc trị tiêu chảy:

Nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ về lựa chọn thuốc điều trị tốt nhất cho chính bản thân mình khi bị tiêu chảy. Thuốc không kê đơn được khuyên dùng nhiều nhất cho tình trạng tiêu chảy là loperamide (Imodium và những loại khác tương tự). Nếu cần thêm một loại khác, nên hỏi bác sĩ liệu thuốc có phù hợp hay không.

Bởi lẽ, tình trạng tiêu chảy, là một trong các tác dụng phụ khác nhau ở mỗi người. Bác sĩ tùy vào tình trạng có thể cần kê các loại thuốc mạnh hơn như diphenoxylate và atropine. Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thuốc khác, những loại này có thể tương tác với các loại thuốc có thể đang dùng để chữa ung thư, chẳng hạn như thuốc giảm đau có gốc opiate. Theo đó, ý kiến chuyên môn của bác sĩ là vô cùng quan trọng.

Tóm lại, tiêu chảy khi hóa trị hay xạ trị có thể có mức độ nặng hoặc kéo dài, khiến cơ thể không hấp thụ đủ nước và chất dinh dưỡng. Điều này làm cho người bệnh đang chữa ung thư bị mất nước và càng thêm suy dinh dưỡng. Chính vì thế, song song với các phương pháp điều trị ung thư, việc quản lý các tác dụng phụ cũng cần chú trọng, giúp nâng cao hiệu quả chữa bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan