Viêm ổ răng khô chữa thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm ổ răng khô (hay viêm xương ổ răng) là biến chứng thường gặp sau khi nhổ răng. Xử lý viêm ổ răng khô chủ yếu là giảm triệu chứng đau bằng các biện pháp như rửa sạch ổ răng, dùng thuốc kháng viêm, giảm đau và chăm sóc tại nhà.

1. Viêm ổ răng khô là bệnh gì?

Viêm ổ răng khô (hay viêm xương ổ răng) là tình trạng đau thường gặp sau khi nhổ răng vĩnh viễn. Viêm ổ răng khô xảy ra khi cục máu đông tại vị trí nhổ răng không phát triển, hoặc nó biến dạng hoặc tan biến trước khi vết thương đã lành.

Thông thường, sau khi bạn nhổ răng, ngay tại vị trí hốc răng rỗng sẽ hình thành cục máu đông theo cơ chế đông máu tự nhiên để bảo vệ các xương cơ, mô và các dây thần kinh bên dưới. Cục máu đông còn đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của xương mới và sự hình thành mô mềm trên cục máu đông. Trong trường hợp bị viêm xương ổ răng, cục máu đông sẽ không thể hình thành tại vị trí vừa nhổ răng. Tình trạng này có thể dẫn đến nhiễm trùng, tiếp xúc với xương và dây thần kinh bên dưới hốc răng, dẫn đến những cơn đau dữ dội, liên tục trong 1 - 3 ngày hoặc hơn. Cảm giác đau không chỉ tập trung ở vùng răng được nhổ mà còn lan theo các dây thần kinh, tỏa ra dọc phần cạnh trên khuôn mặt. Hơn nữa, xương ổ răng bị viêm còn có thể là nơi chứa các mảnh vụn thức ăn lọt vào trong khi ăn, khiến cho cơn đau nhói càng thêm khó chịu.

Viêm ổ răng khô là biến chứng phổ biến nhất sau khi nhổ răng, chẳng hạn như khi nhổ răng khôn. Trông hầu hết các trường hợp, nếu chỉ dùng thuốc giảm đau không kê đơn sẽ không đủ để điều trị đau gây ra do viêm ổ răng khô. Nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng có thể cung cấp phương pháp điều trị bổ sung để giải quyết cơn đau dữ dội của bệnh nhân.

2. Chẩn đoán viêm ổ răng khô

Thông thường, nếu sau khi nhổ răng, bệnh nhân cảm thấy đau dữ dội là dấu hiệu đủ để nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng nghi ngờ có viêm ổ răng khô. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể hỏi thêm về một số triệu chứng khác và kiểm tra miệng của bệnh nhân để tìm cục máu đông trong hốc răng hoặc kiểm tra xem bệnh nhân có bị lộ xương không.

Đôi khi, bác sĩ có thể thực hiện chụp X-quang miệng và răng để loại trừ những tình trạng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng xương (viêm tủy xương) hoặc các mảnh nhỏ của xương còn sót lại trong vết thương sau khi nhổ răng.

Chẩn đoán viêm ổ răng khô
Chẩn đoán viêm ổ răng khô thông qua hình ảnh chụp X-quang răng

3. Xử lý viêm ổ răng khô

Điều trị viêm xương ổ răng khô chủ yếu là làm giảm các triệu chứng, đặc biệt là triệu chứng đau. Các biện pháp xử lý viêm ổ răng khô bao gồm:

  • Rửa sạch ổ răng: Rửa sạch ổ răng nhằm loại bỏ các hạt thức ăn hoặc mảnh vụn nằm trong ổ răng. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra đau và nhiễm trùng;
  • Băng vết thương răng: Lấp ổ răng đau với gel thuốc, hồ dán hoặc một vật liệu băng bó nào đó. Đây là cách giảm đau viêm xương ổ răng tương đối nhanh. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và các triệu chứng khác, bác sĩ sẽ quyết định xem bệnh nhân có cần băng vết thương răng hay không, số lần băng và biện pháp điều trị bổ sung khác;
  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ sẽ lựa chọn một loại thuốc giảm đau phù hợp nhất cho tình huống của bệnh nhân. Đó có thể là một loại thuốc giảm đau theo toa hoặc không theo toa;
  • Tự chăm sóc tại nhà: Sau khi băng được tháo ra, bạn cần phải thường xuyên vệ sinh ổ răng tại nhà để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn và tạo điều kiện để viêm ổ răng khô mau chóng lành lại. Ngoài ra, bạn có thể được hướng dẫn chi tiết và được cấp một ống tiêm bằng nhựa có đầu cong để lấy và phun nước để rửa khu vực viêm xương ổ răng (có thể dùng nước thường, nước muối hoặc dung dịch rửa theo toa bác sĩ). Bệnh nhân cần tiếp tục rửa cho đến khi ổ răng không còn bất kỳ mảnh vụn nào.

Khi đã bắt đầu điều trị, cảm giác đau thường sẽ giảm đi đáng kể. Triệu chứng đau và một số triệu chứng khác nếu có sẽ tiếp tục được cải thiện dần và có thể hết trong một vài ngày. Tuy nhiên, hãy tái khám theo lịch hẹn với nha sĩ để thay băng hoặc thực hiện một số kiểm tra cần thiết khác.

4. Biện pháp khắc phục viêm xương ổ răng tại nhà

Bệnh nhân hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình lành vết thương và giảm các triệu chứng khó chịu trong quá trình điều trị viêm ổ răng khô bằng những lời khuyên sau đây:

  • Dùng thuốc giảm đau đúng liều được kê toa;
  • Tránh hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm tương tự như thuốc lá;
  • Uống nhiều nước để giữ nước và tránh buồn nôn (liên quan đến tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau);
  • Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày;
  • Khi đánh răng, cần chú ý chỉ đánh nhẹ nhàng quanh khu vực bị viêm ổ răng khô;
  • Thận trọng khi ăn hoặc uống, tránh các loại đồ uống có ga, chất kích thích và tránh sử dụng ống hút (để tránh làm băng thuốc bị bong ra).
Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày
Súc miệng nhẹ nhàng bằng nước muối ấm nhiều lần trong ngày

5. Phòng ngừa viêm ổ răng khô sau khi nhổ răng

Thông thường sau khi nhổ răng, bạn sẽ nhận được một số lời khuyên của bác sĩ để đối phó với những triệu chứng xảy ra trong quá trình làm lành vết thương sau khi nhổ răng, đồng thời hướng dẫn cách chăm sóc vết thương. Chăm sóc ổ răng tại nhà đúng cách sau khi nhổ răng sẽ giúp rút ngắn quá trình lành và ngăn ngừa những tổn thương xảy ra như viêm xương ổ răng:

  • Hoạt động: Sau khi nhổ răng, hãy lên kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý trong ngày. Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ nha khoa về việc hạn chế các bài tập thể dục hoặc các môn thể thao quá nặng có thể dẫn đến bong cục máu đông trong ổ răng;
  • Giảm đau phù hợp: Chườm túi ướp lạnh bên ngoài má trong ngày đầu tiên sau khi nhổ răng và chườm túi làm ấm trong khoảng sau đó để làm giảm đau và sưng. Dùng thuốc giảm đau như đã được chỉ định trong toa và theo hướng dẫn sử dụng thuốc của nhân viên y tế;
  • Uống nước: Uống nhiều nước sau khi nhổ răng. Tránh đồ uống có cồn, thức uống chứa cafein, nước ngọt có ga và nước nóng. Tránh dùng ống hút vì hành động hút nước có thể khiến cục máu đông bị bong ra, dễ dẫn đến viêm xương ổ răng;
  • Ăn thực phẩm: Chỉ ăn những thực phẩm mềm, lỏng, chẳng hạn như sữa chua hoặc cháo, trong ngày đầu tiên sau nhổ răng. Khi thuốc gây tê chưa hết tác dụng, cần thận trọng khi ăn để tránh ăn phải thực phẩm quá nóng, quá lạnh hoặc cắn vào má trong khi đang ăn. Chỉ nên ăn các thực phẩm cứng, giòn khi vết thương đã tương đối lành. Tránh nhai thức ăn ở phía bên răng được nhổ;
  • Vệ sinh răng miệng: Sau khi nhổ răng, có thể nhẹ nhàng súc miệng và đánh răng, nhưng nên tránh vị trí nhổ răng trong 24 giờ đầu tiên. Sau 24 giờ, có thể nhẹ nhàng súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày trong vòng một tuần. Pha một nửa muỗng cà phê muối ăn trong khoảng 237 ml nước hoặc pha dung dịch vệ sinh răng miệng theo hướng dẫn của nha sĩ;
  • Tránh thuốc lá: Nếu có thói quen hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm liên quan đến thuốc lá, bạn nên hạn chế trong ít nhất 48 giờ sau khi nhổ răng. Sử dụng các chế phẩm từ thuốc lá có thể trì hoãn chữa lành vết thương và tăng nguy cơ xảy ra biến chứng.

Cảm giác đau, khó chịu là điều bình thường sau khi nhổ răng. Bạn có thể kiểm soát cơn đau bằng cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu cơn đau xảy ra liên tục không thuyên giảm thì rất có thể là dấu hiệu của viêm xương ổ răng, cần tái khám để xử lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan