Chỉ điểm sinh học trong chuyên khoa ung bướu

Bài viết được viết bởi ThS, BS. Đoàn Trung Hiệp, Trung tâm Xạ trị - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chỉ điểm sinh học trong chuyên khoa ung bướu dùng để chẩn đoán, theo dõi đáp ứng khối u với điều trị, góp phần theo dõi phát hiện tái phát sau điều trị. Tuy nhiên, chỉ điểm sinh học có độ nhạy thấp nếu dùng đơn thuần nên nó thường được dùng kết hợp với các liệu pháp sàng lọc khác để đảm bảo tính chính xác trong chẩn đoán ung thư.

Chỉ điểm khối u (hay gọi tắt là chỉ điểm u) là những phân tử protein trong máu, dịch cơ thể cung cấp thông tin cho chúng ta về sự có mặt tế bào u trong cơ thể. Chỉ điểm u được dùng chính trong chẩn đoán, theo dõi đáp ứng khối u với điều trị và góp phần theo dõi phát hiện tái phát sau điều trị. Trên những người không mắc ung thư, chỉ điểm u có thể đóng vai trò phát hiện sớm bệnh ung thư. Một chỉ điểm khối u lý tưởng cần có những đặc điểm như sau:

  • Có giá trị dự báo Dương tính và âm tính cao;
  • Chi phí xét nghiệm chấp nhận được, đơn giản, có giá trị tham chiếu bình thường rõ ràng;
  • Được cộng đồng chấp nhận;
  • Giá trị lâm sàng được đánh giá trong các nghiên cứu đủ tin cậy.

Chỉ điểm u được tổng hợp và bài xuất vào máu bởi các tế bào ác tính và cả những tế bào lành tính. Chỉ điểm u có thể biểu hiện trong máu, nước tiểu, dịch chế tiết cơ thể, trên bề mặt tế bào. Trong bài này, chúng ra chỉ đề cập đến chỉ điểm u trong máu, nước tiểu, chất dịch tiết cơ thể. Các chỉ điểm u trên bề mặt mô/ tế bào không được dùng trong sàng lọc ung thư.

1. Sử dụng chỉ điểm u trong sàng lọc/ chẩn đoán sớm bệnh ung thư

Sàng lọc là quá trình sử dụng các thăm dò y khoa để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm khi mà bệnh chưa gây ra triệu chứng lâm sàng.

Các chỉ điểm u trong máu, dịch cơ thể có thể dùng trong sàng lọc bệnh ung thư, có những ưu thế sau:

  • Dễ thực hiện, không gây tổn thương thực thể liên quan đến xét nghiệm cho bệnh nhân/khách hàng.
  • Thời gian trả kết quả nhanh (trong vòng 1-2 giờ).
  • Kết quả có tính định lượng tin cậy.
  • So với các biện pháp sàng lọc ung thư khác, chỉ điểm u có chi phí thấp hơn nhiều.

Tuy nhiên, chỉ điểm ung thư có nhược điểm đó là độ nhạy thấp nếu dùng đơn thuần (độ nhạy là khả năng phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm). Do vậy, hiện nay các chỉ điểm ung thư KHÔNG bao giờ được dùng đơn thuần để chẩn đoán sớm ung thư, nó PHẢI được dùng kết hợp nhau, kết hợp với những liệu pháp sàng lọc khác nhằm đảm bảo giá trị trong chẩn đoán sớm bệnh ung thư.

Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu về một số chỉ điểm ung thư hay dùng trong các gói khám sàng lọc bệnh ung thư.

2. CA125 và HE4 trong sàng lọc ung thư buồng trứng

CA125 đơn thuần có giá trị thấp trong sàng lọc ung thư buồng trứng, do đó Lokich đã phát triển công thức phối hợp 2 chỉ điểm u CA125 và HE4 để đánh giá nguy cơ ung thư buồng trứng có độ tin cậy cao hơn (Thang điểm ROMA- Risk of Ovarian Malignancy Algorithm), nếu thang điểm ROMA cao sẽ giúp các bác sĩ chỉ định thăm dò sâu hơn như nội soi ổ bụng, chụp cộng hưởng từ tiểu khung... để làm chẩn đoán.

Chỉ số bình thường: HE4≤140 pmol/l; CA125 ≤ 46UI/mL.

Khi bạn được xét nghiệm CA125, HE4, các kết quả có được lắp vào công thức tính điểm ROMA, nếu điểm ROMA <1.14 với phụ nữ còn kinh nguyệt là nguy cơ thấp, sàng lọc thường quy. ROMA < 2.99 với phụ nữ mãn kinh là nguy cơ thấp, sàng lọc thường quy. Nếu ROMA cao hơn sẽ coi là nguy cơ cao cần chuyển sang đánh giá bằng liệu pháp chuyên sâu hơn như chụp cộng hưởng từ tiểu khung, nội soi ổ bụng.

3. Bộ 6 chỉ điểm u trong sàng lọc ung thư phổi: CEA, CA153, SCC, CYFRA 21-1, NSE, ProGRP

Bộ 6 chỉ điểm u được dùng sẽ làm tăng giá trị dự báo ung thư phổi trên những cá nhân có nốt mờ phổi, hoặc nghiện thuốc lá nặng.

Chỉ số bình thường:

CEA, 5 ng/ml; CYFRA 21-1, 3.3 ng/ml; SCC, 2 ng/ml; CA15.3, 35 U/ml; NSE, 25 ng/ml; and ProGRP, 50 pg/ml.

3

Bộ 6 chỉ số đặc biệt có giá trị khi kết hợp đồng thời, đánh giá một nốt mờ phổi được phát hiện tình cờ để dự báo tính chất lành tính hay ác tính. Khi dùng riêng biệt, độ nhạy- tức là khả năng phát hiện bệnh thì mỗi chỉ điểm ung thư trong 6 chỉ điểm trên chỉ đạt từ 17% (ProGRP) đến 56% (CEA hoặc CYFRA21-1), tuy nhiên khi kết hợp lại thì khả năng phát hiện bệnh tăng lên rất cao 88.5%. Nếu chỉ số xét nghiệm có bất thường nhẹ, thì nên xét nghiệm lại sau 3-4 tuần để khẳng định giá trị của chỉ điểm ung thư đó. Với các chỉ điểm ung thư này khi nó tăng lên gấp 2-3 lần cả 6 chỉ điểm là có ý nghĩa lâm sàng.

4. Bộ combo 2 chỉ điểm u sàng lọc ung thư gan nguyên phát: AFP và PIVKA-II

Ung thư gan nguyên phát là một trong 3 ung thư hay gặp nhất tại Việt Nam, hàng năm có chục ngàn người mắc, chết do bệnh này. Những cá thể nhiễm virut viêm gan thì có 1/3 phát triển xơ gan trong vòng 20 năm, trong số xơ gan này mỗi năm có khoảng 2-4% tiến triển ung thư gan. Do đó, tỷ lệ ung thư gan sẽ tăng tích lũy hàng năm khá lớn. Tất cả khuyến cáo hiện tại từ Châu Âu và Mỹ đều thống nhất rằng những người bị viêm gan, xơ gan cần sàng lọc mỗi 6 tháng bằng xét nghiệm máu chỉ điểm ung thư gan và siêu âm gan.

AFP là chỉ điểm cổ điển, được dùng rộng rãi trong sàng lọc phát hiện sớm, tuy nhiên độ nhạy-khả năng chẩn đoán bệnh nếu dùng đơn lẻ rất thấp, khối u to thì tỷ lệ tăng AFP 40-60%, khối u nhỏ, giai đoạn sớm chỉ 10-20%. Do đó, PIVKA-II được đưa vào sử dụng giúp tăng độ nhạy, giá trị dự báo chẩn đoán trong sàng lọc, chẩn đoán, theo dõi sau điều trị. PIVKA-II tăng liên quan với kích thước khối u, mức độ xâm lấn mạch máu, di căn xa, tái phát. PIVKA II rất đặc hiệu cho ung thư gan nguyên phát, nó chỉ tăng trong ung thư, các bệnh lý lành tính như xơ gan, u gan lành tính chỉ điểm u này không tăng. Theo hướng dẫn chẩn đoán của Nhật Bản, chẩn đoán xác định ung thư gan khi có hình ảnh điển hình siêu âm u gan, AFP ≥200 ng/ml, PIVKA-II ≥ 45mAU/ml.

PIVKA

Nếu dùng chỉ AFP thì khả năng chẩn đoán chỉ đạt 60%, kết hợp cả AFP và PIVKA-II thì tỷ lệ tăng lên 92,5%.

5. CA15-3 trong ung thư vú

Chỉ điểm CA15-3 hay được dùng nhất trong lâm sàng ung thư vú. Tuy nhiên, thực tế là nó chỉ có độ nhạy 10% trong ung thư vú giai đoạn I, 20% giai đoạn II, 40% giai đoạn III và 75% giai đoạn IV. Do đó, chỉ dùng CA15-3 để sàng lọc ung thư vú sẽ là chưa đủ, sàng lọc ung thư vú hay dùng tự khám tuyến vú, khám tuyến vú lâm sàng, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú, chụp cộng hưởng từ tuyến vú. Có 5% người không có ung thư cũng bị tăng chỉ điểm u CA15-3, các nhà chuyên môn lưu ý răng CA15-3 tăng gấp 5-10 lần giá trị bình thường mới có ý nghĩa lâm sàng.

Chỉ điểm CA15-3 có giá trị bình thường <30-40U/ml. CEA <5 ng/ml. Khi chỉ điểm u tăng quá 25% cần lưu ý, để khẳng định giá trị xét nghiệm lần 2 làm lại sau 1 tháng. CEA kết hợp CA15-3 làm tăng độ nhạy không đáng kể trong ung thư vú.

6. Chỉ điểm ung thư CEA

Chỉ điểm CEA dùng trong chẩn đoán sớm, chẩn đoán phân biệt và theo dõi sau điều trị ung thư đại trực tràng với độ nhạy 46.5%, dùng thêm các chỉ điểm ung thư khác như CA19-9, CA72-4, CA125, Ferritin cũng chỉ tăng độ nhạy lên 50-60%, không nhiều ý nghĩa. Chỉ số bình thường của CEA <5ng/ml.

CEA kết hợp CA72-4 giúp tăng đáng kể độ nhạy trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng, cao hơn rất nhiều sự kết hợp CEA và CA19-9. CEA và CA72-4 cho độ nhạy trong chẩn đoán ung thư đại trực tràng 60.6%, cao nhất so với các sự kết hợp combo khác như CEA+CA19-9; CEA+CA125;...

7. Chỉ điểm ung thư CA19-9

CA19-9 hay được dùng trong chẩn đoán ung thư tụy, đường mật. Tuy nhiên trong sàng lọc, chỉ điểm này có độ nhạy rất hạn chế. Nếu bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng thì độ nhạy chẩn đoán lên đến 80%. Tuy nhiên độ đặc hiệu thấp, nó có thể tăng trong bệnh lý vàng da tắc mật. Nếu CA 19-9 tăng trên 37U/ml, kèm vàng da có bilirubin tăng >51mcmol/l, sụt cân thì bộ ba này có khả năng chẩn đoán ung thư tụy đúng đến 100%. Do vậy KHÔNG dùng CA 19-9 đơn độc để sàng lọc ung thư tụy, hãy dùng chỉ điểm u trong sự phối hợp triệu chứng lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh để đánh giá chẩn đoán khối u tụy, đường mật.

8. PSA sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến

PSA là kháng nguyên đặc hiệu tiền liệt tuyến, dùng trong sàng lọc, chẩn đoán, đánh giá đáp ứng của ung thư tiền liệt tuyến với điều trị. PSA là chỉ điểm ung thư khá nhạy được dùng trong sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến. Mặc dù ngưỡng PSA bình thường hiện nay PSA ≤4ng/ml, tuy nhiên vẫn có 20% số người có PSA 2.6-4 ng/ml được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến. Ngược lại, có nhiều trường hợp u phì đại lành tính cũng có PSA khá cao, có khi trên 10ng/ml hoặc hơn nữa. Do vậy hiện nay vùng “Bán dạ” kết quả xét nghiệm PSA 4.0-10 ng/ml còn rất nhiều tranh luận vì có đến 25% số này được chẩn đoán ung thư tiền liệt tuyến. Ngưỡng PSA ≥10 ng/ml là ngưỡng có chỉ định sinh thiết. Để bổ xung giá trị dự báo, hiện nay các bác sĩ dùng thêm nhiều chỉ số ví dụ như tỷ trọng PSA (lấy số PSA/thể tích tiền liệt tuyến), tốc độ tăng PSA theo thời gian, tỷ lệ PSA tự do (fPSA).

lệ PSA tự do (fPSA).

Tóm tắt

From Penn Medicine, Oncolink, Patient guide to tumor markers. Online published.
From Penn Medicine, Oncolink, Patient guide to tumor markers. Online published.

Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và sàng lọc ung thư công nghệ cao, bao gồm xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ thị sinh học phát hiện khối u sớm. Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (Ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến,....)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

435 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan